Lễ hội chém lợn sẽ thành rước lợn?

Rước lợn quanh làng. Ảnh: Lê Bích.
Rước lợn quanh làng. Ảnh: Lê Bích.
TP - Tết Nguyên đán 2013 và 2014, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh kết hợp chính quyền địa phương vận động không chém lợn ở sân đình thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm nữa mà đưa ra sân sau. Chỉ những người liên quan mới chứng kiến nghi lễ. Tuy nhiên, vẫn có người chụp ảnh đưa lên mạng, khiến dư luận lên án.

“Năm nay, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo làm triệt để và sẽ trưng cầu dân ý đổi tên lễ hội chém lợn thành rước lợn” - ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh, thông tin cho PV Tiền Phong.

Phản cảm, không phù hợp

Hỏi ông Phong về sức hút của lễ  hội chém lợn làng Ném Thượng đối với dân địa phương và khách thập phương, ông cho biết: Đây là lễ hội  lâu đời cấp thôn làng. Từng có thời gian bẵng đi không tổ chức, do cuộc sống khó khăn. Sau này kinh tế khá hơn, dân làng nối lại tập tục, dần dà được nhiều người trong cũng như ngoài tỉnh quan tâm.

“Bên cạnh sự ủng hộ của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì nhiều người lại cho rằng, chém lợn là quá dã man. Quan điểm của Sở VHTT&DL Bắc Ninh thế nào”, ông Phong đáp: Chúng tôi rất tôn trọng ý nghĩa của lễ hội này, đồng thời muốn bảo tồn phát huy giá trị truyền thống trong dân. Tuy nhiên, riêng việc chém lợn, dưới góc nhìn của người làm quản lý văn hóa, đã bị biến thành hủ tục (cùng với việc dùng tiền thấm máu lợn), không phù hợp với nếp sống văn minh.

Năm 2012, Hội Bảo vệ động vật châu Âu đã lên tiếng phản ứng, tới 2013 là Hội Bảo vệ động vật châu Á. Cho nên, hai mùa lễ hội năm ngoái và năm kia Sở VHTT&DL Bắc Ninh đã kết hợp với chính quyền địa phương vận động bà con không chém lợn ở sân đình nữa mà đưa ra sân sau. Chỉ những người liên quan mới chứng kiến nghi lễ này. Tuy nhiên, do vẫn có người chụp ảnh, đưa lên mạng mới dẫn tới chuyện dư luận lên án”.

Ông Phong cũng khẳng định: Sở VHTT&DL không lo ngại “mất điểm” trong mắt các tổ chức thế giới, như UNESCO và các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian. Theo ông, không phải vì sức ép của dư luận mà tỉnh chủ trương bỏ phí một nghi lễ cổ truyền, dẫn tới mất sức hút về du lịch.

“Chúng tôi có trưng cầu dân ý, thấy đa số dân trong vùng (nhất là những người ở ngoài xã Khắc Niệm) cho rằng, chém lợn là hành vi phản cảm, không còn phù hợp. Chúng tôi cũng đã đề nghị chính quyền địa phương vận động người dân Ném Thượng bỏ hủ tục này. Kết quả là hai năm nay, họ không chém lợn ngoài sân đình nữa”.

Đã cấm thì cấm hết!

Vào những ngày giáp tết Ất Mùi, rộ lên cuộc tranh cãi giữ lại hay duy trì tục chém lợn ở lễ hội Ném Thượng. Bên ủng hộ, tiêu biểu là GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Cấm lễ chém lợn là cái lý của người đứng ngoài” và “Việc duy trì lễ hội là cần thiết và nó không tổn hại đến ai”.

Chung quan điểm này, GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH & NV thuộc ĐHQG-HCM nói: “Một hiện tượng văn hóa (ở đây là chém lợn) phải có lý do riêng để tồn tại đến giờ. Chém lợn tốt hay xấu tùy mắt người nhìn. Người ngoài có thể thấy ghê rợn nhưng dân làng người ta thấy thế nào mới quan trọng.

Phải tìm hiểu cặn kẽ tâm tư của người dân, không bị áp lực vì những lời của người phương Tây (Tổ chức Động vật châu Á xuất phát điểm là do một người phương Tây lập ra). Phương Tây chỉ biết nói người khác chứ không tự nhìn mình. Họ có lễ hội đấu bò, hành hạ con bò bằng những mũi lao suốt hàng tiếng đồng hồ đến khi nó kiệt sức gục xuống chết”.

Dù cho rằng cấm lễ chém lợn là can thiệp thô bạo về mặt văn hóa, GS.TS Trần Ngọc Thêm cũng thừa nhận nếu chuyển hình thức (rước lợn, mổ thay vì chém) để khiến dư luận khỏi bức xúc thì cũng là điều tốt.

Cũng theo GS Thêm: Người Việt có tập tục và lối suy nghĩ: giết lợn đồng nghĩa hóa kiếp cho nó sang một kiếp khác tốt đẹp hơn. Như vậy, một nhát chém là giúp nó nhanh siêu thoát. Thêm vào đó, con lợn được chém rất được coi trọng (được gọi là ông). Như vậy có tàn ác hay không, phải đứng từ góc độ người dân mà nhìn.

Người ta nói chém lợn là hành vi ghê rợn, dễ gây kích động làm chuyện đâm chém. Vậy phải nghiên cứu xem, người dân Ném Thượng bao năm nay chứng kiến nghi lễ, tính cách của họ thế nào, hay họ vẫn là những người bình dị như bao làng khác ở nước Việt Nam này.

“Nếu bảo chém lợn là hủ tục thì cũng nên xem xét trên bình diện chung. Cũng là đâm với chém nhưng đâm trâu lại là di sản quốc gia trong khi chém lợn thì bị nói ra nói vào. Đã cấm, theo tôi nên cấm hết!”, GS Thêm đề xuất.

Rước lợn rồi mổ cúng lễ

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ VHTT&DL nêu quan điểm: “Đừng nghĩ đề xuất dừng lễ hội chém lợn là áp đặt của phương Tây. Phương Tây có những chuẩn mực ta cần học hỏi” và “Đừng lấy lý do truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng của làng chém lợn có lớn bằng cộng đồng còn lại không?!”.

Cho đến nay, Tổ chức Động vật châu Á đã không dưới ba lần lên tiếng phản đối lễ hội chém lợn ở Ném Thượng. Lần lên tiếng đầu tiên vào năm 2012, khiến dư luận bắt đầu quan tâm. Trước thực tế đó, ngày 8/2/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn gửi xã Khắc Niệm yêu cầu: “Từ 2013, lễ hội Ném Thượng xã Khắc Niệm không thực hiện tục chém lợn. Việc rước, tế lễ vẫn thực hiện theo nghi lễ truyền thống”.

Sở VHTT&DL Bắc Ninh đã có công văn ngày 28/10/2013 gửi Tổ chức Động vật châu Á (cũng có thể xem như bản giải trình), khẳng định: Dân thôn Ném Thượng đã thay đổi việc chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách thập phương bằng sắp xếp một khu vực riêng để làm cỗ ngọc tế thánh. Ngoài những người đã được phân công giết mổ và làm cỗ, tất cả người dân và du khách đều không được vào khu vực này.

Mới nhất, ngày 30/1/2015, Sở có công văn gửi UBND thành phố Bắc Ninh đề nghị chỉ đạo việc: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư đổi tên lễ hội chém lợn thành lễ hội rước lợn; thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh, không thực hiện nghi lễ chém lợn; không để tình trạng người dân nhúng tiền vào máu lợn.

Ông Phong khẳng định vào ngày 6/2 với phóng viên Tiền Phong rằng: “Chỉ nên mổ để cúng lễ” nhưng còn việc dân Ném Thượng có còn duy trì tục chém lợn hay không là điều chưa ai dám chắc. Có thể việc 4 người giữ 4 chân lợn cho người thứ 5 chém đứt đôi “cụ ỉ” vẫn diễn ra trong ngày mùng 6 Tết tới, chỉ có điều kín đáo hơn mà thôi.

Tương truyền, vị tướng đời Lý tên là Đoàn Thượng khi đánh trận đến vùng núi thuộc thôn Ném Thượng xã Khắc Niệm ngày nay, đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hằng năm nhân dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ người có công khai khẩn vùng đất này. Theo quan niệm dân gian, huyết lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...

Lễ hội chém lợn ở Khắc Niệm gián đoạn trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mới phục dựng từ năm 1990. Hai người đàn ông được người làng chọn, tuổi đúng 50, khỏe mạnh, gia cảnh sung túc nuôi lợn từ rằm tháng Tám. 

Chiều mùng 5 Tết, lợn được rước từ nhà của chủ nhân ra sân đình. Đúng hội, mùng 6 Tết,  dân làng rước chú lợn nằm trong cũi đi từ phía cửa Đông, rồi núi Nghè, núi Ngoan Sơn, vòng về cửa Tây của đình.

Những người tham gia nghi thức chém lợn được lựa chọn kỹ càng từ tuổi tác, sức khỏe, đạo đức... Hai chú lợn thờ sẽ bị chém đứt đôi. Người dân hai bên đường cầm theo ít tiền gọi là mừng tuổi cụ ỉ, chuẩn bị mâm bánh kẹo, chè thuốc để bồi dưỡng những người đưa rước.

MỚI - NÓNG