Lối thoát hậu COVID-19

Nhân viên y tế ở Moscow. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế ở Moscow. Ảnh: Reuters
Không hiểu những người chen chúc đi du lịch dịp nghỉ lễ vừa rồi nghĩ gì. Bỏ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua một bên thì có bao giờ những điểm du lịch nổi tiếng trong nước không đông đúc mỗi kỳ nghỉ lễ đâu.

Đi từ TPHCM tới Đà Lạt mất trên dưới 20 tiếng là tình trạng nhiều du khách vừa phải trải qua. Nghe họ kể trên báo ngồi trong ô-tô nào là con kêu khóc, vợ chồng cãi nhau, thực phẩm đông lạnh mang theo thiu thối hết… mà thương. Lết được đến nơi, tìm chỗ nghỉ đã khó mà xung quanh toàn người với người. Lấy đâu ra cách nhau 1m như khuyến cáo. Cơ mà còn thương hơn cho người dân tại các điểm du lịch, mỗi dịp như thế lại trở thành nạn nhân trên chính quê hương mình. Chả biết chạy đi đâu để tránh chen chúc.

Chả thế mà dân ở các điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu thường xuyên biểu tình đòi chính phủ phải có các biện pháp để… đuổi bớt du khách. Khi lượng du khách gấp vài chục lần số dân địa phương sẽ gây nên những hậu quả khôn lường về môi trường và tâm lý. Hiện tượng chán ghét du khách là có thật.

Bất động sản ở các điểm nóng du lịch tăng cao vô tình đẩy cư dân gốc xa dần trung tâm. Người dân muốn trụ lại phải quay ra phục vụ du khách và đâm ra lệ thuộc vào một ngành công nghiệp mùa vụ không bền vững. Khi xảy ra một thảm họa như COVID-19, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng chịu thiệt hại đầu tiên. Cho nên được quá tải bây giờ lại thành nỗi vui của những người làm du lịch sau thời kỳ đóng băng dài chưa từng thấy. Nhưng sự quá tải hằng ao ước có lẽ sẽ chỉ diễn ra ở phân khúc giá rẻ. Tới đây người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc mỗi khi chi tiêu cho những hoạt động không thiết yếu cũng cho như những món hàng xa xỉ.

“Các nhà máy Trung Quốc hoạt động trở lại nhưng khách hàng biến mất” - tiêu đề bài báo nói lên tất cả. Theo đó, đến cuối tháng Tư, các nhà máy của Trung Quốc đều mở cửa trở lại, sản lượng công nghiệp tăng mạnh nhưng: “Khách hàng ở Mỹ và châu Âu không còn mua hàng hóa Trung Quốc nhiều như trước. Hàng loạt trung tâm mua sắm ở Mỹ hủy và hoãn các đơn hàng từ Trung Quốc”. Doanh số đồ nội thất, gia dụng, quần áo, trang sức... đều giảm 25-30% trong tháng Ba.

COVID-19 được ví như “cú sốc chưa từng có” đối với các nền kinh tế lớn, như “thêm một cái đinh đóng lên chiếc quan tài toàn cầu hóa”. Vì nó góp phần cho thấy trong chính trị và kinh tế, đơn vị cơ bản vẫn là quốc gia. Không trang bị kịp cho mình chiếc khẩu trang là bài học xương máu của các nước phát triển. Mà kinh tế càng phát triển, dịch bệnh càng hoành hành ác liệt, kể cũng lạ?!

Dự báo sau COVID-19, nền kinh tế Mỹ bị thu hẹp 1/4 quy mô, ngang với hậu quả do đại khủng hoảng năm 1929 gây ra. Nhưng lần này tốc độ suy giảm nhanh hơn nhiều, hiển hiện ngay trong vòng ba tháng tới. Hy vọng kinh tế Việt Nam vận hành theo một cơ chế đặc biệt nào đó sẽ né được cú khủng hoảng này, tương tự như đã tránh được những tác hại của COVID-19?! Nhưng cũng phải chờ khoảng 2-3 tuần sau đợt cả nước bung lụa đi nghỉ lễ vừa rồi, mới biết Việt Nam “chiến thắng” đại dịch đến đâu.

Sau thoáng vui mừng vì vài chỉ số ô nhiễm môi trường giảm thiểu do sản xuất công nghiệp đình trệ, nhân loại đang phải đối mặt với một đợt khủng hoảng mới về rác thải, hậu quả của những biện pháp phòng bị dịch bệnh. Giãn cách xã hội làm gia tăng đồ nhựa dùng một lần để bao gói thực phẩm hàng hóa phục vụ vận chuyển. Rồi khẩu trang y tế, đồ bảo hộ… tất cả đều chứa một lượng nhựa khó phân hủy. Những đồ dùng xa xỉ với môi trường này sẽ còn gắn bó với nhân loại khi nào còn virus.

Sau khi lập kỷ lục xây dựng bệnh viện chữa COVID-19 ở Vũ Hán, mới đây Trung Quốc lại phải xây nhà máy xử lý rác công suất 30 tấn trong 15 ngày. Đợt cao điểm dịch bệnh, mỗi ngày Vũ Hán thải ra tầm 240 tấn rác y tế, gấp 6 lần so với trước. Rác thải nhựa ở Thái Lan cũng tăng hơn 4 lần, đang ở mức 6.500 tấn/ngày.

COVID-19 khiến mọi người (tạm) dẹp qua một bên nhận thức về các vấn đề ô nhiễm, rác thải. Để bảo toàn mạng sống trước dịch bệnh, đương nhiên người ta dễ dàng hy sinh tính bền vững, tặc lưỡi với đồ nhựa dùng một lần. Dự báo thời gian tới đây ngành tái chế sẽ gặp khó khăn vì không cạnh tranh nổi với nhựa nguyên chất đang rất rẻ do giá dầu sụt giảm.

“Đại dịch đang vạch các lỗi mang tính cấu trúc của một hệ thống đã được định hình trong nhiều thập kỷ qua, bất bình đẳng kinh tế, hủy hoại hệ sinh thái ở quy mô lớn, các cấu trúc không ổn định dựa vào nhau trong trạng thái bấp bênh… Nên khi chỉ một thành phần trong đó mất cân bằng, các hệ thống khác sẽ sụp đổ đồng loạt”, (theo Phạm Thắng). Thực ra đại dịch không chỉ vạch ra mà còn lái nhân loại đi theo một hướng mới mà trước đây đã được nhìn ra, nhưng quán tính của sự phát triển nhân danh kinh tế không cho phép hướng theo.

COVID-19 là một dịp để từng người thấy sự quan trọng của sức khỏe chỉ có được nhờ sự cân bằng bên trong (thể chất và tinh thần) cũng như bên ngoài (con người và môi trường). Những chỉ số phát triển kinh tế trở nên vô nghĩa, nếu con người không thể sống khỏe mạnh trong một môi trường trong lành.

Nhiều chuyên gia dự báo, nếu con người không nhân dịp này mà làm hòa với thiên nhiên thì sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa cho thế giới đang trên đà tiến nhanh tới hủy diệt về sinh thái do tăng trưởng kinh tế vô nhân tính. Vâng, khủng hoảng kinh tế đang tiến đến trong tương lai gần, nhưng nếu nó giúp đẩy vụ khủng hoảng sinh thái tới một tương lai xa hơn, thậm chí biến mất thì cũng được đấy chứ. 

MỚI - NÓNG