Lối thoát

Minh họa: Đỗ Phấn.
Minh họa: Đỗ Phấn.
TP - Anh chạy. Thoạt đầu anh lóng ngóng đặt những bước cứng nhắc xuống nền gạch. Một, hai một hai, một... Cái lạnh làm anh lúc trước run rẩy giờ hình như đã biến mất. Anh cố hít thở thật sâu để đỡ mất sức. Và chạy một cách cần mẫn cho tới khi đầu gối chùng xuống và không còn nhớ vì sao mình làm việc này…

Sau khi mất toi mười phút vòng vèo tìm nơi đỗ xe ngoài đường trong một sáng thứ sáu dày sương đầu tháng mười hai, anh đành lái vào garage của một khu chung cư lớn. Đằng nào thì lát nữa anh cũng phải đi chợ mà đây cũng là nơi đỗ xe của siêu thị. Cửa hàng này có cả bãi đỗ lộ thiên nhưng ở đó đã chật kín, thôi thì chịu khó xuống tầng hầm còn hơn bị cảnh sát phạt đỗ bậy. Dẫu sao anh chỉ phải lên lớp một tiếng đồng hồ, sau đó là có thể chợ búa cuối tuần rồi trở về nhà lo cơm nước và đi đón con.

Anh lái sâu vào bên trong garage, đỗ đúng nơi quy định dành cho khách hàng của siêu thị, tắt đèn, bước ra khỏi xe và đóng cửa, nhấn nút khóa xe rồi tìm đường ra. Tầng hầm nhá nhem tối, không hề có lấy một bóng đèn điện, ánh sáng ban ngày hời hợt lọt vào từ những ống thông hơi chỉ đủ soi lờ mờ chỗ chân anh đứng. Anh quanh quẩn hồi lâu tìm đường lên thì phát hiện ra trên bức tường phía tay phải một ký hiệu màu xanh lá cây vẽ hình lửa đuổi theo một người đang chạy to bằng người thật, nơi có ánh sáng hắt hờ từ phía trên xuống. Anh thở phào bước về phía ấy và trông thấy một cánh cửa sắt. Đó là lối thoát hiểm dùng khi hỏa hoạn.

Trước khi mở cửa anh sửa lại mũ áo cho chỉnh tề, quấn lại khăn phu la rồi vặn nắm đấm kéo cửa. Cánh cửa nặng trịch như cố phản lại lực kéo của anh, miễn cưỡng nhích sang một bên nhường chỗ cho anh lách ra ngoài. Anh rùng mình vì khí lạnh tạt vào mặt rồi buông tay nắm cửa. Cánh cửa sập ngay lại sau lưng anh. Theo phản xạ tự nhiên, anh quay người lại và cầm quả đấm phía ngoài rồi thử vặn song nó không nhúc nhích. Chẳng hề gì, anh đã thoát ra khỏi tầng hầm và không cần phải vào trong nữa, khi đi chợ anh sẽ hỏi người bán hàng lối vào garage ở đâu. Anh giẫm lên những bậc thang bám rêu mốc meo như da kỳ đà và bước lên trên. Trước mặt anh trải rộng một sân chơi trồng cỏ, chu vi chừng hai mươi phút dạo bộ, xung quanh có lối đi lát gạch xi măng. Sau lưng anh là bảy tám tòa nhà cao tầng xây sát nhau không chừa một kẽ hở. Anh đang đứng giữa sân. Đây là mặt hậu của khu chung cư. Tòa nhà nào cũng có cửa thông ra sân giải trí này. Mặt trời cố gắng lọt qua lớp sương xám và trải lên thảm cỏ sân chơi một mảng nắng loãng cạnh chiếc ghế băng bằng gỗ tùng quét sơn màu cánh gián đứng ngay ngắn bên một bụi tầm xuân còn sót lại vài quả đã ngả màu bã trầu.

Anh nhìn quanh. Đây đó là một vài chiếc ghế xích đu, một chiếc đu quay, một hộp cát chừng chục mét vuông, hai cột bóng rổ và bãi chơi đá bóng chắn hai đầu bằng hai cổng thành, rải rác quanh sân là mấy chiếc ghế băng dưới những cây phong trơ những cành xương xẩu. Và sân chơi này được ngăn vuông vức với mặt phố bằng một hàng rào thép có những chấn song dọc, đường kính khoảng một centimet, cao cỡ bốn mét nối từ đầu tường cao ốc nọ tới cuối tường cao ốc kia với một cánh cổng cũng bằng thép đứng đốidiện với mấy tòa nhà. Dù còn cách xa nhưng anh vẫn nhận ra dây khóa xích sắt to tướng gỉ hoét móc ở đó. Dây xích có những mắt hình bầu dục dài xấp xỉ bốn phân nối vào nhau dày chừng ngón tay út quấn quanh hai lỗ hổng hình bán nguyệt lớn bằng nửa cái đĩa ăn nằm sát khung của hai cánh cổng tạo thành một hình tròn, hai đầu nối nhau bằng một ổ khóa to khoảng nửa bàn tay, và thật không may, khi tiến lại gần anh nhận ra nó bị khóa.

Đã gần tới giờ lên lớp. Từ đây tới trường phải đi bộ quãng mười lăm phút. Nếu có thoát ra khỏi khu này anh cũng không còn đủ thời gian để lên lớp đúng giờ. Nghĩ vậy anh lấy điện thoại ra gọi cho đám học trò phụ đạo báo rằng mình sẽ tới muộn vài phút do phải tìm nơi đỗ xe. Chắc hẳn ở đây phải còn một lối ra nữa, sân chơi lớn thế này kia mà, anh tự nhủ rồi cất điện thoại và quay người bước lần theo hàng rào, song ngoài cánh cổng đó ra thì không còn bất cứ cửa rả nào nữa. Anh nhìn về phía mấy tòa nhà lớn mong tìm lối thoát nhưng cửa nào của sân sau cũng đều đóng im ỉm như những cánh cửa bí mật của những tòa lâu đài trong các truyện cổ tích mà chỉ những người có đặc quyền mới được phép mở chúng. Một mong muốn ngây ngô chợt hiện ra trong óc anh. Anh ước mình là Alibaba có thể hô Vừng ơi mở ra và tự giải thoát cho bản thân. Nhưng anh không có mặt trong một câu truyện cổ, những điều anh đang trải nghiệm vô cùng thực tế như cái lạnh đang mon men luồn vào cơ thể anh. Mùa hè ở đây hẳn là nhộn nhịp và ấm cúng lắm, anh tự nhủ và bần thần ngó quanh rồi kiểm tra lại một lượt xem có bỏ sót nơi nào không và hoảng hốt nhận ra mình đang bị giam trong sân chơi của khu chung cư này. Anh lo lắng lượng sức tự hỏi có thể leo qua hàng rào được không nhưng nó quá cao, người ta chủ ý lắp như thế cho bóng khỏi bay ra ngoài mỗi khi người chơi sút mạnh. Giá như thời tiết ấm hơn. Giá như bây giờ là buổi chiều. Nếu vậy sẽ có nhiều người ra vào và chắc chắn họ sẽ mở cổng hoặc cửa cho anh. Anh hoang mang nhìn lên dãy ban công của khu nhà nhưng trên hàng trăm chiếc ban công thì ngoài những chậu hoa bị bỏ quên và quần áo phơi trên giá khẽ đung đưa tất thảy đều là tĩnh vật. Khu nhà lặng lẽ như chùa vắng phật. Giờ này người lớn đi làm, trẻ con đến trường, người già đóng cửa uống chè đọc báo trong những căn hộ ấm áp hoặc đi chợ. Không một bóng người. Giả sử đây là mặt tiền của khu chung cư chắc chắn đã có kẻ qua người lại, song nếu thế anh đã không bị mắc kẹt trong sân chơi. Anh chỉ đến đây đỗ xe. Sáng nay lúc ra khỏi nhà anh nào nghĩ mình lại lo lắng và bồn chồn đến thế. Hình như đã có lần anh có cảm giác này khi đọc truyện ngắn Tôi chỉ đến để gọi điện của Marquez. Bất giác anh sởn gai ốc. Nếu cô gái trong truyện bị tưởng nhầm là một người điên thì anh cũng dễ bị nghi là kẻ đột nhập lắm chứ. Vậy thì sẽ rầy rà to, cảnh sát sẽ đến và việc đầu tiên là họ sẽ hỏi đến giấy tờ tùy thân của anh, và như thế anh sẽ gây ra sự chú ý cho mọi người. Thật là xấu hổ! Anh run, không những chỉ vì tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết to như những cánh hoa lê dửng dưng đáp xuống đất. Người anh thấm lạnh mà vẫn rịn mồ hôi. Cảm giác chới với không nơi nương tựa làm anh thấy mình như con mồi lưng dính trên tấm mạng nhện. Một nỗi sợ hãi buông trùm lấy anh và thúc anh tiến lại phía cánh cổng sắt một lần nữa. Với thói quen của một người khi cầm một bông hoa nhất định phải đưa lên mũi ngửi dù linh cảm nó không thể thơm, hay quán tính vẫn nhìn lên vị trí của chiếc đồng hồ treo tường để xem giờ mặc dù nó đã chết từ nhiều ngày, anh kiểm tra một lần nữa vòng xích sắt xem liệu nó có thực sự bị khóa không và thở dài khi nhận ra mình đã không lầm. Chiếc xe đạp vợ chồng anh mua cho đứa con gái lớn dạo hè nhân dịp sinh nhật cũng có một vòng khóa bằng xích, vợ anh đã dặn nó để xe ở đâu thì phải khóa cẩn thận kẻo mất. Anh còn đùa, khóa chỉ để dọa người ngay chứ không ngăn được kẻ gian. Câu nói ấy như một điềm gở tiên đoán việc lúc này anh đứng bất lực trước ổ khóa gỉ. Nghĩ tới điều đó anh tự hỏi liệu có ai trong khu nhà kia đang theo dõi anh và cho rằng anh có ý đồ bất chính? Anh bàng hoàng hướng tầm mắt cầu cứu lên trên nhưng chỉ trông thấy ánh lóa của những tấm kính cửa sổ như những cặp mắt soi móimà không phát hiện ra bất cứ thứ gì hữu ích cho mình lúc này. Những ánh sáng như sao đêm ấy nhắc anh chẳng còn mấy ngày nữa thì đến lễ Giáng sinh, vậy mà quà cho con anh vẫn chưa mua đủ. Bọn trẻ luôn muốn có một con chó nhưng bao giờ anh cũng từ chối vì không thích tiếng chó sủa, hơn nữa lúc nhỏ có lần anh bị chó hàng xóm cắn, đến giờ vẫn sợ. Vợ anh cũng chẳng mặn mà với thú vật cho lắm nên gia đình anh không nuôi bất cứ gia súc gì ngoài ruồi, mà đó cũng chỉ là bất đắc dĩ. Hôm nay vợ anh bận thăm nom cha mẹ đẻ, chiều mới về, lúc này mọi việc lớn nhỏ đều do anh chịu trách nhiệm. Anh nghĩ tới vợ mình và nghĩ tới những lúc thầm ghen tỵ với cô ấy vì luôn được ở gần các con nhiều hơn anh. Anh nghĩ tới vẻ mặt rạng rỡ của hai đứa nhỏ lao vào người anh mỗi lần anh tới nhà trẻ đón chúng. Ngày nào vợ anh cũng được chúng chào đón nồng nhiệt như thế. Hình ảnh vợ và các con anh lần lượt hiện ra như một cuốn phim. Anh bần thần khi nhớ ra mình không có mặt trong bất cứ tấm ảnh nào của gia đình bởi anh luôn là người chụp. Gia đình anh có nhận ra điều này không nhỉ? Họ có nhớ được diện mạo của anh nếu như…

Anh hoang mang ngó ra phía ngoài hàng rào. Không một bóng người, chỉ có ô tô qua lại. Anh cũng không thể vẫy vì đường quá xa. Giả sử có ai nhìn thấy thì họ cũng cho rằng anh không vẫy họ hoặc họ sẽ nghĩ anh không bình thường, chẳng có ai thảnh thơi đến mức vào những ngày bận rộn nhất của năm lại đứng ngoài sân vẫy chào người dưng trong cái lạnh chết người này. Tuyết rơi như rắc hoa và đắp lên mặt sân một tấm chăn trắng xóa. Khí lạnh ở dưới bốc lên xuyên thấu giày làm chân anh tê buốt và đổ từ trên xuống làm tai anh đỏ dừ. Chiếc áo măng tô anh mặc cũng không còn giữ nổi hơi ấm trong người. Anh không có ý định ở ngoài trời lâu đến thế nên đã không mặc thứ gì ấm hơn. Nếu còn đứng ở đây thêm anh sẽ không chịu nổi hơi lạnh ẩm thấp càng lúc càng tăng này. Đã quá giờ học hai mươi phút, anh phải hủy tiết học và phải báo cho bọn trẻ biết. Nghĩ vậy anh lấy điện thoại thì sửng sốt phát hiện ra nó đã hết pin. Chỉ cách đây vài phút anh vẫn còn nói chuyện với một học sinh của lớp học thêm mà giờ điện thoại đã tắt ngóm. Anh sực nhớ rằng hôm qua không nạp. Lẽ ra anh đã có thể dùng điện thoại báo cảnh sát hay lính cứu hỏa để họ cứu anh. Giờ thì không còn cách nào nữa rồi. Đành phải chờ vào vận may xem có ai mở cửa ra sân sau không, nhưng thời tiết này anh cũng chẳng mong gì có người ra đây đi dạo.Giá có ai trong khu nhà kia đang theo dõi anh và cho rằng anh có ý đồ bất chính! Chỉ như thế anh mới có thể thoát ngay ra ngoài. Anh giỏng tai lắng nghe xem có tiếng người không nhưng nơi đây hoàn toàn im ắng giống không khí trong một tòa thành đổ nát đã bị bỏ hoang hàng thế kỷ. Toàn bộ khu này dường như được phủ bằng một tấm màn ma thuật ngăn mọi động tĩnh mà anh không thể vén lên. Người anh run và bàn chân tê tới mức mất cảm giác để có thể cử động được các ngón. Anh dùng tay xoa mạnh lên đùi và bắp chân rồi xoa lên hai cánh tay và cảm thấy cơ thể ấm dần, nhưng chỉ một lát sau cái lạnh lại liếm lên da thịt mà hai cánh tay đã mỏi rần. Thế là anh bật người nhảy như trẻ con nhảy dây. Đầu tiên anh chụm hai chân lại nhảy, sau đó thì nhảy lò cò, đổi hết từ chân phải sang chân trái. Tiếng giày da đập xuống nền xi măng kêu lốp cốp nhắc anh nhớ tới đôi giày cao gót của vợ mua để đi ăn tối nhân dịp kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng anh. Khi đó chị trang điểm, thay quần áo và đứng trước gương hỏi, trong khi anh vẫn đang chấm bài cho học sinh, rằng anh thấy đôi giày của chị ra sao, anh đã thờ ơ hỏi lại chị đôi giày nào kia, chị dỗi nói là đôi giày mình đang đi. Lúc này anh ân hận vì sự lãnh đạm của mình với vợ. Giá như anh có thể quan tâm tới chị hơn, thế nhưng những năm gần đây, cuộc sống gia đình và những đứa con đã bào mòn tình yêu của họ. Ngoài giờ dạy ở trường, anh còn đi dạy phụ đạo hay viết báo kiếm tiền. Những khi ở nhà anh bù đầu vì bài vở của lũ học trò, mà cũng còn phải dành thời gian cho hai đứa con anh. Đôi khi chúng chỉ thích đi cùng bố ra khu giải trí. Anh vui vì được ở gần con bởi chẳng mấy khi mới có những dịp như thế nhưng cũng phải hết sức dè sẻn thời gian. Thời gian đối với anh là một thứ gì rất xa xỉ. Dù rất trừu tượng, không thể nắm bắt, nhưng từ dạo có hai đứa trẻ bao giờ anh cũng thấy mình thiếu thời gian. Anh chẳng còn lúc nào để nghĩ tới việc mình kém quan tâm tới vợ hơn thời chưa con cái, mọi sự bàng quan đều được anh che đậy bằng những lời xin lỗi qua loa, dần dần chúng mất cả thành ý. Và chị cũng không còn hay phàn nàn về anh nữa. Mỗi lần chị đi thu dọn quần áo để giặt, phòng này một chiếc tất, phòng kia một chiếc áo sơ mi, bao giờ chị cũng im lặng làm việc đó mà không hề cằn nhằn như trước. Chắc chắn không phải vì hài lòng mà vì mệt mỏi. Giống như những con lật đật, ngã rồi lại dậy, ngày ngày họ bù đầu vì công việc và mải chăm sóc con cái nên không còn thời gian cho nhau. Anh không thể nhớ lần cuối cùng anh đi uống cà phê cùng với vợ mà không cần lý do là lúc nào. Vợ chồng anh lặng lẽ song song sống như hai chiếc thang máy của một tòa cao ốc, luôn trong trạng thái standby cho bất cứ ai sử dụng, chỉ cần bấm nút là hoạt động, dù lên hay xuống, đóng hay mở, thậm chí là ngay cả lúc thang đang di chuyển mà người ta bấm vào nút stop thì cũng dừng ngay lại mà chẳng cần giải thích. Nhưng không hề có bất cứ giao điểm nào. Giờ đây anh nhận ra niềm vui duy nhất mà họ có chính là những đứa con. Vậy sau này, khi các con đã trưởng thành, anh sẽ sống thế nào với vợ? Đó là việc anh chưa hề nghĩ tới và bây giờ không dám tưởng tượng ra.

Anh lần ngược lại dòng ký ức tự hỏi mình đã lạc vào đây như thế nào và dừng lại ở ký hiệu lửa đuổi theo người đang chạy. Biểu tượng này làm anh nghĩ đến giấc mơ đêm qua, một giấc mơ kỳ lạ. Một người bạn của anh, một nhà ngôn ngữ học đã gửi cho anh một e-mail, trong đó chỉ toàn những hình thù người ta thường thấy trên màn hình máy vi tính hay điện thoại di động, nào là hộp rác, cờ-lê tô-nô-vít bắt chéo, smiley, hộp thoại hay loa và đủ các ký hiệu tương tự; điều lạ lùng là lúc đọc những dòng đó anh vẫn hiểu được người bạn này muốn nói gì. Khi tỉnh dậy anh đã tự hỏi thứ gì khiến anh nằm mơ thấy một người luôn coi trọng chữ nghĩa lại chỉ dùng đến ám hiệu để truyền đạt lại thông điệp của mình, những hình thù dường như khô khan bất động thì trong email nó lại bao hàm ý nghĩa như cả một lá thư dày đặc kín câu từ. Anh không giải thích được câu hỏi này và buồn bã nghĩ mình cũng có thể biến thành một biểu tượng như bất cứ biểu tượng nào trên màn hình máy tính, bởi nếu người ta có khả năng thổi sự sống vào những vật vô tri thì tâm hồn một con người cũng có thể mất đi sức sinh động. Giống như một bản nháp có thể chỉnh sửa hoặc tồi quá thì bỏ đi, anh sẽ ra sao nếu trở nên khô cằn? Một ngày nào đó người ta sẽ nhấn nút xóa rồi nhét anh vào sọt rác?

Anh ngẩn người khi nhận ra mình đã ngừng nhẩy từ lúc nào mà không hay, còn tuyết đã đọng đầy trên mũ và quần áo. Anh dùng tay phủi tuyết trên mình làm chúng ướt nhoẹt và lạnh buốt. Hôm nay anh đã ở ngoài trời gần ba tiếng mà không đeo găng. Giờ thì khí lạnh thực sự làm chủ cơ thể anh. Mà anh còn phải thoát ra ngoài để đi đón con. Đã gần đến giờ đón chúng. Nếu không về kịp thì không biết các cô trông trẻ phải xoay xở ra sao. Thế nhưng anh không biết làm thế nào để có thể ra khỏi đây mà cái lạnh lại càng lúc càng tăng. Anh lạnh đến mức nghĩ tới việc chạy vòng quanh sân. Anh chạy. Thoạt đầu anh lóng ngóng đặt những bước cứng nhắc xuống nền gạch. Một, hai một hai, một... Tiếng lộp cộp đứt quãng do đế giày gây ra khiến anh tỉnh táo. Khi đã đều chân anh mạnh dạn chạy nhanh hơn và cảm thấy toàn thân mình nhẹ bỗng, người cũng ấm dần. Anh rảo bước chạy một vòng, rồi một vòng nữa hòng chống lại cái lạnh. Sau đó anh tăng tốc chạy như đèn cù, như thách đố với thời tiết. Mải miết men quanh hàng rào. Cái lạnh làm anh lúc trước run rẩy giờ như đã biến mất. Anh cố hít thở thật sâu để đỡ mất sức. Và chạy một cách cần mẫn cho tới khi đầu gối chùng xuống và không còn nhớ vì sao mình làm việc này...

Xa xa văng vẳng tiếng chó sủa.

Freiburg 15/1/2015

Lối thoát ảnh 1Trong một xã hội được gọi là phát triển và không thiếu những biện pháp an toàn cho con người, vẫn xuất hiện những trạng huống trớ trêu, nguy hiểm. Tuy nhiên, đây chỉ là cái vỏ cho một câu chuyện khác: Một người bị rơi vào tình trạng không lối thoát, cô độc đến cùng cực, sinh mệnh bị đe dọa. Trong khi cuộc sống của những - người - khác vẫn cận kề ngay đó… Vô tình, vô tri.

Tác giả Đỗ Mai Phương sinh tại Hà Nội những năm chiến tranh. Từ năm 1988 học tập, làm việc và định cư tại CHLB Đức cho đến nay.              

L.A.H

MỚI - NÓNG