Loại bỏ phản cảm trong lễ hội chọi, đâm trâu

Nhiều ý kiến cho rằng giết mổ cả trâu thắng giải là hành vi phản cảm (chọi trâu Lập Thạch - Vĩnh Phúc). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhiều ý kiến cho rằng giết mổ cả trâu thắng giải là hành vi phản cảm (chọi trâu Lập Thạch - Vĩnh Phúc). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Công văn mới nhất số 943 của Bộ VH,TT&DL yêu cầu không cấp phép, phục dựng tràn lan các lễ hội như chém lợn, đâm trâu, cầu trâu, chọi trâu. Di sản phi vật thể quốc gia - lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - sắp tới cũng phải điều chỉnh.

Di sản quốc gia mà phản cảm cũng nên đổi

Ai cấp phép, phục dựng tràn lan các lễ hội như chém lợn, chọi trâu, đâm trâu? “Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) chưa bao giờ cấp phép phục dựng lễ hội nào. Theo phân cấp quản lý, các lễ hội cấp huyện, xã do Sở VH,TT&DL tỉnh, chính quyền huyện cấp phép. Lễ hội cấp quốc gia duy nhất hiện nay là lễ hội đền Hùng.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản cấp quốc gia, nhưng phạm vi vẫn do địa phương quản lý”, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trả lời Tiền Phong. Hiện có không ít địa phương đua nhau phục dựng lễ hội chọi trâu, sơ sơ có Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ), Đồ Sơn (Hải Phòng), thậm chí có lễ hội chọi trâu mới toanh (vừa sang mùa thứ hai) như chọi trâu Phúc Thọ (Hà Nội).

Những lễ hội có nghi lễ hiến sinh trước kia là đương nhiên, nó chỉ diễn ra trong cộng đồng nhỏ hẹp. “Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, thế giới phẳng nên thông tin dù ở một góc rất nhỏ của Việt Nam, chỉ cần vài giây sau thế giới biết ngay.

Những lễ hội như thế đang gặp phải những quan điểm chưa thống nhất, đặc biệt là cộng đồng quốc tế có ý kiến, thậm chí nói rằng man rợ. Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ có trách nhiệm khuyến cáo các địa phương, hết sức thận trọng trong việc cấp phép cho lễ hội có tập tục như thế”, bà Thủy cho biết.

Điều khiến dư luận bức xúc là trong lễ hội chọi trâu, con thắng lẫn con thua đều bị đem xả thịt bán, có người còn cho rằng đó là “vinh quang vô ích”. Trâu thắng, thịt bán giá cắt cổ. Các nhà quản lý văn hóa cũng phải thừa nhận, quy mô của những lễ hội này ngày càng mở rộng, bán vé thu tiền khiến lễ hội mang tính thương mại hóa. Thậm chí, tại lễ hội chọi trâu Phúc Thọ đầu tháng 3 vừa rồi, nhiều người dân khốn đốn vì mua phải vé giả.

Chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, liệu có thể thay đổi được không? “Tôi cho rằng không có gì là nhất thành bất biến. Có thể ở thời điểm nhất định mình thấy phù hợp thì mình đồng ý cho người ta tổ chức cách thức như thế, nhưng ở thời điểm nào đó cần phục vụ cho lợi ích quốc gia thì có thể thay đổi.

Vì vậy tôi nghĩ không riêng chọi trâu Đồ Sơn mà nhiều lễ hội khác, cộng đồng ở đó hoàn toàn có quyền thay đổi cách thức tổ chức, làm sao để ý nghĩa của lễ hội, giá trị của lễ hội không thay đổi, nhưng phải tôn trọng và bảo vệ hình ảnh một cộng đồng trong hình ảnh quốc gia dân tộc đối với thế giới. Việt Nam vốn được coi là giàu truyền thống nhân ái bao dung”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói.

Cái kết khác cho trâu

Đại diện Bộ VH,TT&DL cho biết, hiện tượng chém lợn, đập trâu, chọi trâu chỉ diễn ra ở một số địa phương, nên Bộ giao ngành văn hóa địa phương chủ trì các cuộc đối thoại với cộng đồng, lấy ý kiến các cơ quan ban ngành, chuyên gia, cơ quan truyền thông để thuyết phục cộng đồng thay đổi hình thức tổ chức. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam được giao phối hợp các địa phương tổ chức hội thảo, trước mắt tập trung một số tập tục chém lợn ở Bắc Ninh, cầu trâu ở Phú Thọ và chọi trâu ở Đồ Sơn.

Đại diện Cục Văn hóa cơ sở cho biết, Bộ cùng địa phương đang tiến hành tổng kiểm kê lễ hội, đặc biệt lễ hội có tính chất như chém lợn, đâm trâu, cầu trâu, chọi trâu. “Những yếu tố phản cảm của những lễ hội này phải bị hạn chế, dần dần loại bỏ. Bộ tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học, cộng đồng nhưng với trách nhiệm, Bộ phải loại bỏ dần sự phản cảm trong tổ chức lễ hội”, bà Trịnh Thị Thủy nói.

Chiều 1/4, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hải Phòng Đoàn Duy Linh cho biết, Sở sẽ làm việc với quận Đồ Sơn để “lắng nghe tâm tư, góp ý của quần chúng nhân dân, các nhà khoa học, nhà văn hóa để tìm ra sự phù hợp, vừa đảm bảo tính truyền thống, nhân văn trong văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương”. Tháng 8 âm lịch, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mới diễn ra, nếu cơ quan quản lý nhà nước cùng chính quyền địa phương quyết liệt, mùa chọi trâu năm nay, những con trâu thắng hoàn toàn có thể không bị ra giết thịt.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ, cho biết, Sở đã có văn bản gửi các huyện. Cuối tuần này, lễ chọi trâu Phù Ninh diễn ra, Sở gửi văn bản hướng dẫn hỏa tốc, đề nghị BTC nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến, không đâm trâu, giết mổ gây phản cảm.

“Tôi nghĩ phải vận động dần dần, ngay lập tức thì khó vì nó ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay rồi. Tất nhiên những hành vi phản cảm cũng phải tránh, chọi trâu con yếu bị chết phải mổ thì rõ, nhưng khuyến khích giữ lại con giải nhất, không đem giết thịt. Cái khó là bản thân những ông cầu (chủ trâu chọi) đi mua trâu về nuôi nấng, chăm sóc nên cũng có tính chất kinh doanh, con trâu thắng bán thịt đương nhiên giá đắt hơn”, ông Ân nói.

Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết thêm, trong cuộc kiểm tra lễ hội tại Phú Thọ đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL có cuộc đối thoại với các cụ cao niên ở huyện Tam Nông-nơi diễn ra lễ hội đập đầu trâu- các cụ rất thoải mái. Theo nguyện vọng, lễ hội cầu trâu vẫn duy trì tổ chức 5 năm một lần, nhưng không đập đầu trâu đến chết, mà sẽ tìm cách thay đổi hình thức, có thể chỉ là dùng búa cao su đập tượng trưng.

Về lễ hội chém lợn Ném Thượng, đại diện Bộ nói rằng, trong chuyến làm việc gần đây nhất của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, lãnh đạo tỉnh cũng hạ quyết tâm. Dù xã Khắc Niệm chưa có động thái mới đối thoại cộng đồng, nhưng quan điểm của Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phong, là “bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp, cái gì không phù hợp thì mình phải loại bỏ”.

MỚI - NÓNG