Không nữ hoàng không lấy tiền…

Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh Việt Nam 2018 Phạm Nữ Hiền Ngân. ảnh: tuấn anh
Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh Việt Nam 2018 Phạm Nữ Hiền Ngân. ảnh: tuấn anh
TP - 1/Nghe bà Nguyễn Thụy Oanh, Trưởng Ban tổ chức Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam trần tình với báo chí chiều 10/7 về những lùm xùm vừa qua, càng thấy chữ “loạn danh, ngáo danh” thật vừa xoẳn làm sao khi đặt vào tổ chức này và những người ứng thí cái danh hiệu kỳ khôi kia.

Theo bà này, trong lần gọi là lễ tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam năm ngoái, Ban Tổ chức (BTC) nhận hơn 700 đơn xin xét duyệt. Chung cuộc trao 26 danh hiệu gồm 11 Nữ hoàng và 15 Á hoàng, số còn lại thuộc Top 5, Top 10- vẫn là “thần dân”.

Năm nay BTC  kỳ vọng tiếp tục dán nhãn cho mỗi ngành nghề một Nữ hoàng  và hai Á hoàng, tổng cộng chục ngành nghề gì đó cứ thế nhân lên, sẽ được một mớ nữ hoàng, á hoàng nữa. Bà Trưởng BTC còn thật thà: “mong trao càng nhiều càng tốt”, và “tôi từng được Á hoàng năm 2017, thấy quá có lợi thế”- trong bối cảnh cả xã hội lên án tình trạng loạn cào cào các loại danh hiệu ảo, rởm, có được do đổi chác, mua bán hoặc tự phong.

Không mua bán thì gì, khi Trưởng BTC thông tin: Mỗi người được coi là “đủ điều kiện xét duyệt” sẽ phải đóng 10 triệu đồng. Mà con số 10 triệu là công khai thôi, còn thực tế bao nhiêu chỉ người trong cuộc mới tỏ.

Hài hước đỉnh điểm là khi bà Trưởng BTC giải thích nguyên nhân lùm xùm vừa qua (của chương trình Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam)  là “do tôi làm tốt quá hay sao ấy”!

Và đâu chỉ Việt Nam độc quyền trò này mà trên thế giới cũng đầy tổ chức, cá nhân kiếm chác với cung cách tương tự. Một ngày đẹp trời, nhiều người nhận được thư mời kèm yêu cầu nộp vài trăm đô la sẽ được nhận chứng chỉ công nhận các danh hiệu như: “Người đàn ông của năm”, “Người phụ nữ của năm”, “Người thành đạt nhất năm”, “Danh nhân văn hóa thế giới” v.v…Thế mà vẫn đầy người tưởng thật, sau khi nộp ít tiền thì thành thật tin mình chính là “Người đàn ông/phụ nữ của năm” và những danh hiệu trên trời rơi xuống khác.

2/Lâu rồi, tôi có lần đến chơi với một người quen ở công ty nơi cô ấy làm bà chủ. Bước vào phòng khách tôi ngỡ ngàng thấy tấm ảnh to như cái chiếu chụp một vị lãnh đạo nhà nước cùng mấy chục người đứng dàn hàng nhân sự kiện nào đó.

Giăng to ảnh là vì bà chủ- người quen của tôi hân hạnh đứng cạnh, túm tay vị lãnh đạo. Tôi nhận xét: Vài năm nữa ông ấy hết nhiệm kỳ, thế là lại mất công hạ ảnh xuống nhỉ.

Trong câu chuyện, có lúc cô đề nghị: Lâu không gặp, bà chị lăng xê em vài bài để em được giải Sao Đỏ năm nay đi. Em mấy năm liền được Sao Xanh rồi, có báo chí viết chân dung sẽ dễ ăn giải hơn. Tôi nói, thứ nhất tôi không phải phóng viên kinh tế mà văn hóa. Thứ hai là theo chỗ tôi hiểu, giải Sao Đỏ (không biết bây giờ còn không) dành cho doanh nhân xuất sắc nhưng phải làm ra sản phẩm, còn cô chỉ là trung gian buôn bán ăn chênh lệch, có làm ra sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đâu mà đòi. Chẳng là cô chuyên nhập khẩu thiết bị dùng cho phòng tắm hơi, mát xa.

Ấy thế thỉnh thoảng vẫn thấy cô khoe đi nước ngoài hội thảo, rồi dự liên hoan gì đó của thế giới hẳn hoi. Vì cô có một chức nho nhỏ trong hội đoàn doanh nghiệp thủ đô. Đi đến đâu lại túm tay các yếu nhân chụp ảnh. Mớ ảnh ót và kỷ niệm chương dự hội nọ hội kia ở nước ngoài, biết đâu cũng lòe được một số người. Lộng giả thành chân, riết rồi có khi tưởng mình quan trọng thật dù bây giờ, sau chừng ấy năm, vẫn chỉ buôn nước bọt mà thôi. Số này ở giới doanh nhân, đông hay vắng?

3/Thập kỷ 90 thế kỷ trước, các ca sĩ, nhạc sĩ thường được mời đi hát hội nghị. Trong một lần như vậy, tôi chứng kiến ca sĩ Trung Đức trước khi hát bài của một nhạc sĩ nổi tiếng, có phi lộ rằng: “Sau đây tôi xin trình bày ca khúc…, của nhạc sĩ…, là nhạc sĩ số 1 Việt Nam”. Nhạc sĩ sau đó cũng ra chào khán giả.

Tan cuộc, vì là chỗ quen thân nên tôi hỏi nhạc sĩ, có nhất thiết giới thiệu như thế không, số 1 Việt Nam? Anh ngần ngừ một chút rồi đáp: “Không nhất thiết. Mặc dù giới thiệu thế cũng không oan đâu”.

Nghệ sĩ thường đầy kiêu hãnh, hay cho mình “là một, là riêng, là thứ nhất”. Đó cũng là động lực để họ phấn đấu vươn lên. Như nhiều người nói “nghệ sĩ mà cứ ra vẻ khiêm tốn, nhún nhường thì vứt”. Đạo diễn Xuân Huyền chẳng hạn, hay được giới sân khấu bàn tán với những giai thoại như: Ông tự lập ngôn rằng “Đạo diễn số 1 của nước này là Xuân Huyền. Số 2 cũng Xuân Huyền. Số 3,4 mới đến những người như Doãn Hoàng Giang, Nguyễn Đình Nghi…”.

Kiêu hãnh và tự ái nghề nghiệp để vươn lên vị trí số 1, có khác so với việc tự định danh trong ảo tưởng. Hoặc xập xí xập ngầu kiểu tháu cáy. Đàm Vĩnh Hưng là ông hoàng cát xê thì có thể, chứ chả nhẽ lại là ông hoàng nhạc Việt đúng nghĩa. Ngọc Trinh tự nhận nữ hoàng nội y (hoặc phô hơn: nữ hoàng đồ lót) là việc của cô. Nhưng chừng ấy có lẽ chưa đủ để được biết đến ở một chốn như LHP Cannes, nên cô mới quyết trình diện cả thế giới trong một bộ không thể gọi là phục trang như thế.

MỚI - NÓNG