Đồng Quang Vinh:

Mang tre nứa vào nhạc hàn lâm

Tranh của Nguyễn Văn Hổ
Tranh của Nguyễn Văn Hổ
TP - Nói chuyện với Đồng Quang Vinh, chỉ cần “sơ sẩy”, sẽ bị Vinh dẫn dụ vào cảnh giới của mình. Nơi âm nhạc được pha trộn sáng tạo giữa cổ điển- hiện đại, giữa hòa thanh phương Tây với những nhạc cụ tre nứa Việt Nam. Ở đó, tiếng đàn tranh ve vuốt tiếng piano, đàn tơ-rưng hòa quyện với kèn đồng, hay cây sáo trúc chơi nhạc jazz rất điêu luyện... Ở đó, vị nhạc trưởng tài hoa, với “cây đũa thần”, say sưa vẽ thế giới âm nhạc của riêng anh.

Nhạc trưởng 3 trong 1

Đêm hòa nhạc cổ điển “Tre mùa thu” của Đồng Quang Vinh vừa diễn ra vào tối qua (15/10) tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội với sự tham gia của dàn nhạc tre nứa “Sức Sống Mới” hội ngộ cùng dàn hợp xướng Hanoi Voices, Dàn nhạc Warakư của Nhật Bản - được đánh giá là một sự kết hợp tinh tế giữa những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam với những tác phẩm âm nhạc cổ điển đem đến cho khán giả một đêm diễn mới lạ, trong trẻo và đầy cảm xúc, một luồng gió mới, một cái nhìn mới về âm nhạc cổ điển – thể loại vốn được cho là hàn lâm và kén người nghe ở Việt Nam.

Hẹn hò với Vinh không khó. Nhà Vinh cũng dễ tìm. Nhưng tôi vẫn áp lực, vì nghe đồn Vinh… kỹ tính lắm. Vừa bấm chuông cửa, thấy Vinh ló đầu ra cười: “Ô, đúng giờ nhỉ!”. Anh khoe, vừa ru con gái ngủ xong.

Không những từ bỏ công việc nghìn đô để về nước “ủ mưu”, Đồng Quang Vinh còn rủ rê được cô bạn gái xinh đẹp người Thượng Hải cùng về Việt Nam xây “lâu đài âm nhạc” cùng anh đến cuối đời.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh vung “đũa thần” 

vẽ âm nhạc 

Căn hộ nhỏ nhắn, xinh xắn của vợ chồng Vinh bị “bao vây” những đàn là đàn. Từ Tây đến ta, đủ cả. Từ piano đến tơ-rưng, Ching’ram, K’lông pút, Đinh Pá, Sáo trúc… Vinh cười giải thích, nhà cửa cứ bừa bộn vì hàng tuần, nơi đây trở thành lớp học để anh dạy nhạc cụ dân tộc còn vợ anh dạy piano cho người nước ngoài. 

So với hình ảnh lịch lãm, chỉn chu “đóng thùng” áo vest, sơ mi trên sân khấu thì ở ngoài, Đồng Quang Vinh trẻ trung hơn nhiều. Vinh nói năng sinh động như định thôi miên người đối diện. Lúc cao hứng, anh hát, anh ngân, anh luyến láy, hai tay biến thành cây đàn và gương mặt lúc nhíu lại, lúc giãn ra theo tiết tấu.

Vinh nói say mê về âm nhạc như một bản năng, như thể những tiếng đàn đã nằm sẵn trong máu, trong từng thớ thịt, chỉ chờ có người nghe là tuôn ra thánh thót. “Bố tôi là nhạc sĩ, chơi và chế tác nhạc cụ dân tộc. Mẹ là giảng viên đàn tranh. Từ hồi 3-4 tuổi, tôi đã quen với hình ảnh nhà cửa bừa bộn như thế này rồi. Trong nhà lúc nào cũng có tiếng đàn. Bố mẹ chơi đàn, luyện đàn suốt ngày. Rồi cuối tuần, bạn bè của bố mẹ cũng kéo đến tập đàn. Nhiều hôm, mọi người say mê quá, quên cả nấu cơm cho tôi ăn. Có lẽ, tôi lớn lên nhờ tiếng đàn nhiều hơn là cơm gạo”- Vinh cười sảng khoái.

Giành nhiều huy chương vàng về thổi sáo và chơi đàn T’rưng nhưng người ta bất ngờ thấy Vinh được cử đi Thượng Hải học chuyên ngành chỉ huy âm nhạc. “Hồi đó, nhờ khả năng chơi được nhiều nhạc cụ và hiểu biết về nhạc khí nên các thầy cô muốn tôi trở thành một nhạc trưởng chuyên nghiệp. 20 tuổi, lên đường với sự tin tưởng và kỳ vọng lớn lao như thế, cảm thấy rất oách nhưng cũng đầy áp lực” - Vinh nhớ lại.

Tốt nghiệp đại học, rồi cao học với thành tích xuất sắc, Vinh được Dàn nhạc giao hưởng Thượng Hải mời ở lại làm việc với mức lương gấp 50 lần ở Việt Nam. Nhưng anh từ chối. “Kỳ nghỉ hè nào tôi cũng về Việt Nam biểu diễn. Mới thấy, dân mình còn thờ ơ với nhạc hàn lâm lắm, người ta nghe nhưng không hiểu. Vì không hiểu nên ngại nghe. Tôi nhìn thấy cơ hội của mình, đó sẽ là mảnh đất để tôi gieo những hạt mầm thử nghiệm”. Không những từ bỏ công việc nghìn đô để về nước “ủ mưu”, Đồng Quang Vinh còn rủ rê được cô bạn gái xinh đẹp người Thượng Hải cùng về Việt Nam xây “lâu đài âm nhạc” cùng anh đến cuối đời.

Về nước mới 3 năm nhưng Đồng Quang Vinh đã để lại dấu ấn là một vị tổng chỉ huy táo bạo, nhiệt huyết và miệt mài kéo khán giả đến gần hơn với sân khấu hàn lâm. Mỗi đêm diễn với anh là một bữa tiệc. Ở đó, Vinh là người đầu bếp, kỹ lưỡng chọn món và chế biến. Khai vị bao giờ cũng là những cuộc đối thoại vui giữa Vinh và khán giả. Đó là điều ít thấy trong các đêm hòa nhạc, bởi người ta vẫn quen hình ảnh các nhạc trưởng với phong thái nghiêm nghị, kiệm lời.

Đồng Quang Vinh sinh năm 1984. Hiện tại, ngoài công việc của một giảng viên chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đồng Quang Vinh còn là chỉ huy chính của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam. Đồng thời, anh còn là giám đốc và chỉ huy chính của Dàn hợp xướng Hanoi Voices.

Trong rất nhiều đêm nhạc, người ta thấy Đồng Quang Vinh một lúc đóng 3 vai: vừa chỉ huy, vừa biểu diễn, vừa sửa nốt. Với khả năng ngoại ngữ và bản lĩnh hoạt ngôn, Vinh còn tự dẫn chương trình để giúp khán giả tiếp cận tác phẩm một cách dễ hiểu nhất. Cứ thế, Vinh tả xung hữu đột trên sân khấu, mang đến cho người xem những bất ngờ.

Đỉnh cao âm nhạc là khán giả không... ngáp trong nhà hát

Người ta nói vui rằng trong đêm nhạc của Vinh, nhạc công thường... đổ nhiều mồ hôi hơn. Vinh bảo, đó là “giọt ngọc” khi nhạc công căng thẳng tập trung chơi nhạc. Không đổ mồ hôi mới lạ, khi ông chỉ huy không những giỏi về nhạc lý mà còn biết phối khí, hòa thanh, biết chơi nhiều nhạc cụ. Khác nào một ông vừa làm kiến trúc sư vừa là thợ xây. Hỏi thợ xây nào dám ẩu.

Mang tre nứa vào nhạc hàn lâm ảnh 1

Vinh khoe, trong các đêm nhạc của mình, khán giả chưa bao giờ ngáp, trứng thối không bay lên và mồ hôi luôn chảy xuống khuôn mặt nhạc công.

“Cái khó nhất của nhạc trưởng là kết nối nhạc công, phải hòa được cái riêng của mỗi người vào cái chung của mọi người. Người chỉ huy vừa phải tập trung cao độ để nghe và phân biệt từng nốt nhạc, lại vừa phải điều tiết nhịp độ, tiết tấu, cao trào cho tổng thể... Đôi tay, khi chuyển động nhịp nhàng, du dương; khi lại dồn dập, dứt khoát. Có khi tay này vẫn đang giữ nhịp cho cả nhóm, tay kia đã chỉ vào nhạc công ra hiệu sao nốt kia cao thế, nốt này phải ngân dài hơn…”. Vinh nói, với nhạc trưởng, đôi tay được xem là nhạc cụ quyền năng. Kết hợp với ánh mắt, khuôn mặt, người tổng chỉ huy phải thể hiện được đoạn buồn, đoạn vui, đoạn rực lửa hay tĩnh lặng.

Mang tre nứa vào nhạc hàn lâm ảnh 2

Dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới” biểu diễn tại Nhà hát Lớn.

Trong đêm nhạc “Tiếng thu” hồi cuối năm 2015, với “cây đũa thần” trong tay, khuôn mặt và ánh mắt biểu cảm, Đồng Quang Vinh đã “lây nhiễm” cảm hứng âm nhạc cho tất cả mọi người và dàn nhạc đã biểu biễn bài hát Habanera với sự tham gia của hàng trăm khán giả trong thính phòng Nhà hát Lớn. Đó thực sự là một đêm diễn đáng nhớ với người yêu nhạc thủ đô.

Khác với nhiều nhạc trưởng thường chọn lối diễn chuẩn mực, Đồng Quang Vinh muốn phá cách, tạo nét phóng khoáng cho mỗi bản nhạc. Mỗi tác phẩm, dù diễn hàng nghìn lần thì dưới tay Vinh, phải hàng nghìn lần khác nhau.

Một điều tự hào mà bất cứ ai đến nhà, Vinh cũng phải lôi ra để khoe, đó là dàn nhạc cụ tre nứa do bố anh, NSƯT Đồng Văn Minh tạo nên. Anh dẫn tôi vào căn phòng làm việc bày la liệt từ T’rưng, Ching’ram, K’lông pút, Đinh Pá đến Bộ gõ tre nứa, Sáo trúc… Căn phòng này cũng là địa điểm để dàn nhạc “Sức sống mới” do anh lập ra cách đây 2 năm, luyện tập hàng tuần. Dàn nhạc gồm 7 nghệ sĩ trẻ đến từ Học viện âm nhạc quốc gia, được Vinh đào tạo, dìu dắt, biểu diễn hoàn toàn bằng các nhạc cụ làm từ tre nứa. Vinh không phải là người đầu tiên đưa sáo trúc hay T’rưng vào nhạc giao hưởng nhưng bê cả một dàn nhạc hoàn toàn bằng tre nứa lên sân khấu hàn lâm, là một cuộc “tổng tấn công” chưa từng có. 

Nhạc trưởng mê Lý Tiểu Long

Vinh mê Lý Tiểu Long, dù không biết tí gì về võ thuật. Lý Tiểu Long khi xưa vừa biết khiêu vũ, vừa học Vịnh Xuân Quyền, từ đó sáng tác ra môn phái Triệt Quyền Đạo. Vinh thích cái tinh thần đó. Cái tinh thần thập cẩm nhưng không hổ lốn. Cũng như cách anh đưa nhạc cụ tre nứa vào tác phẩm của Mozart, Sopanh, Beethoven; đưa tác phẩm của Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn vào Dàn nhạc giao hưởng quốc tế. Ở đó, người ta sẽ thấy hòa thanh cột dọc của phương Tây hòa quyện với luyến láy của nhạc cụ tre nứa Việt Nam. Tiếng đàn tranh ve vuốt tiếng piano, đàn tơ-rưng hòa quyện với kèn đồng, hay cây sáo trúc chơi nhạc jazz rất điêu luyện... “Đông Tây y kết hợp”, tưởng là vô duyên nhưng hóa ra lại đầy sáng tạo.

Vinh quan niệm chỉ huy phải như người dò mìn, phải đi trước nhạc công 10 bước, phải tìm tòi, thử nghiệm. Trong đêm diễn, người ta thấy một ông nhạc trưởng đứng quay lưng về khán giả, cầm đũa múa may rất nhàn. Nhưng không biết trước đó, ông ấy đã thức trắng bao đêm để sống với bản nhạc. Chơi nhạc Betthoven phải hiểu Betthoven đã từng điên dại, đau khổ như thế nào, Mendelssohn quý tộc, lãng mạn ra sao. Có những nốt phối đi phối lại hàng tháng trời mới ưng ý. Nhiều người khen Vinh để đầu trọc trông rất ngầu, mà không biết, do thói quen ngủ ít, tóc rụng nhiều nên anh chàng chỉ huy trẻ đành phải… cạo đầu cho tiện.

MỚI - NÓNG