Khi “Bụt chùa nhà” không thiêng

Cảnh trong phim “Cha cõng con”.
Cảnh trong phim “Cha cõng con”.
TP - Tác phẩm “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng thắng lớn ở Liên hoan phim Quốc tế nhưng lại “thua”  ngay tại  giải “Cánh diều” trong nước. Một bộ phận khán giả tỏ ra “bực” thay cho cha đẻ của bộ phim. Song chuyện “bụt chùa nhà” không thiêng ngẫm ra  đâu phải chuyện đáng ồn...

Liệu có “hài”?

Một số khán giả động viên đạo diễn Lương Đình Dũng sau chiến thắng vang dội ở trường quốc tế: “Để BGK giải Cánh diều học hỏi và rút kinh nghiệm. Cười nhẹ đi anh!”. Người khác lại bình luận: “Vừa bị chê tại một liên hoan phim trong nước khi ra nước ngoài lại thắng lớn. Hài…”. Trước đó, chính cha đẻ của “Cha cõng con” đã phản ứng ban giám khảo “Cánh diều 2016” bằng cách trả lại bằng khen cho ban tổ chức vì anh thấy chưa công bằng.

Đạo diễn nói: “Tôi cần một sự công bằng cho bộ phim và cho những tác phẩm tử tế để phát triển điện ảnh Việt Nam”. Bộ phim của anh chỉ nhận được bằng khen, mặc dù nó được đề cử ở ba hạng mục của phim điện ảnh: “Phim xuất sắc”; “Đạo diễn xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Phát ngôn của Lương Đình Dũng ít nhiều động chạm khi dùng khái niệm: “Tác phẩm tử tế”, bởi quan niệm về sự tử tế của mỗi người không giống nhau, nhất là trong nghệ thuật vốn đề cao cá tính.

Chưa thấy các đạo diễn của những bộ phim giành giải cao ở “cánh diều” phản đối, đã thấy đông đảo bạn đọc phản hồi. Một ý kiến được nhiều người đồng ý: “Mỗi người có khả năng cảm thụ nghệ thuật khác nhau. Như đi học, thầy cô thường “nêu cảm nghĩ của em về…” nhưng lại chấm theo cách nghĩ của các thầy cô…”. Thì ban giám khảo phim ảnh cũng thế thôi.

Tuy nhiên, vô duyên với giải thưởng trong nước cũng là chuyện thường tình ở nhiều lĩnh vực. Ngay chính đạo diễn Lương Đình Dũng cũng đã chia sẻ: Phim ngắn “Chuyện ông Mờ”, năm 2007, của anh chỉ nhận bằng khen ở “Cánh diều” song lại thắng lớn ở Liên hoan phim  quốc tế Tokyo 2007, với giải phim xuất sắc. Sang lĩnh vực nhiếp ảnh, nghệ sỹ Đào Tiến Đạt (Bình Định) cũng là người thường xuyên được nước ngoài vinh danh.

Tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 năm 2008 tại Thượng Hải (Trung Quốc), anh đoạt huy chương bạc và giải đặc biệt thể loại ảnh kỹ thuật số với tác phẩm “Khát”.

Năm 2004, anh được Hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) bầu chọn xếp hạng 14/25 tác giả xuất sắc nhất thế giới đương đại về thể loại ảnh trắng đen. Năm 2005, tác phẩm “Bước ngoặt 2” của Đào Tiến Đạt cùng lúc đoạt 4 huy chương từ hai cuộc thi ảnh quốc tế khác nhau tại Mỹ và Brazil.

Nhưng ở Việt Nam, các tác phẩm cũng như tên tuổi của Đào Tiến Đạt không đình đám. Có khi người ta biết đến  “Nụ cười Việt Nam” của họa sỹ Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam còn nhiều hơn. Lĩnh vực văn học cũng tìm thấy những nhà văn được nước ngoài cưng chiều hơn trong nước.

Khi “Bụt chùa nhà” không thiêng ảnh 1 Nữ đạo diễn Hồng Ánh: Mong “Đảo của dân ngụ cư” sẽ được khán giả đón nhận.

Có phải bệnh thành tích?

Trở lại, câu chuyện “Cha cõng con” đoạt một loạt giải thưởng  ở hai Liên hoan phim Quốc tế Arizona và Boston. Tất nhiên đây là điều đáng mừng không chỉ cho đạo diễn và ê-kíp làm phim mà còn mang lại ít nhiều tự hào và tự tin cho phim Việt trong cuộc đua “biển lớn”.

Cũng mới đây, phim “Đảo của dân ngụ cư” (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến) của đạo diễn trẻ Hồng Ánh đã đoạt giải phim xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất, quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim ASEAN 2017.

Nhưng như Hồng Ánh thú nhận sau khi giành chiến thắng: “Nếu bạn hỏi mình mong gì nhất lúc này? Mình mong một ngày thật gần, rất gần “Đảo của dân ngụ cư” sẽ được công chiếu cho khán giả Việt Nam và được khán giả đón nhận”.

Cuối cùng khán giả Việt Nam mới là nhân vật chính định đoạt tác phẩm. Bộ phim “Cha cõng con” đã ra rạp, nhận được phản hồi tích cực từ người xem. Hầu hết khen đây là bộ phim xúc động về tình phụ tử, có người khẳng định đây là bộ phim Việt Nam hay nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Cũng có những ý kiến cho rằng, cốt truyện không thực sự  mới mẻ.

Tuy nhiên, băn khoăn của vị đạo diễn của bộ phim có kinh phí 18 tỷ đồng cũng như của những người yêu thích “Cha cõng con” là: Còn ít người quan tâm và thưởng thức bộ phim này. Lỗi do đâu? Đạo diễn cũng đã chia sẻ rằng phim của anh bị rơi vào khung giờ thấp điểm, cho nên hạn chế khán giả đến rạp. Nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân.

Có lẽ cũng chỉ ở ta mới có chuyện các cô gái đua nhau ra nước ngoài thi “hoa hậu chui”, dù  qui mô các cuộc thi rất nhỏ. Phải chăng căn bệnh thành tích trong giáo dục đang xâm lấn mọi ngóc ngách?

Sau sự việc đạo diễn trả lại bằng khen cho ban tổ chức vì thấy thiếu công bằng với bộ phim được ấp ủ và đầu tư của mình, có độc giả đặt câu hỏi: “Làm nghệ thuật mà cứ đòi giải thưởng cao là không ổn, ai cũng vậy sẽ ra sao?”.

Cứ nhìn lại cuộc đời danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh nhiều nghệ sỹ của ta sẽ ngẫm lại mình. Suốt 37 năm ngắn ngủi của cuộc đời, danh họa sống trong chuỗi ngày cay đắng, bi kịch.

Sau khi Van Gogh qua đời, tài năng của ông mới được ghi nhận và tác phẩm của ông mới đạt giá kỷ lục. Cho nên, giải thưởng chỉ có giá trị ở một chừng mực nào đó, thời gian mới chứng minh sức sống của tác phẩm và tác giả.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.