Mekong show - kết hợp xiếc đương đại và múa rối

Một số cảnh trong Mekong Show
Một số cảnh trong Mekong Show
TP - Sau À Ố Show  với nhiều thành công trong và ngoài nước, Nhà hát Phương Nam vừa cho ra đời vở xiếc Mekong Show. Nếu À Ố Show có sự phối hợp giữa xiếc với vũ kịch và âm nhạc thì Mekong Show là sự kết hợp giữa xiếc với rối nước Việt và đây là vở diễn đầu tiên có sự kết hợp này.

Xiếc đương đại đậm chất Việt

Đạo diễn Lê Diễn-Giám đốc nhà hát Phương Nam, đơn vị dàn dựng vở Mekong Show cho biết trong bối cảnh nhiều bộ môn nghệ thuật đi xuống, nhà hát Phương Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc thiếu đất diễn, ngành xiếc còn có đặc thù là tuổi đời lẫn tuổi nghề của diễn viên xiếc rất ngắn nên luôn thiếu hụt nguồn nhân lực.

Trước áp lực đó, nhà hát Phương Nam sáng tạo hình thức biểu diễn, nỗ lực xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao và tìm phương thức mới để thu hút người xem. “Mekong Show là vở diễn đầu tiên có sự kết hợp giữa xiếc đương đại và múa rối. Nội dung vở diễn tái hiện cuộc sống của người dân Nam bộ trong những ngày khai hoang, mở đất, chống chọi với khó khăn thách thức và hoà mình với thiên nhiên... Đây là đề tài hấp dẫn, dễ thu hút người xem”, đạo diễn Lê Diễn cho biết. 

Mekong Show là vở diễn đầu tiên quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cùng tham gia thực hiện: Lê Quý Dương, tác giả kịch bản - người được giới chuyên môn biết tới với nhiều vở diễn mang tính thử nghiệm cao; đạo diễn Nguyễn Phi Sơn, người sở hữu tư liệu đồ sộ về thời khẩn hoang đất phương Nam.

Ê-kíp thực hiện khéo léo kết hợp, lồng ghép nghệ thuật, kỹ năng xiếc và múa rối, vận dụng tối đa điểm nhấn của từng loại hình để kết hợp thành từng tiết mục. Các kỹ thuật chuyên sâu của xiếc như nhào lộn, đu dây, tung hứng, thăng bằng được vận dụng hoà quyện với kỹ thuật rối nước, rối cạn, rối tay chân, hình thành một vở diễn trọn vẹn, có lớp lang. 

Mekong show - kết hợp xiếc đương đại và múa rối ảnh 1 Một số cảnh trong Mekong Show

Một điểm nhấn khác của Mekong show là sự tương tác giữa nghệ sỹ và khán giả. Những màn tung hứng, trình diễn kỹ thuật xiếc được xây dựng theo hướng mở, khán giả được tham gia đối đáp, được hoà mình cùng không khí của vở diễn với những hồi hộp lo âu về cao trào của một phân cảnh rồi oà vỡ với những mảng miếng “độc” của tiết mục.

“Vở diễn được ví như một trận bóng đá mà khán giả được sống trọn vẹn trong không khí của thời khẩn hoang để cùng vui, cùng buồn, cùng hồi hộp theo vở diễn”, đạo diễn Lên Dân nói. Theo ông, với giá vé chỉ từ 100 đến 200 ngàn cho một show diễn xiếc và rối nước đa dạng kéo dài tới 60 phút nên nhiều khán giả có thể tiếp cận được với Mekong show

Khai trương từ đầu tháng 7, Mekong Show đã thực sự trở thành điểm nhấn cho thị trường giải trí Sài Gòn sau đại dịch COVID-19. Với số lượng trung bình 250 đến 300 khán giả cho mỗi đêm diễn, những người thực hiện Mekong Show đã có thể tạm hài lòng với kết quả có được từ nỗ lực của mình. Trong bối cảnh thị trường du lịch Việt vẫn còn vắng khách nước ngoài thì việc một vở xiếc đương đại thu hút được nhiều khán giả Việt là điều đáng quý. Theo đạo diễn Lê Diễn, hướng đi này có thể gợi mở cho những vở diễn mới của nhà hát Phương Nam trong việc nắm bắt nhu cầu của khán giả, khai thác các chất liệu từ cuộc sống để đưa vào với nghệ thuật. 

Xiếc đương đại chỉ dành cho “Tây”?

Xiếc đương đại, loại hình xiếc mới thâm nhập thị trường giải trí Việt từ hơn chục năm với những Làng tôi (Liên đoàn xiếc Việt Nam), À Ố Show (Nhà hát Phương Nam).... Các vở xiếc đương đại tại Việt Nam đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, dù có hàng ngàn xuất diễn tại nhiều nước trên thế giới nhưng xiếc đương đại lại chưa thu hút được khán giả trong nước. “Xiếc đương đại thường chỉ dành cho khách Tây”, đó là nhận xét của một hướng dẫn viên chuyên dẫn khách du lịch xem xiếc đương đại.

Các vở xiếc đương đại trước đây đều do các đạo diễn người nước ngoài dàn dựng. Nội dung các vở diễn nói về văn hoá Việt với những sinh hoạt truyền thống, gắn liền với cuộc sống mỗi người Việt nhưng lại được dàn dựng dưới góc nhìn của những người nước ngoài. Bởi thế, khách Việt vẫn cảm thấy xa lạ. Với Làng tôi, dù đã diễn hơn 300 suất tại châu Âu và thường xuyên mở cửa phục vụ khán giả trong nước tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hội An, TPHCM nhưng chủ yếu vẫn là những du khách nước ngoài mua vé. À Ố Show cũng thế, ngoài lưu diễn nước ngoài, các đêm diễn trong nước thường chỉ tập trung nhắm đến các du khách nước ngoài. Vì thế, dù là xiếc Việt, dù mang nội dung của văn hoá người Việt nhưng các vở diễn xiếc đương đại lại không được khán giả Việt đón nhận ngay trên sân nhà. 

Lý giải về xiếc đương đại kén khách Việt, đạo diễn Ngọc Anh, người đã từng dàn dựng nhiều vở diễn đương đại, cho biết không chỉ xiếc đương đại mà nhiều vở diễn đương đại như kịch, nhạc kịch... cũng gặp khó khăn khi tiếp cận với khán giả Việt. Một phần do khán giả Việt đã quen thuộc với các vở diễn theo hình thức truyền thống, các loại hình đương đại với tư duy mới, hình thức biểu đạt mới chưa thu hút được khán giả Việt.

Ngoài ra các đạo diễn tham gia các vở xiếc đương đại đa phần từ nước ngoài trở về nên cách nhìn, cách đặt vấn đề của họ cũng theo kiểu người nước ngoài, không phù hợp với góc nhìn người Việt. Thêm nữa xiếc đương đại thường được hướng tới dành cho du khách nước ngoài nên việc xây dựng chương trình, xây dựng giá vé cũng khá cao cũng khiến cho khách Việt ít quan tâm.

Vở Mekong Show được trình diễn vào tối thứ bảy hàng tuần tại rạp xiếc Công viên Gia Định (Đường Hoàng Minh Giám- Gò Vấp- TPHCM).

MỚI - NÓNG