Làng trong phố Hà Nội

Làng trong phố Hà Nội
TPCN - Có người viết đâu đó rằng, Hà Nội là một cái làng to nhất thế giới để ngụ ý cái chất “nhà quê”, những bất cập trong quản lý đô thị và nếp sống một thành phố đang hiện đại hoá từng ngày như Hà Nội.
Làng trong phố Hà Nội ảnh 1

Thật ra câu nhận xét ấy có đúng ở mặt nào đó. Hà Nội và có lẽ nhiều thành phố, thị xã của nước ta đều hình thành từ những ngôi làng.

Hà Nội ngày nay đang ào ạt đô thị hóa, cũng lặp lại quá trình “làng hóa phố” ngàn xưa.

Từng ngày một, thủ đô giang rộng vòng tay và ôm trọn những ngôi làng ven đô. Những cái tên quen thuộc như làng Vòng, làng Mọc, làng Lủ hay Xuân Đỉnh, Xuân La, Tứ Liên, Triều Khúc v.v. mới đây còn là những ngôi làng Việt thuần tuý nay đã thành quận huyện chỉ trong một vài năm, chóng vánh đến chóng mặt.

Hãy quan sát làng Triều Khúc, trước thuộc Hà Đông, nay được đưa vào địa giới Hà Nội. Làng có lũy tre, dưới chân lũy tre là hàng dãy ao chuôm (có tác dụng tiêu nước và bảo vệ chống giặc giã, trộm cướp).

Có đình làng bề thế, có chùa và đền thờ mẫu. Người trong làng ngoại ô này làm đủ thứ nghề. Trước hết là nghề nông: cấy lúa, trồng rau, thả cá. Và cùng với nghề nông, hầu như nhà nào cũng làm nghề chè chai đồng nát (ve chai)...

Rồi cơn sốt đất lên cao, nông dân Triều Khúc giàu lên nhanh chóng. Dân số tăng gấp rưỡi, gấp đôi trong thời gian ngắn kỷ lục. Người Triều Khúc bán đất cho khách Hà Nội dãn ra, cho người ngoại tỉnh tràn về thủ đô mua đất mua nhà cho con cái ăn học.

Các gia đình nông dân bị người thành phố mua đất xây nhà chen vào giữa, chẳng những làm thay đổi không gian mà còn làm đảo lộn cả nếp sống. Từ đó hình thành một thứ văn hóa “nửa phố nửa làng”.

Đã ba bốn năm đô thị hóa trôi qua nhưng dân Triều Khúc vẫn như xưa, trong tiềm thức văn hóa không có gì đổi khác tuy họ giàu có lên rất nhanh. Nhìn bề ngoài thì không thể nhận ra đây là ngôi làng cổ của ngoại ô thị xã Hà Đông nữa.

Nhưng bên trong, dân làng vẫn giữ nguyên hội làng, giữ nguyên những tập tục, đóng góp như trước đây. Thanh niên nam nữ mặc áo phông quần bò, quần trễ rốn áo hở ngực đi lễ chùa cho vừa lòng bố mẹ rồi lên A còng, Dylan hay Future vào Hà Nội bát phố.

Một số khác thì sà vào quán internet ADSL hẳn hoi chat hoặc chơi game đến tận sáng. Những quán internet này nhan nhản khắp đường cùng ngõ hẻm trong làng.

Làng Vòng gần trung tâm hơn nên bị đô thị nuốt chửng hoàn toàn trong vòng một hai năm, nay thành phường Khương Đình thuộc quận Thanh Xuân.

Làng có ngôi đình nổi tiếng có từ đời Lý, thờ vị thành hoàng là một danh tướng. Vào dịp 12 tháng Giêng hội làng, những thanh niên mô-đần cắt tóc đầu đinh hay đuôi vịt vẫn mặc vào tấm áo thụng, quần lụa vàng, đội mâm lễ vật lên đình trẩy hội.

Rằm mồng một đình vẫn đông nghịt người là người. Làng Lủ nổi tiếng vì có nhà thờ danh nhân Nguyễn Văn Siêu có chùa Đại Kim với sư sãi đông đúc như trước đây.

Khách lễ chùa nay đông lên gấp bội vì làng đã dung nạp thêm rất nhiều người từ trung tâm thủ đô về hay ngoại tỉnh đến. Cổng làng vẫn còn nguyên, hàng năm được quét vôi, tô lại đại tự...

Tất cả những quan sát và chiêm nghiệm điền dã ấy cho ta thấy làng ở đồng bằng Bắc Bộ là một thực thể văn hoá bền vững lạ lùng. Đô thị hoá được nông dân chấp nhận một cách thuận lợi vì nhờ vậy họ giàu có lên khi đất lên giá hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Nhưng người nông dân nay đã thành dân Hà Nội vẫn coi mình là nông dân dù họ đã thành công chức, công nhân hay người buôn bán nhỏ.

Mừng vì bản sắc văn hóa không bị mai một hay lai căng nhanh chóng như người ta sợ. Nhưng trong cái phúc ấy cũng có cái họa gần kề. Chính từ cái gốc nông dân bền chặt ấy đi lên, trở thành người thủ đô sau một đêm thức dậy, họ cũng mang theo mình góp vào thủ đô hiện đại cái bản sắc nông dân của mình.

Và như thế chắc sẽ không tránh khỏi chuyện làm chậm lại, thậm chí kìm hãm một nếp sống, một thứ văn hóa hiện đại mà bất kỳ thành phố lớn nào, bất kỳ thủ đô nào cũng cần có, cũng phải xây dựng công phu mới có được.

Nhưng chúng ta không bi quan. Một kiến trúc sư Pháp kiêm nhiếp ảnh gia đã làm ấm lòng ta vì khi đọc ông, ta biết được Hà Nội dưới con mắt nhìn của người nước ngoài như người Pháp chẳng hạn có những giá trị thật độc đáo:

“ Hà Nội nhắc nhở chúng ta rằng sự vĩnh cửu dựa trên những cái nhất thời, rằng tâm hồn được thể hiện rõ nét nhất thông qua những phương tiện thường nhật, giản dị. Chúng ta có bao giờ để ý rằng giá trị của thành phố này một phần là nhờ vào hằng hà sa số xe đạp và xe máy?

Chỉ cần nhảy lên lưng một trong những con ngựa sắt trung thành đó và đắm mình dưới những vòm lá, những mùi hương, chúng ta có thể dễ dàng đi đến mọi ngóc ngách của thành phố, làm một vòng quanh Hồ Tây, khám phá những điều mới lạ, ở dưới những tán cây phượng vĩ và những hàng me chạy dọc theo vỉa hè, mùi khói cay cay của thịt bò khô và mực khô nướng phả vào mặt cùng với hương vị dễ chịu của quế, hồi, nghệ, gừng, đậu khấu.

Đây là những hương vị thường trực trong khu phố cổ, hương vị tỏa ra từ những ấm thuốc bắc từ bao đời nay. Những hàng xe cộ dày đặc đan xen nhau trong bụi bặm, giống như những đàn cá khổng lồ đoàn kết chặt chẽ với nhau, cũng không làm chúng ta quên được trong dòng người đi bộ bóng một phụ nữ bán hàng rong, hàng ngàn năm qua vẫn đội chiếc nón trắng, từ sáng sớm tới tối mịt, vẫn với gánh hàng trên vai, nhịp nhàng theo bước chân đi. (Dominique Delaunay – Hà Nội – NXB KHKT )

Phải chăng những nét đáng yêu Hà Nội ấy là từ những “làng trong phố”? Phải chăng Hà Nội quyến rũ khách phương xa, đặc biệt là người Pháp, vì Hà Nội có hương vị riêng phảng phất từ những ngôi làng xa xưa, một đặc điểm rất Việt Nam?

MỚI - NÓNG