Keigo phá vỡ công thức trinh thám

Bìa các cuốn sách trinh thám của Keigo được dịch ở Việt Nam
Bìa các cuốn sách trinh thám của Keigo được dịch ở Việt Nam
TP - Có thời người ta không coi loại truyện trinh thám và truyện điều tra là văn chương. Một trong nhiều lý do là truyện trinh thám nào cũng theo công thức.

Nhà văn Higashino Keigo rất nổi tiếng ở Nhật và nhiều nước, nhưng mới được biết đến mấy năm nay ở Việt Nam, chủ yếu nhờ công của những người làm sách ở công ty Nhã Nam.

Có thời người ta không coi loại truyện trinh thám và truyện điều tra là văn chương. Một trong nhiều lý do là truyện trinh thám nào cũng theo công thức, kết cục bao giờ vụ án cũng được phá, tức là ta thắng địch thua, thiện thắng ác - một công thức bất di bất dịch. Chưa đọc đã biết vụ án này phức tạp rắc rối đến mấy thì cuối cùng cũng tìm ra thủ phạm. Thêm một lý do: vì mải miết đuổi theo cốt truyện, tác giả trinh thám thường lơ là phô diễn tâm lý nhân vật. Cũng vì chỉ nhằm đạt đến mục tiêu hấp dẫn, hiếm truyện trinh thám có thể mang chứa yếu tố lãng mạn trữ tình. Có những lãng mạn kiểu trinh thám Pháp hiện đại thì dở nọ dở kia, cuối cùng chẳng ra lãng mạn, cũng chẳng hấp dẫn. Trinh thám mà không hấp dẫn thì đâu còn lý do cho người ta đọc. 

Truyện trinh thám còn bị thành kiến là phải dùng xảo thuật động tác giả để đánh lừa người đọc, tức là phải nhờ đến kỹ thuật quá nhiều. Nhưng suy cho cùng văn chương là phải kỹ thuật, càng làm chủ được kỹ thuật và làm chủ ngôn ngữ thì mới càng điều khiển được trang viết của mình ở mức độ bậc thầy. Ở chỗ này, truyện trinh thám nói chung phải chịu một quy luật khắc nghiệt: sự vỡ lòng về kỹ thuật chắc chắn sẽ chỉ cho ra những tác phẩm nhạt nhẽo lộ liễu ngay từ đầu. 

Kiểu truyện li kỳ của Higashino Keigo, người ta thấy rất khác sách trinh thám thông thường.

Trước hết là hai cuốn truyện li kỳ 

xuất sắc: 

Bí mật của Naoko (Uyên Thiểm dịch, NXB Thời Đại, 2011): một câu chuyện rất lạ, được phát triển độc đáo, rồi kết thúc vừa bất ngờ vừa hợp logic. Một người đàn ông có vợ con bị tai nạn, người vợ chết, nhưng linh hồn vẫn sống nhờ trong thân thể đứa con gái nhỏ. Như vậy đứa con gái có lúc là con, nhưng có lúc lại là người vợ. Tác giả xử lý cao tay đến mức câu chuyện luôn có nguy cơ gây phản cảm vì đến gần yếu tố loạn luân lại trở thành một tác phẩm lãng mạn, huyền ảo mà cũng rất hiện thực.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya (Phương Nam dịch, NXB Hội Nhà văn 2016): hiếm khi có một màn biểu diễn kỹ thuật ghép mảnh phức tạp mà tuyệt diệu như vậy. Các tuyến nhân vật, các mảng truyện được cắt xẻ, được phân chia ra rồi được lắp ghép trở lại. Kỹ thuật văn chương thuần thục đến mức không làm hỏng cảm xúc, trái lại được tính toán điêu luyện để có thể huy động cảm xúc của người đọc ở mức độ cao.   

Ở mảng truyện trinh thám, đây là những cuốn gây ấn tượng: Bạch dạ hành (Diệu Thư dịch, NXB Thời Đại, 2014): những mảnh ghép tưởng là rời rạc, nhiều tuyến nhân vật, cuối cùng nhập chung vào dòng chảy chính. Kết cuộc ta không thắng địch không thua: thủ phạm rõ ràng ra đấy mà các thám tử và thanh tra chịu bó tay. Bằng chứng không có ý nghĩa pháp lý, còn nhân chứng thì cũng bị xóa sạch. 

Phía sau nghi can X (Trương Thùy Lan dịch, NXB Hội Nhà văn, 2015): thiên tài toán học và thiên tài vật lý đối đầu. Thủ phạm và nhà phân tích giáp mặt. Tác phẩm tràn đầy sự phân tích tâm lý, đầy ắp biến cố, rất nhiều lối ngoặt của cốt truyện, rất nhiều câu đố khuấy động trí thông minh của người đọc. Cái kết hợp lý, nhưng vẫn hơi tiếc, giá như tác giả tìm một cái kết không công thức kiểu ta thắng địch thua như ở mấy cuốn kia.

Thánh giá rỗng (Nguyễn Hải Hà dịch, Sky Novel và NXB Văn Học 2016): tác giả nêu quan điểm ủng hộ án tử hình đối với kẻ sát nhân. Lập luận: một kẻ sát nhân hai mươi tuổi, nếu chỉ bị ngồi tù, có khả năng sau hai mươi năm sẽ được ra tù ở tuổi bốn mươi và có thể sẽ gây ra án mạng khác. Trong truyện có một kẻ như vậy, nạn nhân thứ hai của hắn là một cô bé tám tuổi. Người mẹ của cô bé cùng chồng quyết liệt tuyên truyền cho quan điểm phải tử hình tất cả những kẻ giết người, mặc dù “sau tất cả… tử hình là hình phạt vô nghĩa”. Và “không thể nào có được một phiên tòa hoàn hảo dành cho nhân loại” (nói bên lề: tiếng Việt của bản dịch này trúc trắc và nôm na, làm giảm hứng thú của người đọc). 

Ảo dạ (Bảo Ngọc dịch, NXB Hà Nội 2018): vụ án chỉ còn một li nữa là được phá thì sa vào bế tắc hoàn toàn. Người đi phá án và một trong những kẻ thủ phạm đồng thời là nhân chứng đã bị xóa sổ. Thủ phạm thực sự nhờ vậy mà sẽ thản nhiên sống tiếp, không còn ai để điều tra và làm nhân chứng cho tội ác của hắn.

Như đã nói, truyện trinh thám thường sa vào công thức: ta thắng địch thua. Nhưng nhiều truyện của Keigo thì khác. Trong Bạch dạ hành, ta thua địch thắng. Trong cuốn Ảo dạ cũng vậy, kết cục là người đi phá án và nhân chứng đều bị xóa sổ. Trong Phương trình hạ chí (Mai Khanh dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2018) vụ án khép lại một cách hợp lý, các thủ phạm đã tự thú, nhưng sự thật đằng sau nó thì mọi người đều biết mà không có bằng chứng và nhân chứng.

Keigo là tác giả biết phá vỡ công thức của truyện trinh thám. Đấy cũng là một đóng góp lớn của ông vào sự cải biến thể loại này.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.