Làn Xoan lên ngôi

Biểu diễn một làn Xoan cổ
Biểu diễn một làn Xoan cổ
TP - Tối nay, 18-2, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ vinh danh hát Xoan trở thành di sản văn hóa của nhân loại (được UNESCO công nhận cuối năm ngoái). “Hát Xoan là hình thức âm nhạc rất cổ, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu”, UNESCO nhận định. Các nghệ nhân ở Phú Thọ đang say sưa truyền dạy hát Xoan cho lớp trẻ.

> Vui làng Việt cổ nơi đất Tổ

Cô giáo Hoàng Thị Huệ (Trường Tiểu học Trung Sơn A, Phú Thọ) xúng xính khăn áo, đang theo học điệu Xoan cổ. “Là giáo viên dạy nhạc nhưng giờ em mới biết câu Xoan cổ, thấy đam mê khó tả, học sinh vùng cao hẳn sẽ rất yêu làn Xoan quê mình”.

Ông Lê Bình ở huyện Đoan Hùng đã cứng tuổi nhưng trông trẻ trung, trong làn điệu Đón đào, Mó cá... Nghe hỏi chuyện hát Xoan, ông cười sảng khoái: “Còn phải nói, bà con trong xã, đặc biệt là phường Xoan chúng tôi mừng hơn cả bắt được vàng. Vậy là vốn quý của cha ông để lại đã được giữ gìn. Xem tivi biết hát Xoan là di sản nhân loại, tôi mừng ứa nước mắt”.

Báo cáo của Ban thẩm định hồ sơ thông báo tại Hội nghị UNESCO (tổ chức gần đây ở Indonesia) đánh giá: Hồ sơ hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là hồ sơ duy nhất nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban thẩm định.

Các chuyên gia ghi nhận giá trị di sản và những cố gắng của cộng đồng tại Phú Thọ trong nỗ lực bảo tồn các làn điệu Xoan. Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San, nói: “Hát Xoan dâng lên UNESCO hoàn thiện cả về cấu trúc và nội dung, đáp ứng được tất cả tiêu chí bắt buộc cực kỳ khắt khe mà mang tính điển hình”.

Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương, hát Xoan Phú Thọ, là hát cửa đình giàu nghệ thuật mà đa yếu tố: nhạc, hát, múa... trong các trò diễn hội làng. Các làng Xoan gốc đều là làng cổ ở trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát Xoan bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời dựng nước...

Ông Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nhận định: “Hát Xoan quí giá vì là di sản có tính đồng bộ và có nhiều giá trị cổ xưa. Khi người ta hát đứng im, bàn tay cuộn ngón như bông hoa nở 5 cánh. Người đàn ông đi chéo, hát lên ruộng, xuống đồng, biểu hiện cuộc sống khó khăn, khúc khuỷu. Ngôn ngữ nghệ thuật ấy rất có chiều sâu, nhưng bây giờ nếu không hiểu thì sẽ thấy nhàm chán”.

Hiện nay, Phú Thọ còn 4 phường xoan cổ: An Thái, Phù Đức, Thét và Kim Đới. Bà Nguyễn Thị Lịch 63 tuổi, phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP Việt Trì) nói bà có 6 cháu nội, ngoại hát Xoan thành thạo, có cả năm thế hệ, trẻ nhất là 10 tuổi, già nhất 86 tuổi, thường xuyên hát Xoan...

Tuy nhiên, hát Xoan đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Theo thống kê của Sở VH, TT&DL Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có gần 70 nghệ nhân hát Xoan, trong đó chỉ có 8 người còn khả năng truyền dạy.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bảo (80 tuổi, ở phường Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) nói: “Tôi dạy được 6 cháu thì giờ còn có hai cháu tiếp tục theo học”. Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ (75 tuổi, Trùm phường Xoan Phù Đức) tâm sự, âm điệu Xoan hoàn toàn khác biệt, không giống bất cứ làn điệu dân ca nào, nên để Xoan đúng, đủ và mượt mà cần phải có thời gian tập luyện rất công phu.

Ca từ đa số theo văn Hán Nôm, nên phải là người thực sự yêu thích mới hiểu hết được cái hay, cái đẹp của những ca từ đó để rồi đam mê luyện hát. Việc duy trì sinh hoạt, biểu diễn hát Xoan cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất cũng như sự đầu tư, quan tâm, động viên về mặt tinh thần.

Phó Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Alberrto Virella: “Hát Xoan của Việt Nam rất hay và độc đáo. Với lối diễn xuất trình diễn đặc biệt, sự kết hợp giữa ngữ điệu và giọng hát, Hát Xoan Việt Nam xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Việc công nhận di sản chỉ là một chuyện, việc bảo tồn, phát triển nó cần rất nhiều công sức, đặc biệt là của cộng đồng, xã hội”.

Hát Xoan được tổ chức thành câu lạc bộ như: Câu lạc bộ Xoan An Thái, Phù Đức… biểu diễn trong nước, ngoài nước và truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Năm 2005, đoàn nghệ nhân hát Xoan Kim Đức (huyện Phù Ninh) biểu diễn tại Thái Lan, tham gia hội thảo quốc tế tại Bangkok (Thái Lan) với chủ đề: Âm nhạc và diễn xướng trong nghi lễ, được đánh giá rất cao, gây ấn tượng lớn đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG