Không lạc lối ở Hà Nội

Không lạc lối ở Hà Nội
TP - Hai vợ chồng Diego Cortizas không chỉ mang hương vị lạ Tây Ban Nha vào làng thời trang Việt, họ còn khiến người khác phải lân la trò chuyện, tò mò tìm hiểu. Một tấm lòng nồng hậu của những người nước ngoài sống hài hòa, êm đềm ở Thủ đô.

> Chơi màu Tây Ban Nha trên lụa Việt

Hai vợ chồng Diego và Laura đã có 9 năm êm đềm ở Hà Nội. Ảnh: Toan Toan
Hai vợ chồng Diego và Laura đã có 9 năm êm đềm ở Hà Nội. Ảnh: Toan Toan.

Ngôi nhà đặc biệt ven Hồ Tây

Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2013 kết thúc với phần trình diễn của các NTK Chula, Minh Hạnh... Đêm đã khuya, khoảng 3 chục người lên ô tô, đến ngôi nhà đẹp ở đường kè Hồ Tây để tiếp tục một cuộc vui khác.

Trong không gian rộng gần ngàn mét vuông, người thì xơi món bánh cuốn nóng, xôi nóng do các cô hàng phục vụ tận nơi; người thì cho cá ăn ở bể, ngả ngốn trò chuyện, ngắm nghía các mẫu thiết kế của gia chủ.

Có vài bàn toàn người nước ngoài - chắc bạn bè của ông bà chủ, nhỏ to tâm sự như không biết đến xung quanh. Không gian chia làm mấy khoảnh thành ra người nọ không ảnh hưởng người kia. Quả là lý tưởng cho những cuộc tiệc, giao đãi giữa bạn hữu thân tình.

Mấy đứa trẻ con được mời leo lên cái tháp cao vút để ngắm toàn cảnh Tây Hồ. Chủ nhà, ai gọi thì mới chạy ra, thậm chí còn không làm phiền khách.

Những góc không gian độc đáo trong ngôi nhà của Diego ở Hồ Tây.; Ảnh: Toan Toan.
Những góc không gian độc đáo trong ngôi nhà của Diego ở Hồ Tây. Ảnh: Toan Toan.

Các NTK Thương Huyền, Quang Huy, Việt Hà... và các người mẫu kể, thỉnh thoảng họ lại được mời đến đây thư giãn, uống ăn, coi như thắt chặt tình cảm đồng nghiệp, cộng sự. Họ đều rất vui, và yêu mến cả gia đình 5 người Tây Ban Nha hiếu khách này.

Chula không chỉ là thời trang

Lần đầu đến với Chula, người viết chỉ bị hút mắt vào những bộ trang phục pha màu cực sáng tạo trên lụa Việt.

Rồi Diego- chủ thương hiệu thời trang Chula- đưa thức ăn vào bộ sưu tập tại Tuần lễ Thời trang Xuân Hè 2013, một màn trình diễn độc đáo nhất.

Mỗi người mẫu trình diễn một bộ trang phục mô phỏng màu sắc, đường nét của một thứ hoa củ quả nào đó. Có thể đoán tác giả của những mẫu thiết kế này rất vui tính và... có tâm hồn ăn uống! Một khán giả nói: “Bộ sưu tập của anh rất ngon!”.

Hỏi Diego: Lần đầu hai vợ chồng đến và thấy yêu Hà Nội nên mới ở lại, liệu sau chừng ấy năm còn yêu nổi không? “Yêu chứ, vẫn yêu”.

Ngôi nhà của Chula rất dễ nhận ra nhờ những mảng màu sặc sỡ. Nhà thuê của bà chủ tên Mứt từ khi khởi dựng thương hiệu Chula năm 2006, bà chủ hiện ở ngay cạnh, không có hàng rào ngăn cách.

Anh được thừa hưởng thiết kế của kiến trúc sư cũ trong cách sắp đặt không gian văn phòng, phòng khách, kho hàng. Khu nhà ở thì mang hơi hướng quê hương Tây Ban Nha.

Gặp sẽ thấy Diego rất hiền, nhưng ba đứa con thì đáo để- nhất định không cho xem căn phòng được bài trí gợi không khí Địa Trung Hải.

Phòng khách lại được thổi không khí Việt Nam, có lẽ một phần nhờ tận dụng gian thờ của nhà chủ để lại.

Diego khéo bài trí với tràng kỷ, đồ dùng gỗ gợi màu thời gian nhưng lại hiện đại với tấm thảm ngồi tự tay thiết kế với hình tròn đủ kích cỡ, màu sắc.

Có khi, khách lại sửng sốt vì Diego úp hai chiếc nón vào nhau, tạo thành các chân bàn kính, ghế sofa.

Hai chiếc thúng úp lại, tạo nên chiếc ghế ngồi rất lạ. Hay góc này góc kia thấy Diego chơi với những đó tôm tạo thành đồ trang trí, hay đèn cây bằng tre.

Giữa các khu nhà, có khoảng không gian sân rộng, kê các bộ bàn ghế mây, sắt phối màu sáng rực. Một sân khấu nhỏ nơi thi thoảng bạn bè anh, phần đông là giới nghệ sĩ Việt uống tách cà phê, lúc cao hứng thì hát. Lê Cát Trọng Lý cũng mới hát ở nhà Chula.

Tâm hồn Tây Ban Nha giữa Hà Nội

Diego hơn một lần bày tỏ, anh hạnh phúc vì có đông bạn bè người Việt. Hạnh phúc hơn cả là anh làm thời trang nhưng còn có những người bạn ca sĩ, nhiếp ảnh, điêu khắc, luật sư.

Cho nên đây có thể là nơi giao lưu ý tưởng, tận hưởng giây phút thư giãn ở những bữa tiệc nhỏ, thân thiện.“Tôi thích ca trù, thích lắm. Cả hầu đồng nữa”.

Hỏi Diego: Lần đầu hai vợ chồng đến và thấy yêu Hà Nội nên mới ở lại, liệu sau chừng ấy năm còn yêu nổi không? “Yêu chứ, vẫn yêu”.

Từng là kiến trúc sư, giờ anh rẽ ngang sang thời trang, và hứa hẹn sắp trình làng một Chula của đồ nội thất. Phòng khách treo vài tấm hình Hà Nội phóng to. Minh họa bằng những câu thơ, ca dao hay tục ngữ Việt Nam và chú thích tiếng Anh. Hóa ra đây là sở thích của Diego.

Một tấm ảnh quen thuộc với tháp Rùa, Hồ Gươm được minh họa bằng: Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Tấm ảnh chụp phố Lý Quốc Sư khi Tết cận kề, với câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và lời bình: Ảnh được chụp trên một vũng nước bên cạnh đường Lý Quốc Sư,với hình ảnh ngôi chùa vừa được quét vôi vàng, cạnh vũng nước còn có vỏ quất ai đó để lại.

Không chuộng máy ảnh chuyên nghiệp, Diego bảo anh thiên về xu hướng chụp để phản ánh, phản chiếu hơn là minh họa.

Giống như trong những ngày đông lạnh giá, giữa con phố ảm đạm, bỗng rực lên một gánh hàng hoa - Màu sắc ấy mới tuyệt làm sao.

Hai phần ba nhân viên của họ là người khiếm thính. Cũng do cơ duyên người này giới thiệu người kia. Họ - những người khiếm thính, là tác giả những đường may sắc sảo trên trang phục thương hiệu Chula, bày bán ở rất nhiều khách sạn 5 sao cả nước. Diego thấy họ cảm thụ khá tốt, anh đối đãi với họ chân tình.

Diego cho biết: “Người Tây Ban Nha cũng mạnh mẽ lắm đấy. Bạn bè nhiều khi cũng bảo tôi dễ tính quá. Có thể tôi ảnh hưởng một phần từ tính của mẹ, thêm cuộc sống nay đây mai đó trước đây khiến tôi sống nhẹ nhàng hơn. Chẳng tội gì phải gồng lên. Chẳng thế mà Diego vẫn tươi, dẫu chi phí ngày càng tăng còn doanh số vẫn thế. “Chula như đứa trẻ đang lớn ấy. Phải cho nó ăn, nuôi dưỡng từ từ chứ chẳng thể ép nó lớn bổng lên được. May mắn là trong lúc khó khăn chung, Chula vẫn tàm tạm, tôi hi vọng dần dần mọi thứ tốt đẹp hơn”.

Chín năm chọn Hà Nội làm điểm dừng sau Mexico và Brazil, nhà Diego có trải nghiệm đằm hơn. Ba đứa con Carmen, Pablo và Yago đều thạo tiếng Việt.

Diego nghĩ xa xôi hơn về tương lai con cái, có thể sau này bọn trẻ lớn sẽ trở về quê hương còn vợ chồng anh vẫn ở đây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG