“Mặt nạ máu” - Có đủ độ kinh dị?

TP - Phim kinh dị Việt Nam gán mác cấm trẻ dưới 16 tuổi thường là cấm cho vui vì có kinh dị gì đâu. “Mặt nạ máu” có đủ độ kinh dị, hấp dẫn nhưng là bộ phim kinh dị nhẹ nhõm vì có pha cả yếu tố hài. Phim công chiếu từ 24/6.

Câu chuyện

Phim mở đầu bằng những cảnh sinh hoạt, làm nghề, yêu đương của nhân vật chính - nữ ca sĩ Khiết Đan. Cô có một người yêu giàu có, một con trai nhỏ ngoài giá thú với anh này, và ba người luôn hầu cận: Cát Lơ (Thu Trang đóng), nữ quản lý, khoảng 40 tuổi; Sen (Khởi My), cô gái trẻ giúp việc, và Cu Lì (Tấn Beo), lái xe. 

Dù Khiết Đan có màn cãi cọ với người yêu - Nguyễn (Phi Hùng) về chuyện anh không chịu ly dị vợ, nhưng không khí bao quanh nhân vật chính lúc đầu khá thanh bình, không có gì bất thường. Phải nói rằng bộ phim có được một không khí khá tự nhiên ngay từ đầu. Vẻ lí lắc hơi tưng tưng của Sen, sự hồn hậu, tận tâm của anh Cu Lì, nét đáo để đồng thời lại mẫn cán và hơi khác người - đặc trưng của những người làm nghề quản lý cho nghệ sĩ, của Cát Lơ, khiến câu chuyện có vẻ thật và đáng tin.

Xuất hiện hình ảnh quen thuộc của Hoài Linh trong vai Thiêng, do Cát Lơ giới thiệu, làm stylist cho Khiết Đan. Người này tự xưng là “chế” Thiêng, kiểu người giới tính thứ ba, ngộ nghĩnh kỳ quặc dễ gây cười. Tư cách ca sĩ của Khiết Đan (Dương Cẩm Lynh đóng) chỉ thể hiện một chút ở phần đầu phim nhưng cô có được dáng vẻ, phong độ của một ca sĩ nổi tiếng, ăn mặc hợp lý, đôi mắt đẹp và “thiện”.

“Mặt nạ máu” - Có đủ độ kinh dị? ảnh 1

Áp phích phim “Mặt nạ máu”.

Không khí ma quái dần lên với sự xuất hiện ngay lần đầu đã ấn tượng của Thu - vợ Nguyễn. Người này, luôn phục trang màu đen với những móng tay đỏ, gương mặt sắc lạnh. Ngay lần đầu Thu đến nhà Đan, đạo diễn đã để nhân vật hiện ra như một bóng ma với bàn tay thò ra trước rồi mới đến toàn thân, làm Cát Lơ hết hồn, còn khán giả một phen giật mình.

Thu đến với lời thông báo: Nguyễn - chồng mình, bồ của Đan, đã đột tử. Thế là Đan và những người bạn làm hành trình đến Đà Lạt để dự tang. Cái chết của Nguyễn có uẩn khúc gì không? Sao ám khí cùng những chuyện kỳ quặc cứ bao quanh ngôi nhà ma quái của Nguyễn -Thu?

 Sao chỉ định ở lại có một đêm mà họ phải chia tách và không thể yên được? Có phải chỉ vì là tình địch mà Thu muốn hại chết mẹ con Đan và những người liên quan? Từ kết cấu ngôi nhà, đến góc quay, ánh sáng, âm thanh...đều ma mị, rùng rợn, nhưng nếu khúc mắc chỉ do Thu - nhân vật đáo để ra mặt, tạo ra, thì chuyện phim hóa ra đơn giản quá.

Sự lôi cuốn và những tiếc nuối

Phải thừa nhận đạo diễn có đủ thủ pháp gợi tò mò, lôi cuốn, hồi hộp, khó rời mắt khỏi màn ảnh. Trước hết, thủ phạm gây ra những chuyện kinh dị, nhân vật phản diện phải xuất hiện dày đặc mà lại có một vẻ vô can, khó ngờ nhất. Nhưng tinh ý ra, sẽ thấy người này sớm có những hành động khác lạ, giả chân lẫn lộn, hay lừa mọi người, luôn tò mò tọc mạch dõi theo từng bước chân của họ. Chỉ hiện nguyên hình lúc cao trào, tuyên bố muốn trả thù riêng.

Nhân vật mang “mặt nạ máu” này đã tinh quái tạo ra loạt hiện trường giả, “nhát ma” để hù dọa tất cả. Nào là con búp bê chỏng chơ giữa đường đột nhiên muốn cắn cổ “chế” Thiêng, nào là bàn tay ma chạm vào vật như “la bàn” của Cát Lơ khi cô này muốn xin một con số để đánh đề trả nợ.Vẻ âm u rờn rợn của ngôi nhà...Cuối cùng, phim có được sự giải thích khá hợp lý vì sao có sự bí hiểm và những bi kịch.

Dương Cẩm Lynh đã đóng nhiều phim truyền hình. Mái tóc tỉa ngắn trong phim này khiến gương mặt cô dễ nhớ hơn, cá tính hơn là cái vẻ xinh xinh mọi khi. Chính vì không “diễn” quá thành ra nhân vật của cô lại có vẻ khó đoán. 

Đan của Dương Cẩm Linh gây cảm tình, chỉ có điều tính cách dường như không phát triển. Cô cuối cùng vẫn chỉ là một phụ nữ thụ động, không bứt lên được kể cả khi cố gắng thoát khỏi tình huống khó khăn. Trên báo chí, Dương Cẩm Lynh và bạn diễn kể lại sự vất vả, bầm dập vì đóng cảnh chạy thục mạng trong rừng thông tìm con, nhưng xem phim thấy bình thường.

Một cao trào nữa là cảnh giải thoát đứa trẻ khỏi cái chết. Cảnh này diễn ra trên cầu, phía dưới là sông sâu. Tuy nhiên, cuộc thoát hiểm diễn ra khá giả, nhất là động tác giành lại con của Nguyễn. Giọng miền Bắc khá cứng của Phi Hùng vai Nguyễn cũng là một điểm trừ của phim. Còn Tinna Tình như mọi khi, luôn tạo dấu ấn lên vai diễn của mình.

Tấn Beo, Khởi My, Thu Trang diễn xuất đều và hợp lý, hợp lý cả ở những pha hài khiến Mặt nạ máu có được vẻ đáng yêu bất ngờ của một bộ phim kinh dị. Tuy nhiên, các nhân vật, từ Khiết Đan trở đi, đều được đạo diễn để cho thoát hiểm một cách dễ dàng đến buồn cười, trói thế nào mà vùng một cái là thoát. Khiến bộ phim không có được sự gay cấn cần thiết. 

Việc hơi ít xác chết vốn đã làm giảm phần nào độ kinh dị. Tấn Beo thì chui ra khỏi chiếc xe hơi bị nạn với chiếc áo len đỏ rách lỗ chỗ cũng kiểu rất buồn cười, với các vết cắt tròn tròn quá lộ, rách gì mà rách đẹp thế... Hơi đáng tiếc bởi làm tốt những điều này dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra một không khí lạnh người thực sự của Mặt nạ máu- một phim kinh dị “nội” hiếm hoi đáng xem. 

Đạo diễn của phim là Đỗ Thành An và các đồng tác giả kịch bản đều trẻ trung, chưa đến 40 tuổi: Phạm Việt Anh Khoa - Đỗ Thành An - Tinna Tình. Không khí kinh dị mà phim có được, một phần quan trọng nhờ tài năng của nhà quay phim Wade Muller. Ông sinh tại Úc, có những trải nghiệm điện ảnh thành công ở Hồng Kông, Thái Lan, Hollywood. Mặt nạ máu do công ty Sen Vàng và Saigafilm sản xuất, kinh phí được nhà sản xuất tiết lộ là khoảng 14-15 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.