Làm phim về Đặng Thùy Trâm, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể may mắn như 'chị Trâm phù hộ'

Làm phim về Đặng Thùy Trâm, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể may mắn như 'chị Trâm phù hộ'
TPO - Đã hơn 10 năm kể từ khi bộ phim “Đừng đốt” về bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ra đời, đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn còn vô cùng xúc động khi nhớ về quãng thời gian làm bộ phim này với rất nhiều sự may mắn tình cờ như được số phận sắp đặt.

Vào năm 2005, cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã tạo nên một cơn sốt tại Việt Nam. Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể rằng, bởi vì bố ông là bác sĩ nên ông cũng tìm đọc cuốn sách ấy. Sự tình cờ mang tính sắp đặt của số phận bắt đầu từ đây. Mãi sau này Đặng Nhật Minh mới biết, trước khi ra chiến trường, Đặng Thùy Trâm từng là học trò của bố ông, bác sĩ Đặng Văn Ngữ - bác sĩ đầu ngành về ký sinh trùng tại Việt Nam.

Làm phim về Đặng Thùy Trâm, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể may mắn như 'chị Trâm phù hộ' ảnh 1 Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể rằng ngay từ đầu bộ phim đã gặp được những may mắn ngoài mong đợi.

Trùng hợp là, bác sĩ Đặng Văn Ngữ cũng hy sinh trên chiến trường. Đặng Nhật Minh cho biết: “cụ bị trúng bom B52, sau đó người ta nhặt một phần hài cốt của cụ cho vào võng dù chôn. Họ chỉ kịp đục một mảnh nhôm ghi tên Đặng Văn Ngữ - 1/4/67. Sau đó, các cán bộ huyện đội của Phong Mỹ đi quy tập không biết Đặng Văn Ngữ là ai, họ quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Vô Danh. Mãi sau tôi mới tìm được”.

Đọc xong cuốn nhật ký, vị đạo diễn của “Bao giờ cho đến tháng 10” cảm thấy “rất thích nhưng chưa hề có ý định sẽ chuyển thể thành phim”. Một hôm, ông đến thăm dì là bác sỹ quân y Nguyễn Ngọc Toản. Dì Toản vừa đọc xong cuốn nhật ký và ngỏ ý muốn nhờ “người cháu quan hệ rộng” tìm địa chỉ của gia đình bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm ở Hà Nội để đến thăm. Đặng Nhật Minh đã đưa dì mình đến: “một căn hộ nằm trong một con ngõ nhỏ ở phố Đội Cấn. Cùng là người Huế (gia đình Đặng Nhật Minh là người gốc Huế) nên bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) đón tiếp chúng tôi rất ân cần. Tiếp chúng tôi hôm đó còn có cô em gái của liệt sĩ là Đặng Kim Trâm. Trong câu chuyện Kim Trâm chợt nói: “Anh Minh mà làm phim theo cuốn nhật ký của chị em thì tốt quá!”. Quả thật lúc đó tôi chưa hề có ý định làm phim theo cuốn nhật ký. Nó cảm động thật đấy, nhưng tôi thấy rất khó để đưa lên phim bởi vì mỗi trang đều là một câu chuyện, quá khó để có thể truyền tải được hết”. 

Nhắc lại là vào thời điểm sau khi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” công bố, có nhiều người muốn làm phim theo cuốn nhật ký này, một cơ sở sản xuất phim trong nước còn định mời đạo diễn Mỹ Oliver Stone làm đạo diễn với kinh phí hàng chục triệu USD.

Làm phim về Đặng Thùy Trâm, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể may mắn như 'chị Trâm phù hộ' ảnh 2 Trên trường quay "Đừng đốt"

Suy nghĩ của đạo diễn chỉ thay đổi sau khi ông đọc được bài báo của Fred – người cựu chiến binh Mỹ đã gìn giữ nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong suốt 35 năm. Xúc động vì chi tiết viên trung sỹ quân đội Sài Gòn nói với Fred khi đưa lại cuốn nhật ký: “Đừng đốt! Trong này đã có lửa!”… ông mới quyết định thực hiện bộ phim.

Mãi sau này, khi ngồi nhớ lại quãng thời gian làm phim “Đừng đốt” Đặng Nhật Minh vẫn cho rằng, đoàn phim được “chị Trâm phù hộ”.

Ông kể: “Thành công của bộ phim ngoài cả tưởng tượng của chúng tôi. Ngay từ khi bắt tay vào chọn bối cảnh, chúng tôi đã gặp rất nhiều thuận lợi. Địa phương đầu tiên chúng tôi đến là Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi có bệnh xá của nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Bệnh xá được phục chế đúng như ngày xưa, toàn tranh tre nứa lá và hầm ếch. Đi tiếp chừng nửa tiếng nữa chúng tôi đến nơi bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh. Nơi đó bây giờ là một cái hố nông phủ đầy lá rừng với những viên đá hộc được xếp xung quanh. Tôi thắp hương xin chị phù hộ việc làm phim được thuận lợi. Có lẽ lời cầu xin đó đã thấu được tới chị chăng nên suốt những ngày làm phim sau này chúng tôi gặp từ may mắn này đến may mắn khác”.

Làm phim về Đặng Thùy Trâm, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể may mắn như 'chị Trâm phù hộ' ảnh 3 Mặc dù làm việc với cả một ekip sản xuất của Mỹ nhưng đoàn phim vẫn vận hành rất thuận lợi.

Đúng ngày 30/4/2009 phim được chiếu ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Nhiều người xem đã không cầm được nước mắt. Họ không chỉ là những người đứng tuổi, cùng một thế hệ với nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, mà cả những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong hoà bình.

Phim đã được chiếu ở nhiều nước trên thế giới và tháng 9/2010 phim “Đừng đốt” đoạt “Giải Khán Giả” tại Liên hoan phim quốc tế Fukuoka Nhật Bản (giải duy nhất). Tháng 12/2010, Đừng đốt nhận giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 16 cùng giải Biên kịch xuất sắc, Giải Báo chí bình chọn. Tháng 3/2011, phim được tặng Giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các Giải Đạo diễn, Hoạ sỹ thiết kế, Âm thanh và Giải diễn viên nữ xuất sắc cho diễn viên Minh Hương…

Làm phim về Đặng Thùy Trâm, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể may mắn như 'chị Trâm phù hộ' ảnh 4 Đạo diễn và diễn viên Minh Hương nhận "Giải khán giả" tại LHP Fukuoka.

Quãng thời gian đem phim đi công chiếu ở nước ngoài cũng là những kỷ niệm khó quên của NSND Đặng Nhật Minh. Ông nhớ lại: “Đừng đốt” được chiếu tại hầu hết các trường đại học ở Mỹ. Các buổi chiếu thu hút lượng lớn khán giả và trong số đó có cả các cựu chiến binh. Tôi nhớ nhất là có một khán giả trẻ người da màu đã nói rằng cậu ấy có anh trai hy sinh trên chiến trường Việt Nam và cảm thấy rất căm hận. Thế nhưng sau khi xem xong bộ phim, cậu quên đi hết thù oán, đồng cảm với những mất mát ở cả hai phía. Khán giả Nhật Bản cũng rất thích bộ phim này. Có một cảnh mà tới giờ khi nhắm mắt lại tôi vẫn rất cảm động, đó là khi chị Đặng Thùy Trâm bị trúng đạn. Thế nhưng mà khi ấy chị lại hơi mỉm cười. Chị hình dung mình đạp xe, rồi về với bố mẹ. Lúc đó tôi dặn diễn viên Minh Hương phải diễn thật tinh tế. Cười toét ra là hỏng. Cô ấy rất thông minh, chỉ diễn một lần và đã mỉm cười rất chính xác. Giấc mơ cuối cùng của cô là được về với gia đình."

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.