Khách tăng, chất lượng giảm

Không ít khách du lịch sợ bỏ tiền mua “quả lừa” Ảnh: BẢO HÂN
Không ít khách du lịch sợ bỏ tiền mua “quả lừa” Ảnh: BẢO HÂN
TP - Câu chuyện nhân viên dọn phòng dùng khăn tắm lau bồn cầu lại dấy lên nỗi sợ hãi, hoang mang của khách du lịch. Có những thứ khuất mắt trông coi, nhưng không thiếu tình huống khách bỏ tiền mua bực vào người, hoặc hở ra là bị lừa. Điều này phản ánh tình trạng đáng báo động về chất lượng dịch vụ đi xuống trong khi khách vẫn tăng trưởng mạnh.

Bẩn như khách sạn

Nhân viên khách sạn lấy khăn tắm của khách lau bồn cầu mới đây râm ran trên các phương tiện truyền thông. Đọc chi tiết, nhìn hình ảnh đủ khiến người ta rùng mình. Chuyện này không phải tới giờ mới lộ sáng, lâu nay nhiều người rỉ tai nhau về dịch vụ vệ sinh ở khách sạn, rời nhà đi đâu cũng cứ đem theo khăn cá nhân cho yên tâm.

Kể cả không bắt tận tay day tận trán cung cách dọn vệ sinh buồng phòng khách sạn song du khách vẫn thường hoài nghi chất lượng vệ sinh. Chị Nguyễn Ngọc Trâm (Gia Lâm) vừa có chuyến du lịch Vân Đồn, khách sạn do công ty thuê ở trên đồi thuộc loại vừa phải. “Tôi biết khách sạn không phải cao cấp, nhưng ít ra cần đảm bảo sạch sẽ và đủ thiết bị cơ bản. Từng ở từ homestay cho tới khách sạn chất lượng cao, tôi khó chịu nhất ga giường có bụi. Nhận phòng xong tự tay rũ chăn ga, rồi trải khăn tắm mang theo nằm cho đỡ ghê”, chị Trâm nói. Chưa kể phòng thiếu ánh sáng, thiếu điều khiển ti vi, cửa phòng vệ sinh hỏng, nước rò rỉ tí tách suốt ngày.

Chị Minh Ngọc (Hà Đông) tháng 6 vừa rồi có chuyến công tác TPHCM, cẩn thận bỏ ra nhiều giờ tìm khách sạn 3 sao ở khu vực trung tâm quận 1 trên các sàn giao dịch đặt phòng trực tuyến Vntrip. “Đọc thông tin, soi từng chi tiết ảnh và đọc không sót phản hồi đánh giá của những người đặt phòng qua sàn giao dịch điện tử thế mà vẫn ăn quả lừa”, chị nói. Đêm nằm năm ở, chuyến công tác thêm mệt mỏi, không thể đổi chỗ ở vì lỡ thanh toán tiền phòng từ trước.

Khách sạn này nằm gần công viên Lê Văn Tám, nhìn ảnh giới thiệu khá bắt mắt có cửa sổ lớn nhìn ra công viên, tới nơi nhận phòng chị Ngọc chán nản: Phòng hơn 1 triệu đồng/đêm nhưng nước uống là loại đóng chai gia công không kiểm định chất lượng, phòng bốc mùi ẩm mốc lẫn khói thuốc lá lưu cữu, đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng chỉ tương đương loại 1 sao. Trong suốt mấy ngày lưu trú, ga giường bẩn chị gọi nhân viên buồng phòng thay nhưng chờ nửa ngày, kiểm tra lại hóa ra họ chỉ phủi tóc bám trên ga gối, một số vết bẩn y nguyên.

Tiền nào của ấy, khách sạn bình dân khó đòi hỏi chất lượng? Đấy là vì khuất mắt trông coi, đừng tưởng khách sạn sang mà có thể kê cao gối ngủ. Chị N.T.N, nhân viên tập sự một tập đoàn nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng 5 sao tiết lộ: Ngay với những khu nghỉ dưỡng cao cấp chuyện dùng khăn mặt, khăn tắm lau sàn nhà, bồn cầu không có gì lạ. Hỏi lí do, chị này đáp do số lượng khăn lau có hạn, sau khi khách trả phòng không đủ đồ lau, nhân viên bị thúc ép dọn nhanh cho kịp tiến độ khách nhận phòng. “Ở khách sạn đừng nghĩ tới việc dùng khăn tắm, uống ly cốc”, chị này phàn nàn.

Đủ cấp độ lừa

Chẳng cứ chuyện ở mà từ đi lại, giá cả hàng hóa và dịch vụ ở nhiều địa điểm du lịch động tới đâu lại thấy dấu hiệu gian dối, lừa khách hàng đến đấy. Quảng Ninh, Thanh Hóa luôn nằm trong số điểm du lịch phía Bắc đầy tiếng xấu về giá cắt cổ. Những trường hợp khách bị lừa lớn như lừa mua đỗ ngự giá 2 triệu đồng trong khi thực tế chỉ 100 ngàn đồng có thể hãn hữu, nhưng cứ bước chân ra chợ hoặc trung tâm bán hàng cho du khách là y như rằng có cảm giác bị móc túi.

Khách tăng, chất lượng giảm ảnh 1 Để đến được bãi biển đẹp tại Cô Tô (Quảng Ninh), du khách thường phải chen lấn mua vé và chờ tàu Ảnh: N.T

Chợ đêm Hạ Long thường bán cho khách nước ngoài nên giá cao hơn nhiều nơi khác. Hải sản bán rong ven đường thường là dân buôn giả làm ngư dân mới đánh bắt. Khách du lịch dịp hè đến Thanh Hóa ít kinh nghiệm thường đổ xô ra các chợ mua hải sản. Kỳ thực theo dân ở đây tiết lộ, vào mùa tháng 5-6, phần lớn hải sản ở khu đông khách du lịch đều không phải đánh bắt từ vùng biển Thanh Hóa.

Trên cạn chặt chém, xuống nước cũng chẳng yên. Anh Đoàn Tuấn (Mỹ Đình) vừa theo cơ quan nghỉ mát ở Cát Bà (Hải Phòng), dịch vụ lưu trú không đến nỗi nào nhưng lại nảy sinh búc xúc khác. Chẳng là cơ quan thuê hai tàu du lịch riêng ra vịnh Lan Hạ, tuy nhiên một trong hai chủ tàu lại “cua” thêm một đoàn nữa, thành ra đoàn phải chờ hơn tiếng mới được lên tàu. “Lịch trình tàu đưa khách đi 5 điểm, nhưng do xen canh gối đoàn, muộn thời gian nên tàu chỉ chở chúng tôi đi được hai điểm, bỏ qua Làng Chài - một địa điểm mà nhiều người háo hức muốn trải nghiệm”, anh Tuấn kể.

Chuyện treo đầu dê bán thịt chó, hoặc phía cung cấp kiếm đủ lí do cắt bớt điểm tham quan, giảm chất lượng dịch vụ nằm trong các gói tour tham quan, du lịch nhiều không kể hết. Đoàn của anh Chu Đức Cường (Hà Đông) đi Phú Yên-Bình Định 5 ngày 4 đêm đầu tháng 6 cũng bị cắt một số điểm tham quan trong đó có Vũng Rô - cung đường huyền thoại Tàu không số, và địa điểm quay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, cắt ngắn trải nghiệm tắm ở Bãi Môn - một trong những bãi biển đẹp nhất Phú Yên.          

Du lịch Việt tăng trưởng hai con số ba năm liên tiếp, khách quốc tế năm nay dự kiến chạm ngưỡng 18 triệu lượt, vậy mà chất lượng dịch vụ du lịch lại đi xuống. Nhiều người Việt vẫn giữ tâm lý làm du lịch chộp giật, được chăng hay chớ. Không chấn chỉnh những bất cập này, e rằng đến lúc không chỉ khách quốc tế “một đi không trở lại” mà người Việt cũng không còn mặn mà du lịch nội địa.

MỚI - NÓNG