Làm gì với loa phường? - Kỳ 5:

'Loa phường mà hay thì ai chê'

Loa phường - hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô hơn nửa thế kỷ nay. Ảnh: Như Ý
Loa phường - hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô hơn nửa thế kỷ nay. Ảnh: Như Ý
TP - Phòng làm việc của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ có ba cái đài rải ba góc để ông nghe đều đặn trong ngày. Ông cho biết, không vì cương vị hiện nay mà ông kiến nghị giữ loa phường và phát huy hiệu quả của nó với hình thức mới.

Ông là người đứng đầu ngành phát thanh, truyền thanh. Vậy vai trò của Đài Tiếng nói Việt Nam đối với loa phường thế nào, có phải chủ quản cao nhất?

Không phải. Cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Thông tin Truyền thông. Hệ thống phát thanh truyền thanh cả nước có bốn cấp, trước kia tầng trên cùng là Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam. Bốn cấp gồm: 1/Cấp Trung ương, là Đài Tiếng nói Việt Nam. 2/Cấp tỉnh, thành phố, thị xã. 3/Cấp huyện, quận. 4/Cấp xã, phường, thị trấn. Từ khi truyền hình đổ bộ nước ta cuối thập niên 80, hệ thống phát thanh truyền thanh suy giảm vị thế chứ trước kia nó từng làm rất tốt vai trò của mình.

Chính ông cũng thừa nhận không thể tồn tại ở thời này thứ loa phường oang oang lệnh vỡ ngoài đường? Khiến nhiều người bức xúc đòi “thủ tiêu” với những lý do như: ô nhiễm tiếng ồn, chất lượng thông tin kém trong thời buổi đầy lựa chọn qua báo chí, ti vi, internet...Và ông đề xuất một phương án cải tiến mới ưu việt?

Khi có hỏa hoạn, bão lụt, thiên tai cần cứu hộ cứu nạn hoặc liên quan đến an ninh quốc gia thì loa phường là cần thiết, không nên bỏ.

Không thể để loa oang oang ngoài đường nhưng theo tôi nên đưa nhiều loa nhỏ giống như máy ga-len thời xưa, gắn trong nhà. Nhà có ba phòng có thể gắn ba loa, là đài phường tiếp âm của đài Hà Nội và Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh không nghe thời sự thì nghe nhạc, nghe những chương trình văn hóa văn nghệ, Tiếng Thơ chẳng hạn. Thiết thực chứ, mà lại rẻ.

Về nội dung, loa phải phát chương trình của phường khoảng 15 phút mỗi ngày, nói những vấn đề quan trọng, thiết thực. Ví dụ ngày mai phụ huynh nhớ đưa các cháu đi tiêm phòng. Hay hiện nay thị trường có một số thực phẩm bẩn, đề nghị bà con phân biệt sử dụng. Hoặc ngày mai thanh niên lên đường tòng quân, đề nghị các gia đình, cơ quan đơn vị động viên, tiễn quân lên đường tại trụ sở phường chẳng hạn.

Kinh phí lắp đặt loại loa đài này thế nào, có tốn kém lắm không thưa ông?

Kinh phí nằm trong ngân sách sự nghiệp văn hóa chi cho các tỉnh, thành phố. Mỗi phường đều được phân bổ- sự nghiệp giáo dục bao nhiêu, sự nghiệp y tế bao nhiêu, văn hóa xã hội bao nhiêu.

Vậy người dân được miễn phí lắp đặt?

Có thể miễn phí nhưng người dân thấy thiết thực thì người ta cũng đóng góp. Mà kinh phí không lớn đâu. Kinh phí đầu tư cho cây xanh hàng nghìn tỉ. Kinh phí để lát vỉa hè cũng có thể đầu tư cho loa phường.

Ai có nhu cầu mới lắp hay lắp đồng bộ thưa ông?

Đồng bộ. Vì có rất nhiều vấn đề cần thông tin. Cán bộ phường không thể đi gõ cửa từng nhà thông báo được. Thời buổi kín cổng cao tường có khi bấm chuông người ta cũng không cho vào ấy chứ. Hoặc họ đi làm, đi vắng không thể gặp được.

Chương trình truyền thanh của phường nói những chuyện thời sự phường mình. Các cấp ủy của phường cũng có thể coi đây là tờ báo nhỏ của mình. Ngoài ra có những thông báo đột xuất. Ví dụ phố Bát Đàn có vụ cháy, cụ già hơn 80 tuổi chết trong đám cháy chẳng hạn, loa thông báo để bà con thấy bất kể mùa đông hay mùa hè thì phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng nhất là ở phố cổ, chẳng hạn thế. Những thông tin đó rất cần cho bà con.

Nhỡ có người nói họ không có nhu cầu lắp đặt thì sao kể cả miễn phí?

Đó sẽ là một thiết bị thông minh vừa có tác dụng đo điện, rất hữu dụng. Tôi không bắt anh nghe nhưng nên để thường xuyên một chế độ nhỏ nhỏ để biết những thông báo cần thiết. Người ta kêu ca loa phường là vì nó cứ ầm ầm ngoài đường phố, khiến họ không ngủ trưa, không ngủ trọn vẹn được. Nếu để vừa phải, anh có thể phát kênh âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc kênh văn hóa khoa giáo đời sống, nghe đọc truyện đêm khuya, nghe thông tin bảo vệ sức khỏe... Loa phường thông tin nội dung thiết thực của phường lại tiếp âm những chương trình như thế chắc chắn người ta thích.

Ông nói loa phường hiệu quả khi tiếp sóng đài quốc gia, đài thành phố, quận huyện và lại tuyên truyền về mọi mặt cho cư dân phường, nào giải tỏa ùn tắc giao thông, giữ vệ sinh môi trường và văn minh đô thị, phòng chống cháy nổ, dịch bệnh, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức đời sống... Nhưng một bộ phận dân chúng cứ khăng khăng không quan tâm thì sao? Chúng ta nên ưu tiên ai? Có người chả bao giờ xem ti vi, đọc báo. Hiến pháp đã qui định quyền tiếp cận thông tin của người dân, cả các quyền tự do cá nhân khác, quyền chăm sóc sức khỏe...

'Loa phường mà hay thì ai chê' ảnh 1

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng không chủ trương bỏ hẳn loa phường mà sẽ tìm hình thức phù hợp. Ảnh: DPV

Nếu không thích thì tôi cũng không bắt ép anh mở loa. Anh có thể tắt nhưng anh hãy xem cách tôi cải tiến thông tin. Tôi sẽ đào tạo lại đội ngũ cán bộ phường kể cả về nội dung, kỹ thuật, công tác quản lý. Đài Tiếng nói Việt Nam hiện có hai cơ sở đào tạo: Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 (tại Phủ Lý, Hà Nam) và Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 (tại TPHCM). Tổng công ty Phát triển Công nghệ PTTH của Đài- Emico đủ khả năng sản xuất, lắp đặt, hướng dẫn vận hành các đài với chi phí thấp nhất.

Emico sản xuất 10 năm nay, giờ còn hiện đại hơn nhiều. Bọn tôi đang chuẩn bị ra hai mẫu radio, một mẫu cho bà con miền núi dân tộc, một mẫu cho người đi biển- những người chỉ có sợi dây duy nhất với đất liền là đài. Trong khi nghe nhạc hoặc thông tin khác, họ có thể biết tình hình thời tiết trên biển.

Ông nghe đài thường xuyên? Lâu nay tôi chỉ nghe đài khi đi taxi và thú thật, không thấy thiếu nó. VTV chủ yếu để xem phim 4, 5 sao.

Tôi vẫn nghe. Nếu bạn có cái đài bạn sẽ rất thích. Ví dụ bài báo hay của bạn được đọc trên đài, hoặc bài thơ hay trong chương trình Tiếng Thơ.

Những người già, khiếm thị, nội trợ đứng nấu ăn có cái đài bên cạnh thích lắm.Bạn thử có cái đài đặt ở nơi nấu ăn mà xem. Nghe nhạc nước ngoài xong nghe bình luận về nó, rất thú vị.

Tôi cũng chỉ xem thời sự trên VTV. Giờ định hướng văn hóa trên ti vi có vấn đề. Sính ngoại.

Ông có vẻ giống nhà văn Tô Hoài - thượng vàng hạ cám vớ được gì ông ấy đều đọc, từ báo ngành trở đi.

Như thế mới đãi cát tìm vàng, tìm ra chất liệu mà viết. Nông thôn, miền núi loa phường cực kỳ cần thiết. Còn thành phố, không nên dùng loa phường ngoài đường nhưng như đã nói, đưa vào các gia đình thì cũng rất tốt.

Hôm rồi sau giao ban báo chí, anh Nguyễn Đức Chung có nói với tôi: “Bọn em không phải bỏ loa phường đâu mà sẽ chọn hình thức phù hợp”. Tôi cũng nói tôi không phê phán gì Hà Nội cả, vấn đề là sử dụng loa phường thế nào cho hiệu quả. Như thế là có sự gặp nhau chứ không mâu thuẫn gì ở đây cả.

Liệu có phải cương vị mới khiến ông nhiệt tình với loa phường, muốn lưu giữ và cải tiến nó? Ông nói Bộ Thông tin Truyền thông là sếp cao nhất của hệ thống loa đài. Bộ trưởng Bộ này cũng phát biểu ủng hộ quan điểm bỏ loa phường ở đô thị, chỉ giữ ở vùng sâu vùng xa vì vẫn cần?

Trước khi về Đài TNVN, tôi đã nghe đài truyền thanh bao năm nay, thấy hiệu quả. Bộ trưởng Thông tin Truyền thông tất nhiên có quyền của ông ấy nhưng giữ hay bỏ một thứ như loa phường thì nên lý lẽ, cân nhắc thấu đáo trước sau.

MỚI - NÓNG