Lấy nhiều vợ cho đỡ sợ…

Dù nước Anh không chấp nhận đa ái nhưng cô Mary Crumpton vẫn công khai sống với hai chồng.
Dù nước Anh không chấp nhận đa ái nhưng cô Mary Crumpton vẫn công khai sống với hai chồng.
TP - Có không ít các quốc gia chấp nhận mối quan hệ hơn hai trong hôn nhân nhưng tuyệt đại đa số vẫn ưu tiên anh em.

Tin động viên những kẻ vẫn không nguôi nhớ nhung người cũ trong khi đang hú hí với tình mới: Nước Mỹ, cụ thể thành phố Somervill, bang Massachusetts thừa nhận quan hệ đa ái từ tháng 7/2020. Tức ở đây, dân tình thoải mái nhiều vợ, nhiều chồng và ngoại tình hoàn toàn có thể thành “nội tình”.

Thành phố 8 vạn dân này có khoảng 20 cặp đa phu thê. Họ được cấp đầy đủ các quyền bảo hiểm y tế, thăm khám sức khỏe, an sinh xã hội… như bất cứ cặp vợ chồng nào. Điều luật này được thông qua một phần nhằm để giải quyết các vấn đề về bảo hiểm y tế nảy sinh do COVID-19. Chả là người trong cùng một gia đình sẽ có cơ hội tiếp xúc y tế và được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với “bọn độc thân”. Sau khi nhà chức trách chấp thuận đa ái, nghe nói chưa hãng bảo hiểm nào đồng ý chi trả cho các gia đình kiểu này. Nhưng một tay ủy viên hội đồng thành phố vẫn lên báo bày tỏ sự tin tưởng xu hướng này sẽ nhanh chóng lan khắp nước Mỹ(!)

Dù sao đây không hẳn là một quyết định vội vàng của một cộng đồng do COVID mà cũng phản ánh nung nấu của nhân loại sau hàng nghìn năm “sống thử” các kiểu. Các nghiên cứu cho thấy, hôn nhân song tính cũng chỉ mới có từ 4.350 năm nay. Trước đó, gia đình rất có thể là một nhóm khoảng 30 người, với vài người đàn ông đầu đàn, cho ra những đứa con chung. Hôn nhân một vợ một chồng đưa loài người lên một tầm phát triển mới vì ngoài duy trì nòi giống, còn giúp mỗi gia đình tiết kiệm nguồn lực, tích lũy của cải, làm cho xã hội nhanh giàu có và (có vẻ) yên ổn hơn.

Nhưng vẫn luôn luôn tồn tại những quan hệ ngoài luồng mà chúng ta vừa sợ hãi vừa buộc phải chấp nhận trong sự giằng xé, đôi khi gây nên những hậu quả không thể cứu vãn. Và cho dù có thừa nhận hay không nó vẫn tồn tại. Thống kê sơ bộ qua báo chí thì Việt Nam có một số trường hợp đa ái (cụ thể là đa thê) nổi bật như: ông Nguyễn Đăng Hành (Gia Lâm, Hà Nội) có 16 “vợ”, 24 con; ông Trần Viết Chu (Quảng Bình, đã qua đời) có hơn 12 “vợ”, 36 con; ông Nguyễn Văn Tiến (Nghệ An) có 9 “vợ”, 7 con, vẫn muốn cưới thêm. Đặc biệt ông Nguyễn Văn Sơn (Mê Linh, Hà Nội) tuy khiếm thị nhưng vẫn kết duyên với 13 bà trong đó nhiều bà thuộc diện khó khăn nên được ông cho đứa con làm chỗ dựa. Những người đàn ông đào hoa này rõ là giàu tình cảm chứ không phải tiền bạc.

Có không ít các quốc gia chấp nhận mối quan hệ hơn hai trong hôn nhân nhưng tuyệt đại đa số vẫn ưu tiên anh em. Đa phu chỉ tồn tại ở vài nơi ở Ấn Độ, một số vùng quanh dãy Himalaya… Năm 2000, cuộc hôn nhân đa phu có thật ở Ceara, vùng hẻo lánh phía Đông Bắc Brazil đã được đạo diễn Andrucha Waddington đưa lên màn ảnh trong bộ phim gây tiếng vang với giải Un Certain Regard tại Cannes. Phim tên là Eu Tu Eles, tức Tôi, anh và họ. Một phụ nữ nông dân khỏe mạnh không xinh đẹp cũng chẳng giàu có đã thu xếp ổn thỏa một mái nhà với 3 người đàn ông. Chị có với mỗi chồng một con. Nhưng cả ba đứa đều được chồng “cả” nhận con mình trước luật pháp. Ba người đàn ông đóng 3 vai trò, ông đầu cung cấp chỗ ở, ông thứ hai chăm sóc, bầu bạn. Anh thứ ba, còn trẻ tất nhiên chuyên trách khoản chăn gối.

Câu chuyện tương tự xảy ra ở Manchester, Anh. Tờ The Sun đưa tin hai năm trước: Cô Mary Crumpton, 44 tuổi, thậm chí đang nỗ lực đòi pháp luật công nhận người chồng thứ hai của mình là John Hulls (53 tuổi) được có danh phận như “chính thất” Timothy Crumpton (43 tuổi). Ngoài ra cô còn có hai bạn trai tuổi 63 và 73! Cô tâm sự: “Tôi hoàn toàn chân thành và cởi mở chia sẻ với họ về cảm xúc cũng như nhu cầu của mình. Nếu sống theo kiểu một vợ một chồng thì tôi không đủ can đảm làm như thế. Tôi không có ý muốn truyền bá chế độ đa phu, tôi chỉ muốn nói tôi hợp với lối sống này”.

Vậy nên rất có thể khi đa phu thê (phức hôn) được chấp nhận, một số người tưởng chừng tôn thờ chủ nghĩa độc thân sẽ hưởng ứng đầu tiên. Vì khi đó nỗi sợ suốt đời bị trói với một người (theo đúng quy chuẩn xã hội) của họ không còn nữa. Nhưng nếu bạn độc thân, không con cho đến khi chết ở một số vùng tại Đông Phi vào đầu thế kỷ XX cũng không xong đâu nhé. Vì theo tục kết hôn với hồn ma ở đó, những anh em còn sống sẽ thay mặt người chết lấy vợ và có con để họ của người cô quả quá cố được lưu truyền mãi. Chưa hết, cũng ở vùng đó, phụ nữ cũng có thể cưới nhau, và người đóng vai “chồng” (chịu bỏ sính lễ cho nhà vợ) sau đó sẽ tìm mối đàn ông để thụ thai cho vợ mình. Con cái sinh ra đương nhiên đặt tên theo người chồng nữ…

Theo các mô hình này thì, con ai không quan trọng bằng việc được sống với người mình cần. Tức là họ “cặp” với nhau để khỏi cô đơn nhiều hơn là để truyền bá ADN của bản thân. Thế mới biết nếu tư duy và cảm xúc không bị trói buộc, con người có thể nghĩ ra những mối quan hệ phong phú đến mức nào. Luật pháp văn minh không dành chỗ cho ngoại tình nhưng đó, nó vẫn là một phần trong bộ giải pháp hôn nhân mà chúng ta đang buộc mình vào đấy thôi.

MỚI - NÓNG