Mái tóc buông dài

Mái tóc buông dài
TP - Cái nắng tháng sáu làm cho mặt đường bốc hơi như muốn tan chảy. Chiếc phản mỗi khi đặt lưng xuống lại gây nên một cảm giác nóng rẫy, bỏng rát.

Những ngày như thế tôi thường mắc chiếc võng Trường Sơn của nội ra đầu hè nơi có hai cành cây hồng xiêm vươn ra một cách chắc chắn.

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Ở đây gió thổi mát rượi như quạt hầu. Bà thường rủ rỉ rù rì nói cho tôi nghe câu chuyện về những thiếu nữ ngồi chải tóc, bắt rận cho nhau trên triền đê vào những đêm trăng sáng. Bà bảo đấy là những cô gái chết trẻ ngồi chờ người yêu ra tự tình. Tôi không mấy tin vào chuyện ma mãnh nhưng vẫn luôn có cảm giác rờn rợn sống lưng. Bọn trẻ con trong xóm chúng tôi tối nào có trăng sáng đều tụ tập ở bãi đất hoang ngay đầu làng chơi với nhau.

Một hôm, cái Nụ rủ chúng tôi lên đê rình xem các đôi yêu nhau. Tôi vừa tò mò, lại vừa thấy thoáng sợ khi nghĩ đến câu chuyện của bà. Nhưng trước sự nài nỉ của Nụ và tính tò mò không cưỡng lại được của tôi, cuối cùng tôi cũng theo nó ra triền đê. Trăng lên cao, sáng vằng vặc. Gió thổi mát rượi.

Dòng sông trải ra trước mắt chúng tôi như dải lụa đính kim tuyến mềm mại, lấp lánh. Đang mải miết ngắm nhìn thì cái Nụ kéo tay tôi ngồi thụp xuống sau một mô đất. Hướng cái nhìn theo cánh tay nó chỉ là thấp thoáng hai bóng người ngồi dưới bụi tre, cách chỗ xuống đò tầm mươi bước chân. Tôi thường nghe mẹ nói chỗ bụi tre gần bến đò đó có người từng chết.

Đó cũng là một sáng tháng sáu, khi ông Tùng - người lái đò trở dậy ra bến để chuẩn bị đón khách qua sông. Đang định đi xuống đò, bất giác ông thấy có gì đó khác lạ phía dòng nước cạnh bụi tre. Ông bước lại và nhận ra đó là một xác nữ chết trôi. Da thịt trương lên trắng ởn, mái tóc dài dập dềnh theo con nước. Sau lần đó không còn đôi trai gái nào dám ra ngồi đó tâm sự nữa.

Người ta đồn thổi rằng vẫn thường thấy cô gái có mái tóc dài tha thẩn chỗ bụi tre. Nhiều năm sau đó tại chỗ ấy lại có người chết. Lần này là một người con trai, tên Nam, 26 tuổi, người làng bên. Nghe mọi người kể hôm đó chú Nam qua bên làng ăn đám dỗ, uống rượu say. Tối đến, mọi người bảo chú ngủ lại mai về, nhưng chú kiên quyết từ chối.

Ở nhà còn hai đứa con gái, vợ thì đi làm xa nên chú không yên tâm. Ra đến bến sông thì đò đã hết. Sáng hôm sau, vẫn ông Tùng phát hiện ra xác chú Nam dưới dòng nước ngay cạnh chỗ gốc tre, đúng chỗ phát hiện ra xác cô gái trẻ. Người thì bảo chú Nam định bơi về nhưng bị chuột rút, hụt sức và chết đuối. Người lại bảo, chú Nam gặp ma, con ma có mái tóc dài, rất xinh. Chú ấy bị ma dụ về làm chồng.

Còn rất nhiều lời đồn nữa và từ đó gốc tre nơi bến đò càng trở nên huyền bí và đáng sợ. Nhưng đó là câu chuyện của những năm chín mươi của thế kỷ trước, mà giờ bọn trẻ con chúng tôi chỉ được nghe qua lời mẹ, lời bà kể. Nay thấy thấp thoáng bóng người dưới bụi tre, nhớ lại chuyện mẹ kể. Một luồng gió lạnh buốt chạy dọc sống lưng. Tôi rùng mình. Toan rủ cái Nụ ra về nhưng nó kiên quyết không nghe.

Tôi lại không đủ cam đảm kể cho nó nghe câu chuyện đáng sợ đó vào lúc này. Nó men theo mô đất cao tiến lại gần phía bụi tre. Tay tôi nắm chặt lấy tay nó. Người khẽ run lên. Lại gần, chúng tôi chỉ nhìn thấy phía sau của hai người họ. Một mái tóc dài xõa xuống che gần hết người con gái. Người con trai đang đưa tay vuốt nhẹ mái tóc. Họ thủ thỉ gì đó không nghe rõ. Nghĩ tới mái tóc dài, tôi không còn cam đảm đứng đó nữa. Ba chân, bốn cẳng tôi chạy ngược lên đê lao về phía ngôi làng. Cái Nụ thấy vậy cũng vội đuổi theo. Miệng í ới gọi tôi đợi. Về đến nhà tôi vẫn còn thấy tim mình đập thình thịch.

Tôi đinh ninh rằng đó chính là hồn ma của cô gái năm nào trong lời mẹ kể đang dụ dỗ trai làng tôi. Mặc cho cái Nụ nói đó chỉ là một đôi yêu nhau đang ngồi tự tình. Đêm đó, tôi mơ khi tôi tiến lại gần họ, người con trai quay lại chào tôi. Tôi nhận ra đó là chú An. Chú An là chú họ tôi. Chú là trưởng công an xã. Nhưng lạ chưa kìa chú có vợ rồi cơ mà. Vậy chú ở đây làm gì? Người kia đâu phải cô tôi.

Cô tôi có mái tóc tém, vàng hoe, xòe ra như cái súp lơ trông rất sành điệu. Người con gái quay lại phía tôi. Một gương mặt trương phềnh, đôi mắt trũng sâu như không có, một cái miệng đỏ lòm. Tôi hét lên kinh hãi. Cố gọi chú An chạy đi. Nhưng chú chỉ cười. Chú lại đưa tay lên vuốt mái tóc của người đàn bà đó. Mẹ lay tôi dậy khi thấy tôi tay chân dãy dụa, miệng thì ú ớ không thôi. Tôi tỉnh giấc, ôm mẹ khóc rưng rức.

Những ngày sau đó, khi tôi đi học tuyệt nhiên không dám đi theo đường đê. Tôi vòng ra đi theo đường đồng mặc dù đường đó có xa và khó đi hơn. Tôi mắc thêm một chứng bệnh. Tôi sợ tất cả những ai có mái tóc dài. Mái tóc dài và đen nhánh. Nó thường xuyên ám ảnh tôi trong mỗi giấc mơ. Tôi không còn thích ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ vào mỗi buổi chiều. Vì khi đó, tóc mẹ xõa ra che hết lưng.

Tôi không múc nước cho chị Lan gội đầu. Khi chị gội mái tóc chị chảy xuống dài, mượt và đen nhức mắt. Tôi sợ, khi vén mái tóc lên thì đằng sau mái tóc đó không phải là khuôn mặt của mẹ, của chị, hay của ai mà tôi từng biết. Mà đó có thể là một khuôn mặt lạ. Một khuôn mặt trắng ởn với đôi mắt trũng sâu.

Tôi mười sáu và mái tóc cua như con trai. Tôi không còn ám ảnh mái tóc dài như trước nữa, nhưng tôi không thích để tóc dài. Chị Lan ngày càng xinh. Mái tóc chị xanh đen, nhấp nhánh. Chị có đôi mắt đen, rưng rưng. Khi nhìn vào đôi mắt chị, ta như có cảm giác chị sắp khóc. Một đôi mắt đẹp, nhưng buồn. Mẹ bảo người con gái nào có đôi mắt đó rồi sẽ khổ. Tôi không thấy thế. Vì từ nhỏ lúc nào chị cũng được mọi người yêu mến.

Chị học giỏi, chăm chỉ và ngoan hiền. Lớn lên, chị có rất nhiều người theo đuổi. 24 tuổi, chị lên xe hoa về nhà chồng. Chồng chị chủ cửa hàng ô tô trên phố, giàu có, đẹp trai. Cả gia đình chồng thương yêu chị. Chồng chị còn bỏ tiền xây lại ngôi nhà ngói cho bố mẹ chị thành ngôi nhà ba tầng khang trang. Tôi vẫn nói vui với mẹ. Ngày trước hồng nhan bạc phận nhưng bây giờ hồng nhan bạc tỷ. Mẹ cười, nhưng thấp thoáng trong mắt mẹ có gì đó buồn xa vời.

Tôi mười tám. Tôi biết yêu. Tình đầu của tôi là Phúc. Phúc là tổ trưởng tổ may chỗ tôi làm. Phúc không đẹp trai, không giàu có. Nhưng ở Phúc có nét đôn hậu, dịu dàng. Phúc chăm chỉ và biết quan tâm người khác. Mỗi khi, nhắc đến Phúc mẹ thường trêu. Sau này, ai lấy được Phúc thì cả đời chỉ việc ăn và đẻ. Mọi việc còn lại Phúc sẽ làm hết. Tôi chỉ cười mà thầm nghĩ “chắc gì đã chắc gì đâu”. Phúc thích tôi để tóc dài.

Phúc thích cảm giác được luồn tay vào tóc người yêu để vuốt ve, cảm nhận sự mềm mượt của mái tóc. Tôi phản đối. Tôi nói tóc dài không hợp với tôi. Tôi hỏi Phúc chọn tôi hay chọn mái tóc dài? Từ đó, Phúc không bao giờ nhắc đến chuyện mái tóc của tôi nữa.

Phúc đưa tôi về ra mắt. Mẹ Phúc nhìn tôi từ đầu đến chân và nói “Con gái thế kỉ XXI rõ khác, sành điệu thật”. Tôi ức phát khóc, muốn nói một câu gì đó để bật lại hay chí ít là để dãi bày nhưng tất cả các âm thanh đều ứ lại trong cổ họng.

Chị Lan về thăm nhà. Chị sang nhà tôi chơi. Tôi thấy chị vẫn xinh như ngày nào, tuy có xanh xao hơn một chút. Mẹ và chị ngồi dưới bếp nói chuyện rất lâu. Khi ra về tôi thấy mắt chị đỏ hoe. Tôi tránh mặt, tôi ngại hỏi chị và tôi nghĩ chị cũng ngại trả lời. Đêm đó tôi hỏi mẹ. Mẹ không nói chỉ khẽ thở dài. Tôi thấy mình vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Tôi vẫn chưa được chấp nhận ở thế giới người lớn. Người lớn có nhiều điều bí ẩn. Họ suy nghĩ rất nhiều và nói ra thì rất ít.

Hai mươi tuổi, tôi chia tay Phúc. Mọi người ai cũng tiếc cho tôi, vì kiếm đâu ra một người chăm chỉ, ngoan hiền như Phúc ở cái thế kỉ XXI này. Tôi biết, có thể người tôi yêu sau này không quan tâm, chiều chuộng tôi như Phúc. Nhưng thật sự, tôi không vượt qua được ánh mắt của mẹ Phúc.

Bà soi mói và mỉa mai tôi mọi lúc. Có thể bà mong chờ một đứa con dâu tốt hơn những gì tôi có. Còn Phúc, anh yêu tôi nhưng anh lại là đứa con hiếu thảo. Đã nhiều lần anh bảo tôi đợi. Anh sẽ thuyết phục được mẹ. Tôi phải đợi đến bao giờ? Tôi mệt mỏi và tôi dừng lại.

Chị Lan bỏ chồng về ở nhà. Chị ít ra ngoài chỉ thi thoảng qua nhà tôi chơi. Chị vẫn tâm sự với mẹ tôi nhưng tôi lại không biết những chuyện gì đang xảy ra. Người làng bảo chị bị chồng bỏ vì không sinh được con. Lại nghe đồn mẹ chồng chị bảo chị là cây độc không hoa. Tôi quyết định hỏi mẹ và đòi mẹ nói cho nghe. Lần này mẹ không giấu tôi nữa. Mẹ kể, bố mẹ chị Lan vì sinh được hai cô con gái nên muốn kiếm cho họ những ông chồng giàu may ra được dựa dẫm về già.

Chị Lan vốn xinh ra đã đẹp như hoa, như ngọc nên bà Lẫm - mẹ chị Lan rất mừng. Ngay từ đầu bà đã rất chăm chút, uốn nắn con từng li, từng tí một và giữ gìn con như báu vật. Mẹ chị mua đồ cho chị trưng diện. Vốn chị đã xinh lại càng thêm bắt mắt. Mười tám tuổi chị biết yêu. Người yêu chị là anh Sang con ông Sáng, nhà làng bên sông. Mẹ chị cho dò la và biết nhà anh Sang nghèo. Mẹ mất sớm. Nhà chỉ còn hai bố con.

Ngay buổi đầu chị dẫn người yêu về ra mắt, mẹ chị đã tỏ rõ thái độ không đồng ý. Đợi anh Sang ra về, mẹ chị nói thẳng với chị: “Tao đầu tư, giữ gìn cho mày, không phải để mày lấy hạng người ấy. Mày ngu vừa thôi. Lấy nó rồi bốc cám mà ăn à? Hay suốt ngày đầu tắt mặt tối?”. Chị toan phản đối, định nói lí lẽ thì mẹ chị đã tát cho chị một cái nảy đom đóm mắt. Từ hôm đó mẹ quản chị rất nghiêm. Nhưng sức mạnh của tình yêu không giữ chân của chị ở nhà lâu được.

Chị nhờ cô bạn sang xin phép đi chơi cùng mình. Chị và anh thường lén lút gặp nhau ở bờ sông. Nơi có bụi tre, cạnh chỗ xuống đò tầm mươi bước chân. Chị biết ở chỗ đó sẽ không ai dám ra vì họ sợ những câu chuyện về oan hồn của người con gái tóc dài, chết đuối ở đó. Hôm chúng tôi ra rình các đôi yêu nhau ở ngoài bờ sông. Lúc tôi chạy và hét lên thì chú của chị đi bắt cóc gần đó lại xem có chuyện gì và phát hiện ra anh chị.

Chị bị đánh một trận thừa sống thiếu chết. Tối đến mẹ chị khóa chị trong phòng. Không biết mẹ chị sang gặp và nói gì với anh Sang mà một tháng sau chị nghe tin anh vào Nam làm ăn. Mẹ không nhốt chị nữa nhưng chị cũng chẳng thiết đi đâu. Đã hơn ba tháng nay chị chậm kinh. Điều đó, không qua được mắt mẹ chị. Bà hỏi, chị nói thật. Những mong mẹ cho gọi anh Sang về làm đám cưới. Nhưng sau một hồi chửi rủa chị, mẹ quyết định đưa chị đến một bà lang để nạo phá thai. Mẹ chị sợ nếu đem ra bệnh viện nhỡ ai biết thì mẹ chị hết ước mơ gả con cho người giàu.

Chị muốn giữ lại đứa con, nhưng anh bỏ chị mà đi. Chị còn một thân một mình. Chị muốn chết. Nhưng chị sống để mà cốt trả cho xong cái ơn bố mẹ chị đã sinh ra chị. Cái thai đã hình thành mặt mũi, chân tay. Chị đau đớn như đứt từng khúc ruột. Vì không đến cơ sở y tế nên sau lần nạo phá ấy chị bị nhiễm trùng. Mẹ chị mua đủ thứ thuốc chạy chữa cho chị mãi mới khỏi. Từ đó, chị không yêu ai nữa. Chị để tùy theo sự sắp xếp của bố mẹ. Nhiều đám đến đánh tiếng cưới chị.

Mẹ chị xem đi, lật lại vẫn chưa đồng ý. Mãi cho đến khi có anh Thanh trên phố huyện trong một lần đi ăn cưới ở quê chị gặp chị, yêu chị và về muốn cưới chị thì mẹ chị đồng ý như bắt được vàng. Anh Thanh đến nhà tìm hiểu chị. Mẹ chị hào hứng ra tiếp nước. Chị ra cho phải nhẽ, chị cũng chẳng nói, chẳng rằng.

Anh Thanh thấy chị là cô gái quê mộc mạc, dịu dàng, e lệ thì càng thêm yêu. Anh đánh tiếng muốn cưới chị. Đến lúc đó, mẹ chị thẳng thắn nói với anh về chuyện mẹ chị đã vất vả nuôi nấng chị ra sao, chăm chút giữ gìn chị như thế nào. Sau một hồi kể lể, mẹ chị mặc nhiên ra giá. Mẹ chị nói muốn sửa lại ngôi nhà cho khang trang mà thiếu tiền. Anh Thanh hiểu ý. Một nỗi tủi nhục dâng lên trong chị. Chị có cảm giác như mình bị đem ra làm vật mua bán. Mà đúng thế thật.

Chị đi lấy chồng theo ý mẹ. Mẹ chị được căn nhà ba tầng khang trang nhất xã. Đêm trước hôm rước dâu, mẹ chị dặn chị là lúc chồng chị cho của quý vào thì chị cứ tỏ ra đau đớn, khó khăn, thế là được. Còn chuyện không thấy máu ra thì bây giờ đài báo, ti vi nói đầy đấy. Có phải ai lần đầu quan hệ cũng có máu ra đâu. Chị nhếch mép cười. Đêm hôm tân hôn, chị không tỏ ra đau đớn. Sáng hôm sau chồng chị thức dậy tìm vết trinh nguyên nhưng không thấy. Anh ta cũng chẳng nói gì.

Mẹ chồng chị - một người phụ nữ phốp pháp, bà ta không ưa chị vì trong các sinh hoạt trong gia đình, chị như một người lớ ngớ, không hợp. Mẹ chồng chị thường xuyên kiếm cớ nói chị, chị im lặng. Trong ngôi nhà ấy, chị biết nếu muốn an phận tốt nhất là im lặng. Nhưng im lặng cũng chẳng yên vì như thế mẹ chồng chị lại cho rằng chị khinh bà ta. Ngày tháng nặng nề trôi đi. Chồng chị là một người vô tâm.

Anh ta không mấy quan tâm đến việc ở nhà. Anh ta chưa từng một lần mắng chửi hay đánh chị nhưng cũng chẳng động viên an ủi chị bao giờ. Một năm, hai năm trôi qua, chị không có con. Gia đình chồng sốt ruột, chị sốt ruột. Trốn chồng, nói là về quê thăm mẹ, chị lên bệnh viện thành phố khám. Bà bác sỹ có gương mặt phúc hậu cho chị biết. Vì việc phá thai lần trước của chị gây thủng tử cung, nhiễm trùng... dẫn đến vô sinh. Sét như đánh ngang tai chị. Chị khụy xuống.

Về đến nhà chị thất thần, không biết nói sao với chồng. Gia đình chồng giục chị đi khám, chị lẩn tránh, khất lần. Từ ngày đó mẹ chồng chị càng có cớ để đay nghiến chị. Mẹ chồng chị nói gần nói xa chuyện chồng chị là con một sau này phải có người hương hỏa. Mẹ chồng chị cũng ám chỉ chuyện đã chấp nhận một kẻ thân phận thấp kém như chị về nhà này nhưng không thể chấp nhận chuyện chị vô sinh.

Trong một lần chị sơ ý, chị cho vào máy giặt chiếc áo trắng của mẹ chồng cùng chiếc áo màu. Chiếc áo trắng bị phai màu. Mẹ chồng chị được thể mắng chửi chị thậm tệ. Bà ta nói đã mất bao nhiêu tiền mua chị về ngôi nhà này vậy mà chị không làm được gì nên hồn, đến đẻ cũng không biết. Chị cay đắng tủi nhục. Cây độc không hoa là biệt danh mẹ chồng vẫn dành cho chị trong các buổi buôn dưa lê với chị em bà ta. Rồi mẹ chồng chị đưa một cô gái cũng trẻ, cũng đẹp về sống chung trong nhà chị. Nói là con nuôi mới nhận.

Chị im lặng, cam chịu. Chị biết mẹ chồng chị đang có âm mưu gì. Nhưng vốn chị không có tiếng nói trong ngôi nhà này. Cô gái đó ngang nhiên khiêu khích và tỏ ý với chồng chị trước mặt chị. Chồng chị vẫn còn yêu chị nhưng anh ta cũng không nỡ bỏ mồi ngon trước mắt. Hai năm trước khi chị về thăm nhà mà khi đi từ bếp ra tôi bắt gặp mắt chị đỏ hoe, ấy là vì cô gái kia đã mang thai với chồng chị.

Từ lúc ấy, chị cảm nhận rõ hơn sự thừa thãi của mình trong ngôi nhà. Chị dọn ra căn phòng gần bếp ở. Phòng ngủ của vợ chồng chị giờ là phòng ngủ của chồng chị và cô gái kia. Có lẽ chị cũng sẽ chấp nhận sống cuộc sống ấy hết đời nếu như không có chuyện. Khi đứa con của cô gái kia lên hai tuổi, trong một lần trông nó, chị vô ý làm nó ngã lăn từ cầu thang tầng hai xuống tầng một. Đứa trẻ khóc ré lên.

Sau đó là một cuộc họp gia đình gấp. Cô gái kia nói: “Chị ta vì ghen tức nên muốn giết con tôi. Nếu giờ chị ta còn ở đây thì tôi sẽ mang con ra khỏi ngôi nhà này”. Và sau câu nói đó, giờ chị ở đây, trong ngôi nhà ba tầng mà chồng chị xây cho bố mẹ chị. Chị xót xa, cay đắng.

Chiều nay, chị nhận được thiếp cưới. Đó là thiếp cưới của Sang. Giờ anh đã là Phó giám đốc chi nhánh miền Bắc của một công ty xây dựng. Anh đi lên từ nghề phụ hồ, bằng nghị lực, ý chí, ham học hỏi, anh đã đạt được điều anh muốn. Cầm thiếp cưới trên tay bao nhiêu kí ức ùa về. Chị ngồi trong phòng, không bật điện, mái tóc dài xõa ra che kín thân hình, đôi mắt rưng rưng nhìn vào khoảng không vô hồn.

Tôi lại yêu, lần này tôi yêu một cậu nhóc kém ba tuổi. Mái tóc muộn vàng khè. Mẹ lắc đầu ngao ngán. Mẹ chỉ khuyên tôi nên suy nghĩ lại nhưng mẹ không cấm đoán. Bạn bè bảo tôi hâm. Tôi không quan tâm. Tôi cảm nhận được tình yêu của em dành cho tôi. Và thế là đủ.

Tháng sáu lại về, đốt cháy những chùm hoa phượng rực lửa. Đêm trăng tháng sáu sáng vằng vặc. Người ta thấy có một cô gái tóc buông dài hay ra ngồi bờ sông chỗ bụi tre cạnh dốc xuống đò khoảng mươi bước. Mái tóc hất tung lên trong gió, rồi lại rủ xuống che kín thân hình.

Mái tóc dưới trăng ánh lên đen nhức nhối. Nhưng lần này người ta biết đấy không phải là hồn ma của cô gái chết trôi ngày trước. Mà đó là chị Lan. Chị ra đó ngồi, đứng lên đi lại, hai tay khoanh về phía trước đưa đi đưa lại, nhún mình theo nhịp và miệng cất lên tiếng ru ầu ơ.

Truyện ngắn của Phạm Thị Hương

Mái tóc buông dài ảnh 2

Phạm Thị Hương hiện đang học tại khoa Viết Văn - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Cô gái sinh năm 1987 này bộc trực: “Trong văn chương, tôi sống thật với chính mình. Tôi bắt gặp tôi khi hoàn toàn cô đơn bên trang viết”.

Mái tóc buông dài là một truyện ngắn có không khí kỳ ảo. Thân phận người đàn bà và mái tóc như một biểu tượng ám ảnh. Câu chuyện thoạt đầu có vẻ miên man nhưng dần dà người đọc nhận ra kết cấu của truyện rất chặt chẽ.

Chợt nghĩ, nếu người viết thoát được ra khỏi không khí u hoài làng quê muôn năm cũ để tiếp cận với những biểu hiện của cuộc sống đương đại ngay xung quanh mình thì con đường văn chương của cô sẽ mở ra nhiều hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG