Kim Ngân, dịch giả '7 năm bóng tối' nhận giải thưởng của Hàn Quốc

TPO - Dịch giả Kim Ngân nhận bằng khen của Quỹ Quỹ dịch thuật Văn học Hàn Quốc và tiền thưởng 10.000 USD. Nhân dịp này, từ 14h-16h30 27/11 tại Hà Nội, tác giả Jeong You Jeong và Kim Ngân sẽ giao lưu với báo chí và độc giả. Chương trình do Alpha Books tổ chức.

Giải thưởng

Hôm qua 4/11 tại Seoul, Hàn Quốc, Quỹ dịch thuật Văn học Hàn Quốc – KLTI  tổ chức lễ trao giải cho 6 dịch giả chuyển thể xuất sắc bốn tác phẩm văn học Hàn Quốc sang ngôn ngữ sở tại.

Xuất bản tháng 3/2011, 7 năm bóng tối đến nay vẫn giữ vị trí best-seller, ngoài Việt Nam còn được dịch ra tiếng Đức, Pháp, Trung Quốc, Đài Loan và chuyển thể điện ảnh, dự định năm 2016 phim ra mắt.

Ngoài đời, có linh cảm về một vụ án bắt cóc và sát hại trẻ em mà tác giả Jeong You Jeong viết tác phẩm này. Đó là vụ án về người đàn ông rất yêu gia đình, vì một lý do không thể hiểu nổi đã sát hại một cậu bé. Tác giả xem đoạn phỏng vấn con trai hung thủ, giữa bao nhiêu sự phẫn nộ, chỉ trích dội xuống hung thủ, người con trai nói “rất yêu người bố sát nhân, người bố tốt”. Sau đó, tác giả nghĩ tới việc viết tiểu thuyết 7 năm bóng tối.

Jeong You Jeong là một trong số nhà tiểu thuyết có tác phẩm đạt tầm vóc to lớn của văn đàn Hàn Quốc. 7 năm bóng tối chỉ ra sự hủy hoại của việc vô ý giết người, mối quan hệ thiện-ác, khoảng cách giữa hiện thực và sự thật, ý chí sống còn không bao giờ từ bỏ… Những chất liệu và câu chuyện hóc búa đó được đo cắt thật vừa vặn tinh tế, hoàn thiện trước mắt bạn đọc.

Kim Ngân, dịch giả '7 năm bóng tối' nhận giải thưởng của Hàn Quốc ảnh 1

Bìa cuốn “7 năm bóng tối”.

7 năm bóng tối

Tiểu thuyết chia thành 2 phần lớn và được viết theo kiểu “chuyện trong chuyện”. Câu chuyện bên trong kể về cuộc đối đầu nghẹt thở giữa một bên là người đàn ông 7 năm trước, trong cơn bộc phát đã giết chết một cô bé rồi sau đó phát điên vì mặc cảm tội lỗi – và một bên là người cha của nạn nhân liều mình đòi công lý theo cách riêng – đó là sự “trả thù” nhắm vào con trai của hung thủ đã giết con gái mình. Trong quá trình diễn ra cuộc đấu quyết tử nhằm cởi bỏ cái thòng lọng chết chóc đang tròng vào cổ con trai mình, người đàn ông đã buộc phải có những lựa chọn khủng khiếp.

Câu chuyện bên ngoài bắt đầu với việc cậu con trai vốn phải mang cái nhãn “Con trai kẻ sát nhân” sống lang thang, phải đối mặt với cái chết của bố trong tờ thông báo “Thực thi án tử hình”. Cái chết của bố đưa cậu trở lại với “cái đêm 7 năm về trước”, và cậu chợt nhận ra “cái đêm đó” vẫn chưa kết thúc.

Trong sự hỗn loạn mang tên cuộc đời, đôi khi chúng ta quên mất điều quan trọng nhất. Tác giả đặt ra một câu hỏi cấp thiết. Vào cái đêm 7 năm về trước, khi mà “số phận đột nhiên tung ra một cú ném bóng xoáy” đó, rút cuộc liệu chúng ta có thể làm được gì? Các nhân vật trong tiểu thuyết này bằng đủ mọi cách đã vùng vẫy để sống tiếp cuộc đời vốn đã bị tàn phá hủy hoại. Chỉ vì một phán đoán sai lầm trong phút chốc mà cả cuộc đời rơi thẳng xuống vực sâu không đáy, khi đó, liệu chúng ta sẽ sống tiếp cuộc đời ấy như thế nào?

Trong tình huống đứng trên bờ vực thẳm buộc phải buông bỏ tất cả, nhân vật Hyun Soo vẫn không từ bỏ tình phụ tử với con trai Seo Won – “quả bóng cuối cùng còn lại”. Khi chúng ta đương đầu trực diện với cuộc đời, nếu như có thể có được sức mạnh để vượt qua nỗi tuyệt vọng, thì có lẽ sức mạnh đó là bắt nguồn từ “quả bóng cuối cùng còn lại” của bản thân mình. Tiểu thuyết này là câu chuyện về niềm hy vọng và ý chí hướng thiện cuối cùng sẽ tất thắng, giúp con người có thể sống tiếp bằng mọi giá, giúp con người có thể “bất chấp tất cả mà trả lời Yes đối với cuộc đời”.   

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Seo Won – cậu bé 12 tuổi – sống sót trong vụ việc được gọi là “thảm kịch hồ Seryung”- “Con trai kẻ sát nhân”. Sau khi trôi dạt từ nhà họ hàng này sang nhà họ hàng khác, cuối cùng, Seo Won bị bỏ rơi, cậu bé gặp lại và sống cùng với chú Seung Hwan – người từng sống chung một nhà với cậu ở làng Seryung. Chú Seung Hwan là nhà văn, nhân viên dưới quyền bố. Nương tựa vào chú, Seo Won định sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, vậy nhưng cái tin thực thi án tử hình của bố ập tới như một lưỡi dao. Seo Won tránh ánh mắt người đời, cùng chú Seung Hwan sống cuộc đời của kẻ lang thang, và được chú Seung Hwan dạy cho nghề lặn.

7 năm sau ngày xảy ra thảm kịch hồ Seryung, Seung Hwan và Seo Won đang sống lặng lẽ tại làng Hải đăng thì xảy ra chuyện, họ buộc phải cứu hộ một đám thanh niên gặp nạn khi đi lặn scuba ban đêm. Vì vụ việc này mà Seo Won lại bị dư luận để tâm, rồi cậu nhận được một hộp đồ chuyển phát không biết tên người gửi. Trong hộp có đựng tập bản thảo tiểu thuyết do Seung Hwan viết, trong bản thảo này, những gì Seung Hwan viết đã dựng lại chi tiết thảm kịch hồ Seryung 7 năm về trước.

Ghê sợ với việc khơi lại vụ án 7 năm trước, Seo Won quẳng tập bản thảo vừa đọc và ra khỏi nhà thì nhận được thông báo về việc thực thi án tử hình của bố. Để dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội trong lòng, Seo Won bèn ra biển đi lặn. Cậu lặn sâu tới sát ngưỡng cửa của cái chết mới nổi lên mặt nước, đúng giây phút đó, cậu thấy đằng xa có một người lạ đang đứng nhìn mình, đến lúc này, Seo Won mới nhận ra rằng mình vẫn thực sự chưa hề hay biết gì về lý do bố phải đi tù. Và rồi Seo Won mở lại tập bản thảo của chú Seung Hwan và bắt đầu đọc nốt phần còn lại. Giữa sự thật và hiện thực, rút cuộc tập bản thảo cuối cùng đã dẫn thẳng tới sự thật ẩn sâu bên trong thảm kịch hồ Seryung.

Dư luận

Sau khi xuất bản, tác phẩm nhận phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Giám đốc Han Ki Ho của Viện nghiên cứu Marketing xuất bản Hàn Quốc, trên blog cá nhân, đã nhận định về Jung Yoo Jung rằng có thể “cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng Jung Yoo Jung sẽ trở thành đại diện tiêu biểu cho nền văn học Hàn Quốc trong tương lai”. Nhà phê bình văn học Jung Eun Kyung nhận xét “Một cuốn tiểu thuyết 500 trang mà khiến độc giả đọc một hơi quên ăn quên ngủ”.

Bạn đọc có nick “Yiyo” gọi “Cuốn tiểu thuyết đỉnh cao” và “Sẽ rất vui nếu năm nay đọc được cuốn tiểu thuyết nào khác vượt trên cuốn này”, nick “INMAY” thì ngạc nhiên “Từ bao giờ mà Hàn Quốc có được cuốn tiểu thuyết như thế này vậy?”. Rồi “Không thể nào buông quyển sách khỏi tay được”, “Hấp dẫn đến kinh ngạc, cuốn tiểu thuyết này thật giống y như quái vật”, “Cuốn tiểu thuyết đã khiến ngực tôi nghẹn thắt lại”… Nhiều đánh giá tích cực ở tính trọn vẹn rất cao. Như tờ Joseon Nhật báo – một nhật báo uy tín của Hàn Quốc – nhận xét “Mạch truyện có quy mô kỳ vĩ, các chi tiết tinh tế, câu chữ quyết liệt giáng mạnh những cú bóng thẳng không chút chần chừ. Cuốn tiểu thuyết đó có đủ những phẩm chất mà một cuốn tiểu thuyết hay cần phải có”, “Tiểu thuyết này thậm chí không cho chúng ta thời gian để thở. Đó chính là ma lực của “7 Năm Bóng Tối”. Cốt chuyện và ngôn từ cứ thế xốc thẳng tới không thương tiếc”

Đây là giải thưởng trao hàng năm kể từ 2002. Năm nay, 76 đầu sách thuộc 19 ngôn ngữ dịch được sàng lọc. Qua 3 vòng đánh giá, ban giám khảo chọn 4 tác phẩm dịch được giải chung cuộc.Bốn tác phẩm được trao giải năm nay được dịch sang tiếng Pháp, Tây Ban NhaÝ, Việt Nam. Cuốn dịch sang tiếng Ý đã xuất bản ở Việt Nam với tựa đề “Tôi có quyền hủy hoại bản thân tôi”.

MỚI - NÓNG