Kể lịch sử bằng linh vật Việt

Tượng sư tử trên ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo, sưu tập Cung đình triều Nguyễn tại trưng bày. Ảnh: Toan Toan.
Tượng sư tử trên ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo, sưu tập Cung đình triều Nguyễn tại trưng bày. Ảnh: Toan Toan.
TP - Trưng bày Linh vật Việt Nam khai mạc 28/10 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam giới thiệu 27 loại hình linh vật, góp thêm vào nỗ lực để người Việt hiểu hơn về vật linh của dân tộc.

Họp báo trước khai mạc, đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết chọn ra 27 loại hình linh vật trong số gần 100 hiện vật tiêu biểu lưu giữ tại đây. Ban tổ chức (BTC) rào đón, trưng bày này không phải bức tranh tổng thể về linh vật Việt, tuy vậy giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của linh vật Việt Nam.

Linh vật Việt xuất hiện đầu tiên chính là chim Lạc, vật tổ trong văn hóa Đông Sơn cách nay hơn 2.000 năm, cho đến những hiện vật thế kỷ 20. BTC chọn những loại hình từ quen thuộc như hình tượng rồng, kỳ lân, rùa, long mã, phượng, cá hóa rồng, sư tử-nghê cho đến linh vật kém phổ biến hơn với số đông như Bồ Lao, Thao Thiết. BTC còn dùng công nghệ trình chiếu tương tác 3D một số hiện vật đặc sắc không có điều kiện trưng bày.

Kèm theo hiện vật, những người thực hiện kể câu chuyện về lịch sử, quá trình tiếp biến của chúng. Chẳng hạn Bồ Lao theo truyền thuyết là động vật biển, thích âm thanh lớn nhưng rất sợ cá kình. Người xưa khi đúc chuông thường tạo quai hình bồ lao, dùi làm hình cá kình với hy vọng chuông vang xa. Ở Việt Nam, Bồ Lao thường được thể hiện dưới dạng hình rồng hai đầu.

>>Ngắm bảo vật vô giá trong sưu tập Linh vật Việt

Trước băn khoăn liệu đâu là căn cứ để xác định đó là linh vật Việt, lãnh đạo bảo tàng cho rằng, những linh vật này có thể do người Việt sáng tạo nên nhưng cũng rất nhiều linh vật do giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài. Trong sưu tập có đôi sư tử đá gác cổng, thường bị kỳ thị là du nhập Trung Quốc. Chuyên gia bảo tàng giải thích, sư tử xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, du nhập văn hóa Phật giáo mà minh chứng rõ ràng là đôi sư tử đá gác cổng tại chùa Phật Tích.

Đặc biệt, các chuyên gia sắp xếp linh vật tại bảo tàng đưa vào những bảo vật thuộc sưu tập ấn có núm hình rồng, kỳ lân, sư tử thuộc hàng quý hiếm triều Nguyễn bằng vàng: Tượng rồng trên ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo niên hiệu Thiệu Trị 7 (1847), hay tượng sư tử/lân trên ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh 5 (1709). Ngoài ra còn có bộ tượng 12 con giáp bằng ngọc thế kỷ 19-20, cũng thuộc sưu tập hiện vật Cung đình triều Nguyễn.

Một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ khó tính cho rằng, bảo tàng hoàn toàn có thể triển khai thêm nhiều hiện vật hơn, không đơn điệu, chỉ là hiện vật cũ sắp xếp lại thế này. Dẫu sao người chưa quan tâm lắm tới linh vật Việt dịp này có thể mở mang. Một số triển lãm trước đó chỉ gói gọn linh vật Việt ở hình tượng nghê.

MỚI - NÓNG