Huỳnh Ngọc Trảng: Người đi tìm 'kho vàng' cho thành phố

TP - Nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian Nam bộ Huỳnh Ngọc Trảng được ví như người không tuổi, đam mê nghiên cứu quên ăn, quên ngủ. Ông nói: “Người ta ví văn hóa dân gian Nam bộ như một kho báu, nhưng nếu kho báu đó nằm ở đâu không ai biết thì báu đến mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì! Tôi chỉ là người đóng vai đi tìm chỗ người xưa cất giấu kho báu ấy và chỉ cho thế hệ hôm nay biết và gìn giữ, phát huy nó”. 
Huỳnh Ngọc Trảng: Người đi tìm 'kho vàng' cho thành phố ảnh 1 Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tự hào thuộc tên đến từng ngôi làng ở Nam bộ
   Ảnh: Trần Nguyên Anh
Văn hóa không thể nằm trên giấy 
Tôi biết nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng qua nhiều cuốn sưu tầm, khảo cứu về văn hóa dân gian Nam bộ đặc biệt là văn hóa Sài Gòn và phụ cận, nhưng có lẽ điểm thú vị nhất của ông chính là tài ăn nói, hát dân ca, hò vè. Ông có thể hát ru, ngâm thơ, hát chèo, cải lương, tuồng… vừa giới thiệu đến nét văn hóa nào, ông tự mình minh họa luôn. Có lần, khi giới thiệu về hát bội, ông lên sân khấu hát luôn một đoạn khiến giới biểu diễn hát bội phải vỗ tay tán thưởng. 
“Lý giải” về tài hoa của mình, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng bảo tôi: “Cái khó ló cái khôn, trong khó khăn lại hóa ra lợi thế. Số là chúng tôi nghiên cứu văn hóa dân gian từ những năm đất nước còn nghèo khó lạc hậu, lấy đâu ra máy ghi âm, lấy đâu ra máy quay phim? Thậm chí máy ảnh còn không có. Khi nghiên cứu về một làn điệu dân ca, một điệu ví, tôi chẳng còn cách nào khác là học thuộc lòng nó, ghi âm nó vào bụng mình mà đem về nhà. Cứ sau một lần đi nghiên cứu về một điệu lý, tôi lại biết hát về điệu lý ấy nhờ sự chỉ dạy của các nghệ nhân dân gian!”.  Ông mất mười lăm năm đạp xe đi khắp Sài Gòn để sưu tầm các câu hò điệu hát để in cuốn “Gia Định Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội”. Ông lục trong giá sách, cầm cuốn sách ra, nhún vai bảo tôi: “Khi cầm cuốn sách dày mấy trăm trang này, lòng tôi vẫn nhói đau. Chẳng còn mấy người Sài Gòn biết hò, biết hát, biết ngâm những câu mà tôi sưu tầm được trong sách này. Những nghệ nhân mà tôi đã gặp ghi chép, tổ chức ký âm đều đã qua đời”.  Đi “truyền bá” dân ca, hò lý
Mấy năm qua, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tham gia sáng lập điều hành và thực hiện nhiều dự án bảo tồn văn hóa dân gian tại TPHCM và vùng phụ cận. Ông thấy mình như trẻ lại khi gặp gỡ, nói chuyện về văn hóa dân gian cho các bạn trẻ. “Mỗi buổi nói chuyện, giới thiệu văn hóa dân gian của chúng tôi chỉ độ 3-40 người nghe, có thu vé để trang trải tiền thuê mặt bằng nhưng có khi thu không đủ bù chỉ. Có lúc chúng tôi tọa đàm trên sàn tập Yoga để tiết kiệm kinh phí. Tôi cố gắng vẽ ra, càng nhiều càng tốt, những dự án bảo tồn văn hóa cho các bạn trẻ thực hiện”. 
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng  sinh ở Quãng Ngãi, gốc Quảng Nam. Ông nói: “Làng tôi rất anh dũng, họ cực kỳ cực đoan trong chuyện yêu nước của họ, họ rất quyết liệt. Xã Sơn Mỹ của tôi từng xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai nổi tiếng, đang đêm cả nhà tôi gồng gánh mà chạy tìm nơi an toàn. Tôi vào Sài Gòn từ năm 1971, học Đại học Vạn Hạnh và nghiên cứu văn hóa dân gian”.  Năm 1976 chàng nghiên cứu trẻ được phân công về Tổ văn học dân gian ở Viện khoa học dân gian, nghiên cứu văn hóa Chăm, văn học dân gian Khơ Me, văn học dân gian người Việt. Năm 1985 anh  được chuyển qua Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Nhà nghiên cứu sống với quần chúng của mình theo đúng nghĩa cùng ăn, cùng làm, cùng sinh hoạt văn hóa dân gian: “Tôi nghiên cứu văn học Khơ Me, ra cuốn Truyện dân gian Khơ Me 2 tập, tôi nói tiếng Khơ Me như người Khơ Me. Lương mấy chục đồng, đạp xe khắp từ Sóc Trăng, Bạc Liêu”. Tôi gặp ông khi ông vừa dẫn đoàn sinh viên đi thực tế về đồ gốm tại các làng gốm. Ông đem về cả mớ gốm vỡ, bảo “Họ vứt đi, mà tôi lại mang về”.  “Nếu chúng ta có hũ vàng mà không ai biết nó được chôn ở đâu, thì vô nghĩa. Văn hóa dân gian Nam bộ cũng như một hũ vàng vậy, tôi đi tìm, chỉ cho thế hệ trẻ chỗ có hũ vàng.Nhưng văn hóa khác hũ vàng, vì vàng không đào được vẫn còn đó, di sản không phát huy được sẽ mai một, biến mất”.  Bùi ngùi, nhà nghiên cứu từng nhiều năm làm việc cùng nhà sử học Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng bảo: “Khi tôi viết sổ tay Hát Bội, tôi nhận ra ở thành phố hiện đại này, con người bằng cấp có thừa, có thể xem nhạc quốc tế, thậm chí giao hưởng, rock, jazz.., nhưng rất ít người đủ kiến thức để xem hát bội. Hát bội là gì? Nó hay ở chỗ nào? Ít người trả lời được. Người xưa có câu: Hữu tri, khả mộ. Có biết mới hâm mộ. Không biết hát bội thì làm sao thích hát bội? Cuối cùng, muốn bảo tồn văn hóa dân gian Nam Bộ, cần phải nâng cao dân trí”.  Nhà nghiên cứu đưa cho tôi xem một cuốn sách dày gần 500 trang, bảo: “Nhuận bút cuốn sách này là 12 triệu đồng, chia cho 4 tác giả. Tôi là người tổ chức cuốn sách, cũng nhận bằng phần của anh em khác. Sau rồi, tôi bỏ 4 triệu mua sách để tặng mọi người”.  Nhuận bút bèo bọt, không thể nào làm giàu từ việc nghiên cứu, song đến nay Huỳnh Ngọc Trảng đã làm khoảng 120 bộ phim, tham gia viết hơn 100 cuốn sách về văn hóa dân gian Nam Bộ. 

“Văn hóa Sài Gòn thay đổi liên tục, bởi thành phố nằm ngay ngã ba đường giao lưu với toàn khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới. Nhạc tài tử thoát ly khỏi nhạc truyền thống, nó như là một phong trào Pop Việt Nam thời đầu thế kỷ, kết hợp với kịch nói phương Tây mà thành cải lương. Nhạc Bolero cũng ra đời khi va chạm với văn hóa phương Tây, nó như là thứ nhạc Country của Việt Nam”.Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng



Giữ gìn bản sắc trong một thành phố hiện đại
Các vùng đất khác, mỗi nơi đều mang nét bản sắc rõ ràng, định hình ổn định, riêng Sài Gòn là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau, biến đổi không ngừng. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng phân tích: “Người Việt vào vùng này khai phá, văn hóa đem vào đây đa số là văn hóa Thuận Quảng, vì văn hóa Bắc không vào được, do Trịnh Nguyễn phân tranh. Người Việt và người Hoa, dị chủng mà đồng văn, có sự giao lưu từ lâu. Người Khơ Me, dị chủng, dị văn. Giao lưu với phương Tây rất mạnh mẽ từ nhiều thế kỷ rồi. Người Sài Gòn có phản ứng ngược, đó là nhu cầu bảo vệ truyền thống khi giao lưu với văn hóa Phương Tây”. 
Rất hào hứng, nhưng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cũng đúc kết: “Văn hóa Sài Gòn thay đổi liên tục, bởi thành phố nằm ngay ngã ba đường giao lưu với toàn khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới. Nhạc tài tử thoát ly khỏi nhạc truyền thống, nó như là một phong trào Pop Việt Nam thời đầu thế kỷ, kết hợp với kịch nói phương Tây mà thành cải lương. Nhạc Bolero cũng ra đời khi va chạm với văn hóa phương Tây, nó như là thứ nhạc Country của Việt Nam”. 
Không phải người gốc Sài Gòn nhưng cuộc đời và có lẽ cả tình cảm của ông cũng gần như trao hết cho mảnh đất nơi đây. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói: “Tôi có ước mơ làm sao in thật nhiều cuốn sách giới thiệu về văn hóa dân gian Nam bộ, phát không vào các trường học, vì các em nhỏ làm gì có nhiều tiền để mua sách. Chính các bạn trẻ mới là những người giữ gìn phát triển văn hóa dân gian Nam bộ, để văn hóa dân gian nơi đây không bị đứt gãy. Tôi rất mừng khi nhiều bạn đến dự các chương trình giới thiệu về di sản văn hóa dân gian, để học hát ru, học những cách nói thơ, hát những câu lý được in trong sách giáo khoa mà các bạn không biết đọc và hát chúng như thế nào!”.
  4/2019 
Huỳnh Ngọc Trảng: Người đi tìm 'kho vàng' cho thành phố ảnh 2 Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ấp ủ các dự án đưa văn hóa diễn xướng dân gian như hò, lý, hát ru… vào các trường học Ảnh: Trần Nguyên Anh 

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952, nguyên là nghiên cứu viên của Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh nay đã về hưu. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa – tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần… 

MỚI - NÓNG