Lê Công Thành: Thích cho tiền & phim Hàn

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Tôi biết Lê Công Thành gần chục năm nay, qua lời giới thiệu của tác giả “Trăng chiều”, nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc. Còn nhớ lần đầu tới thăm điêu khắc gia ở khu tập thể cũ kỹ Vĩnh Hồ (Hà Nội), vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của “vườn địa đàng” do bàn tay Lê Công Thành tạo dựng, cũng vừa thấy ngồ ngộ trước cách ứng xử của người được dân trong nghề mệnh danh là nhà điêu khắc tài hoa.

10 năm qua, thời gian kéo theo sự biến thiên của vạn vật song hình như chẳng  tác động tới Lê Công Thành. Ông chẳng già thêm, chẳng mập thêm, chẳng ốm thêm. Ông vẫn gọi vợ như  xưa nay vẫn thế: “Thái ơi” (họa sỹ Kim Thái). Chưa từng thấy ai chỉ chăm chăm nặn “của quí” của đàn bà, từ “gò bồng đảo” tới nơi hiểm hóc và đam mê nhất, trải qua mấy chục năm  không biết mệt mỏi, mà nguồn cảm xúc vẫn tươi mới, dạt dào. Quá lạ!

Được vợ chiều và chiều phái đẹp

Cũng chưa từng thấy một gã đàn ông nào trên cõi đời này được vợ chiều như Lê Công Thành. Bà chăm ông từ miếng ăn, giấc ngủ, chịu vẽ đàn bà khỏa thân theo kiểu tượng của ông, để có sự hòa quyện trong không gian tranh - tượng.

Còn nhớ những ngày đầu tiên tới thăm ông và lân la viết bài cho số Tết đặc biệt của Tiền Phong năm ấy. Ông không từ chối nhưng cũng chẳng sẵn sàng nhận lời, mà khéo léo buông “câu”: “Cứ xuống đây chơi đã”.  Để có một bài báo chưa đầy ngàn chữ, tôi chịu khó ngồi nghe điêu khắc gia nặn “báu vật” đàn bà soi kính lúp đọc thơ  suốt một tuần ngay tại “vườn địa đàng” của ông. Trong quá trình thưởng thức thơ dạng văn xuôi, thỉnh thoảng “thi sĩ”  còn xin cầm tay hoặc xin “hãy hôn tôi một cái vào má”, ngay trước mặt phu nhân.  

Cũng có khi ông “đuổi” phu nhân như một đứa trẻ: “Thái đi ra ngoài để tôi làm việc”. Nhưng nào có chuyện gì ngoài chuyện đọc thơ, hoặc chuyện về “đấng tối cao” mà ông cho rằng mình có sự liên hệ nào đó. Và rồi nói mãi cũng chán, tôi chở ông trên xe máy, lòng vòng khắp thủ đô, nhiều ngày. Ông ngồi sau, giữ lấy tôi. Một lần chúng tôi dừng chân ở một quán cà phê gọi hai suất cơm văn phòng. Ăn xong, lịch sự như bất kỳ đàn ông Việt Nam nào, ông gọi nhân viên thanh toán tiền. 

Tôi lại thêm một lần ngỡ ngàng, khi ông cầm nắm tiền trong tay cứ loay hoay không biết làm sao lấy đủ số tiền cần trả. Một điêu khắc gia mẫn cảm cao độ với cái đẹp, cực kỳ chính xác với hình khối trong không gian,  lại như người từ cung trăng rơi xuống khi cầm tiền. Chúng tôi còn đi ăn với nhau nhiều buổi khác, có cả nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc và “bà xã” của điêu khắc gia. Thêm nhiều điều ngỡ ngàng về Lê Công Thành. 

Một lần chúng tôi cùng lên taxi đến một quán bia tươi. Hôm đó, người lái taxi là một cô gái còn khá trẻ. Chắc cô gái ấy phải nhớ mãi vị khách hào hiệp, khi ông “boa” cho cô tới vài trăm ngàn đồng. Lần này, chắc đã học cách sử dụng tiền nên thấy Lê Công Thành không còn lúng túng khi chi trả, ông giải thích cho sự hào phóng của mình: “Lái taxi vốn đã là nghề nhọc nhằn, hơn nữa điều khiển taxi lại là phụ nữ”. 

Hiếm người đàn ông nào nâng niu, trân trọng phụ nữ hơn Lê Công Thành, kể cả khi người đó đang hành nghề bị coi là hạ đẳng như mại dâm. (Ông từng viết những câu thơ dạng văn xuôi cho đối tượng đặc biệt này).

Có lẽ cũng vì tình yêu trong sáng dành cho phái đẹp nên ngắm tượng Lê Công Thành không thấy phản cảm, mặc dù thứ ông tạo tác thuộc dạng vô cùng tế nhị trong con mắt người đời, ngược lại, chỉ thấy trào dâng cảm xúc về vẻ đẹp vĩnh hằng, về nguồn sống thoát thai. Bất chấp sự ưa hay không ưa tính cách có phần lập dị của Lê Công Thành, người  ta cũng khó chối bỏ tài năng đặc biệt của ông trong lĩnh vực điêu khắc. 

Bài báo tết năm đó của tôi cũng hoàn thành, có kết thúc bằng lá thư ông gửi tôi: “…Tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi không phải nghệ sỹ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi. Nhờ đàn bà mà tôi đã trở thành một con người nghệ sỹ theo nghĩa làm “Người”, đầu não đỡ mụ mê, thân xác lại thành người trai trẻ”.

Điêu khắc gia ẩn dật

Lê Công Thành lui về sống ẩn đã mấy chục năm nay. Ở ẩn theo nghĩa, không chịu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ông vẫn chịu khó ra ngoài, chịu khó nghe thời sự chính trị, cực kỳ chịu khó đọc báo, xem phim, kể cả phim Hàn Quốc. 

Có một lần ở nhà hàng, vợ ông, nữ họa sỹ Kim Thái tỉ mẩn gỡ từng chút xương ra khỏi miếng cá cho chồng, ông cầm bát ăn ngon lành, bỗng ti-vi phát bộ phim Hàn Quốc, nhà điêu khắc già hồn nhiên bưng bát cơm khỏi bàn ăn, ra ngồi ở một chiếc ghế gần ti-vi, chăm chú theo dõi phim. Vợ ông không ngạc nhiên, bạn lâu năm của ông, nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc cũng không ngạc nhiên, chỉ có tôi ngơ ngẩn trông theo nhà điêu khắc.

Trong cơn bão khủng hoảng hiện nay, thị trường tranh lạnh giá, thị trường điêu khắc càng hiu hắt hơn. Thật may, Lê Công Thành vẫn sống ổn. Mấy năm trước, ông về quê mẹ, thành phố Đà Nẵng, dựng tượng Mẹ Âu Cơ đẹp lung linh giữa biển trời. Cách đây chưa lâu, lại thấy ông ríu rít khoe có đại gia chịu xuống tiền, một lượng tiền không nhỏ, để “rinh” mấy bức tượng về đàn bà phồn thực. Có tin mừng, Lê Công Thành lập tức thông báo cho bạn bè, từ Ngô Thảo, Trung Trung Đỉnh… đến một người vớ vẩn như tôi cũng được ông khoe. 

Chắc hẳn cái sự kiếm tiền của nhà điêu khắc không dễ dàng bao nhiêu, vì ông chỉ muốn các tác phẩm của mình được trưng bày xứng đáng, hơn là việc tính toán lãi lời. Lê Công Thành đã từng tặng tượng cho một cặp tình nhân người Pháp, khi họ hoan hỉ trước “vườn địa đàng” của ông, muốn mua song không đủ tiền. Và cũng không gặp mấy người thích cho tiền kẻ khác như Lê Công Thành. Có lần cùng nhà điêu khắc động Nguyên “trâu” xuống thăm Lê Công Thành. Chẳng có lí do gì, ông cũng rút túi cho mỗi đứa chúng tôi năm trăm ngàn đồng. 

Có dạo đọc báo Tiền Phong chủ nhật, thấy bài tôi xuất hiện nhiều, ông “alô” gọi tôi xuống chơi, sau những câu chuyện về “đấng tối cao”,  ông hỏi tôi: “Dạo này chạy “sô” ghê quá? Thiếu tiền không, Thành cho”. Rồi lại rút ví cho tiền. Không nhận, không được. Một số tiền chẳng lớn nhưng làm người nhận phải rưng rưng, không thể không yêu Lê Công Thành, dẫu Lê Công Thành “sớm nắng chiều mưa”.  Đang trò chuyện vui vẻ, lỡ cắt ngang lời ông, có thể ông sẽ quát lên ầm ĩ: “Im đi. Để tôi nói”, hoặc lại đuổi: “Về đi. Hết chuyện”. Ai nỡ giận Lê Công Thành? Và Lê Công Thành cũng chẳng giận ai lâu.

Lê Công Thành: Thích cho tiền & phim Hàn ảnh 1 Một tác phẩm của Lê Công Thành
Hiếm người đàn ông nào nâng niu, trân trọng phụ nữ hơn Lê Công Thành, kể cả khi người đó đang hành nghề bị coi là hạ đẳng như mại dâm.

Hồn nhiên như trẻ thơ, đoán vận mệnh như thầy tướng

Lê Công Thành: Thích cho tiền & phim Hàn ảnh 2 Nhà điêu khắc Lê Công Thành
Người ta hay ví người già với con trẻ. Nhưng trong nghệ thuật, Lê Công Thành bao giờ cũng là người Lớn. Ông nghiêm khắc với bản thân, nghiêm khắc khi định giá tác phẩm, tác giả mà ông biết. Tượng Lê Công Thành đẹp nức tiếng. Tranh Lê Công Thành cũng chẳng kém ai. Trong rất nhiều bức tranh treo trên tường hoặc đặt dưới nền nhà, được sắp xếp lúc trật tự, lúc mất trật tự trải khắp ba gian phòng của vợ chồng nhà điêu khắc, đa phần là sáng tác của họa sỹ Kim Thái nhưng nếu chịu khó để ý sẽ thấy tác phẩm của Lê Công Thành. Có bức được vẽ theo trường phái trừu tượng chỉ là những dấu chấm, phảy nhiều màu sắc kết nối nhau vô định. Thoạt qua, thấy bức tranh quá giản đơn, như kiểu trẻ con nghịch ngợm vẽ chơi. Tôi hình dung ông vẽ trong trạng thái mê cuồng, phá phách. Cũng như thơ của Lê Công Thành, một lối thơ phóng túng, tuôn chảy tự nhiên, tỏa mùi hoang dại.

Nhưng khi đi qua những phút thăng hoa với tranh, với tượng… Lê Công Thành lại trở về thơ trẻ. Trước đây, không ít lần nhà điêu khắc đã đến tận cơ quan tìm tôi vào ngày chủ nhật, ông mang theo trong túi vải nào bimbim, nào mì gói, bánh qui… Chưa gặp tôi, ông ngồi bệt xuống bậc thang trước cửa tòa soạn chờ. Lê Công Thành có lúc ngang ngạnh, thích thách thức. Tôi từng xin tranh của ông, nhà điêu khắc không từ chối nhưng có điều kiện đi kèm: “Phải treo bức tranh khỏa thân này ngay tại phòng khách của cô” (Lúc đó tôi đang là phụ nữ độc thân). Đương nhiên, tôi chẳng dại đánh mất cơ hội, nên ngay lập tức đã đồng ý.

Chẳng biết trong khoảng hai mươi năm ẩn dật, nhà điêu khắc nghiên cứu bao nhiêu sách về tướng số nhưng ông còn được biết đến với khả năng tiên đoán tương lai, số phận. Tuy nhiên, chẳng mấy khi ông chịu nói điều mình cảm thấy cho người khác một cách rõ ràng. Có khi chỉ nói vài câu rồi lại lái sang chuyện khác hoặc hẹn “hôm nào xuống đây Thành nói cho một điều bí mật”, rồi “điều bí mật” mãi nằm im.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.