Mắt Cá rủ rê chụp ảnh và “chém gió”

Chủ và khách trong buổi “Xem ảnh buôn chuyện”. Ảnh: Linh Phạm.
Chủ và khách trong buổi “Xem ảnh buôn chuyện”. Ảnh: Linh Phạm.
TP - Nhóm sáng lập kỳ vọng Mắt Cá trở thành không gian chung cho cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam, nơi  “chém gió” khen chê ảnh thẳng thắn, chia sẻ ý tưởng giữa những người yêu và thực hành nhiếp ảnh.

Đồng sáng lập dự án Matca (Mắt Cá) khẳng định mình là “công nhân chụp ảnh”,  làm nghề kiểu lý trí , vì “cơm áo gạo tiền” - nhưng thực ra cũng giống ba thành viên còn lại, Linh Phạm là người mê nghệ thuật ảnh và phù phiếm theo cách của mình. Anh sẵn sàng bỏ cả một tầng nhà của gia đình đang xây dựng làm tụ điểm cho những người cùng đam mê.

Mắt Cá từ chối hỗ trợ và khoe hộ ảnh của những nhiếp ảnh gia (NAG) VN đã thành danh mà ưu tiên  tư vấn chuyên môn, phát triển ý tưởng, trợ giúp mở triển lãm cho nhưng tay máy mới “không đơn thuần chụp một bức ảnh tĩnh mà còn một câu chuyện dài sau đó”.

Mới thành lập được 9 tháng, Mắt Cá đã được nhiều NAG, nghệ sĩ thị giác biết đến thông qua trang web với loạt bài chất về nghệ thuật ảnh, một số triển lãm cá nhân và workshop (khóa học) thú vị dành cho dân mê ảnh.

Xem ảnh buôn chuyện

Theo NAG Linh Phạm, Mắt Cá dự định đưa “Xem ảnh buôn chuyện” thành hoạt động thường xuyên. Mắt Cá mời gọi các nhiếp ảnh gia  gửi hồ sơ đăng ký và  mang ảnh đến văn phòng để có cuộc bình luận bàn tròn về sản phẩm của họ. Người tham gia nhận được những nhận xét, góp ý mang tính xây dựng từ Matca, bạn bè tham gia và những khách mời đặc biệt trong tương lai. Học cách biên tập ảnh thành một câu chuyện mạch lạc, từ đó, họ có thể vạch rõ thêm các bước tiếp theo để theo đuổi dự án của mình, xác định rõ cách thực hành nhiếp ảnh để phục vụ mục đích của mình, dù là chụp cho bản thân, hay khách hàng.“Chúng tôi có sofa mềm, cà phê thơm, wifi mạnh, vậy bạn còn chần chừ gì nữa”. Mỗi lần sẽ có khoảng 10 tay máy được hẹn, mỗi tháng có khoảng hai cuộc buôn chuyện hoàn toàn miễn phí.

Bình luận viên thường xuyên của Mắt Cá là ba NAG vừa biết chụp ảnh vừa có khả năng viết bài chuyên sâu về ảnh. Linh Phạm là phóng viên ảnh quốc tế của Getty Image (Mỹ); Mai Nguyên Anh từng làm phóng viên ảnh tự do tại Trung Đông, lấy bằng tại  Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế  (International Center of Photography) New York; Hà Đào biên tập viên, phóng viên trang web Matca.vn đồng thời là NAG mới nhận được học bổng tại IPA (Invisible Photographer Asia). Ngoài ra những những người có  mặt trong bàn tròn “xem ảnh buôn chuyện” đều có thể đưa ra quan điểm của mình. 

Trong buổi xem ảnh lần thứ nhất vừa diễn ra đầu tháng 7, Mắt Cá tìm ra một số bức ảnh “đẹp” lung linh và góc chụp rất mới. Đa số các tay máy mang ảnh đến “buôn chuyện” đều là dân tay ngang như nhân viên văn phòng, sinh viên mỹ thuật, thiết kế thời trang…Có người chụp rất đẹp nhưng không có câu chuyện xâu chuỗi, người khác có ý tưởng lại yếu kỹ thuật.

Nguyễn Phương, sinh viên trường  ĐH Mỹ thuật VN chia sẻ, anh tìm đến Mắt Cá là vì nhiều điểm trùng về quan điểm đương đại trong nghệ thuật. Xem bộ ảnh về những di sản và thắng cảnh Hà Giang trước nguy cơ qui hoạch du lịch hóa, Mắt Cá khuyên Phương thể hiện khả năng đồ họa vào tác phẩm. “Phương nên vẽ tay những nhà cao tầng sắp xây dựng  lên bức ảnh chụp thắng cảnh hiện tại”. Serie ảnh này có thể phát triển thành dự án Bảo vệ thiên nhiên Hà Giang bây giờ và trong tương lai.

Mắt Cá rủ rê chụp ảnh và “chém gió” ảnh 1 Ảnh của Linh Phạm miêu tả tình trạng con người và các vấn đề đụng chạm đến cộng đồng.

Chụp để sống hay để kiếm sống?

Người ngoài nhìn vào hoạt động của Mắt Cá không tránh khỏi thắc mắc “ văn phòng máy lạnh, cafe, bình ảnh, tư vấn, workshop miễn phí, họ sống bằng gì?”. Tổng quản Mắt Cá, NAG Linh Phạm cho biết, các thành viên  đều có thu nhập từ những công việc bên ngoài. Thêm vào đó Mắt Cá làm dự án chụp quảng cáo, tuyên truyền  cho một số hãng và dự án quốc tế. Cho đến nay họ kiếm tiền đủ để nhóm vận hành và nhận khoản lương khiêm tốn. Cả hội đang mượn địa điểm của người thân  làm văn phòng trong lúc chờ xây dựng gallery-trụ sở mới. Hỏi “bạn có liều quá không khi bỏ hẳn một tầng nhà của bố mẹ cho “ảnh ọt” ?”, Linh tự tin việc đầu tư địa điểm sẽ giúp Mắt Cá thỏa mãn được hai mục đích “phát triển  việc  làm ảnh thương mại và giúp cộng đồng làm nghề ảnh tốt hơn, trúng đích hơn”.

Tốt nghiệp khoa đồ họa Đại học RMIT (TP HCM) Linh Phạm bỏ ra hai năm lang thang  khắp Đông Nam Á làm phóng viên ảnh tự do. Ảnh của Linh miêu tả tình trạng con người và các vấn đề liên quan đến cộng đồng. NAG tuổi 26 tự nhận mình không phải nghệ sĩ mà là công nhân chụp ảnh. Nhận đơn hàng, người chụp sẽ nghiên cứu chủ đề qua sách báo tư liệu, phác thảo dàn ý rồi vác máy đến những điểm chụp theo kế hoạch “tôi không chụp kiểu lang thang tìm cảm xúc bất chợt”, “Những bức ảnh đẹp hão huyền và không kết nối với thực tại, chẳng phải gu của tôi”.

Làm việc nhiều năm với hãng ảnh quốc tế như Getty Image, Linh Phạm  học được kinh nghiệm đáng kể. “ Nhuận bút không cao nhưng  việc được tham gia dự án hình ảnh có sức mạnh xã hội khiến chúng tôi hứng thú”. Linh từng tham gia dự án ảnh “Sự đổ bộ của hàng hóa Trung Quốc”  được thực hiện bởi nhóm NAG toàn khu vực Đông Nam Á. Ngoài chụp những nhà kho khủng chất đầy hàng gia dụng Trung Quốc (TQ) chúng tôi phải tìm những góc độ ẩn dụ hơn về tác động ẩn chứa của một “thế lực mềm”,  “ví dụ như chụp một nhóm thanh niên chúi mắt xem điện thoại toàn nhãn TQ hay cả gia đình vừa ăn cơm vừa chăm chú nhìn vào màn hình đang chiếu phim TQ”. Nhờ những bộ ảnh mạnh tính xã hội mà Linh Phạm trở thành một trong sáu NAG được CNN lựa chọn cho chương trình “My HaNoi” vào đầu năm nay.

Mặc dù Linh Phạm nhiều lần khẳng định mình lý trí và thực dụng  thì cũng không che giấu được con người mộng mơ trong anh. Thời buổi mà “cả tỉ người sở hữu smartphone đều thành NAG”,  một tầng nhà nhẽ ra cho doanh nghiệp khác thuê,  mấy ai lấy ra để chơi ảnh chuyên sâu.

Nguan- NAG được sùng bái nhất Singapore từng nói: Tôi chưa bao giờ làm ảnh để kiếm sống, tôi làm ảnh để sống. Có lẽ Linh Phạm và các cộng sự Mắt Cá cũng vậy thôi.

MỚI - NÓNG