Hot boy nổi khùng

Lương Mạnh Hải vừa sản xuất vừa đóng vai chính trong Hotboy nổi loạn 2.
Lương Mạnh Hải vừa sản xuất vừa đóng vai chính trong Hotboy nổi loạn 2.
TP - Hẳn nhiều người đi xem Hot boy nổi loạn 2 với chút ấn tượng tốt đẹp sót lại từ phần 1 sáu năm trước từng đoạt Bông sen Bạc. Nhưng càng xem càng thấy nhạt dần. Kịch bản phần 2 cố tỏ ra kịch tính, nhưng nhiều chỗ gây cảm giác lên gân, thậm chí giả tạo. Các nhân vật mờ nhạt cốt làm nền tôn vai của Lương Mạnh Hải.  Rất tiếc, Hải không cứu được phim mà ngược lại.

Gương mặt thiếu góc cạnh và biểu cảm hạn chế (thường nhíu mày chu môi trong mọi trường hợp) của Hải không tải được vai Lam thiên về hành động. Bản thân vai này cũng đơn điệu, không phát triển và nói chung không lối thoát. Đến nỗi cuối cùng đạo diễn phải bố trí cho bỗng dưng bị chết- cũng là một cách sốc tinh thần khán giả lên sau cả bộ phim ít biến động.

Một cách chết khác, phũ phàng hơn (bị chôn sống) và cũng có liên quan đến diễn biến trước đó (Lam chống lại bọn bảo kê và bị trả thù) đã được đoàn phim quay, rồi không lựa chọn. Nhưng đã cắt thì cắt trọn. Đây tự nhiên Lam theo một thanh niên không quen biết vào rừng cao su rồi nhoằng phát chuyển sang cảnh kết. Tức không ai biết chuyện gì đã xảy ra với Lam nơi rừng cao su. Chỉ biết sau đó Lam tươm tất thơ thới về quê đoàn tụ gia đình.

Nhân vật Lam nói chung có vấn đề về não, chắc vì bị đánh đập nhiều quá?! Ở phần một, nhân vật này đã bộc lộ máu điên khi khăng khăng đổi người yêu lấy nghề đứng đường. Nhưng rồi lại không thèm làm nghề “chân chính” mà trấn lột của khách để rồi bị đánh cho tưởng chết. Phần 2 sống lại, mới lao đi tìm người yêu. Không tìm được, lại ra đường đứng, bất chấp nguy cơ bị trả thù. Luôn có cách để thoát khỏi bọn côn đồ nhưng cũng lại ngây thơ ngã vào bẫy trai lạ hết lần này lần khác. Tóm lại, trải qua nhiều cảnh huống sống còn, song Lam vẫn trơ trơ, không thèm rút ra bài học gì.

Điều đặc sắc là dù có lang bạt, bị quăng quật, đụng độ khắp nơi nhưng Lam không bao giờ bẩn hoặc rách quần áo nói gì đến xây xát. Lam đâm bọn côn đồ thành thương nhưng chúng luôn từ bỏ các cơ hội sát thương Lam, mà chỉ tìm cách cho Lam chết với cơ thể lành lặn. Chắc chúng muốn tránh cho Lam khỏi sẹo để nếu có sống lại còn tiếp tục làm nghề?!

Có lẽ vì sống bất cần, không sợ chết nên những luận điệu Lam đưa ra luôn được các nhân vật phụ tuân chỉ. Long yêu Lam đến nỗi bỏ cả nghề đứng đường. Vì Lam xác định rõ, đứng đường thì không yêu đứng đường. Nhưng khi gặp lại nhau sau 4 năm mất tích, Long tràn trề hy vọng thì Lam lại quăng ra điều kiện mới: Đã làm đứng đường thì muôn đời vẫn là đứng đường?! “Chuyên nghiệp” như Lam là cùng, nhưng khi Long quăng tiền ra mua, Lam vẫn thà chết không bán mình. Sau đó Lam hoàn toàn có thể bỏ đi, nhưng không. Hành động kiểu Chí Phèo ăn vạ đặt vào cảnh huống này khó thuyết phục được ai.

Gia đình Lam được thêm vào hẳn là cho có chứ Lam cũng không có vẻ muốn liên đới, trừ việc thỉnh thoảng gửi tiền về. Mẹ và em gái Lam luôn cam chịu cho ông bố dượng đánh đập mỗi khi say xỉn. Bà hàng xóm nhìn vào cảnh bạo lực gia đình nhàm chán ý chừng… phát ngấy mới đánh đuổi ông kia đi. Phải nói đây là hành động nghĩa hiệp chắc chỉ có trong phim Vũ Ngọc Đãng. Cho nên nếu nhất thiết phải làm phần 3, đạo diễn nên triển khai theo hướng Hàng xóm nổi loạn, có khi còn có cái để xem hơn.

Trong phim không thiếu chỗ vô lý. Đầu tiên phải kể đến màn Lam bị đánh thuốc mê vứt xuống cống. Bọn côn đồ mang theo bao tải nhưng phim chỉ chiếu cảnh Lam (chắc là) thoát khỏi bao tải rồi, hoặc bọn kia tiết kiệm nên chỉ thả Lam xuống rồi mang bao về. Cống nước chỉ xâm xấp quá đầu gối tí, nắp cống khá cao nhưng chỉ là nan sắt. Trong cống có vẻ không thiếu rác rến đủ dài để chọc qua khe nắp cống làm hiệu cầu cứu với bên trên. Nhưng Lam không thèm dùng cách vớ vẩn đấy, và thực tế đã thoát khỏi cống một cách dễ dàng. Bọn côn đồ xem ra chẳng thù hằn gì Lam mà chỉ muốn đố cậu làm sao thoát khỏi mê cung cống. Rồi đến lượt, Lam đố lại, cho vui?!

Để làm nổi bật tinh thần nghĩa hiệp của Lam, phim cho một thiếu niên 15 tuổi khỏe mạnh sáng sủa mới bị đói 2 ngày đã ra công viên tính bán thân. Cũng không nhất thiết phải chọn diễn viên đúng tuổi để đóng vai này nhưng đạo diễn đã chọn. Điều đáng nói là nhân vật trong cảnh huống đầy nhạy cảm này không tỏ ra sợ sệt hoặc chí ít cũng hồi hộp. Lần đầu bán mình mà cảm tưởng như… bán kẹo.

Vì sao Lam cứ bị ám ảnh bởi Khôi cũng có lý. Vì Hot boy 2 hồi cố một số cảnh trong phim 1 thì đúng là Khôi (Hồ Vĩnh Khoa đóng) chỉ xuất hiện trong tích tắc mà thần thái tốt hơn hẳn nhân vật chính cũng như hầu hết các nhân vật phụ trong phim kế tiếp. Hot boy 2 có vẻ cũng muốn “nổi loạn” như phim trước mà không nổi. Một điều có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của phim là dù được gắn mác 18+ nhưng toàn bộ cảnh nóng không hiểu sao bị cắt sạch.

Hot boy nổi loạn 2 không biết lấy thời điểm nào, nhưng chắc là thời chưa có internet. Muốn bán dâm (đồng tính), các nam thanh chỉ có cách đứng đường. Với bối cảnh toàn đầu đường xó chợ đồng thời các tuyến nhân vật giới hạn trong tầng lớp bình dân trở xuống, khâu biên kịch và dàn dựng hẳn được đơn giản hóa khá nhiều. Đồng nghĩa với việc làm cho phim 2 không có gì mới mẻ, trong khi kịch bản không hấp dẫn bằng phim trước. 

MỚI - NÓNG