Lan Anh tự tay bán đĩa bolero đến từng khán giả

Lan Anh dùng kỹ thuật opera để hát bolero và là nghệ sĩ đầu tiên kết hợp thể loại âm nhạc này với dàn nhạc giao hưởng Ảnh: NVCC
Lan Anh dùng kỹ thuật opera để hát bolero và là nghệ sĩ đầu tiên kết hợp thể loại âm nhạc này với dàn nhạc giao hưởng Ảnh: NVCC
Lan Anh - ngôi sao của dòng thính phòng vừa âm thầm cho ra mắt đĩa bolero và đĩa nhạc xưa. Chị tự mình bán đĩa đến tận tay người nghe chứ không thông qua hãng phát hành nào. Chị cho hay đĩa nhạc bolero hiện bán chạy hơn nhạc đỏ nhưng vẫn chưa nhận được lời mời đi hát nhạc này. Lan Anh đang lên kế hoạch làm liveshow nhạc xưa và bolero.

Được biết ngoài những bài đã phát hành, chị còn khá nhiều bản thu nhạc xưa và bolero đã hoàn thành. Động lực nào khiến chị tích cực cống hiến cho các dòng nhạc ngoài sở trường như vậy?

Thực ra tôi đã hát nhạc trữ tình, nhạc nhẹ trước khi “đóng đinh” với nhạc thính phòng, nhạc đỏ. Tôi là một trong những ca sĩ đầu tiên tham gia chương trình Ký ức thời gian khai thác dòng nhạc xưa hằng tuần trên VTV nhiều năm trước. Tôi cứ hát những Thiên thai, Suối mơ… mà không nghĩ tới chuyện ra đĩa.

Sau đó, tôi được giải về thính phòng và nhạc đỏ, cũng là lúc nhạc đỏ sống lại thì mình cũng cứ theo guồng thôi. Giờ tôi vẫn hát nhạc đỏ cho các chương trình lớn, phục vụ chính trị. Nhưng trong không gian phòng trà hay với những người chơi âm thanh thì trữ tình lại phù hợp hơn. Suy cho cùng, âm nhạc phục vụ đông đảo quần chúng, chứ không phải cho một bộ phận nào đó. Thể loại nào cũng có chỗ đứng, cũng đáp ứng nhu cầu quần chúng, tại sao mình lại tự bó buộc?! 

Chị có tiếc là mình ra đĩa nhạc xưa, bolero hơi muộn, nên có thể đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp cận khán giả?

 Tôi không muốn ép mình phải theo trào lưu. Như đĩa nhạc xưa, nhạc bolero tôi làm đúng là vì… yêu thôi chứ hằng ngày kiếm tiền chính vẫn là bằng nhạc đỏ. Nhạc xưa hay bolero bán đĩa tốt nhưng vẫn chưa ai mời. Đúng là nếu tôi làm đĩa sớm có thể đã có nhiều lời mời hơn.

Đĩa mới bán chạy đến mức nào?

Nếu nhìn qua các con số có thể sẽ không ấn tượng vì như đĩa nhạc đỏ Tình ca xanh tôi ra vèo cái đã bán 2.000 bản nhưng thực ra là rải khắp các đại lý mà có khi hàng năm sau mình mới nhận được "phần trăm". Hai đĩa này không họp báo rầm rộ vẫn bán tốt, người nghe, nhất là dân chơi âm thanh, truyền tai nhau. Tôi không muốn nhờ phát hành qua doanh nghiệp nữa, có thể họ mua cả vài nghìn bản để phân phát. Đương nhiên mình bán được đĩa thì sướng nhưng không biết có đến tai người nghe không. Còn khi khán giả bỏ tiền tự mua đĩa để nghe lại là chuyện khác. Giờ kho đĩa đang ở nhà tôi. Ai gọi tôi bán, giao đĩa, cầm tiền luôn.

Một số khán giả choáng khi Lan Anh hát bolero cùng dàn nhạc giao hưởng. Chị nói sao về điều này?
Giả sử tôi đủ điều kiện để ra cả CD bolero với dàn nhạc giao hưởng, để mọi người chỉ nghe bằng tai thôi chắc chắn sẽ rất thích. Nhạc cụ thật bao giờ chả hay hơn âm thanh điện tử làm giả dàn dây… Còn nhìn thấy lại đâm ra thắc mắc sao bolero lại chơi với giao hưởng, cứ như món ăn tây ăn với mắm tôm. Mà không hiểu bolero cũng là món xuất xứ Tây đấy, còn gần với giao hưởng hơn cả dân gian Bắc bộ chẳng hạn. Nhưng khi nhạc dân gian kết hợp với dàn nhạc giao hưởng thì lại toàn được khen.

Cách hát bolero của Lan Anh có thể cũng khiến một số người đã quen nghe ca sĩ miền Nam hát thấy lạ?

 Người miền Tây, người Sài Gòn, người Hà Nội đương nhiên hát khác nhau, nhưng quan trọng là hát hay, hát ngọt, chạm đến trái tim khán giả. Không nên áp đặt, chả có âm nhạc nào cố định hát một kiểu. 

Đến tầm này Lan Anh vẫn chưa được trao danh hiệu NSƯT dù đủ điều kiện. Chị nghĩ sao về việc này?

 Mỗi người nghệ sĩ có quan điểm khác nhau. Có người thích danh hiệu. Tôi chỉ thích được công chúng nhớ tới, yêu quý thực sự chứ không phải yêu vì là NSƯT. Tôi cũng không phấn đấu để có chức tước, mà muốn sống đơn giản, được hát, được cống hiến, được làm những dự định mình yêu thích. 

Chị từng đưa con trai lên sân khấu tại đêm hòa nhạc Ánh trăng Tình yêu. Chị có định cho cháu theo nghề của mẹ?

Con tôi rất năng khiếu, nhưng không thích theo âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi cũng không ép con phải thi vào Nhạc viện, để rồi phải tập đàn 5-7 tiếng/ngày, mất cả tuổi thơ. Sau này cháu thích gì tôi sẽ cho theo cái đó nhưng đàn bắt buộc phải học ít nhất tuần 1 buổi, vì không học một cái lại xem TV, chơi game.

Tôi nói với con: “Âm nhạc rất tốt cho con sau này, bất kể con làm ngành nghề gì, âm nhạc là người bạn, giúp con xả stress bất cứ lúc nào. Con muốn học nước ngoài thì việc biết đàn là điều kiện cộng điểm. Nên bây giờ phải cố gắng lên!”. Khi ép con học, mình cũng phải “phù thủy” một tí. Bây giờ cháu có thể khó chịu vì mẹ cứ ép học, nhưng sau này sẽ cảm ơn sự khắt khe ấy. 

Ban đầu Lan Anh học hát opera cũng có phần miễn cưỡng?

Mấy năm đầu có học đâu. Tôi hát tiếng Anh ở bar khách sạn Daewoo gần một năm với ban nhạc. Đùng cái thi có giải, chuyển sang nhạc đỏ, từ đó cứ nhạc đỏ. Kỹ thuật opera trong trường, tôi học nhanh quá, mọi người bảo theo cổ điển được. Thế là theo, thấy yêu. Ban đầu hát thấy vừa, về sau khó dần mà mình vẫn chinh phục được nên lại càng yêu. 

Chứ cũng không lo xa hát opera làm sao có tiền?

Thích thì cứ hát chứ chả nghĩ gì, kiên định lắm. Nhưng khi có gia đình, có con rồi, nhìn nhận nó cũng khác đi. Mình nghĩ có thực mới vực được đạo. Nhưng rõ ràng nhạc đỏ bây giờ vẫn sống rất tốt ngoài Bắc. Khi chuyển dòng, tôi cũng ngại. Ban đầu làm đĩa bolero định chỉ để tặng chứ không phát hành. Trợ lý của tôi góp ý: “Tại sao hát có màu, ra chất, lại không phát hành để giọng hát của mình bay xa hơn nữa…”. Nhiều bạn bè đồng nghiệp như Trọng Tấn, các anh Đăng Dương, Việt Hoàn cũng ủng hộ, khuyên phát hành. 

Trung tâm đào tạo nghệ thuật biểu diễn chị vừa mở tại Hà Nội có gì khác biệt?

Trung tâm sẽ đào tạo nhiều bộ môn khác nhau, trước mắt đi sâu vào thanh nhạc phân theo cấp độ chuyên, bán chuyên, tiến tới đào tạo ca sĩ cho trung tâm luôn. Chúng tôi có lớp kỹ năng biểu diễn, piano cho trẻ mới bắt đầu học. Có CLB cho người già, lớp cảm thụ âm nhạc cho trẻ 3-5 tuổi. Với những học viên tài năng có hoàn cảnh khó khăn, trung tâm sẵn sàng hỗ trợ.
Cảm ơn chị.

“Nhạc bolero phân tích ra ca từ rất hay, không kém bất cứ dòng nhạc nào, thậm chí gần gũi sâu sắc hơn. Một số bài từ xưa đã viết theo cấu trúc đầy đủ AA’BA. Kể cả giai đoạn Cách mạng, chưa chắc ca khúc đã đúng chuẩn như thế. Tại sao mọi người cứ ác cảm, phân tích cảm tính, theo dây chuyền. Nên tôn trọng âm nhạc - như vườn hoa mỗi thứ có vẻ đẹp màu sắc khác nhau và tôn trọng những nghệ sĩ đã dành tâm huyết cho những tác phẩm đó” 
Ca sĩ Lan Anh.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.