Ly Hoàng Ly “phẳng chung thủy” cùng Ngô Bảo Châu

Ly Hoàng Ly và GS Ngô Bảo Châu cùng giới thiệu Phẳng chung thủy với công chúng. Ảnh: N.M.Hà
Ly Hoàng Ly và GS Ngô Bảo Châu cùng giới thiệu Phẳng chung thủy với công chúng. Ảnh: N.M.Hà
TP - Phác thảo sắp đặt Phẳng chung thủy của Ly Hoàng Ly đang được trưng bày tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, ĐH Bách khoa Hà Nội (đến 6/8) GS Ngô Bảo Châu cùng sáng tạo tác phẩm.

Căn phòng nhỏ với ánh đèn vàng hắt từ dưới sàn gỗ, rọi sáng một loạt dây chăng ngang treo các tấm lụa hình chữ nhật mỏng tang. Một tấm thêu chỉ bạc, một tấm thêu chỉ đen - áp vào nhau từng đôi một. Cũng như khán giả khác, tôi len lỏi ngó nghiêng giữa các dây phơi lụa thêu kín chữ số mà chịu không thể đọc được trừ mấy hình vẽ nguệch ngoạc của Ly Hoàng Ly hay hai chữ “bế tắc” mà cô viết hoa rõ to trong một tấm lụa. Có lẽ lần đầu tiên những thuật toán cao cấp được thêu trên lụa. Tất nhiên người thêu chẳng thể hiểu và người đặt hàng cũng chẳng hơn gì.

Đang ôm một mối băn khoăn về sự tam sao thất bản của các hình thái ngôn ngữ, Ly Hoàng Ly gặp Ngô Bảo Châu. Cô rủ anh làm cuộc trình diễn mà chỉ hai người biết với nhau. Mở đầu cho giai đoạn một của dự án Phẳng chung thủy, Ly cũng cắp cặp đến học lớp Bổ đề cơ bản của GS Châu cùng 15 sinh viên Toán. Cô ngồi chép tất cả những gì “thầy” viết lên bảng. Công việc này với Ly chẳng khác nào ký họa, kéo dài trong gần 2 tháng đầu năm 2014 tại ĐHTH Chicago.

GS Châu được mời chấm “vở” của Ly theo một cách đặc biệt. Anh sẽ đặt giấy can lên bản vẽ thuật toán của Ly và sửa những chỗ chép sai. Đôi chỗ GS Châu không thể hiểu Ly viết gì, anh đành thêm vào biểu tượng mặt cười hay đánh dấu hỏi chấm. Hành động này của GS Châu cũng được xem là một kiểu trình diễn.

Sản phẩm của hai cuộc trình diễn tương tác được gửi đến cho thợ thêu. Phần của Ly thêu bằng chỉ bạc. Những chỗ chỉnh sửa của GS Châu được thêu trên một tấm lụa khác bằng chỉ đen. Mặc dù hai bên có thể nói là hoàn toàn không hiểu nhau nhưng họ vẫn “chung thủy” song song với nhau trong phòng triển lãm. 

“Tranh hay sắp đặt không quan trọng với Ly, chu trình mọi người tham gia vào nó với Ly có ý nghĩa lớn, nó giúp Ly thể hiện việc con người đã đối thoại, đã hiểu về nhau như thế nào”, Ly cho hay.

Trong suốt thời gian trình diễn tại lớp học của GS Châu (tuần 2 buổi, mỗi buổi tiếng rưỡi), cụm từ duy nhất để lại ấn tượng trong Ly là “faithfully flat”. “Ly hỏi GS khi giảng qua tiếng Việt thì từ đó gọi là gì, anh bảo là “phẳng chung thủy”. 

Và thêm một câu là, chắc các cô chẳng ai thích (?)”. GS Châu diễn giải thêm: “Nếu một đinh ốc là một cái chốt có ren để gắn các vật vào nhau thì phẳng chung thủy có thể hình dung như một cái đinh ốc nắm giữ nguồn gốc của các dạng toán đã được biến đổi”.

Định nghĩa này khiến Ly tâm đắc vì dự án của cô cũng đang đi tìm một thứ bất biến nằm sau tất cả những diễn đạt bề mặt của ngôn ngữ, kiểu như nguồn gốc của mọi khái niệm mà con người từng diễn dịch. Và thế là Ly mượn Phẳng chung thủy làm tên dự án. 

Triển lãm đang trưng bày tại Hà Nội chỉ là phác thảo của giai đoạn 1. Kết thúc giai đoạn này, dự kiến trong vòng 2 năm nữa, Ly sẽ trưng bày các tấm lụa lớn gấp 30 lần hiện nay. Khi đó cảm giác len lỏi giữa tác phẩm của khán giả sẽ rất khác. Cô sẽ ra sách và tiếp tục làm các sắp đặt khác trong các phần tiếp theo. Ly ngờ rằng có thể cô sẽ bỏ ra cả đời để đi trọn dự án này.

Hoàn thành bằng Thạc sĩ tại Học viện Nghệ thuật Chicago bằng học bổng Fulbright, Ly Hoàng Ly tiếp tục công tác tại NXB Trẻ, vẫn làm thơ đều. Cô cho hay: “Công việc họa sĩ cũng tác động đến sự phát triển thơ của mình”. Như thể cô đã tìm thấy sự “phẳng chung thủy” giữa nghệ thuật thị giác và thơ ca.

Ngô Bảo Châu: Mãi về sau tôi mới hiểu...


Khi được Ly Hoàng Ly mời hợp tác, anh phản ứng ra sao?

GS Ngô Bảo Châu: Lúc đầu tôi hoàn toàn không hiểu Ly muốn làm gì. Nhưng tôi rất quý Ly nên muốn hợp tác cùng. Càng ngày càng ấn tượng bởi sự dũng cảm của Ly.

Đến bây giờ thì anh đã hiểu đến đâu?

Nôm na thôi. Có người vẽ con chim, hoa, phong cảnh, ông mặt trời, thì ở đây Ly muốn thể hiện bằng nghệ thuật thị giác sự trừu tượng, sự sai lệch mất mát thông tin khi truyền từ người nọ qua người kia.

Anh thường xuất hiện và tham gia cùng không ít nghệ sĩ trong các dự án nghệ thuật. Vì sao anh có sự quan tâm tới nghệ thuật như vậy?

Với mình toán học với nghệ thuật rất gần nhau, đều là cách dùng trí tuệ để thể nghiệm điều gì đó.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.