Lấy ý kiến Nghị định biểu diễn: Cho phép thi nam vương, cởi mở cấp phép

Không lặp lại chuyện một nơi cấp phép, nơi tiếp nhận, dẫn đến khó can thiệp trong trường hợp sai phạm như cuộc thi Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam
Không lặp lại chuyện một nơi cấp phép, nơi tiếp nhận, dẫn đến khó can thiệp trong trường hợp sai phạm như cuộc thi Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam
TP - Nhiều đại biểu đánh giá Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều quy định mới, thông thoáng bắt kịp thực tiễn hơn. Bộ VHTTDL lấy ý kiến nội dung dự thảo nghị định mới chiều 29/10 tại Hà Nội. 

ĐIỂM MỚI

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá, bối cảnh mới tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đòi hỏi nghị định mới thay thế Nghị định số 79/2012 và Nghị định 15/2016. Hai nghị định nêu trên bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật. Ông Đông cho hay, hai năm qua Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) tập hợp nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung để nghị định mới phù hợp đời sống hơn.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động NTBD gồm 6 chương, 38 điều. Trong đó, một số nội dung được sửa đổi cho phù hợp với Luật và thực tiễn quản lý chính sách. Chẳng hạn, Nghị định mới bỏ quy định cấm, thay vào đó là nội dung không có (tại Điều 4) trong lĩnh vực biểu diễn chẳng hạn không chống phá nhà nước, xuyên tạc lịch sử...

Chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, chính sách đối với cá nhân đại diện Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu, chính sách thực thi quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình tác phẩm các loại hình NTBD cũng thay đổi theo hướng cởi mở hơn. 

Điểm mới đáng chú ý: Cục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, giúp nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động biểu diễn. Ban soạn thảo cũng hoàn thiện, bổ sung chính sách, đặc biệt là cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển hoạt động sáng tạo nghệ thuật biểu diễn, chính sách trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trực tiếp và đặc biệt qua môi trường mạng.

Lấy ý kiến Nghị định biểu diễn: Cho phép thi nam vương, cởi mở cấp phép ảnh 1  Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông hy vọng Nghị định mới khắc phục bất cập quy định cũ

NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD gợi mở và mong nhận được ý kiến góp ý để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo trình phê duyệt. Ông nêu tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực tế các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện có nhiều mô hình mới đòi hỏi hành lang pháp lý phù hợp.

Cụ thể, NSND Quang Vinh giải thích, hiện có nhiều loại hình giải trí, thi người đẹp nên ban soạn thảo bỏ điều kiện “công dân là nữ” bởi nhiều cuộc thi dành cho nam giới. “Đối tượng nào đúng tiêu chí cuộc thi, không vi phạm pháp luật được chấp nhận, bởi tương lai có thể có nhiều cuộc thi chẳng hạn dành cho người lùn nhất, béo nhất”, NSND Quang Vinh nói.

BĂN KHOĂN

Nhận định chung về tinh thần cởi mở, thông thoáng hơn trong một số quy định mới của nghị định biểu diễn, tuy nhiên một số đại biểu vẫn còn không ít băn khoăn, thắc mắc. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nêu ý kiến về quyền tổ chức tham gia biểu diễn nghệ thuật, cần làm rõ hơn về các hoạt động NTBD, làm rõ quyền của tổ chức và cá nhân biểu diễn nghệ thuật. Ông thắc mắc quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật để che giấu vi phạm pháp luật, vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Lãnh đạo Cục NTBD giải thích, quy định này nhằm tăng quyền cho địa phương trực tiếp diễn ra hoạt động. Ông dẫn ví dụ về cuộc thi Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam vừa rồi do Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép, xảy ra vi phạm ở địa điểm tổ chức Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội khó can thiệp là điều bất hợp lí. Việc xin giấy phép một nơi rồi biểu diễn cả nước là chưa phù hợp. Quy định mới cần tăng trách nhiệm và quyền cho địa phương trực tiếp diễn ra sự kiện.

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng Phòng Biểu diễn Nghệ thuật (Sở VHTT Hà Nội) đánh giá việc quy định Điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật trong Nghị định (Điều 8) hết sức cần thiết. Ông nói, nhiều sự kiện biểu diễn nghệ thuật xảy ra chết người mà không thu hồi được giấy phép kinh doanh. Đại diện Sở VHTT Hà Nội cũng nêu một số thắc mắc chính là một số vấn đề trước đó có góp ý chưa đưa vào dự thảo: Theo quy định cũ, nếu xin cấp phép biểu diễn về thời trang thì phải gửi các bộ mẫu thời trang lên trước để duyệt.

Dự thảo này không quy định phải cấp phép bài hát cho các nhóm underground dù là lần đầu biểu diễn. Lãnh đạo Cục nêu ý kiến, mỗi cơ quan cần tự cập nhật thông tin về các bài hát mới lần đầu, địa phương được trao quyền kiểm soát tác phẩm lần đầu. NSND Quang Vinh cho rằng chính người quản lý cũng cần thay đổi tư duy về cái đẹp. “Sản phẩm có cái mới mà không nguy hại, lớp trẻ thích nghĩa là phải chấp nhận, bởi có cái ta thích nhưng công chúng chưa chắc đã thích”, ông nói.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đặt vấn đề về chảy máu chất xám trong nghệ thuật, câu chuyện chuyển nhượng nghệ sĩ, đào tạo nghệ thuật khó khăn. NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam nêu tình trạng nhiều đơn vị được cấp phép nhưng cố tình vi phạm kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, sẵn sàng nộp phạt ở địa phương này rồi sang địa phương khác tiếp tục vi phạm. Xuân Bắc đề xuất Cục nên có chế tài, hoặc cơ sở kết nối dữ liệu để đơn vị nào vi phạm ba lần có thể tước giấy phép.

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) nói rằng ban soạn thảo vừa làm vừa nghe ngóng, tiếp tục nhận ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo. Bộ sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại phía Nam trong tháng 11.

Đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VHTTDL căn cứ tình hình cụ thể xem xét, tuy nhiên mỗi năm không quá hai cuộc thi. Đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu toàn quốc, người đẹp, người mẫu cấp tỉnh, vùng, ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức vòng Chung kết xem xét, quyết định nhưng mỗi năm không quá một cuộc tại địa phương.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.