Lê Trí Dũng với đơn vị xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập

Lê Trí Dũng với đơn vị xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập
TP - Không phải họa sỹ Lê Trí Dũng với những bức tranh ngựa nổi tiếng, mà là một Lê Trí Dũng thời còn là chiến sĩ với những kỷ niệm, những ký họa thời chiến. Trong những năm tháng đó, anh có những kỷ niệm với đơn vị xe tăng sau này đã đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 lịch sử.

Ký ức thời lính tăng

Gần đây, gặp anh Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ của chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, thấy anh nhắc đến họa sỹ Lê Trí Dũng. “Anh Dũng từng có thời gian dài gắn bó với Lữ đoàn xe tăng 203, với Đại đội 4 chúng tôi”- anh Nguyên nói. Rồi anh hẹn hôm nào đó sẽ đến thăm đồng đội cũ và rủ tôi cùng đi.

Nhưng trong tháng tư này, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 khá bận rộn với những cuộc gặp, phỏng vấn. Khi chốt được cuộc gặp, anh Nguyên lại bận đột xuất báo sẽ tới muộn nên tôi đến nhà họa sỹ Lê Trí Dũng trước. Nhắc lại chuyện đời lính, anh Dũng cho biết 7 năm trong quân ngũ, phần lớn thời gian thuộc biên chế của Binh chủng Tăng-Thiết giáp. Anh kể, đầu năm 1972, đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Mỹ thuật, Lê Trí Dũng đã lên đường nhập ngũ. Anh là lính bộ binh thuộc Sư đoàn 338, đơn vị có nhiệm vụ tăng cường cho mặt trận phía Nam. Khi đơn vị vào đến bờ bắc sông Thạch Hãn, chiến dịch tại Quảng Trị bắt đầu nổ. Khi chiến trận ác liệt diễn ra, quân ta không tránh khỏi tổn thất khá nhiều. Trước tình hình đó, lệnh trên được ban ra những chiến sĩ là giảng viên đại học, sinh viên năm cuối... được lùi về phía sau để bổ sung cho các quân binh chủng kỹ thuật như Phòng không-Không quân, Tăng-Thiết giáp... Khi đó, Lê Trí Dũng được điều về Binh chủng Tăng-Thiết giáp, thuộc tiểu đoàn 10 (sau này là Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp) để học lái xe tăng. Tuy nhiên đến cuối năm 1972, tình cờ cấp trên biết anh là hoạ sỹ nên được điều chuyển làm chiến sĩ tuyên huấn của Binh chủng. Cuối năm 1972, anh được làm phóng viên chiến trường, trở lại mặt trận Quảng Trị. Trong năm 1973, Lê Trí Dũng hầu hết ở tại Lữ đoàn xe tăng 203, đơn vị mà vài năm sau đã húc tung cánh cửa sắt Dinh Độc Lập, rồi cắm cờ chiến thắng tại nóc Dinh, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Khi cựu pháo thủ xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên đến, họa sỹ Lê Trí Dũng mời chúng tôi lên tầng 3, “tư dinh” sáng tác của anh. Vào phòng vẽ, ở vị trí chính là những kỷ vật thời chiến được họa sĩ sắp đặt ấn tượng: Chiếc bi đông, tăng võng, xanh-tuya-rông, đàn Ta lư, viên gạch tại Thành cổ Quảng Trị... Anh Nguyên cầm chiếc bi đông ngắm nghía, sau đó nâng viên gạch rồi xúc động đọc câu thơ mình tự viết về Thành cổ Quảng Trị: “Không một nấm mồ, vạn người ngã xuống...”. Họa sỹ Lê Trí Dũng cho biết, những kỷ vật này được mình mang về từ nhiều địa điểm, để ghi nhớ những kỷ niệm của đời lính nơi anh từng chiến đấu hoặc đi qua. “Trong này có những kỷ vật của những cựu binh Lữ đoàn xe tăng 203, đơn vị có kỷ niệm sâu sắc với tôi trong đời lính” - họa sỹ Lê Trí Dũng nói. Rồi anh kể, năm 1973, khi tới Lữ đoàn 203, anh đã gặp Chính ủy Bùi Văn Tùng. Tới phòng ông, ấn tượng đầu tiên anh bắt gặp nơi đây là rất nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như “Chiến tranh và hòa bình”, “Bông hồng vàng”, “Bất khuất”, “Người mẹ cầm súng”…Chính ủy Bùi Văn Tùng đã điềm đạm tiếp phóng viên Lê Trí Dũng với phong thái của người lính trí thức, và sau này đã tặng anh chiếc xanh-tuya-rông mà đến nay anh vẫn giữ và hiện treo trên tường. Nhưng có điều lớn nhất mà anh không thể ngờ: Ngày 30/4/1975, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã cùng đơn vị xe tăng của mình tiến vào Dinh Độc Lập, tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn.

Lê Trí Dũng với đơn vị xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập ảnh 1

Cựu pháo thủ xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên  (trái) trò chuyện cùng họa sỹ Lê Trí Dũng. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Hun đúc để tạo thành “Vượt trọng điểm”

Trong thời gian tại chiến trường, Lê Trí Dũng đã chụp được hàng trăm bức ảnh, vẽ hàng trăm ký họa, đến nay anh vẫn lưu giữ cẩn thận. Nhiều tấm ảnh được anh scan lại để lưu. Nhân cuộc gặp với cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên, họa sỹ Lê Trí Dũng mới giới thiệu về một số bức ảnh chụp về Đại đội 4 (thuộc Lữ đoàn xe tăng 203) của anh Nguyên. Mở chiếc iPad, Lê Trí Dũng chỉ: “Đây là hình ảnh Đại đội 4 đang hành quân, đang thông nòng pháo của xe tăng, đang sinh hoạt…”. Anh Nguyên xúc động khi được thấy lại hình ảnh đơn vị sau hơn 40 năm. Trong một tấm ảnh chụp gần, anh Nguyên nhận ra đồng đội Nguyễn Kim Duyệt, pháo thủ xe tăng 380 của đại đội mình. Anh Nguyên nói: Anh Duyệt đã anh dũng hy sinh ngày 28/4/1975 khi xe tăng ta đang thẳng tiến vào Sài Gòn. Khi đồng đội mở hai chiếc ba lô của anh Duyệt mới phát hiện một chiếc đựng đầy sách tiếng Anh. Vậy mà trước đó thấy đồng đội có hai chiếc ba lô, các thành viên của kíp xe tăng 380 tưởng anh Duyệt nhặt nhạnh gì đó trên đường. Họa sỹ Lê Trí Dũng xúc động nói: “Năm 1973, anh Duyệt từng cứu tôi thoát chết. Trước khi nhập ngũ, anh Duyệt là sinh viên năm thứ 2 Đại học Nông nghiệp I. Mong ước của anh sau giải phóng được trở về học tiếp vậy là không thực hiện được”.

Có một tấm ảnh khá nét chụp hình ảnh Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận (người sau này đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975) cùng đồng đội trên xe tăng. Bức ảnh đó được Lê Trí Dũng chụp khi theo đại đội 4 trên đường hành quân vào năm 1973. Lê Trí Dũng bồi hồi nhớ lại: Khi được điều vào Quảng Trị với tư cách họa sĩ-phóng viên mặt trận, tôi đã vẽ và chụp được rất nhiều ký họa và ảnh, đó là “Trước giờ xuất kích”, “Sau trận đánh”, “Nuôi lợn trên chốt”, “Đọc thư hậu phương”, hoặc vẽ chân dung các chiến sĩ xe tăng có thành tích chiến đấu... Mặc dù vậy, tôi vẫn nung nấu vẽ cho được một bức tranh thật “Thiết giáp”, làm sao biểu hiện được chất anh hùng của Binh chủng. Cho đến một ngày theo đơn vị của Đại đội 4 hành quân qua một nơi vừa trải qua trận bom ác liệt, tôi bỗng rùng mình khi nhìn thấy hình ảnh một chiếc xe tăng đột ngột chồm qua khúc ngoặt dưới ráng chiều đỏ rực của hoàng hôn. Khi đó chiếc xe tăng như một mãnh hổ vượt qua trận mạc, ngụy trang bay phần phật, xích xe cày nát mặt đường, nòng pháo kiêu hùng quay theo vách đá nham nhở. Tôi vội phác thảo nhanh hình ảnh này bên khói bom và cây rừng cháy dở, liền đó là hình ảnh những cô thanh niên xung phong cổ quấn khăn dù, những cây cổ thụ như muốn bay ra khỏi bờ vực...“Khoảnh khắc đó đã ghi dấu để tôi vẽ được bức tranh “Vượt trọng điểm” sau này”- họa sỹ Lê Trí Dũng cho biết.

Năm 1974, Lê Trí Dũng nhận lệnh ra Bắc để tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quân vào cuối năm, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Về trại sáng tác, cùng với các họa sỹ của các quân binh chủng bạn, Lê Trí Dũng trăn trở với ý nghĩ phải vẽ gì đây cho xứng tầm cuộc chiến, cho xứng tầm những đồng đội đã hy sinh? Anh phác thảo bức sơn dầu “Trận đấu tăng” thể hiện trận đánh tại Cửa Việt, vẽ xác xe tăng của ta lẫn địch ngổn ngang, máu loang lổ trên mặt cát, rặng phi lao bị đạn pháo phang cụt ngọn... Nhưng khi đệ trình phác thảo để được chính thức thể hiện, bức tranh không được đánh giá cao. Lê Trí Dũng lâm vào thế bí, cả đêm không ngủ được, bồn chồn nhớ về những cơn mưa rừng đang trút xuống hầm xe tăng của đồng đội nơi chiến trường. Đúng lúc ấy, hình ảnh chiếc xe tăng kiêu hãnh chồm qua khúc ngoặt trong ánh hoàng hôn hôm nào bất chợt hiện về khiến Lê Trí Dũng bừng tỉnh. Bức tranh “Vượt trọng điểm” ra đời, được thể hiện bằng chất liệu sơn mài: Vách núi gắn bằng vỏ trai, vỏ trứng; sương chiều và khói bom rây bạc vụn; nền trời lót son đỏ rực; hoàng hôn dát vàng, một con đường đất đỏ như son trên đó hằn lên những vệt xích xe tăng; hình ảnh những nữ thanh niên xung phong đứng dưới mưa bom bão đạn để chỉ đường cho xe qua... Bức tranh khi tham dự Triển lãm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, sau đó được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ, trưng bày đến ngày nay.

Tháng 4/1975, Lê Trí Dũng nhận lệnh của Binh chủng Tăng-Thiết giáp trở lại chiến trường để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Vì những biến cố dọc đường, khi anh đến được Sài Gòn thì thành phố đã được giải phóng. Bức ký họa “Cuộc tháo chạy tháng 4” được Lê Trí Dũng vẽ trong khoảnh khắc eo hẹp và những ký họa dang dở khác đã trở thành kỷ niệm vô giá của đời họa sỹ. Sau đó, trong thời gian lưu lại Sài Gòn, anh được giao nhiệm vụ vẽ tranh, chụp ảnh hiện trường Dinh Độc Lập, nơi những chiếc xe tăng của Binh chủng Tăng -Thiết giáp đã tiến vào. Khi đó, Lê Trí Dũng xúc động khi biết rằng Đại đội 4 Lữ đoàn xe tăng 203 mà anh có dịp gắn bó trước đây đã trở thành đơn vị đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc.

Nối nghiệp cha trở lại nghề vẽ

Năm 1978, Lê Trí Dũng được Binh chủng Tăng-Thiết giáp dự kiến cử đi học nước ngoài. Tuy nhiên, từ sau giải phóng, Lê Trí Dũng muốn trở lại nghề họa sĩ để nối nghiệp cha. Cha anh là họa sỹ Lê Quốc Lộc, một danh họa chuyên về tranh sơn mài nổi tiếng, sau này đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, sau khi xuất ngũ, Lê Trí Dũng không gắn bó ngay với hội hoạ mà trở thành phóng viên Báo ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1981, Lê Trí Dũng chuyển về Xưởng Mỹ thuật quốc gia, nhưng đến năm 1985 chỉ vì một cơn nóng giận anh đã viết đơn nghỉ việc, trở thành hoạ sỹ tự do. Đó là quãng thời gian cực vất vả của Lê Trí Dũng vì không còn thu nhập ổn định trong thời kỳ bao cấp. Để hoàn tất trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, anh phải vật lộn kiếm sống và nay đã thành danh với nghề. Hiện họa sỹ Lê Trí Dũng là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam. “Khi tôi trở thành họa sỹ tự do, 3 năm sau vợ mới biết. Tuy nhiên đến nay tôi không hối tiếc vì phút nóng giận trước đây của mình, vì nó đã tạo cú hích để tôi sống hết mình với nghề”- họa sỹ Lê Trí Dũng tâm sự.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.