Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi

Trưng bày nhiều hiện vật gốc của di tích quốc gia Bãi Cọi. Ảnh: Nguyên Khánh
Trưng bày nhiều hiện vật gốc của di tích quốc gia Bãi Cọi. Ảnh: Nguyên Khánh
TPO - Hơn 150 tài liệu, hình ảnh và hiện vật quy tụ tại trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi-Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”, khai mạc sáng 18/11 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở VHTTDL Hà Tĩnh, bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi, Bãi Lòi và Bãi Phôi Phối (Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 1 Trưng bày chuyên đề quy tụ nhiều hiện vật quý sau nhiều lần khai quật Bãi Cọi. Ảnh: Nguyên Khánh
Các nhà khoa học khẳng định Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, bởi nó mang đặc trưng của cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn, có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời sơ sử ở Việt Nam. Năm 2014, Bộ VHTTDL công nhận Di tích Khảo cổ học Bãi Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp quốc gia.
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 2 Mộ nồi- hình thức mai táng đặc biệt tìm thấy ở Bãi Cọi
Khoảng 150 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được lựa chọn với nhiều chất liệu, trưng bày cung cấp tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn sơ sử miền Trung Việt Nam, cũng như ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Sở VHTTDL Hà Tĩnh, bảo tàng Hà Tĩnh và bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 3

Ngoài hiện vật được chôn làm đồ tùy táng, trong huyệt mộ chum còn có nhiêu mảnh gốm để chèn ở đáy và vách. Các nhà khoa học đã phục dựng hình dạng của đồ gốm. Ảnh: Nguyên Khánh

TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, hiện vật đưa ra trưng bày là hiện vật gốc, tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, có tính thẩm mỹ cao.

Trưng bày gồm ba phần, trong đó phần đầu là hành trình khám phá về quá trình nghiên cứu di tích này, điểm nhấn là ba lần khai quật mà kết quả làm sáng tỏ nhiều bí ẩn: Bãi Cọi thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng Trung bộ, có sự du nhập của văn hóa Đông Sơn và văn hóa đồ sắt Trung Quốc. Công cụ đá, bàn mài, gốm đáy nhọn... nằm trong số hiện vật được lựa chọn giới thiệu.

Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 4 Mộ song táng được phục dựng và đưa vào bảo tàng trưng bày. Ảnh: Nguyên Khánh
Ở phần 2 Bãi Cọi-Nơi gặp gỡ các nền văn hoá, người xem được chiêm ngưỡng những hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật mộ táng tại di tích Bãi Cọi với hai loại hình chính là mộ chum và mộ huyệt đất.
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 5

Mộ chum khai quật được năm 2012. Ảnh: Nguyên Khánh

Điểm tạo nên giá trị đặc biệt là trong các mộ chum (Sa Huỳnh) có các hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn, trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại có các hiện vật mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá đồ sắt Trung Quốc. Trong đó, mộ chum là một trong những táng thức điển hình, được coi là dấu hiệu nhận biết của văn hóa Sa Huỳnh.

Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 6 Khuyên tai hình đĩa đá khá phổ biến trong các mộ táng, là một tong những trang sức Việt thời cổ đại. Ảnh: Nguyên Khánh
Qua 3 lần khai quật Bãi Cọi, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 17 mộ chum. So với những chum gốm của các di tích văn hóa Sa Huỳnh điển hình, chum gốm ở Bãi Cọi có kích thước nhỏ hơn, hình dáng biến đổi nhiều, chủ yếu là hình trái đào và hình trứng. Đây là một dạng biến thể mang tính địa phương, loại chum gốm này cũng đã được tìm thấy ở di tích Gò Mả Vôi (Duy Xuyên, Quảng Nam), Cồn Ràng (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 7 Trang sức là hiện vật gốc. Ảnh: Nguyên Khánh
Phần 3 giới thiệu quá trình hợp tác quốc tế trong khai quật và bảo quản hiện vật bằng phương pháp hiện đại. Trưng bày kéo dài hết tháng 4/2021.

Một số hình ảnh khác tại trưng bày:

Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 8
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 9 Khuyên tai hai đầu
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 10  
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 11
Khám phá mộ táng và hiện vật gốc quý hiếm của di tích quốc gia Bãi Cọi ảnh 12
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".