Loại bỏ phản cảm ở lễ hội: Cầu trâu, cướp phết lại nóng

Cảnh hỗn loạn xô nhau tại lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cảnh hỗn loạn xô nhau tại lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Chuyên gia, nhà quản lý ngồi lại với người dân ba xã ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bàn thảo và đề xuất phương án loại bỏ những nghi thức, yếu tố bạo lực và phản cảm trong lễ cầu trâu, cướp phết Hiền Quan khi mùa lễ hội cận kề.

“Cầu trâu” đâu phức tạp

Trước hội thảo do UBND huyện Tam Nông phối hợp Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ chủ trì về lễ hội cầu trâu, cướp phết tại UBND xã Hiền Quan, sáng 9/11, các xã chủ động lấy ý kiến dân chúng quanh chuyện bỏ hay giữ những nghi thức như đập đầu trâu tới chết, hoặc tranh cướp phết dễ dẫn tới hành động bạo lực, tai nạn.

Trước phản ứng của dư luận về nghi thức đập đầu trâu tới chết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL từng về làm việc với dân Xuân Quang năm ngoái. Loại bỏ những hành vi phản cảm này cũng là yêu cầu của những người tổ chức hội thảo, bởi dù sử liệu có ghi chép về tục cầu trâu nhưng không thể phớt lờ sự vận động tất yếu.

“Đừng bắt di sản trở lại quá khứ, phải làm cho nó phù hợp với cộng đồng và phải chấp nhận sự biến đổi”, TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam nói.

“Nghi thức cầu trâu là lễ mật, nhân dân và du khách không được chứng kiến vì như thế mất thiêng. Hôm 25/10 chúng tôi họp lấy ý kiến, cả chính quyền và nhân dân đồng ý loại bỏ yếu tố phản cảm, bạo lực: Không thực hiện nghi thức đập đầu trâu, nghi thức chỉ mang tính biểu trưng dùng vồ đập làm bằng mút”, ông Lương Quang Chiểu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hương Nha, thành viên BQL cụm di tích Hương Nha nói. Ông Chiểu nói thêm: Sau nghi lễ cầu trâu, trâu được đưa vào nơi kín đáo giết thịt làm lễ thánh, đồng thời bỏ hình thức nồi da xáo thịt.

“Qua các năm, việc tổ chức nghi lễ theo truyền thống cho thấy một số nghi thức lạc hậu không còn phù hợp: Đánh, đập trâu gây phản cảm, không mang tính giáo dục thế hệ trẻ - ông Phan Ngọc Chân,  Khu 3 xã Xuân Quang nói. Theo tài liệu của ông Đặng Đình Thuận, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ thì nghi lễ cầu trâu Xuân Quang có trước, gắn liền với truyền thống và tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Giống với Hương Nha, người dân Xuân Quang họp thống nhất ý kiến từ giữa tháng 10 về việc bỏ hình thức đập đầu trâu, nồi da nấu thịt.

Lễ cầu trâu tại hai xã này tổ chức 5 năm/lần, có phương án cụ thể tuy vậy vẫn còn ý kiến trái chiều. Dù không còn cảnh đập đầu trâu, nhưng với một số người như thế chưa đủ. Ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Thọ cho rằng không nhất thiết giết trâu sau ngày lễ mà vẫn có thịt cúng tế, hoặc làm trâu giả và chú trọng trò diễn tái hiện cảnh khao quân, tưởng nhớ tiền nhân. 

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đồng tình, bảo Đào Xá dùng voi giả, nên chăng Phú Thọ cũng nên làm trâu bằng giấy hoặc rơm. Ông Phan Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông lại cho rằng: “Làm trâu giấy không có người xem đâu.Lễ hội không có người xem thì đừng làm nữa”.

Đánh phết hay cướp phết?

Thừa nhận việc tranh phết hiện nay còn biểu hiện bạo lực, gây mất mỹ quan và an ninh trật tự, tuy nhiên ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan khẳng định không có chuyện người chết ở hội cướp phết Hiền Quan. Hội phết tổ chức 12-13 tháng Giêng để tưởng nhớ nữ tướng Thiều Hoa giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Theo lãnh đạo xã “thể hiện tinh thần thượng võ, diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ và khí thế hào hùng có phần mang triết lý Sinh vi danh tướng, tử vi thần mang đậm đời sống tâm linh”.

“Không nên đổ lỗi cho khách quan. Hai lễ cầu trâu không có vấn đề gì về tổ chức và chỉ cần thay đổi nghi lễ cho phù hợp, còn hội phết Hiền Quan thì khác”, PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nói. Ông đề xuất hội phết có sự vào cuộc của nhiều phía và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo sự nhất trí chung. Tuy vậy ông Quang cũng không đồng tình tăng cường công an, phải trả lại lễ hội dân sự cho người dân, không biến thành lễ hội của quan chức, công an như một số nơi.

Đề cao truyền thống, tinh thần thượng võ của hội phết nên ông Đặng Đình Thuận cho rằng nên thống nhất tên gọi “Hội đánh phết”. Ông đề xuất vẫn chia các đội tham gia đánh phết bằng công cụ truyền thống là đòn phết, nhưng phải quy định diễn trường đánh phết để tránh hỗn loạn. 

“Hơn nữa để tránh phản cảm, tôi đề nghị các đội phết mặc trang phục truyền thống các màu, không nên để hình ảnh thanh niên xăm trổ đầy mình. BTC cũng nhất thiết ban hành thể lệ đánh phết”, ông Thuận nói. 

Đưa cướp phết trở về với hình thức đánh phết như ngày xưa, theo ông Tiến Khôi để “không còn hiện tượng phang vào đầu nhau”. TS Lê Thị Minh Lý đặt vấn đề có thể xem hội phết như hình thức trình diễn nghệ thuật. Tuy vậy, xu thế này lại có xu hướng biến lễ hội nặng hình thức sân khấu hóa hơn.

Hội phết Hiền Quan mấy năm gần đây, sự tranh cướp và bạo lực phát sinh khiến ngày càng xấu xí trong mắt nhiều người. Không đơn giản có phương án thay đổi như cầu trâu, hội phết Hiền Quan vẫn trong trạng thái chờ UBND huyện Tam Nông đề xuất phương án với tỉnh, Bộ.

Chủ tịch UBND xã Hiền Quan đại diện cho ý nguyện của người dân đề xuất vẫn giữ nguyên hình thức tranh phết bằng tay, không dùng dụng cụ gây nguy hiểm cho người tham gia, đồng thời khuyến khích người dân trong và ngoài xã được tham gia đánh phết. 

Ông Phó Chủ tịch huyện cũng ủng hộ quan điểm không biến hội phết thành hội phân phát phết, vì muốn có được phết phải dùng sức mạnh chứ không thể chờ sung rụng.

Cũng là cầu trâu nhưng lễ hội ở xã Hương Nha diễn ra ngày mùng hai tháng Giêng, tưởng nhớ nữ tướng Xuân Nương khao quân khi thắng trận trở về. Từ 25 tháng Chạp, chọn trâu đực béo khỏe giao trại chủ. Tối mùng hai trại chủ làm lễ và rước trâu ra đền Hạ làm lễ sát trâu. Da trâu được căng để làm nồi nấu thịt trâu.

Còn cầu trâu ở Xuân Quang tục truyền tưởng nhớ hai tướng Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương 18. Chiều mùng 6 tháng Giêng đưa trâu từ “nhà chuốc” ra giếng đình tắm và đến tối đúng giờ quy định rước trâu về miếu thờ làm lễ. Làm lễ xong, trâu được cột vào cột cầu trâu để 12 trai đinh trong làng cầu trâu. Trâu ngã xuống, khoanh nhao trâu được dùng làm lễ cúng thần, phần còn lại đem phát lộc cho dân làng đem cúng 7 tháng Giêng. 

MỚI - NÓNG