'Kỳ nhân' Phạm Thiên Thư viết lại truyện Kiều thành văn xuôi

TPO - Nhà thơ Phạm Thiên Thư, một người mê truyện Kiều và từng nổi tiếng với tác phẩm "Hậu đoạn trường tân thanh" mới đây đã viết lại truyện Kiều dưới dạng văn xuôi, tạo ra một tác phẩm đọc vừa gần gũi lại vừa lạ mắt với độc giả.
'Kỳ nhân' Phạm Thiên Thư viết lại truyện Kiều thành văn xuôi ảnh 1
Thi sĩ Phạm Thiên Thư sinh năm 1940, quê gốc họ Phạm Thái Bình, ông đã vào Nam từ 1954 và làm rất nhiều thơ với bút pháp độc đáo. 

Năm 1973, ông được Giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu truyện Kiều-Đoạn trường Vô Thanh do chính quyền lúc đó trao tặng.

Năm 2007, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục là người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ.

Mới đây, thi sĩ vô cùng độc đáo này đã xuất bản cuốn "Đoạn trường Kiều" bằng văn xuôi (NXB Tổng hợp TPHCM) , dựa trên nội dung truyện Kiều của Nguyễn Du. Sách mới xuất bản đã bán hết ngay và lập tức được tái bản. 

'Kỳ nhân' Phạm Thiên Thư viết lại truyện Kiều thành văn xuôi ảnh 2 Nhà thơ Phạm Thiên Thư vẫn trầm tư với những câu Kiều. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Tác phẩm "Đoạn trường Kiều" của Phạm Thiên Thư xen kẽ những đoạn văn xuôi tương tự văn bền ngẫu, với âm hưởng của những suy tưởng và sự hoài nhớ, cùng những đoạn trích thơ truyện Kiều của Nguyễn Du.

Suốt mấy chục năm qua, hoàn thành hàng trăm đầu sách, nhưng Phạm Thiên Thư vẫn nặng lòng với truyện Kiều. Ông nói: "Người Việt Nam chúng ta đọc truyện Kiều, mê truyện Kiều bởi vì trong đó có nội dung hay, tư tưởng đẹp, song trong truyện Kiều cũng có những câu, những chỗ mà thời nay cần suy nghĩ lại. Bởi vậy khi viết truyện Kiều lại dưới dạng văn xuôi, tôi đã chỉnh sửa một số chỗ. 

Truyện Kiều có câu: "Bắt phong trần, phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao". Trong tác phẩm "Đoạn trường Kiều" bằng văn xuôi này, Phạm Thiên Thư viết: "Ngẫm hay sự sống muôn việc tại trời. Trời kia đã bắt, làm người có thân, khi phong trần thắng phong trần, thanh cao giáo dục mới phần thanh cao". Phạm Thiên Thư cho rằng thanh cao không phải từ số phận, từ ông trời mà chính là từ giáo dục. 

'Kỳ nhân' Phạm Thiên Thư viết lại truyện Kiều thành văn xuôi ảnh 3 Những trang truyện Kiều bằng văn xuôi của Phạm Thiên Thư

Văn phong của Phạm Thiên Thư có nét "siêu thực" vừa hư vừa thực, vừa như thực vừa như mơ. "Đoạn trường Kiều" như một giấc mơ về truyện Kiều với nhưng câu kể đầy nhịp điệu nhưng cũng rất biến hóa: "Đêm nay trăng sáng, cánh vạc não lòng trước đèn lành lạnh, này truyện sử xanh, rằng năm Gia Thất triều Minh, họ Vương gia đó, gia tư nhà nho...".

Phạm Thiên Thư cho biết: "Truyện Kiều từ một chuyện có thật, được nhiều nhà văn sáng tạo dần nên mà thành tác phẩm như ngày nay ta thấy. Nhưng truyện Kiều không dừng lại đó, con người ta có thể mở rộng thêm, có những suy tư mới và kể cả có những sáng tác mới mà không dứt khoát cứ phải giống y như truyện Kiều mà mọi người đã thuộc lòng. Văn chương là tấm lòng, mà tấm lòng cứ mở rộng thì văn chương cũng mở rộng đến vô cùng". 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.