Lính đảo thời nào cũng hy sinh không đong đếm được

Nhà thơ Trần Đăng Khoa động viên các chiến sĩ kiên gan, bền chí để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió. Ảnh: Thanh Trần.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa động viên các chiến sĩ kiên gan, bền chí để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa có buổi giao lưu với các chiến sĩ hải quân xoay quanh tiểu thuyết “Đảo chìm” tại Đà Nẵng. Đây là tuyển tập truyện ngắn mini viết về những người lính, về nhà giàn và cuộc sống khổ cực trên đảo từ chính trải nghiệm của nhà thơ khi là chiến sĩ đóng quân trên quần đảo Trường Sa.

Được gặp đồng đội trẻ, tác giả nắm tay và ôm lấy từng người, sau đó đọc một số bài thơ viết về lính đảo tặng các anh.

“Thưa chú, cuộc sống của lính đảo ngày trước có khác gì với bây giờ không?”, một chiến sĩ đặt câu hỏi mở đầu buổi trò chuyện. Nhà thơ kể lại, lính đảo ngày trước canh giữ trên những hòn đảo chìm rất gian khổ. Họ phải dựng chòi nhiều tầng, nước dâng thì trèo lên tầng cao, mỗi đảo như vậy chỉ có 3 người canh. Hầu như quanh năm mang độc chiếc quần cộc, thậm chí không mang gì vì chẳng có ai ngoài lính với lính. Rau xanh, nước ngọt không có khiến cuộc sống càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nỗi sợ lớn nhất là cô đơn bởi những năm trai trẻ của họ đều gửi lại nơi đầu sóng ngọn gió. “Trường Sa bây giờ thật gần với đất liền, nơi ấy đã có điện gió, có người dân,  lính đảo cũng có thể gọi về nhà và cuộc sống bớt buồn tẻ hơn vì sự hiện diện của những đoàn thể tới thăm. Dù vậy, các chiến sĩ vẫn là những người chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh không thể nào đong đếm được”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Nhà thơ cho hay rất nhiều bài viết của ông (sau này được phổ nhạc) xuất phát từ những thiệt thòi đó. Bài “Lính đảo hát tình ca trên đảo” viết sau một lần dự buổi liên hoan văn nghệ, tất cả các chiến sĩ đều hát về “em” nhưng không ai hình dung ra “em” là ai, cao thấp trắng đen như thế nào vì họ còn rất trẻ, chưa kịp có người yêu đã phải lên tàu ra Trường Sa. Hay “Thơ tình người lính biển” cũng được viết khi ông chứng kiến cuộc chia tay của anh lính với người yêu trên bến cảng…

Tại buổi giao lưu, một chiến sĩ của Lữ đoàn 83 công binh hải quân ngậm ngùi kể lại đồng đội của anh đã vượt qua nỗi đau khi nghe tin mẹ ở quê nhà qua đời mà không về được, sau đó người vợ sinh con anh cũng không có ở bên. Và rất nhiều câu chuyện khiến mọi người đều nghẹn ngào xúc động. “Dù biết đời lính có những phút đau lòng như vậy, nhưng chúng cháu vẫn quyết tâm ngày đêm làm một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền, cũng là bảo vệ những người thân yêu của mình ở đất liền”, người chiến sĩ trẻ khẳng khái.

Kết thúc buổi giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa gửi gắm mỗi chiến sĩ hãy luôn kiên gan, bền bỉ, luôn là một cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đồng thời mong muốn các chiến sĩ khi ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa làm nhiệm vụ, hãy nhắn nhủ các chiến sĩ hải quân ngoài đó rằng phía đất liền luôn kề bên, dõi theo và trân trọng sự cống hiến lặng thầm của họ.

“Trường Sa bây giờ thật gần với đất liền, nơi ấy đã có điện gió, có người dân, lính đảo cũng có thể gọi về nhà và cuộc sống bớt buồn tẻ hơn vì sự hiện diện của những đoàn thể tới thăm. Dù vậy, các chiến sĩ vẫn là những người chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh không thể nào đong đếm được”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

MỚI - NÓNG