Khổ thân “con” nghệ thuật

TP - Dư luận ở Singapore đang ráo riết “săn” nhóm người săn ảnh đại bàng bằng cá…đểu vừa bị phát hiện. 

Để ghi lại cảnh đại bàng lao xuống mặt nước đớp mồi, có bằng chứng cho thấy những tay săn ảnh này đã bơm bọt xốp vào bụng cá sống cho nổi trên mặt nước nhử đại bàng. Những chú đại bàng đầu xám quý hiếm chỉ còn hơn chục cá thể ở đất nước này rất có thể sẽ bị bỏ mạng khi nuốt phải thứ bọt xốp trên. Trong số những tay máy đang bị điều tra, khả năng có cả người Việt.

Mới đây ở xứ mình, tác giả bức ảnh đoạt giải thưởng Asean về đa dạng sinh học, cũng bị tố đã lấy keo dán chân mấy mẹ con nhà chim vào cành cây để tha hồ “săn bắt con nghệ thuật”!

Việc này chẳng lạ, bởi giới săn ảnh động vật “hoang dã” ở ta vẫn thường xuyên bị kêu la về chuyện bẻ tổ chim mang xuống gắn vào cành giả, rồi bắt chim non diễn xuất theo ý mình. Những chú chim tội nghiệp tha hồ giãy giụa trước một rừng ống kính… 

Nói về hoang dã, bức ảnh chụp chú gấu Bắc cực gầy da bọc xương co ro đi trên bờ tuyết ở quần đảo Svalbard (Na Uy) vừa gây sốc với nhiều người. Bởi nó khác hoàn toàn so với hình ảnh những chú gấu mũm mĩm trắng toát như cục bông dễ thương thường thấy nơi đây. Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi tất cả, kể cả mọi thứ quan niệm nghệ thuật về tự nhiên tưởng chừng bất biến. 

Bức ảnh cho thấy nữ nhiếp ảnh gia người Đức K. Langenberger đã đơn độc đến mức nào, khi chỉ riêng mình bà có được những tấm hình này. Không có hàng đống tác phẩm tương tự trùng lắp ở mọi góc độ của những tay máy khác. Kiểu rồng rắn, bầy đàn những rừng ống kính kéo nhau đi “sáng tác” tập thể thường thấy.  

Một thiên nhiên tiều tụy do con người tàn phá. Cũng đau lòng ngang với thứ nghệ thuật tiều tụy do sự lười biếng nhưng háo danh của con người.

MỚI - NÓNG