Lê Tuấn Anh cần sự yên tĩnh

Lê Tuấn Anh cần sự yên tĩnh
Bộ phim truyền hình "Gió qua miền tối sáng" là dấu chấm hết cho sự nghiệp diễn viên của Lê Tuấn Anh. Giờ đây, anh trở lại với một vai trò mới.
Lê Tuấn Anh cần sự yên tĩnh ảnh 1
Diễn viên - Đạo diễn Lê Tuấn Anh

Đã gần 10 năm vắng bóng trên màn ảnh, khán giả vẫn luôn thắc mắc về sự rút lui bất ngờ của anh. Anh sẽ giải thích sao đây?

Đơn giản vì khi đó tình hình phim đang có biểu hiện đi xuống, cần phải có liều thuốc mạnh để cải cách. Nhưng tư nhân làm phim thì muốn đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh, phim Nhà nước thì không thu hút khán giả. Mà tôi đã qua tuổi 30, trong khi nghề diễn viên nay đây mai đó, danh phận thì có nhưng nhìn gương nhiều người đi trước thấy bạc bẽo quá. Tôi không biết theo đuổi sẽ kết thúc như thế nào, nên tốt nhất là rút lui để tạo dựng một bản lề mới.

Hơn 30 mới là tuổi chín thực sự của một nam diễn viên điện ảnh. Anh không đủ bản lĩnh để chờ đợi hoặc tìm kiếm cơ hội tốt hơn hay do anh không quyết liệt với điện ảnh?

Đúng là tôi đã chia tay hơi sớm, nhưng lúc đó tiếp tục làm phim chắc chắn tôi sẽ bị báo chí, khán giả phê phán nhiều. Những năm cuối làm phim, tôi đã thấy rõ sự chán ngán. Mấy năm sau khi tôi rút lui cũng không có một bộ phim nào nên hồn.

Rất nhiều bộ phim có tiết tấu chậm và phi logic. Ví như nhiều đoạn khán giả chưa khóc đã thấy diễn viên nước mắt ngắn dài như người làm trò hề cho khán giả. Nên càng về sau, tôi càng thấy quyết định của mình là sáng suốt.

Tôi muốn ít nhiều để lại ấn tượng tốt cho khán giả, mặc dù phần lớn những vai của tôi trong thời gian đó không được danh hiệu nào. Tôi biết mình thuộc tuýp diễn viên phải chịu nhiều thành kiến của dư luận từ vai diễn. Nhưng làm nghề, tôi phải im lặng.

Thâm tâm anh nghĩ sao khi đạo diễn, khán giả đặt anh vào cái khung: Lê Tuấn Anh phải vào vai tay chơi, phóng đãng?

Khi Lê Công Tuấn Anh còn sống, tôi và cậu ấy từng đổi vai cho nhau: Lê Công Tuấn Anh đóng vai phản diện còn tôi đóng chính diện. Đối với những nhà chuyên môn, xét về góc độ diễn xuất, họ đánh giá tốt về cả hai chúng tôi. Còn khán giả lại không chấp nhận điều này, thậm chí còn viết rất nhiều thư phản đối. Kết quả là đạo diễn phải trả chúng tôi về vị trí cũ: Lê Công Tuấn Anh đóng những vai hiền lành, tử tế, còn tôi tiếp tục đóng những vai tay chơi, đểu cáng.

Cũng không thể phủ nhận những vai "bẻ hoa phá nhuỵ" đã đem danh hiệu ngôi sao cho anh. Mà ngôi sao thời đó đồng nghĩa với đổi đời. Cuộc sống của anh thời còn làm "sao" như thế nào?

Tôi tự đánh giá mình là một diễn viên nghiêm túc và chưa bao giờ xem mình là ngôi sao. Ngày đó tư nhân làm phim, mời tôi họ tự trả cát-xê. Nhà làm phim khác muốn có sự xuất hiện của tôi tự động trả cát-xê cao hơn. Và tôi... trôi theo cơn lốc thị trường. Ở góc độ nào đó cũng nên thông cảm vì đa số chúng tôi từ vất vả đi lên.

Mỗi tháng tôi đóng 3 phim, thu nhập bình quân 18-20 triệu đồng mỗi phim. Đó là một con số không thể tưởng tượng được. Khi còn là sinh viên, tôi mơ ước có một cái động cơ, không cần xe gì. Không ngờ tất cả ùa đến như một giấc mơ, nên khó mà đành lòng.

Lúc đó, báo chí và dư luận cũng có "phang", nhưng vì cuộc sống mình đành phải... "mũ ni che tai".

Nhớ lại hào quang của thời đã qua, anh thấy tiếc nuối điều gì?

Bây giờ, cái tôi cần nhất chính là sự yên tĩnh. Tôi thích lặng lẽ, không thích được bơm lên ồn ào. Vì tôi từng có giai đoạn rất nổi tiếng và cảm thấy mệt mỏi vì điều đó. Đôi khi mình phải sống giả tạo, đi đâu cũng phải tỏ ra là người lịch lãm, muốn ngồi quán xá lề đường với bạn bè nhưng lại sợ khán giả đánh giá nhếch nhác nên không dám ngồi. Đó là chưa kể có những việc nếu người ta không chú ý đến mình, có thể mình làm thoải mái và hiệu quả hơn.

Chia tay nghề diễn viên, tưởng anh đã "cắt duyên" với điện ảnh, nhưng cuối cùng anh lại chọn một công việc khác khó hơn là làm đạo diễn. Vì sao vậy?

Tôi muốn được làm những phim mình muốn và những phim đó tôi cho là cuộc chơi. Đã là cuộc chơi thì không tính đến lợi nhuận, không tính xem mình sẽ "chặt chém" của anh em diễn viên được bao nhiêu, cắt xén kinh phí làm phim được bao nhiêu. Hãng phim của tôi sẽ ra đời trong thời gian tới. Trước mắt vẫn là phim truyền hình. Tất nhiên, đạo diễn nào cũng mơ ước làm phim nhựa.

Bỏ diễn viên theo đạo diễn là quyết định chủ quan của anh hay ai đó... xúi anh?

Thứ nhất, tôi đi học khi đã là người lớn chứ không phải trẻ con và càng học tôi càng đam mê thực sự. Giá trị đầu tiên tôi nhận được chính là biết cách phân tích. Trước đây, đọc một cuốn truyện, tôi thấy tác giả viết hay nhưng không biết làm thế nào mà hay thế.

Thứ hai, trước khi bắt đầu với nghề đạo diễn, tôi từng làm phó, trợ lý cho đạo diễn. Mỗi lần đi làm phim, tôi nhận được một bài học lớn về thực tế. Cũng phải thừa nhận, chính đạo diễn Khải Hưng là người khuyên tôi nhiều nhất.

Với vai trò đạo diễn, anh thích làm loại phim nào?

Khi là diễn viên, tôi không được chủ động lựa chọn vai diễn. Nhưng vai trò đạo diễn thì khác. Những phim trước đây của tôi hầu như không có tình yêu trai gái. Nếu có thì không chủ đạo. Tôi muốn đưa vào phim những vấn đề, những gai góc xã hội.

Phim thứ nhất, tôi làm về cuộc đời và niềm tin của một bà cụ ở vùng bán sơn địa. Phim thứ hai, tôi làm về người công an giữ bình yên trong gia đình của mình. Phim thứ ba là một góc Hà Nội, đại gia đình 4 thế hệ sẽ như thế nào khi cùng sống trong một căn nhà 25 m2.

Dù anh đang rất hăng say với vai trò đạo diễn, nhưng dấu ấn của anh ở nghề đạo diễn không đậm bằng nghề diễn viên. Anh nghĩ sao?

Tôi vẫn có thời gian rất dài để quan sát cuộc sống, quan sát những con người đi qua mình. Đó là một cách học, và càng học càng tạo cho mình một nền tảng vững chắc. Trước khi làm diễn viên, tôi không có gì để mất nhưng bây giờ tôi có cái để mất nên phải cẩn trọng hơn rất nhiều. Còn tài năng mỗi người có hạn. Tôi không dám nói mình là người tài giỏi, nhưng trước bối cảnh nhà nhà làm phim thì phải bình tĩnh để không phải xấu hổ trước mỗi tác phẩm mình làm.

Theo Sinh Viên Việt Nam

MỚI - NÓNG