Khi đàn tranh chơi nhạc R&B

Khi đàn tranh chơi nhạc R&B
TP - 'She's not she', có thể hiểu là "đàn tranh mà cũng không phải đàn tranh", là tên album gồm 9 sáng tác của Đỗ Bảo dành cho đàn tranh với sự thể hiện của Võ Vân Ánh (Mỹ).
Võ Vân Ánh trình diễn cùng các nghệ sĩ Nhật Bản tại Hà Nội hồi tháng 1 Ảnh: Hồng Vĩnh
Võ Vân Ánh trình diễn cùng các nghệ sĩ Nhật Bản tại Hà Nội hồi tháng 1. Ảnh: Hồng Vĩnh

Võ Vân Ánh từng đoạt giải Emmy nhờ trình diễn và đồng sáng tác cho phim tài liệu Bolinao 52, và từng được đề cử Oscar về nhạc phim. Chị trao đổi về album mới phát hành ở Việt Nam và Mỹ.

Vai trò của Vân Ánh và nhạc sĩ Đỗ Bảo trong đĩa này được phân công ra sao?

Vân Ánh và Đỗ Bảo dành rất nhiều thời gian thảo luận tìm định hướng của CD, lựa chọn bài bản, nói chuyện về những ước muốn và thông điệp trong âm nhạc. Có lúc cả hai tranh luận gay gắt, nhưng đều giữ được tính chuyên nghiệp và sự cởi mở nên dẫn đến giải quyết tốt đẹp.

Điều làm chị hài lòng nhất trong đĩa này?

Tôi rất hài lòng đã có thể chia sẻ với khán giả một sản phẩm âm nhạc nghiêm túc, đem lại khuôn mặt hay một con đường mới cho đàn tranh.

Sự mở rộng tính chất âm nhạc đã khẳng định thế mạnh của cây đàn, khả năng diễn tả âm nhạc trong nhiều thái cực của tình cảm: buồn thảm như những giọt nước mắt rơi trong bài Giọt sầu đêm thâu; sự mạnh mẽ, hơi bất cần của giới trẻ trong bài Cô ấy có còn là cô ấy hôm qua (kết hợp với rap và R&B); sự trong sáng, thanh thoát của tâm hồn trong Cõi niết bàn; bỏ qua những ranh giới về văn hóa, phong tục tập quán trong Đợi chờ, Gió Phương Nam (ảnh hưởng nhạc Jazz)…

Với những sản phẩm tiếp theo, tôi muốn đậm tính dân gian và màu sắc Việt Nam hơn nữa, nhưng vẫn có tính quốc tế cao như She's not she.

Nếu có ý kiến cho rằng nét nhạc trong đĩa nhìn chung chưa thực sự đột phá, cách tân so với những gì người ta đã được nghe về đàn tranh cũng như hòa tấu nhạc cụ dân tộc nói chung?

Vân Ánh mong muốn chia sẻ cái hay, cái đẹp, và sự độc đáo trong âm thanh của cây đàn tranh với thế giới. Tuy nhiên, phải đem được hương vị của văn hóa Việt Nam và tiếng nói hay suy nghĩ của mình (cũng như của tầng lớp trẻ tại Việt Nam) trong các tác phẩm, và phải chứa đựng khía cạnh giải trí nhất định.

Nhiều điều có thể làm tốt hơn, tuy nhiên, xét về khía cạnh bài bản mới và phong cách mới cho đàn tranh thì tôi có thể chủ quan mà nói đây là sản phẩm đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay tại Việt Nam.

Nghệ sĩ chơi đàn tranh ở Việt Nam hiện chỉ có những tác phẩm sáng tác cách đây 20-40 năm để chơi. Các tác phẩm đó rất hay nhưng không mang được hơi thở của thời đại. Cũng có một số nhạc sĩ viết bài cho đàn tranh theo hướng thể nghiệm. Loại âm nhạc này rất kén người thưởng thức, nói thật là hầu như không có khán giả tại Việt Nam.

Sẽ có người nhận xét She's not she chưa đột phá hay cách tân, nhưng tôi nghĩ phần đông khán giả sẽ ủng hộ. Điều quan trọng hơn cả, Vân Ánh tin mình đang đi con đường đúng. Có làm mới có kinh nghiệm và biết là khó để còn làm tốt hơn.

Kế hoạch phát hành đĩa tại Mỹ thế nào? Những người nghe đầu tiên đón nhận đĩa của chị ra sao?

Tôi có dịp trình bày đĩa nhạc tới cộng đồng nước ngoài tại Mỹ và nhận được phản hồi tốt. Tôi dùng những bản nhạc trong She's not she để làm một chương trình hòa nhạc với tựa đề Lanterns of light (Đèn lồng ánh sáng) và nhận được nhiều bài viết khen ngợi.

Tôi cũng đã đăng ký bản quyền tại Mỹ cho CD, sẽ có trên Itune sớm. Mỗi khi trình diễn thì She's not she được nhiều người mua nhất so với những đĩa của các nghệ sĩ khác bày bán cùng. Chủ yếu vì khán giả được nghe một số bản trong CD tại các buổi hòa nhạc của mình nên họ thích.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG