Hội Gióng, góc nhìn vật thể - phi vật thể

Hội Gióng năm 2010. Ảnh: Nguyễn Văn Huy
Hội Gióng năm 2010. Ảnh: Nguyễn Văn Huy
TP - Làm sao biến danh hiệu di sản thành lợi ích vật chất của cộng đồng là quan tâm của PGS.TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật VN. Để rộng đường dư luận, Tiền Phong đưa ý kiến của ông về viễn cảnh làng Phù Đổng nơi có hội Gióng mai này trở thành điểm du lịch hút khách.
Hội Gióng năm 2010. Ảnh: Nguyễn Văn Huy
Hội Gióng năm 2010. Ảnh: Nguyễn Văn Huy.

Hội Gióng xứng đáng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi thứ nhất, tầm ảnh hưởng của vị thần này là tầm quốc gia - một trong tứ bất tử, rất sâu sắc trong tâm trí người dân.

Về mặt cộng đồng, hội Gióng cũng là mẫu mực vì sự tham gia của đông đảo nhân dân. Họ tự hào, thực hiện các nghi thức một cách say mê và nghiêm chỉnh.

Thứ ba, có những diễn xướng dân gian cổ vẫn còn lại trong hội, phản ánh lịch sử tương đối lâu đời của văn hóa khu vực này, đất nước này. Hội Gióng xứng đáng là một trong những lễ hội xuất sắc của Việt Nam. Nhiều lễ hội đặc sắc, nhưng tầm ảnh hưởng không vượt qua cấp vùng.

Việc hội Gióng được UNESCO công nhận là một thách thức rất lớn với việc bảo tồn. Lâu nay chúng ta thấy tất cả các di sản được công nhận, mà chủ thể thực ra chưa được hưởng lợi gì cả. Tôi nghĩ vấn đề tiền nong không phải quan trọng nhất hiện nay, nhưng làm thế nào để “hậu di sản” được hiệu quả thì ta chưa nghĩ đến.

Ví dụ với quan họ, không biết tỉnh đến giờ này đã cam kết những gì và thực hiện đến đâu. Tất cả di sản của chúng ta đều dừng lại ở danh hiệu và chưa có những nghiên cứu tiếp tục để triển khai, phát huy các giá trị đó, biến nó thành giá trị kinh tế.

Luôn có hai quan điểm đối lập về bảo tồn. Quan điểm thứ nhất, ở ta nhiều người theo, tức là cố gắng giữ càng cổ bao nhiêu càng quý bấy nhiêu. Quan điểm thứ hai các nước phương Tây đang theo: Di sản phải gắn với phát triển du lịch, phải được khai thác, có giá trị kinh tế trong đời sống xã hội hiện đại.

Theo tôi, có những di sản ta có muốn bảo tồn nguyên bản cũng không thể. Ví dụ phong phú và cổ xưa như cồng chiêng Tây Nguyên, bây giờ cũng dần trở thành các tiết mục văn nghệ.

"Không gian làng Gióng có trở thành địa điểm du lịch thật sự hay không, cần có đầu tư, quy hoạch. Làng Gióng gần Hà Nội, rất thuận tiện cho việc tham quan. Nếu ta chỉ tập trung vào nghi thức lễ hội thì chưa đủ mạnh để nâng giá trị của di sản lên."

Với hội Gióng, theo tôi phải có sự kết hợp khéo léo giữa hai quan điểm. Ở Tây cũng có những lễ hội độc đáo đến mức không cần khách du lịch đến nữa, vì đã quá nhiều khách. Sắc lệnh của thành phố cấm tiệt tất cả những gì ngoại lai. Nhưng đa phần lại theo quan điểm: Cái cũ thế nào không quan trọng bằng cái việc nó sinh lợi gì cho cộng đồng, và lớp trẻ có thích hay không.

Cấu trúc lễ hội không chỉ là những cái phi vật thể mà nó là kết cấu rất hữu cơ với các vật thể - ví dụ không gian thiêng, hệ thống nghi trượng, nghi vật, đồ thờ, hoành phi, câu đối, hương án, kiệu võng, cờ quạt, chấp kích, bát bửu, dàn nhạc. Nếu những cái đó cọc cạch, trông nó không uy nghi… Vì vậy, nếu tách các yếu tố vật thể khỏi lễ hội thì lễ hội cũng không phát huy được giá trị.

Không gian làng Gióng có trở thành địa điểm du lịch thật sự hay không, cần có đầu tư, quy hoạch. Làng Gióng gần Hà Nội, rất thuận tiện cho việc tham quan. Nếu ta chỉ tập trung vào nghi thức lễ hội thì chưa đủ mạnh để nâng giá trị của di sản lên. Mà cần học các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc - tập trung xây dựng phương diện vật thể. Nếu sau khi có danh hiệu, anh tổ chức được năm đầu rầm rộ, anh rót tiền cho người ta xong, sang năm anh bỏ, thì danh hiệu không có tác dụng gì cho cuộc sống của cộng đồng.

Tôi nghĩ nếu Hà Nội có tiền thì nên đầu tư để xây dựng lại, ví dụ mặt tiền của làng, không gian trình diễn, hoặc có sản phẩm nào đó để ngày thường không có lễ hội nhưng du khách đến vẫn có thể tìm hiểu về ông Gióng, về lễ hội, về văn hóa của người Việt.

Một năm một lần lễ hội, giỏi lắm có 20 vạn du khách. Thu hoạch không đáng là bao. Mà du lịch ở Hà Nội quá thiếu địa điểm. Tất nhiên phải có nghiên cứu chứ không lại như chuyện trùng tu thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, thành cái lò gạch mới rất là gay. Còn về lễ hội, nếu làm tốt thêm được gì thì làm. Trang phục, quần áo, diễn xướng - tô gọt lại cho tinh hơn. Chỗ này không cần phịa thêm, nhưng phải phịa thêm ở phương diện vật thể thì nó mới trở thành sản phẩm du lịch quanh năm.

N.M.Hà (lược ghi)

MỚI - NÓNG