Lương Huệ Trinh: Thong dong lối hẹp

Lương Huệ Trinh cần mẫn theo đuổi dòng nhạc kén người nghe Ảnh: DINO TRUNG
Lương Huệ Trinh cần mẫn theo đuổi dòng nhạc kén người nghe Ảnh: DINO TRUNG
TP - Ở đêm nhạc của Trinh, chiếc cồng không chỉ được đánh bằng búa thông thường mà còn bằng bàn chải đánh răng hoặc con dao dùng trên bàn ăn. Những vật dụng như miếng sắt cọ nồi, những viên bi nhỏ, chiếc lược chải đầu... cũng có thể trở thành dụng cụ biểu diễn. Ca sĩ đôi khi không chỉ sử dụng kỹ thuật thanh nhạc, mà còn tạo ra các dạng âm thanh bi ai hoặc đọc/hát thơ theo một cách lạ lùng...

Hoà nhạc với... “đồ hàng”

“Vệt” là đêm nhạc chân dung đầu tiên nữ nhạc sĩ Lương Huệ Trinh ra mắt công chúng trong nước, sau 10 năm “phải duyên” với âm nhạc điện tử và sau 3 năm được đào tạo bài bản về âm nhạc đa phương tiện tại Đại học Âm nhạc và Kịch nghệ Hamburg (Đức). Đây cũng là chương trình giúp Lương Huệ Trinh tốt nghiệp thạc sĩ ở xứ người với số điểm tối đa vào giữa năm 2018. Chương trình diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace (Hà Nội) vừa qua.

Tại đêm nhạc, người ta thấy bày ra những món “đồ hàng” như chiếc lược, con dao dùng trong bữa ăn, một nắm bi sắt, vài sợi dây chuyền, cái chuông, bàn chải điện... Ngoài nhạc cụ phương Tây như flute, bass clarinet, violin, cello, còn có máy tính và nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu...

Ở đó, người nghệ sĩ bộ gõ không đánh cồng bằng chiếc búa thông thường mà sử dụng thêm rất nhiều dụng cụ, thậm chí là cả cái bàn chải, miếng gỗ, để gõ lên mặt cồng. Những âm thanh phát ra từ nắm bi sắt va quệt nhau trên bề mặt của nhạc cụ gõ. Hay âm thanh của đám dây xích được nghệ sĩ vần vò trong chiếc bát. Hoặc có khi là tiếng đồng xu được ném vào thành của cái chuông đồng nhỏ. Ở một tiết mục khác, người ca sĩ không chỉ sử dụng kỹ thuật thanh nhạc, thay vào đó, anh ta tạo ra rất nhiều âm thanh bi ai khác nhau hoặc đọc/hát thơ theo một cách lạ lùng, thêm vào bầu không khí vốn đã rờn rợn bao trùm khán phòng.

Và ở một chỗ khuất ánh đèn, Lương Huệ Trinh bận rộn với gần chục chiếc máy tính bày ra xung quanh. Cô chơi nhạc điện tử trực tiếp, kiểm soát âm lượng của các nhạc cụ trên bàn mixer, ra hiệu cho phần ánh sáng sân khấu. Cô chính là nhạc trưởng của buổi diễn.

Sau “Vệt”, nữ nhạc sĩ người Hải Dương tiếp tục tìm tòi. Cô cho đàn tranh, nhạc điện tử và… gạo “chơi” cùng nhau. Giấy bạc bọc thức ăn hay miếng sắt cọ nồi cũng đang được đưa vào một chương trình khác. Gần đây, thấy cô hay lang thang đến các xưởng may công nghiệp. Nghe đâu là đang đi tìm “nhạc cụ” cho dự án âm nhạc sắp tới. 

Vừa đi vừa dò

Âm nhạc của Trinh có nhiều màu sắc nhưng không ồn ào. Nó phản chiếu đúng con người cô. Trinh không cố tạo cho mình một vẻ ngoài nghệ sĩ. Hai lần gặp Trinh, một lần thấy Trinh ăn vận như sinh viên, sơ mi buông ngoài quần bò, không trang điểm, tóc buộc cao hơi rối. Lần sau, Trinh cũng chỉ vận chiếc váy suông đen trắng đơn giản, đi dày lười, vai đeo ba lô.

Những sáng tác của cô thường ra đời trong một góc quán cà phê vắng. Nơi cô có thể nghe rõ âm thanh của giọt cà phê rơi, tiếng của thìa va vào cốc hay tiếng gõ bàn phím của chính mình. Thỉnh thoảng, Trinh xách ba lô lên và đi khỏi thành phố. “Tôi hay vào rừng, hoặc đến những vùng hồ nước rộng lớn. Nhắm mắt và lắng nghe mọi âm thanh sinh động của tự nhiên. Đó là cách tôi đi tìm ý tưởng”, nữ nghệ sĩ nói. Mỗi lần ra ngoài, Trinh có thể quên son, quên điện thoại, thậm chí quên tiền, nhưng nhất định không bao giờ quên mang theo chiếc laptop “tri kỷ”.

Mười ba tuổi, cô bé đến từ Hải Dương đã thi đỗ chuyên ngành Jazz Keyboard của Học viện Âm nhạc quốc gia. “Trong thời gian học, dù có những sáng tác riêng nhưng tôi vẫn thấy âm nhạc của mình thiếu gì đó. Có những trạng thái cảm xúc và không gian mà tôi chưa thể bộc lộ ra hết qua giai điệu, tiết tấu và hòa thanh. Tình cờ, trong năm học cuối, khi được tiếp cận với một phần mềm âm nhạc, tôi thấy mình như được giải thoát. Tôi thể hiện được nhiều hơn và có thể xóa nhòa ranh giới của các thể loại âm nhạc”, Lương Huệ Trinh lý giải cơ duyên của mình với nhạc điện tử.

Trinh bắt đầu con đường âm nhạc thể nghiệm. Năm 2010, sáng tác đầu tay mang tên “Mộng du” của cô nhận được nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn và lời mời biểu diễn trong khu vực. Năm 2015, Lương Huệ Trinh sang Đức du học tại Trường đại học Âm nhạc và Kịch nghệ Hamburg, theo diện học bổng toàn phần. Các sáng tác của cô được biểu diễn, được phát trên đài phát thanh ở Thái Lan, Cộng hòa Séc, Đức, Nauy, Scotland, Úc, Anh, Mỹ. Album đầu tay “Illusions” lọt vào danh sách “Những album hay nhất của năm 2016”, do tạp chí âm nhạc uy tín Avant Music News (Mỹ) bình chọn. Năm 2018, Trinh chính thức về nước hoạt động nghệ thuật.

Dù phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, số nghệ sĩ theo đuổi nhạc thể nghiệm một cách chuyên nghiệp rất ít. Trinh bảo cái khó là luôn thiếu đồng nghiệp để cộng tác cùng. “Có nhiều đêm nhạc, tôi phải tự làm hết mọi việc như sáng tác, xin tài trợ, quyết toán, kỹ thuật, sân khấu, ánh sáng, dựng hình ảnh, viết text, biểu diễn”, cô kể.

Ở Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chính quy nào về âm nhạc điện tử. Từ một người “ba ngơ” về máy tính, mù mờ về phần mềm, ổ nhớ, card âm thanh... giờ, chỉ cần trốn ở một góc quán vắng, với một cái máy tính và tai nghe chuyên dụng, Lương Huệ Trinh có thể làm việc với các âm thanh cho sáng tác tiếp theo của mình.

Trinh rất tâm huyết với dự án hoà nhạc tháng 7 tới tại Trung tâm Văn hóa Pháp, do cô “chủ xị”. “Đêm nhạc giao lưu giữa một số gương mặt nghệ sĩ trẻ của âm nhạc thể nghiệm Việt Nam với nghệ sỹ khách mời nước ngoài. Tôi mong, nó sẽ là bệ đỡ để các nghệ sĩ trẻ trong nước có thêm cơ hội phát triển nghề”, Lương Huệ Trinh chia sẻ.

Lương Huệ Trinh cũng vừa nhận lời giảng dạy âm nhạc điện tử tại trường Nhạc viện TP HCM. “Tôi hy vọng thời gian tới sẽ mang đến những tác phẩm kết hợp âm nhạc với múa, thơ, văn học, kịch, nghệ thuật thị giác...”, nữ nhạc sĩ sinh năm 1985 mơ màng.

“Khi kết hợp với Lương Huệ Trinh, ban đầu tôi thấy âm nhạc của cô khá phức tạp. Thế nhưng, càng tập càng thấy hấp dẫn. Nó có những ngôn ngữ riêng biệt, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc phương Tây rất là hay”- Nghệ sĩ kèn Clarinet Nguyễn Quốc Bảo nhận xét.

Anh Max Riefer, nghệ sĩ người Đức chuyên chơi nhạc cụ bộ gõ nhận định: “Chúng tôi từng làm việc chung tại Bangkok, Thái Lan. Điều tôi thích ở nhạc của Trinh là cô ấy luôn cố gắng cân bằng âm thanh điện tử và âm thanh từ nhạc cụ”.

Người ta thường nghĩ nhạc điện tử luôn ồn ào, sôi động thì Lương Huệ Trinh cho họ thấy những góc tĩnh. Người ta nghĩ nhạc điện tử là phải diễn ở những quảng trường lớn, sân vận động hoàng tráng thì Trinh mời họ đến những không gian thính phòng yên tĩnh giữa lòng Hà Nội. Người ta nghĩ nhạc điện tử là để nhảy thì Trinh chơi nhạc điện tử để họ phải lắng nghe. 

MỚI - NÓNG