Học lại tiếng Việt từ một bức tranh

Học lại tiếng Việt từ một bức tranh
TP - Trong một lần lang thang ở một gallery trên khu phố cổ ở Hà Nội, vợ chồng bà Lệ Tân Sitek (Việt kiều Na uy) đã phát hiện ra một bức tranh “rất Việt”. Hành trình đi tìm chủ nhân của bức tranh đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời bà.
Học lại tiếng Việt từ một bức tranh ảnh 1
Bà Lệ Tân Sitek

Người họa sỹ đó đã thôi thúc bà viết. Từ một bài viết tiếng Việt đầu tiên còn nhiều lỗi chính tả, bà đã quyết tâm học lại tiếng mẹ đẻ và đến nay, bà đã kể lại câu chuyện đời mình bằng tiếng Việt, trong cuốn sách vừa ra mắt (Một mình trên đường - NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây,  tháng 3/2009).

Đi tìm người họa sỹ lập dị

Vốn mê sưu tập tranh, vợ chồng bà Lệ Tân Sitek ghé qua một số gallery tìm tranh mang về Olso, Na Uy trước khi rời Việt Nam. Ở gallery Nam Sơn hôm đó, chồng bà Lệ Tân lập tức bị hút hồn bởi bức Đánh dậm đang bày… dưới đất.

Ông bảo với vợ, bức tranh này có hồn Việt. Hỏi người chủ gallery, được biết tác giả là Bùi Nguyên Trường, nhưng hiện giờ ông ở đâu, làm gì thì không ai biết. Bởi lẽ người họa sỹ này không phải là hội viên hội mỹ thuật, cũng không học ở trường mỹ thuật chính qui.

Ba ngày cuối cùng ở Việt Nam, họ đã cố công đi tìm họa sỹ Trường. Lần mò mãi, cuối cùng, họ cũng tìm được nhà của ông ở tận Hải Phòng. Họ cũng được biết rằng, người họa sỹ này rất lập dị, không tiếp xúc với người lạ. Bà Lệ Tân ý tứ để chồng vào nói chuyện trước và Bùi Nguyên Trường đã đồng ý tiếp đón.

Kể từ sau lần gặp đó, bà Lệ Tân trở thành người sưu tập tranh của Bùi Nguyên Trường. Bà cũng đứng ra tổ chức triển lãm tranh cho ông tại thủ đô Hà Nội. Ngày khai trương, người yêu mỹ thuật ở Hải Phòng ra Hà Nội xem tranh rất đông vì người ta đã đồn đại nhiều, nhưng chưa ai được xem tranh của ông.

Học lại tiếng mẹ đẻ

Cuộc gặp Bùi Nguyên Trường vào năm 1993 thôi thúc bà viết  về ông. “Tìm người họa sỹ không danh tiếng” là bài viết bằng tiếng Việt đầu tiên của Lệ Tân được đăng trên báo Văn nghệ và Tạp chí Mỹ thuật Thời nay. Không ngờ bài viết của bà đã nhận được sự đồng cảm của nhiều độc giả. Tất nhiên, sau bài báo đó, Bùi Nguyên Trường không còn là họa sỹ vô danh.

Bà tiết lộ, khi viết xong bài này, bà đã phải nhờ người em gái sửa giúp nhiều lỗi chữ, lỗi câu vì gần 40 năm rồi, bà không có cơ hội nói và viết tiếng Việt. Lúc đầu, cách hành văn của bà vẫn bị ảnh hưởng bởi văn... tây vì Lệ Tân xa đất nước từ năm 16 tuổi, sang học tại Ba Lan và bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Ba Lan, lấy chồng người Ba Lan, rồi chuyển sang Na Uy sinh sống.

Bà Lệ Tân bắt đầu chú tâm đọc sách và viết tiếng Việt. Hàng tuần, bà viết thư cho người thân ở trong nước. Những nỗ lực này đã giúp bà ra mắt được tập sách “Sưu và tầm” (Nxb Mỹ thuật, 2003), tập hợp các bài viết lẻ về mỹ thuật, dẫu mỏng mảnh nhưng giàu tình cảm với quê hương, với tiếng mẹ đẻ.

Bà tự hào khoe: “Ngôn ngữ của tôi kể từ đó hồi phục dần, càng ngày tôi càng cảm thấy tự tin viết bài về kiến trúc và nghệ thuật và cũng được đăng khá nhiều”.

Một mình trên đường

Học lại tiếng Việt từ một bức tranh ảnh 2
Trang bìa cuốn sách vừa ra mắt Một mình trên đường

Tuổi thiếu thời của Lệ Tân là cả một quãng đời đầy sóng gió. Bố mẹ đều là người Việt Nam, nhưng bà được sinh ra tại Hồ Nam, Trung Quốc khi hai cụ thân sinh đi hoạt động cách mạng ở đó. Mãi tới năm 6 tuổi, bà mới được trở về quê hương.

Tưởng chừng đó sẽ là quãng thời gian êm đẹp được sống cùng cha mẹ, thế nhưng trong một lần về thăm quê cha ở Nghệ An, do chiến tranh bà bị kẹt lại ở đó với bà nội cùng những người họ hàng.

Phải tới 9 năm sau, bà mới ra được Hà Nội gặp lại mẹ. Chưa được bao lâu, bà lại phải chia tay mẹ sang Ba Lan học. Sang Ba Lan, được phân công học về ngành đóng tàu. Một người phụ nữ chân yếu tay mềm như Lệ Tân không phù hợp với công việc nặng nhọc này. Hơn thế, bà lại có xu hướng thích kiến trúc và đã  thi đỗ vào trường kiến trúc, nhưng thi trượt ngành đóng tàu. Điều này khiến bà bị Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan phê bình.

Làng quê Việt Nam cộng với những năm tháng gian khó ở quê nội luôn ám ảnh trong tâm thức của bà. Hơn 60 năm trôi qua, nhưng với bà, cảnh làng quê bên dòng sông Lam với tuổi ấu thơ ngày nào vẫn còn nguyên vẹn. 10 tháng qua, hễ xong công việc gia đình, bà lại cặm cụi viết và hoàn thành cuốn “Một mình trên đường”.

Nhân vật cô bé An trong truyện chính là hình ảnh Lệ Tân. Thông qua nhân vật này, bức tranh làng quê và những sinh hoạt đời thường của người dân như hình ảnh cả làng náo nức đón bộ đội về, hay các cuộc đấu tố địa chủ, những mâu thuẫn cũ - mới hiện lên rõ nét qua lối kể chuyện dung dị của Lệ Tân.

Sau “Một mình trên đường”, bà Lệ Tân Sitek dự định viết hai tập truyện ký nữa, kể tiếp về An với những năm tháng học tập, làm việc, lập nghiệp ở nước ngoài, với khó khăn, vất vả, nỗi buồn, với cả nụ cười và niềm hạnh phúc... Tất cả đều là những trải nghiệm không thể nào quên.

Bà bộc bạch: “Trước hết, tôi viết cho những người thân nhưng cũng cho cả những người tôi không quen biết. Và quan trọng hơn, tôi viết cho quê cha đất tổ, nơi đã tạo ra con người mình hôm nay.”

Kiến trúc sư Lệ Tân Sitek (tên thời con gái là Bùi Lý Lệ Tân) sinh năm 1939 tại Hồ Nam Trung Quốc, sáu năm sống ở Trung Quốc, mười năm ở Việt Nam, mười hai năm ở Ba Lan và từ năm 1967 định cư ở Na Uy.

Năm 1962 bà kết hôn và mang thêm họ của chồng là Sitek. Bà Lệ Tân Sitek tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Politechnika Gdanska - Ba Lan, đã có hơn bốn mươi năm làm nghề kiến trúc.  

MỚI - NÓNG