Lễ phục, nên thế nào?

Lễ phục, nên thế nào?
TP - NTK Minh Hạnh góp ý chọn lễ phục- vấn đề đang và sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi hiện nay.

> Lễ phục chưa thi đã tắc
> Quốc phục Việt: Ít hiểu biết thì mới thích thú áo dài

Một số nhà thiết kế (NTK) tỏ ra không mặn mà với cuộc thi thiết kế lễ phục do Bộ VHTT&DL tổ chức. Còn chị?

Tôi thấy lễ phục là điều cần thiết phải có đối với một quốc gia và phải xác định cho được hình ảnh biểu trưng của dân tộc. Tâm lý các NTK là e ngại lắm với những cuộc thi, tôi cũng không ngoại lệ. Không phải vì “đấu trường” mà vì tiêu chí và quan điểm của BTC.

Tôi cũng hiểu Bộ đang lúng túng vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, lễ phục là một sản phẩm (tiêu dùng) cụ thể chứa đựng tinh thần của dân tộc vì thế rất cần có nhiều chuyên viên tham vấn và đưa giải pháp cụ thể.

Chị có điều gì góp ý với BTC về lễ phục quốc gia?

Theo tôi một chiếc áo được gọi là lễ phục phải đạt được những yếu tố sau:

Thứ nhất, thể hiện được tính văn minh và bề dày lịch sử của dân tộc. Chứa đựng niềm tự hào dân tộc, vì thế lễ phục trở nên thiêng liêng.

 “Lễ phục sẽ trở thành sản phẩm phổ biến và mang tính thương mại rất cao vì thế cần có quy trình sản xuất dệt và may với thiết bị hiện đại để bảo vệ chất lượng cao nhất.

Để có bộ lễ phục là không đơn giản, gìn giữ được những giá trị này càng khó khăn. Cần một quy trình khoa học và quan điểm đồng nhất thì chiếc áo lễ phục mới có thể hình thành và có giá trị bền vững”. 

NTK Minh Hạnh

Là chiếc áo dài truyền thống với chất liệu và kỹ thuật cắt may hiện đại tiên tiến: Đẹp lịch sự, tiện dụng, thoải mái. Vì thế phải xác định hình thái của chiếc áo dài bằng những tiêu chuẩn rất chi tiết và cụ thể hóa: Độ dài của áo, độ cao của cổ áo, bề rộng của tà áo v.v... Quy định màu sắc cho cả áo và quần (chỉ vài màu cơ bản). Quy định họa tiết mang tính biểu trưng, như hoa sen (nếu là quốc hoa) nhưng không phải mẫu hoa sen nào cũng được.

Chất liệu dệt tại Việt Nam, được quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng vải để không ảnh hưởng đến hình ảnh và tinh thần của lễ phục. Chất liệu là một phần quan trọng trong việc nhận diện tính dân tộc.

Thí dụ ở Philippines, người ta sử dụng vải may lễ phục là tơ làm bằng tơ cây chuối hoặc cây dừa (những loại cây nông nghiệp của Philippines) và thêu tay với vài họa tiết cổ xưa bằng kỹ thuật thêu truyền thống. Vải truyền thống Malaysia là vải Batik in hoa văn theo kỹ thuật in kéo lụa bằng tay lâu đời, và họ luôn cập nhật những loại mực in mới nhất để áp dụng vào loại vải này.

Ngoài ra vải dùng cho lễ phục cũng phải quy định mặc trong ngữ cảnh nào: Lễ, Tết, mừng thượng thọ... (Không thể mặc đi vào các quán bar, nightclub)... Chất liệu này được dệt thành nhiều loại khác nhau để cung ứng cho nhiều đối tượng tiêu dùng (nhiều loại giá thành).

Nhiều ý kiến ủng hộ áo dài là lễ phục cho nữ nhưng đó là trang phục của dân tộc Kinh, còn hơn 50 dân tộc khác cũng có quyền có lễ phục riêng. Lễ phục nam càng khó. Quan điểm của chị ?

Áo dài được chọn là lễ phục cho nữ hoàn toàn thuyết phục vì áo dài đã trở nên phổ biến, biểu trưng của áo dài là rõ nét.

Lễ phục cho nam cũng là áo dài, tuy nhiên phải được xử lý bằng kỹ thuật mới và công nghệ thiết bị may tiên tiến. Dáng vẻ thanh lịch, mạnh mẽ và hiện đại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG