Khắp nơi thi hát

Khắp nơi thi hát
TP - Xem Giọng hát Việt Nhí thấy các bé khóc lóc khi không được đi tiếp đã đành, phụ huynh cũng căng thẳng, không cầm nước mắt. Hy vọng họ lo lắng vì con em đang phải trải qua áp lực tâm lý chứ không phải vì máu ăn thua. 

Phải nói là cuộc thi đã phát lộ rất nhiều giọng hát hay, mỗi bé một màu sắc nhưng rút cuộc cũng chỉ một bé “chiến thắng”, số còn lại được nếm trải cảm giác thất bại. Hy vọng điều đó sẽ tốt cho quá trình trưởng thành của các bé.


Có mấy ai đi thi hát chỉ để học hỏi, cho vui. Ai cũng nghĩ mình hát hay nhất, đáng chiến thắng nhất. Nhưng kẻ chiến thắng cũng chỉ để bổ sung vào đội ngũ đang làm nghề ca sĩ mà thôi. 

Ca sĩ được xem là nghề kiếm tốt trong xã hội ngày nay, vì thế mà người người đi thi hát, nhà nhà cho con đi thi hát?! Hình như tâm lý người Việt là vậy. “Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. 

Tâm lý đó tạo nên các làng nghề, các phố Hàng… Nghĩa là toàn dân trong vùng cùng làm một công việc, nhưng phần đông chỉ ở mức nhàng nhàng, sống được. Tình hình làng ca nhạc bây giờ chả gần như thế sao?! 

Gần đây xuất hiện bài báo “Quá hạnh phúc, Việt Nam chỉ biết hát”. Chả là trước đây có thông tin trôi nổi nào đó trên mạng nói rằng Việt Nam nằm trong số vài nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất. 

Thuở xưa, Nguyễn Trãi tâu vua:“Hòa bình là gốc của nhạc… Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”. Nay số người thi hát và số cuộc thi hát ở Việt Nam tăng cao so với nhiều nước trong khu vực, còn phàn nàn gì nữa! 

Các chương trình thi hát giờ chỉ mang tính giải trí (và quảng cáo cho nhà tài trợ). Không có gì đảm bảo người thắng cuộc sẽ thành công trong nghề ca sĩ. Nhưng mấy ai ý thức điều đó như nữ tu 25 tuổi Cristina Scuccia - quán quân The Voice Ý 2014. 

Trước lựa chọn có đi theo ngành giải trí hay không, xơ phát biểu: “Nếu mẹ bề trên của tôi nói không, thì tôi cũng hạnh phúc để trở về nhà dòng với các trẻ em trong phòng cầu nguyện”.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.