Mẹ xin nghe

Bế giảng một khóa tiếng Việt của lớp học mang tên Hùng Vương tại Brussels. Nguồn: Liên minh Bỉ - Việt (BVA)
Bế giảng một khóa tiếng Việt của lớp học mang tên Hùng Vương tại Brussels. Nguồn: Liên minh Bỉ - Việt (BVA)
TP - Cuối tháng năm, thấy ở Việt Nam toàn khoe con xếp hạng giỏi. Cuối tháng sáu mới chính thức nghỉ hè ở châu Âu, những người sống quanh tôi chỉ xoay quanh chuyện: Con có được lên lớp không.

Lâu lắm chưa nghe ai kể con bị đúp ở Việt Nam. Từ hồi sang châu Âu năm nào cũng biết vài đứa trẻ không được lên lớp, chuyện lưu ban nghiêng nhiều về trẻ nhập cư, con lai hơn là người bản xứ.

Hai cặp chồng Bỉ - vợ Việt tôi quen năm nay bị hiệu trưởng yêu cầu: nên cho con ở lại lớp. Người mẹ Việt ở Brussels và Antwerp đều thở dài chấp nhận. Nhưng người mẹ ở Brussels về bị chồng - giáo sư đại học mắng “Sao lại tước đi của con cơ hội phấn đấu. Bạn bè lên lớp hết, con ngồi lại càng chán học. Nó là trẻ lai phải nói hai thứ tiếng, đương nhiên cần thời gian hơn”.

Người mẹ Việt ở Antwerp được chồng - thương gia an ủi “Học lại cho chắc, có phải cứ lên lớp vù vù mà sau này thành đạt đâu. Chính anh đây từng đúp”. Đấy, sướng hay khổ còn tùy quan niệm.

Không định khảo sát một cách khoa học, nhưng chị Linh ở Munich (Đức) thấy nhiều trẻ em gốc Việt khi kiểm tra vào lớp một bị kết luận mắc chứng tăng động. Đức có khác, cái gì cũng quy chuẩn. Các bé này lập tức được gửi vào trường đặc biệt, mỗi lớp chỉ 5- 6 học sinh để rèn cách tập trung, chú ý. Thêm sự kèm cặp của cha mẹ, bọn trẻ dần được trở lại trường bình thường, sau đó nhiều em học rất giỏi, tuyển thẳng trường chuyên.

Tôi bảo chị Linh có khi đó không phải bệnh, kiểu người Việt nó thế. Nếu dân mình ngày nào đi làm cũng có ý thức tập trung, chuyên môn hóa cao, dân không những giàu nhanh mà nước cũng mạnh lâu rồi?

Nhưng cần khách quan hơn. Nghe và quan sát con kỹ hơn để hiểu vì sao bọn trẻ gốc Việt dễ bị chứng tăng động. Bé Tô nhà tôi hằng ngày nghe mẹ nói tiếng Việt, bố tiếng Hà Lan, nhiều khi bịt tai vì bố mẹ cãi nhau tiếng Anh to quá. Thằng bé vào mẫu giáo chậm nói, chậm hiểu hơn con các cặp đồng chủng. Cách đây vài tháng, thấy con lôi đồ chơi ra, tôi đe nẹt “Chơi xong phải cất lại chỗ cũ đấy”. Thằng bé bỗng dài giọng “I know. I know” (chắc có ý: Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi).

Cậu bé Rob 4 tuổi rưỡi, bố Bỉ- mẹ Singapore. Mẹ là giáo viên trường quốc tế nên bé Rob được suất học miễn phí (học phí bậc mẫu giáo của trường quốc tế rất đắt: 15.000 - 16.000 Euro/năm). Mẹ Rob giữ nếp ép con ăn kiểu Á, nói vọng từ bếp ra bằng tiếng Anh kiểu Singlish kèm nhiều à la “Rob, mẹ đếm đến ba, không ăn mẹ phạt à”. Thằng bé làu bàu tiếng Anh giọng Mỹ cực chuẩn “I hate that woman”. May người đàn bà bị thằng bé ghét đó đang ở trong bếp, không nghe rõ.

Thế. Con bị rối, bố mẹ cũng rối, huống hồ thầy cô. Gần đây báo chí Bỉ phản đối chuyện một số trường muốn học sinh gốc nhập cư phải nói tiếng địa phương, nên phạt tiền (vài cent thôi) nếu ngay cả trong giờ giải lao phát hiện nói không phải tiếng Hà Lan, Pháp.

Khác nào phân biệt chủng tộc. Nhưng nghĩ cũng thương thầy cô xứ này. Như bé An, con một gia đình gốc Sài Gòn, sinh tại Pháp. Anh trai Tony vào lớp một cũng là lúc An đi mẫu giáo. Những ngày đầu An thật khổ sở, gào tiếng Việt “Con không ăn, không chơi. Con muốn Hai cơ”. Thầy giáo Tây chẳng hiểu. May nhớ An có anh chung trường. Tony lập tức được dẫn đến phiên dịch, bé An rối rít “Hai ơi, em muốn chơi với Hai cơ”. Thế này thầy Việt cũng rối, nói gì thầy Tây.

Nhiều năm trở lại đây loại sách nuôi con kiểu mẹ Pháp, mẹ Nhật, mẹ Mỹ... bán chạy ở Việt Nam. Cách nào cũng tâm đắc. Rồi sao? Theo cách nào. Lại rối. Arno- huyền thoại rock của Bỉ những năm 80 nói “Không nên nghe lời khuyên tốt quá thường xuyên”.

Hai cặp vợ chồng có con bị đúp kể trên, người ân hận kẻ tự tin, đều quên hỏi ý kiến con trước khi quyết định. Trẻ biết nói là bắt đầu nhận thức rồi. Và không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau. Còn tùy hoàn cảnh, thể chất con mình mà chọn cách dạy phù hợp.

Tôi lo con chậm tiến, nhưng chịu lắng nghe con hơn khi vốn từ của bé dày lên. Mẹ bé Tony là trường hợp để suy ngẫm. Cha mẹ gốc Việt, cuối năm học nào cô giáo cũng yêu cầu “Nếu chị đồng ý, tôi đề xuất cho cháu nhảy cóc. Vừa giao bài về nhà, 5 phút sau cháu đã làm xong tại lớp”. Năm nay cô giáo lại đề nghị chuyển Tony từ lớp ba lên lớp năm. Mẹ phân vân chưa quyết, về nhà hỏi con, bị vùng vằng “Sao bắt con phải học với bọn lớn hơn, làm bài khó hơn.

Mẹ không thương con”. Mẹ suýt ứa nước mắt, vỗ về “Mẹ hiểu rồi. Mẹ xin nghe con”.

MỚI - NÓNG