Khó như 'cày' trên 'đất' cổ trang

Một cảnh trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”
Một cảnh trong MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”
TP - Không cần mở cuộc điều tra, chắc chắn khán giả Việt xem cổ trang Trung Quốc nhiều hơn cổ trang ta. Bởi mảnh đất cổ trang ở ta tuy giàu có song chưa được khai thác thỏa đáng, chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Mà, cứ xem cổ trang ta thế nào “thượng đế” cũng so sánh với cổ trang nước bên cạnh, khiến những người trong cuộc vừa làm, vừa run.

“Phượng khấu”, phim cổ trang khai thác đề tài cung đấu với nhân vật trung tâm là Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng Thái Hậu). Vì sao bộ phim về đề tài cung đấu đầu tiên ở ta, được quảng cáo rầm rộ nhưng không thu về thành công như ý? Có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không kể đến lý do muôn thuở, ở ta, đã làm phim cổ trang đụng đến một lát cắt lịch sử, một nhân vật lịch sử nào đó, những người thực hiện đều phải rón rén. “Phượng khấu” mời cả nhà sử học Lê Văn Lan làm cố vấn. Liệu có khi nào ám ảnh bởi yếu tố chính xác khi khai thác đề tài lịch sử khiến người ta quên cả nhiệm vụ sáng tạo khiến sản phẩm tạo ra cứng đơ, thiếu hấp dẫn?

Phim cổ trang Trung Quốc dễ dàng chinh phục khán giả ta bởi chúng có nhiều ưu thế, trong đó có cả yếu tố, khán giả ta không quan tâm lịch sử nước người méo, tròn thế nào trên phim, chỉ quan tâm phim hấp dẫn hay không. Thí dụ, bộ phim “Tây Thi bí sử”, 8 năm trước từng được phát sóng vào  13h các ngày trong tuần, trên VTV1, khai thác cuộc đời của đệ nhất mỹ nhân trong lịch sử Trung Hoa. Nhưng “gian tế” Tây Thi được xây dựng thành một cô gái trong sáng đến mức lơ ngơ. Ngô Phù Sai đam mê tửu sắc  lại biến thành một đấng anh hùng, chết trong bi tráng. Còn Phạm Lãi cùng Việt Vương lại biến thành những kẻ khá hèn hạ, tầm thường…

Nhưng  phim cổ trang Trung Quốc  nhào nặn các nhân vật lịch sử quá tay cũng là chuyện không hiếm. Như nhân vật Tần Thủy Hoàng, Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu mỗi người nhào nặn một kiểu, đều gây nên những tranh luận. Ở ta, nếu đụng đến những nhân vật lịch sử chỉ cần hơi quá tay, sẽ thành chuyện lớn, trước hết ở sự tiếp nhận của khán giả. Lâu nay, bộ môn lịch sử vốn  kém hấp dẫn với không chỉ học trò. Làm thế nào để khán giả yêu sử ta, văn hóa ta? Không ít người đã đặt hi vọng, cũng là gánh nặng lớn  vào những tác phẩm cổ trang mang tính giải trí.  Cho nên sản phẩm giải trí cứ dính dáng yếu tố lịch sử, văn hóa thường được long trọng đón nhận cũng như tích cực “soi”.

Khó như 'cày' trên 'đất' cổ trang ảnh 1 Ca sỹ Hòa Minzy (vai Hoàng hậu Nam Phương)

Đó cũng là lí do vì sao mới đây Hòa Minzy trở lại và gây bão với MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp”. Chỉ sau hơn 3 ngày lên sóng, sáng ngày 17/5 MV này đã chễm chệ vị trí top 1 trending Youtube Việt Nam, với gần 10 triệu lượt xem, nửa triệu lượt thích, trên 35 ngàn lượt bình luận, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ “nóng”. “Không thể cùng nhau suốt kiếp” khai thác câu chuyện lịch sử giữa vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương.

Đặc biệt, MV còn trích lá thư tay được Nam Phương Hoàng hậu gửi cho một vũ nữ, là một trong những “bóng hồng” của cựu hoàng Bảo Đại, gợi nhiều tò mò cho khán giả. Đây là một bức thư nổi tiếng bởi đã được chính vũ nữ ấy đề cập trong hồi ký của mình, đúng như lời giới thiệu mở đầu MV:  “Không thể cùng nhau suốt kiếp” được xây dựng “dựa trên một câu chuyện có thật”. Một MV chỉ kéo dài tầm 8 phút, đã kể một chuyện tình buồn có thật trong lịch sử bằng âm nhạc, khiến sau đó người hâm mộ liên tục tìm kiếm thông tin về vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, thế cũng là thành công.

Chính câu chuyện hấp dẫn về vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đã “cứu rỗi”  cho giọng hát còn gây tranh cãi của Hòa Minzy. Đánh giá “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, không sai, song cũng chỉ nên dừng ở mức độ. Rõ ràng ê kip thực hiện MV đã thức thời, khi chọn một lát cắt lớn trên tình trường của vua Bảo Đại để tái hiện trong sản phẩm âm nhạc của mình. Câu hỏi đặt ra, thành công lớn của “Không thể cùng nhau  suốt kiếp” liệu có khiến một bộ phận khán giả ta mỗi khi nghĩ về vua Bảo Đại lại không liên tưởng gì hơn, ngoài câu chuyện với Hoàng hậu Nam Phương?

Nhưng dù thế nào, “Không thể cùng nhau đến suốt kiếp” cũng là một sự đầu tư nghiêm túc của Hòa Minzy và ê kip. Để kể một câu chuyện bằng âm nhạc ngắn ngủi, họ đã mất 2 năm thực hiện. Cho đến giờ phút này chủ nhân của MV gây bão nghe nói vẫn chưa trả hết nợ  đầu tư cho MV. Dù nhận được mưa lời khen, song không chắc Hòa Minzy đã dám chịu chơi lần nữa để cho ra mắt những sản phẩm tốn kém thế này, nhất là dịch bệnh COVID- 19 còn hoành hành, ca sỹ vắng show.

Có người khen “Không thể cùng nhau đến suốt kiếp” xứng đáng  là “siêu phẩm cổ trang” ở ta. Nói vậy hơi quá. Ngoảnh lại quá khứ, ta từng có bộ phim “Phạm Công Cúc Hoa” gây thương nhớ cho bao khán giả, từ đây cho ra đời cặp “tiên đồng ngọc nữ” của dòng phim “mỳ ăn liền”: Lý Hùng- Diễm Hương. Hay “Đêm hội Long Trì” xoay quanh cuộc đời Tuyên phi Đặng Thị Huệ (Lê Vân đóng), một mỹ nhân giành được sự sủng ái hết mực của chúa Trịnh Sâm (Thế Anh đóng)… Sau thành công của “Đêm hội Long Trì”, lại có “Kiếp phù du” được xem là “Đêm hội Long Trì 2”, song “Kiếp phù du” rơi tõm vào vùng quên trong trí nhớ khán giả. Những năm gần đây còn có thể kể đến vài phim cổ trang ấn tượng khác, như “Thiên mệnh anh hùng” của Victor Vũ, năm 2012 đã “ẵm” liền 5 giải Cánh diều vàng cho phim, đạo diễn, nam chính, âm thanh, quay phim xuất sắc nhất. Các ca sỹ cũng đua nhau làm MV có hơi hướng cổ trang, thí dụ Sơn Tùng M-TP với “Lạc trôi” gây bão một dạo.

Song chừng ấy vẫn chưa đủ cho “cơn khát”  cổ trang của khán giả ta. Khi xem “Phượng khấu” nhiều khán giả thở than: Không học người đi trước mà làm. Trung Quốc làm hoành tráng thế. Xem sang cổ trang cung đấu của mình “nỏ” muốn xem. Nói thì dễ, làm thì khó. Muốn hoành tráng thì “tiền đâu?” sẽ là câu hỏi đầu tiên. Chưa kể tài năng của diễn viên cùng chất lượng kịch bản và bao nhiêu thứ khác… Người ta có những diễn viên chuyên dòng cổ trang còn ta thì thu hút dàn diễn viên gạo cội trên sân khấu kịch sang đóng cổ trang, tưởng thắng lớn, ai dè  thua đau…

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.