Kể chuyện dựng ​ballet Kiều mùa​ đại dịch

Ballet Kiều do Tuyết Minh và Phúc Hùng đồng biên đạo
Ballet Kiều do Tuyết Minh và Phúc Hùng đồng biên đạo
Ballet Kiều của biên đạo Tuyết Minh và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM gây tiếng vang lớn sau 3 buổi diễn tại TPHCM. Lần đầu tiên Kiều được ballet hóa một cách trọn vẹn và thuyết phục. Vở diễn được dàn dựng đúng vào thời kỳ giãn cách do COVID-19 và e cũng sẽ chưa thể đến với khán giả Hà Nội trong tháng Tám này. Nhưng nhân thể, Tuyết Minh và ê-kip dựng thêm 15 phút để Kiều thêm hoàn thiện.
Kể chuyện dựng ​ballet Kiều mùa​ đại dịch ảnh 1

Biên đạo Tuyết Minh 

Vì sao chị chọn Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM để giao phó tác phẩm tâm huyết này?

Ở giai đoạn này tôi thấy ballet cổ điển kết hợp với ngôn ngữ dân tộc là cách hợp lý, sang trọng, thanh thoát nhất dành cho Kiều. Hầu hết các vở đều do tôi tìm được nguồn kinh phí, tài trợ để đặt hàng cho các nhà hát. Vở Kiều tôi sáng tác cho đợt vận động sáng tác kịch bản của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Sau khi được Hội đồng chấm giải và chọn đầu tư dàn dựng, năm ngoái tôi chọn Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM vì vở Kiều hệ thống nhân vật rất nhiều. Mà hầu như các nghệ sĩ giỏi đều tập trung phía Nam.

Khi động đến một biểu tượng văn hóa nghệ thuật lớn như Kiều, chị có thấy… run tay?

Tôi nghĩ mình phải vượt qua hình thức bên ngoài để chạm vào thông điệp bên trong. Ngôn ngữ múa có rất nhiều cách thể hiện khác nhau. Múa trên giày mũi cứng không cứ phải mặc váy xòe mà tôi muốn chứng minh rằng mặc tứ thân vẫn đẹp.

Kiệt tác của Nguyễn Du quá đồ sộ, hai tiếng đồng hồ không đã, không hết được, mà múa lại không tải được thơ. Mọi người cũng rất e ngại. Nhưng với Kiều tôi có ý tưởng từ lâu rồi. Tôi mất 4 năm sửa đi sửa lại kịch bản. Mỗi lần lại có cái nhìn rộng hơn. Cuối cùng tôi không đi vào kể chuyện, mà miêu tả những nhân vật điển hình tạo nên sự biến trong Kiều. Tư tưởng của Nguyễn Du sẽ hợp với múa. Sau khi xem vở, một số đạo diễn trong TPHCM cũng khen ballet Kiều đã chọn được ngôn ngữ, thủ pháp phù hợp, thể hiện được sự đồ sộ của nguyên tác chứ không làm nghèo đi. Nhiều khán giả viết những cảm nhận gửi cho ê-kip tôi rất xúc động.

Vở Kiều với bản thân tôi cũng là một sự thay đổi trong cách nhìn cuộc sống cũng như sự phát triển tâm linh. Với nghề, nó cũng là ở giai đoạn tôi chín chắn nên bước đầu tôi khá tự tin với vở. Nhưng sau đêm diễn 24/7, tôi cùng ê-kip vẫn quyết định dựng thêm hai trường đoạn nữa ở phần kết để vở diễn thêm hoàn thiện.

Vở dài quá liệu có gây khó cho diễn viên?

Hiện Kiều đang tiếng rưỡi, thêm 2 trường đoạn sẽ độ 1 tiếng 45 phút. Một vở múa ballet kinh điển kết cấu 2-3 hồi cũng dài tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Ballet với diễn viên bao giờ cũng là thử thách lớn. Ballet cổ điển bao giờ cũng có nhiều cảnh múa tập thể để solist được nghỉ. Nhưng Kiều không có các đoạn đó, mà chủ yếu xoay quanh nhân vật chính, nên phải nói Trần Hoàng Yến đã làm rất tốt.

Tầm vóc của Kiều hẳn cũng khiến các khâu sáng tạo khác trong tác phẩm phải cống hiến hết mình?

Đúng là mọi người đều rất đồng tâm khi tôi ngỏ lời mời. Mọi người đều không đặt nặng kinh phí mà đặt tâm huyết nghệ sĩ vào trong tác phẩm mà ai cũng nghĩ là có thể để đời. Căng nhất, khó nhất là phần thiết kế sân khấu của anh Dũng. Đầu tiên định thi công toàn bộ sân khấu trong TPHCM nhưng vì giãn cách không thể đi được. Anh em thiết kế phải làm tại xưởng ở Hà Nội. Mở cửa giãn cách một cái là đưa 3 chuyến xe sân khấu đạo cụ vào để kịp diễn ra mắt 20/6 - đúng một tháng sau khi hết chấm dứt giãn cách. Kiều trở thành vở diễn mở màn cho toàn ngành nghệ thuật biểu diễn sau COVID-19.

Người thứ hai cần phải nhắc đến là nhà thiết kết Đào Khánh Diệp. Chị đồng hành cùng tôi từ những năm 2002, 2003 khi tôi làm ballet Carmen, Don Quixote. Tất cả các vở múa của tôi đều có sự đóng góp của chị. Nhưng những vở kia không nặng vào việc phải thể hiện đôi chân vũ công trên sân khấu. Trang phục Việt Nam với chất liệu, màu sắc, hoa văn sẽ rất nặng với múa ballet, nên chị phải cách điệu, thử nghiệm nhiều lần trong hoàn cảnh không nhập được vải từ nước ngoài do giãn cách. Nên phải dùng voan và phun sơn, vẽ tay bằng màu nước.

Nhạc sĩ Chinh Ba ở Đà Nẵng là điểm nhấn, là người dẫn chuyện rất hiệu quả. Nói chung bọn tôi là người dựng mà cứ đến màn Bóng ma Đạm Tiên, Chinh Ba cất giọng giả thanh cao vút vẫn thấy rợn người. Khó tìm được giọng ca như thế. Chinh Ba lại đi theo dòng nhạc world-music kết hợp tốt với âm nhạc dân tộc vốn nhiều tính ngẫu hứng. Đặc biệt Chinh Ba “gặp” tôi ở chỗ đều nghiên cứu về tuồng nên toàn bộ những tính cách như Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, đoạn Gia biến Kiều vào lầu xanh… anh thể hiện theo đúng tiết tấu tuồng, bạo liệt, dẫn cảm xúc khán giả vào ngay. Như vậy mới ra chất sân khấu, nếu không thì nó lại chỉ đẹp và lãng mạn như các vở múa khác.

Chất thơ của của cụ Nguyễn Du thì phải nói Việt Anh là số một rồi. Bình thường kinh phí không thể đủ để mời anh đâu. Nhưng may mắn bố mẹ anh là những nghệ sĩ múa kỳ cựu, anh yêu nghề của bố mẹ nên mới tham gia. Anh đảm nhiệm toàn bộ những trường đoạn lớn, những khung cảnh đẹp như Kiều gặp Kim Trọng, gặp Từ Hải, Du xuân, Tảo mộ… Đặc biệt hai trường đoạn - hai lần Kiều gặp Đạm Tiên - nói lên thông điệp của vở.

Kinh nghiệm tôi rút ra qua các vở trước, nhiều người thì phong phú nhưng với tác phẩm lớn, yêu cầu cao thì phải lựa chọn ê-kip ít người mà thật xuất sắc để dễ gặp nhau về tư tưởng, dễ kết nối và đồng cảm.

Việc Nhà hát trong đó không có sàn tập cố định có ảnh hưởng đến chất lượng của vở?

Đoàn múa trong đấy khó khăn hơn các nghệ sĩ ngoài Bắc. Tôi đang quản lý tất cả các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc, thì với 12 nhà hát trực thuộc Bộ, sau COVID được hỗ trợ từ 8-10 buổi diễn bằng ngân sách của Bộ để ra đời những vở diễn. Nhưng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM lại trực thuộc thành phố Sở nên sự đầu tư phụ thuộc ngân sách địa phương.

Mỗi lần tôi vào, lại được chứng kiến mọi người phải chạy theo sàn tập. Thuê được chỗ tập nào (tiền thuê cũng tốn kém) thì lại phải khuân tất cả đạo cụ trang trí sân khấu sang bên đấy. Diễn viên ballet của Tây múa xong được giãn cơ, massage, diễn viên của mình múa xong phải khuân đạo cụ. Chưa kể lại tập chung với dàn nhạc, nên dàn nhạc tập xong lại phải dọn đồ vào, múa xong lại dọn ra… rất vất vả. Chưa hiểu vì sao Sở trong đấy chưa có tiếng nói mạnh mẽ để có một sàn tập cố định cho Nhà hát. Trong khi vũ công ballet đòi hỏi sàn tập gỗ lại còn phải trải thảm để bớt chấn thương.

Ballet Kiều hứa hẹn sẽ sớm trở thành “kinh điển”, tái diễn thường xuyên, hứa hẹn một thu nhập ổn định cho ê-kip sáng tạo?!

Theo phản hồi của mọi người, tôi thấy nó sẽ có tương lai. Nếu múa của Việt Nam mà đã có Kiều thì không những được khán giả trong nước ủng hộ mà tất cả những sự kiện ngoại giao, giao lưu quốc tế cũng có thể dùng đến. Cũng là sự đầu tư tốt, ưng ý của tôi với Nhà hát, tạo cho các nghệ sĩ trong đó có thêm nhiều lời mời bên ngoài để đời sống được cải thiện.

Và tất nhiên như thế toàn bộ ê-kip nghệ sĩ cũng có phần tác quyền. Nhưng những vở trong lịch biểu diễn bán vé của Nhà hát lại có quy định về cơ sở vật chất. Nhà hát TPHCM rất nhỏ chỉ có gần 400 ghế, trong khi chi phí cho Kiều khá tốn kém, cần thêm các màn trình chiếu, khói lạnh… Chưa kể, giá vé phải bán ở mức cân đối giữa tất cả các vở của Nhà hát. Nên mặc dù Kiều rất hot nhưng không thể đẩy lên 8 trăm 1 triệu một vé được.

Nếu ai đó gọi ballet Kiều là Hồ Thiên nga của Việt Nam thì chị nghĩ sao?

Hồ Thiên nga là của thế giới rồi, Việt Nam chỉ dựng dược các phiên bản phù hợp với mình thôi. Còn Kiều  là của mình. Nếu mình dựng hay có thể khi nào các nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam tập múa Kiều của mình thì sao (cười).

Kể chuyện dựng ​ballet Kiều mùa​ đại dịch ảnh 2

Một số cảnh trong ballet Kiều do các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM thể hiện. Ảnh: FBNV

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".