Loạn chuẩn cầu cúng

Các con nhang đội mâm chen bằng được vào chính điện. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các con nhang đội mâm chen bằng được vào chính điện. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Quan sát đám đông đi xin xỏ thánh thần mới thấy chưa bao giờ người Việt trở nên mù quáng, thực dụng và ích kỷ đến thế. Tình trạng loạn chuẩn hành vi cầu cúng  tại các đình chùa thậm chí tại bàn thờ gia đình đang làm hỏng hình ảnh tín đồ tâm linh nói riêng và người Việt nói chung.

Việt Nam có khoảng 11 triệu tín đồ Phật giáo (số liệu ước tính của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2013). Số lượng Phật tử chính thức chiếm thiểu số, trong khi Phật tử tín ngưỡng (không thừa nhận là Phật tử trong giấy tờ) chiếm nhiều hơn. Hiện con số chính thức về Phật tử tín ngưỡng là vấn đề đang còn tranh cãi, chỉ biết rằng số lượng người có nhu cầu đi chùa, cúng bái tăng lên chóng mặt cùng dịch vụ tôn giáo tín ngưỡng. Nhiều công ty dịch vụ tâm linh quảng cáo trên mạng với chiêu riêng hút khách khiến bản chất tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt bị thay đổi rất nhiều, tam sao thất bản, khó mà phân định đâu là tôn giáo, đâu là tín ngưỡng, đâu là niềm tin. Tình trạng như một “nồi lẩu” các chỉ dẫn của người thực hành tôn giáo, dẫn đến mâu thuẫn, dẫm chân lên nhau.

Muôn sự tại… đa thần

Lý giải tình trạng loạn chuẩn tín ngưỡng, TS Nguyễn Quốc Tuấn, (Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn Giáo) cho rằng sau năm 1954 do ngắt quãng thực hành tôn giáo trong một thời gian dài nên người Việt bị cắt đứt giáo dục về tập tục và truyền thống thờ cúng. Mù về nghi thức, bộ phận đông trong cộng đồng cùng lúc tin và thực hiện hành vi tôn giáo khác nhau. Họ đi cả chùa, đền, phủ, khấn vái cả hòn đá, cái cây ven đường. Sự cầu cúng mù quáng là chỉ báo về niềm tin không ổn định, níu kéo thói quen đa thần giáo. Ngoài ra cơ chế thị trường có tác động gây tính thực dụng, trục lợi của người tham gia cầu cúng. Quan điểm của TS Tuấn là: “Qui chuẩn tôn giáo xưa đã bị phá, không nên nghĩ đến việc xây lại như cũ mà cần tạo ra nếp mới phù hợp với xã hội VN hiện đại. Cách tốt nhất, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý cần ngồi lại và tìm ra tiếng nói chung”.

Đồng  quan điểm với TS Nguyễn Quốc Tuấn, PGS TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ Thuật Quốc gia VN) cho rằng văn hóa truyền thống VN dựa trên nền tảng tín ngưỡng “Vạn vật hữu linh”, cho đến giờ trong sâu thẳm người Việt vẫn tin mọi vật đều có hồn. Trong lúc cầu nguyện, số đông vẫn mang tâm lý xin xỏ đổi chác với thần và ma (cầu cạnh trợ giúp từ hồn người đã khuất).

PGS Bùi Quang Thắng  nêu giải pháp bằng quan điểm gián tiếp: Về nguyên tắc độc thần giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo) là tôn giáo phát triển nhất của xã hội loài người nhưng ở VN, các tín ngưỡng, tôn giáo vẫn trong tình trạng hỗn dung với “vạn vật hữu linh” và đa thần giáo nên niềm tin của tín đồ các tín ngưỡng này không có ý nghĩa tinh thần tuyệt đối mà vẫn mang tính trao đổi trục lợi. Vai trò của các tôn giáo độc thần  rất quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của con người. Chừng nào Phật giáo vẫn còn pha trộn tín ngưỡng dân gian, chừng nào chùa chiền và giới tăng lữ còn lấy mục tiêu kinh tế làm trọng, thậm chí có cả hiện tượng “buôn thần bán thánh”, thì chừng đó chưa có giới Phật tử theo đúng nghĩa. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến Phật tử mà còn đến cả quảng đại quần chúng.

Sư và thầy cúng: quyền hạn vô lối

Cuốn “Lịch vạn niên” được xem là cuốn cẩm nang để xem ngày giờ tốt- xấu để làm các công việc đại sự cũng có nhiều vấn đề cần phải bàn luận bởi tính khoa học của nó. Thử đối chiếu giữa cuốn “Lịch vạn niên” của năm nay so với năm ngoái (2015), có nhiều ngày, giờ nội dung trùng nhau, thậm chí không sai dấu phẩy, bởi người làm sách chỉ copy của năm trước vào năm sau (?!).

Theo TS Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng Dân tộc học VN), không ít các thầy cúng bốc bát hương thờ thần tài không biết viết chữ Hán trên “cốt” bát hương, thậm chí họ còn không biết tên thật, tên hiệu của vị thần tài là gì, nguồn gốc lý lịch của vị thần tài như thế nào. Vậy làm sao nghi lễ linh thiêng và linh nghiệm được.

Loạn chuẩn cầu cúng ảnh 1

Trong chùa đông quá, người dân phải trèo lên mái ném tiền. Ảnh: Hồng Vĩnh

Hiện nay, có nhiều thày cúng kết hợp với nhà sư trụ trì các ngôi chùa để tổ chức nghi lễ cầu an, giải hạn, cầu siêu, cầu đảo…với giá tiền từ vài chục triệu đồng lên tới 200 triệu đồng (lễ gửi vong lên chùa). Có ê kíp sư và thày xù cả buổi lễ của khổ chủ để chạy đi phục vụ một gia chủ trả giá cát-sê cao hơn. Có vị sư nói với TS Thuật “Ông đừng vạch áo cho người xem lưng. Để chúng tôi còn cửa làm ăn”. Nghề này đáng ra là làm phúc thì chúng ta đang giết phúc của chính mình, TS Thuật than thở. Có vị quản lý trong Hội Phật giáo từng thú nhận với ông rằng “Có khoảng 90% nhà sư coi việc xuất gia tu hành là một nghề để mưu sinh, họ có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt rất vương giả. Số còn lại chỉ 10 % nhà sư xuất gia tu hành với lòng mộ đạo và mong muốn thấu hiểu chân lý nhà Phật”.

Vừa thực dụng vừa mông muội

Một ông đồng kiêm thầy cúng, pháp sư kể cho TS Thuật câu chuyện ứng xử kỳ cục của một số tiểu thương ở phố cổ Hà Nội. Cứ khoảng vài ngày mà không trúng lô đề hay buôn bán thua lỗ thì họ lại đổ vạ cho Thần Tài. Họ nhốt Thần Tài, Thổ Địa  vào trong tủ lạnh cho nhịn đói, chết rét. Đến hôm trúng được đề thì họ mới mang tượng hai ông ra đặt vào vị trí cũ của ban thờ, cúng tạ xôi thịt tú ụ.  “Tốt lễ dễ kêu”, các đồng, thầy khuyến khích người cầu cúng vung tay sắm lễ, vừa để lấy lòng phật thánh theo lối tư duy “trần sao thánh vậy” vừa thể hiện đẳng cấp. Vào khoảng 10 năm trước đây, có câu chuyện từng gây xôn xao dư luận. Một nhà sư nữ bắc ghế hầu đồng tại Phủ Bóng – (Phủ Giầy Nam Định) với lòng thành tâm hướng đến “Công đồng thánh mẫu” bằng cái tâm của nhà Phật nên lễ vật rất đơn sơ và phát lộc cho cung văn, khách tham dự hầu đồng chỉ mang tính tượng trưng.  Tỏ thái độ coi thường và miệt thị người hầu đồng kể trên, một ông đồng ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) là người nổi tiếng giàu có đã lấy cả mâm tiền của mình hất lên đầu vị sư đang làm lễ hầu thánh. Dân địa phương cũng như khách vãng lai xem dự hầu đổ xô vào cướp lộc, dẫm đạp, nô giỡn làm cho vị sư ngã ngửa trước điện thờ với tâm trạng buồn tủi.

Dịch vụ tôn giáo tín ngưỡng đang lộng hành và người chịu lễ (làm lễ) đang rơi vào tình trạng hoang mang, không được phép cự cãi trong khi chưa biết tìm thông tin chính xác từ đâu. Hiện chưa có chế tài cụ thể cho những người hành nghề dịch vụ tôn giáo, tín ngưỡng, TS Vũ Hồng Thuật chia sẻ.

Hỏi về ranh giới giữa niềm tin và mê tín dị đoan TS Thuật đưa ra ví dụ, ngày xưa cúng cô hồn, thày cúng chỉ búng ba hạt cơm và đọc ba câu niệm chú. Ngày nay có nhiều thầy cúng, ông đồng, bà đồng chẳng biết đọc chính xác được câu niệm chú mà họ chỉ tập trung vào việc vãi hàng cân gạo và muối ra  đường. Người ta cứ  nghĩ vãi càng nhiều gạo, muối càng thu nhiều phúc lộc. “Thế là ngu muội, là lãng phí chứ đâu”.

TS Vũ Hồng Thuật nhận định: Có ba nguyên nhân gây nên sự lệch chuẩn về hành vi ứng xử trong tâm linh là chính sách-sự đứt gãy văn hóa- quyền hạn vô lối trong tay các thày cúng  và sự quá lạm dụng  niềm tin vào thế giới vô hình. 

Loạn chuẩn cầu cúng ảnh 2
TS Nguyễn Quốc Tuấn (Viện nghiên cứu tôn giáo): Phải có nghiên cứu cơ bản phù hợp với  khung tham chiếu xã hội VN hiện đại. Câu chuyện không thể giải quyết trong phạm vi một vài hội thảo hay vài ba bài báo.
MỚI - NÓNG