Khảo cổ biển đảo, đánh du kích đến bao giờ?

Khai quật khảo cổ tại Trường Sa.
Khai quật khảo cổ tại Trường Sa.
TP - Bắt đầu khai quật khảo cổ tại Trường Sa cách đây hơn 20 năm, nhưng nhìn chung khảo cổ biển đảo ở nước ta tiến rất chậm.

Nhiều chuyên gia trong hội thảo về khảo cổ học biển đảo (ngày 7/5) đề xuất kiến nghị nhằm thay đổi chính sách khảo cổ biển đảo và góp phần bảo vệ chủ quyền.

Thách thức

Hội thảo “Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam-Tiềm năng và triển vọng” quy tụ hầu hết các chuyên gia đầu ngành của khảo cổ, lịch sử. TS Lại Văn Tới, hai lần tham gia khai quật ở quần đảo Trường Sa nhắc lại một số thành tựu từ chuyến khai quật đầu tiên năm 1993, và ba lần tiếp theo vào các năm 1995, 1999 và 2014. “Những hiện vật phát hiện được trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có số lượng khá lớn, phong phú về loại hình và chất liệu”, ông Tới nói. Tổng số 498 hiện vật thu được từ 7 đảo ở Trường Sa, trong đó nhiều nhất là đồ gốm 236 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 13-15, đến đầu thế kỷ 20. Nhiều phát hiện khác khẳng định được sự có mặt sớm và liên tục của người Việt trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đánh giá rộng hơn, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung nói đến tiềm năng khảo cổ biển đảo rất lớn, vì Việt Nam có tới hơn 1 triệu km2 biển. “Qua một số văn hóa khảo cổ học biển đảo ta có thể thấy rõ Việt Nam là một quốc gia biển đảo, một nền văn hóa biển đảo”. Ngành khảo cổ có được nhiều thành tựu cả về điền dã, lý thuyết, khai quật tàu đắm những năm qua. “Tuy nhiên vẫn chưa có những trung tâm nghiên cứu riêng, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng và chưa có chương trình đào tạo về khảo cổ học biển đảo”, TS Dung nói. TS Nguyễn Tiến Đông còn mạnh dạn cho rằng, khảo cổ học biển đảo của chúng ta gần như bằng không.

“Mặc dù đạt được một số bước tiến trong lĩnh vực mới mẻ này, chúng ta đã đi sau các nước phát triển khoảng 50 năm và chậm hơn một số nước trong khu vực khoảng 20 năm. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt không nhỏ”, TS Lê Thị Liên nhận định.  PGS.TS Tống Trung Tín cũng nói đại ý, bất cập quá lớn, thành tựu quá nhỏ nhoi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi thế giới tiến ra biển lớn trong lĩnh vực khảo cổ biển đảo từ lâu, chúng ta vẫn dường như loay hoay vì “chưa biết bơi”. Thậm chí chúng ta còn chưa có ngành đào tạo chuyên về lĩnh vực này. TS Lê Thị Liên cho rằng, khảo cổ của ta cứ phải kết hợp giữa đánh du kích và quân chủ lực. “Chúng ta không thể so với Trung Quốc về diện tích, con người, nguồn lực tài chính. Các cụ ta từ xưa cũng thế, không chạy đua như thế. Hãy học hỏi cụ Yết Kiêu, Dã Tượng để tìm hướng đi chứ đừng bắt chước máy móc”, TS Lê Thị Liên nói.

Kiến nghị bất ngờ

PGS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia phải “có kiến nghị gửi lãnh đạo Trung ương để thay đổi chính sách của nhà nước trong bảo vệ biển Đông”. Ông cho rằng, chúng ta bàn nhiều về quá trình chiếm lĩnh và khai thác biển đảo từ thời tiền sơ sử đến hiện đại của người Việt, khẳng định chủ quyền công khai và toàn vẹn của quốc gia. Tuy vậy giới chuyên gia vẫn cần có bản kiến nghị trình lên lãnh đạo Trung ương, để hoàn thiện chính sách của nhà nước đối với khảo cổ biển đảo, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền.

Dù khá bất ngờ, vì BTC chỉ nghĩ đây là hội thảo khoa học ở cấp trường, nhưng cuối ngày hầu hết các chuyên gia ủng hộ đề xuất của PGS.TS Phạm Xuân Hằng. Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng, TS Trần Đức Anh Sơn đề xuất, nên có bản kiến nghị gửi Chính phủ. Đến lúc cần tiếng nói của học giới trong vấn đề này. TS Anh Sơn nói thêm, nguồn tư liệu khẳng định chủ quyền của ta nhiều, nhưng chưa thống nhất. Điều này gây bất lợi cho chúng ta khi tranh luận, hoặc trình bày với quốc tế. “Muôn người một dòng chứ không phải mỗi người mỗi dòng được”, TS Anh Sơn nói. Chúng ta có bài học đắt giá từ Trung Quốc trong vấn đề tuyên truyền về biển đảo.

“Thế mạnh của ta là cơ sở lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển đảo. Dựa vào tài liệu chữ viết dù không nhiều nhưng quan trọng, chúng ta cũng nên để ý đến tư liệu trong văn hóa dân gian nữa. Tư liệu không nhiều, nhận thức chưa phải thống nhất cho nên khảo cổ học biển đảo sẽ cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu đảm bảo độ tin cậy, phong phú, được thừa nhận trên tất cả phương diện trong nước và quốc tế. Kết quả đó khẳng định quá trình khai chiếm, xác lập thực thi và bảo vệ chủ quyền của chúng ta trên các vùng biển đảo, nhất là đối với Trường Sa và Hoàng Sa”, PGS.TS Vũ Văn Quân nói.

TS Nguyễn Tiến Đông nói thêm, đúng là giới chuyên gia cứ đóng cửa bảo nhau thì chả ai biết. Dù chúng ta không có nguồn lực mạnh, ngành khảo cổ học biển đảo chưa được đầu tư đúng, đủ thì “cứ phải khóc, vì biết đâu có ngày được nghe tiếng”. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung lãnh trách nhiệm thảo bản kiến nghị, lấy ý kiến các chuyên gia trước khi gửi lên lãnh đạo Trung ương.

Khai quật tàu đắm vẫn mang nặng tính thương mại

TS Phạm Quốc Quân bổ sung vào những bất cập của khảo cổ biển đảo: “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam đều mang tính thương mại rất không hay. Ví như con tàu cổ Cù Lao Chàm với hơn 250 nghìn hiện vật, nếu không bị bán ở Mỹ năm 2000, chừng ấy số hiện vật trưng bày ở bảo tàng Hội An thì lợi ích về lịch sử, văn hóa và kinh tế sẽ vô cùng lớn lao”.

MỚI - NÓNG