Lời nói thật của người ngoại đạo

Thanh Hòa, Lan Ngọc - Nam diễn viên phụ và Nữ diễn viên chính xuất sắc Ảnh: Phan Anh
Thanh Hòa, Lan Ngọc - Nam diễn viên phụ và Nữ diễn viên chính xuất sắc Ảnh: Phan Anh
TP - Phần phát biểu hay nhất tối trao giải Cánh Diều Chủ nhật vừa qua là của đạo diễn Trần Văn Thủy. Lên trao giải phim tài liệu, anh nói lời cổ vũ, tri ân các đồng nghiệp làm phim tài liệu nhất là đồng nghiệp trẻ, bởi “Việt Nam là đất nước của phim tài liệu”.

>> 'Cánh diều Vàng' gây tranh luận

Thanh Hòa, Lan Ngọc - Nam diễn viên phụ và Nữ diễn viên chính xuất sắc Ảnh: Phan Anh
Thanh Hòa, Lan Ngọc - Nam diễn viên phụ và Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ảnh: Phan Anh.

Vậy Việt Nam có phải là đất nước của phim truyện không? Căn cứ vào mùa giải năm qua và kết quả phim hay nhất vừa trao, thì có vẻ như chưa. Bởi phim hay hơi ít, và Cánh diều Vàng (Long thành cầm giả ca) chưa tìm được khán giả.

Trong cuộc bỏ phiếu giải báo chí dành cho phim hay nhất, có người nói vui: “Hay ta thử nghe ngóng ban giám khảo chấm phim gì thì bầu phim khác cho nó đẹp cỗ. Vì năm nay có hai ứng viên nổi lên (Cánh đồng bất tận, Khát vọng Thăng Long)”.

Lập tức có người phản biện: “Gu của ban giám khảo không lường được đâu. Chẳng lạ nếu họ chọn phim thường thường để vinh danh, vì sẽ có những người không thích nhau hoặc cố tình không thừa nhận nhau”. Đây chính là một vấn đề tồn tại từ lâu- là nghi vấn của mỗi kỳ chấm giải (Cánh Diều, Bông Sen).

Gu thẩm định lại là một vấn đề khác. Mấy ngày ngồi xem phim dự giải cùng các vị giám khảo, thỉnh thoảng thấy rộ lên tiếng cười thích thú, chẳng hạn trước kỹ xảo phóng dao veo veo của một “cô dâu đại chiến”, thì chẳng lạ khi có tới 7/10 bộ phim được khen năm nay. Nếu không phải gu thì cũng nguyên nhân ngoài nghệ thuật.

Luôn luôn, có những tiêu chí gọi là: “Hài hoà, cân bằng giữa phim nhà nước và phim tư nhân; phim miền Nam- miền Bắc; phim nghệ thuật- giải trí; đề tài chính thống- ăn khách”. Đúng là vái tứ phương. Với nghệ thuật, chỉ có một tiêu chí: Hay.

Và nói như Lưu Quang Vũ: “Dù anh có tâm, nhiệt huyết, cần cù nhưng bóng không vào lưới thì phải bảo là bóng không vào lưới”. Thế thôi. An ủi không đúng cách khác nào xem thường nhau.

Lên trao giải ở Nhà hát Hoà Bình, NSND Thế Anh có vẻ hơi quá về một “niềm xúc động không thể nói nên lời” nhưng tại Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam năm ngoái, ông có nỗi bức xúc chính đáng: “Nhất định phải gửi người đi đào tạo ở nước ngoài, cho dù 10 hay 20 năm mới có được một đạo diễn giỏi, diễn viên giỏi còn hơn là tình trạng ăn xổi, chạy theo số lượng hiện nay”.

Nguyễn Quang Lập- biên kịch cũng cho rằng điện ảnh thiếu nhân tài trầm trọng là do không được đào tạo đến nơi đến chốn. Nhà nước hàng năm đầu tư rất lớn cho điện ảnh, chỉ là chúng ta đang giải ngân một cách phí phạm, vào lỗ hà ra lỗ hổng. Người làm điện ảnh thì suốt ngày kêu khó kêu khổ rằng mình có tài có tâm, khổ nỗi thiếu tiền để làm phim hoành tráng.

Hỏi một người trong nghề: “Ông kia quay phim cũng được, sao đi đạo diễn làm gì, mấy phim rồi có thành công đâu”. Anh nói hóm: “Là vì làm đạo diễn thì ra phim trường được gọi bằng ông còn quay phim thì chỉ là thằng”.

Bạn bè hay trêu nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn “chục năm ngủ với Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng”- đùa chuyện Hồng Ánh vợ anh nhận giải diễn xuất hết năm này năm khác như thể không còn ai khác! Đâu chỉ đạo diễn, tác giả, quay phim, kỹ sư âm thanh ánh sáng mới thiếu vắng tài năng, người chuyên nghiệp. Mong có nhiều hơn những tín hiệu đáng mừng như Lan Ngọc, Thanh Hòa mùa giải vừa qua (phim Cánh đồng bất tận).

Mỗi khi phải xem quá nhiều bộ phim lạc hậu cùng lúc, cánh nhà báo thường hỏi nhau: “Hình như họ không chịu học hỏi tí gì của nước ngoài thì phải”, đúng là nền điện ảnh đóng chặt cửa. Thế rồi khi “có học, có tiếp thu” thì lại theo kiểu luộc, xào trắng trợn, “bịt tai ăn cắp chuông”, nghĩ sẽ chẳng ai nhận ra.

Trong khi chỉ với truyền hình cáp, khán giả ngày nay có thể xem cả ngày- phim cũ và mới của Mỹ, Nga, Pháp, Hàn, Trung Quốc. Từ “không chịu học” đến đạo phim thành xì căng đan, thành nỗi ngờ vực thường trực của khán giả- căn bệnh nữa của điện ảnh nước nhà.

Đạo diễn Mỹ Phillip Noyce hồi tháng 10-2010 có vài buổi lên lớp cho sinh viên điện ảnh Hà Nội và TPHCM. Việc đầu tiên khi lên lớp, ông mời từng sinh viên đứng lên tự giới thiệu và nêu mong muốn của mình ở lớp học này, rồi định làm gì cho việc học hành, cho sự nghiệp sắp tới.

Ai không nói được thì ông nhẹ nhàng bảo rằng có thể không cần ngồi lại, vì với nghề này, bạn phải biết mình muốn gì và biết trình bày cái tôi, thể hiện cá tính, bằng không nên chuyển nghề. Cái tôi, cá tính cũng là điều mà điện ảnh chúng ta thiếu nhất!

“Họ muốn gì?”- tên công trình luận án tiến sĩ của đạo diễn Hoàng Trần Doãn, nhằm nghiên cứu nhu cầu của khán giả điện ảnh Việt Nam. Thì đơn giản là họ muốn phim hay, muốn người làm phim hướng tới họ. Vậy nhưng có vẻ không phải người làm nghề nào cũng thấu hiểu.

Như tổng kết của Đoàn Minh Tuấn- nhà phê bình: “Người Pháp khi làm phim hỏi câu chuyện phim có hay không, người Mỹ hỏi phim này khán giả có thích không, còn Việt Nam ta hỏi hội đồng duyệt có thông qua không”.

Dư âm Cánh Diều năm nay như mọi năm, cũng lắm ì xèo. Nào tẻ nhạt, nào MC tán nhảm và đọc sai tên nghệ sĩ, nào người trao giải phát biểu thất thố. Diễn viên trẻ Thanh Thuý bị báo chí qui tội vô lễ với đạo diễn Đặng Nhật Minh vì khi cùng ông xướng giải Cánh diều Bạc, cô còn trẻ mà dám xưng em, và lại còn hỏi “Bao giờ thì anh mời em đóng phim”.

Tôi lại thấy ái ngại cho cô, khi mà thái độ hâm mộ nhiệt thành của cô được đáp lại bằng câu nói độp: “Việc của chúng ta là lên trao giải thì nên tập trung vào việc trao giải”. Xem các nghệ sĩ ứng xử với nhau, cứ thấy hồi hộp thế nào.

Từ một giải nội bộ không mấy ai quan tâm, Cánh Diều nay đã trở nên quen thuộc. Cánh Diều là cái tên hay, Bông sen Vàng cũng là cái tên giải hay (Liên hoan phim, 3 năm/lần). Điện ảnh- môn nghệ thuật hấp dẫn nhất. Báo chí và khán giả luôn dành cho điện ảnh mối quan tâm bậc nhất.

Công việc, bởi thế, bời bời trước mắt các nghệ sĩ và nhà quản lý, để ngày càng nhiều phim hay hơn, được người xem hăng hái bàn luận hơn. Và để ngày điện ảnh 15-3 (nay đã lần thứ ba) thực sự là ngày hội của những người làm điện ảnh, và không chỉ của giới này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG