Lại bàn về văn hóa hàng hiệu

Lại bàn về văn hóa hàng hiệu
TP - “Thời trang sẽ qua đi, chỉ có phong cách là còn nguyên không đổi” - Gabriel (Coco) Chanel.
Biểu tượng thời trang quá khứ Coco Chanel
Biểu tượng thời trang quá khứ Coco Chanel.

Năm đã qua một nửa, kinh tế thế giới và nước nhà có vẻ chưa khá lên. Tình hình như vậy thì nói chuyện ăn xài, chuyện chơi và nhất là chuyện mặc làm gì nhỉ? Song bàn về mặc đẹp, về hàng hiệu, thời trang hay phong cách sống không có nghĩa là nói chuyện tiêu xài hoang phí.

Các bài viết về hàng hiệu ít nhiều đều thông tin bổ ích về cách sử dụng hàng hiệu và vai trò của hàng hiệu trong cuộc sống. Nhưng hình như ít ai bàn tới hàng hiệu trong tương quan giữa thời trang và phong cách. Kiến thức về hàng hiệu chỉ hữu ích nếu ta trân trọng phong cách sống của bản thân trong một thế giới phát triển chóng mặt, và công nghiệp thời trang thì chạy nhanh hơn nhiều so với mức gia tăng của túi tiền.

Nhiều người cho rằng giá trị bản thân sẽ gia tăng nếu biết dùng hàng hiệu đúng cách. Theo tôi cách hiểu này ngược. Thực ra khi một cá nhân có giá trị - value, được hiểu chính xác hơn là phong cách – style, thì cá nhân đó sẽ nhận thức đúng đắn về hàng hiệu và cách sử dụng chúng.

Câu nói của bà Chanel không phải là một lối chơi chữ màu mè, mà chứa đựng thông tin rất quan trọng: Giữa phong cách và thời trang có khác biệt cơ bản đó là tính trường tồn. Thời trang đến rồi đi, nhưng phong cách dù thay đổi đến đâu vẫn giữ nguyên bản chất. Một cá nhân có phong cách trông rất khác người không có nó- trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thời trang có thể mua được, nhưng phong cách thì không. Nhiều minh tinh Hollywood bỏ bộn tiền để thuê cố vấn phong cách, kết quả họ vẫn xuất hiện trước đám đông trong bộ đồ phản cảm. Song cũng đừng quá bi quan.

Phong cách có thể học hỏi, chứ không đến nỗi là một kỹ năng thiên bẩm. Thời bây giờ lại càng dễ, vì có quá nhiều quan niệm, trào lưu hay luật lệ được chấp nhận, chứ không phải như xưa cứng nhắc, rằng phụ nữ phải mặc váy và trong các tiệc trọng thì phải đội mũ ..v…v..

Một khi đã có phong cách thì mọi chuyện trở nên khá giản dị. Người có phong cách hiểu và trân trọng giá trị cứng và mềm của hàng hiệu. Phần cứng là phần chất lượng hữu hình, phần mềm là giá trị vô hình có được nhờ các chiến dịch quảng cáo, nhờ uy tín thương hiệu, hay có khi chỉ vì người nào đó nổi tiếng đã từng dùng một món y chang.

Biểu tượng thời trang hiện tại: Nicole Kidman
Biểu tượng thời trang hiện tại: Nicole Kidman.

Người có phong cách có thể mua hàng hiệu trong một phòng VIP có rượu vang và nước ngọt phục vụ cận kề, hay ngoài một outlet xấu xí bừa bộn. Có thể mua hàng hiệu nhờ nhận được thư mời dự dịp giảm giá đặc biệt, làm hội viên các hội thời trang hay các nhà mốt.

Họ không ngượng ngùng khi kể chuyện mua chiếc đầm Chanel giảm giá tới 80% vì đó là chiếc cuối cùng trong “last call sale” (đợt giảm giá cuối cùng), hay vì món hàng có lỗi nhỏ (minor defect) mà ta dễ dàng sửa được từ kho gia công của một hãng may.

Một người có phong cách cũng luôn biết lựa món hàng cần cho mình. Họ nhớ tên hiệu các món đồ mình có vì họ biết giá trị của thương hiệu và thưởng thức những đặc điểm riêng của món đồ.

Hàng hiệu là hàng có tên tuổi (đã qua thẩm định của thị trường và giới chuyên môn về cách thức sản xuất và phân phối), chứ không nhất thiết là hàng đắt tiền hay nhập khẩu. Tôi mặc chiếc quần tây vải rất đẹp và có những đường may cầu kỳ, một bạn hỏi có phải quần của Emporio Armani, tôi đáp: “Hàng hiệu đấy, nhưng là hiệu MH của Việt Nam!”

Hàng hiệu cũng không nhất thiết là món hàng thời thượng. Louis Vuitton, Hermès, Chanel… đều có hai dòng hàng classic (cổ điển) bán từ năm này qua năm khác, và mùa vụ (seasonal), chỉ bán trong những đợt nhất định.

Bác ruột tôi, từng tham gia các phái đoàn ngoại giao đi đây đi đó thời chiến tranh, có lần thấy một phụ nữ trong nội các của thủ tướng Thụy Điển Olof Palme mặc chiếc áo khoác may bằng hàng montagui hai màu nâu và kem rất đẹp. Khi được biết đó là món hàng từ mùa trước của một nhà mốt địa phương may theo phong cách của bà hoàng Grace Kelly, bà đã cố công ra tiệm đồ cũ mua được một chiếc với giá một đô la rưỡi.

Vào dịp sinh nhật 18 tuổi tôi được tặng chiếc áo đó. Mới đầu tôi không thích nó, vì hiểu biết của tôi lúc đó chỉ dừng ở quần bò Thái và áo lông Đức đắt tiền. Cái áo một đô rưỡi kiểu cách quá đơn giản có gì hấp dẫn đâu. Bác tôi bảo: “Hàng montagui khó kiếm lắm đấy, mà cháu có biết Grace Kelly không?”. Chiếc áo cuối cùng đã theo tôi nhiều mùa đông Hà Nội, nó làm tôi nổi bật giữa đám bạn mặc áo lông xù xì và chỉ một màu rêu đơn điệu. Nó rất nhẹ và ấm, vừa vặn và duyên dáng. Thấy xao xuyến lạ khi xem lại những tấm ảnh thời sinh viên trong chiếc áo ấy.

Tôi tin rằng những kỷ niệm nho nhỏ như thế cũng tạo nên phong cách và những nhận thức cần thiết cho một lối sống đẹp và sành điệu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG