Minh Hạnh: Người làm thời trang thực ra 'dữ' lắm

Minh Hạnh: Người làm thời trang thực ra 'dữ' lắm
TP - Minh Hạnh là một cái tên lớn của làng thời trang Việt Nam. Xin giới thiệu cuộc trò chuyện tháng 10 của PV Tiền Phong với Minh Hạnh về những riêng chung của chị và của giới thời trang...
Minh Hạnh: Người làm thời trang thực ra 'dữ' lắm ảnh 1
Minh Hạnh

“Việt Nam mới chỉ có họa sĩ giỏi chứ chưa có nhiều nhà thiết kế thời trang, phải gấp rút đào tạo đội ngũ đó”- nhận định này của bà Barbara Kisko, Giám đốc điều hành trường thời trang London tại Hà Nội trong hội thảo “Xây dựng ngành thời trang Việt Nam từ điểm nhìn các bên liên quan” hôm 30/9 được nhiều người đồng tình. Minh Hạnh - người có uy tín trong giới thời trang, Viện trưởng Viện mẫu thời trang (FADIN) cũng tham luận tại hội thảo với nhiều tâm huyết.

Hôm 28/9 một sự kiện thời trang cũng vừa diễn ra ở Hà Nội: Chung kết Vietnam Collection Grand Prix 2008 (VINATEX tức Tập đoàn dệt may Việt Nam tổ chức), đánh dấu năm thứ 10 của hoạt động này, chung cuộc trao 5 giải thưởng: Giải thưởng Lớn, giải Nhà thiết kế của năm, Nhà thiết kế của tương lai, giải Kỹ thuật, giải Ấn tượng.

Tất nhiên hạt nhân của chương trình cũng là Minh Hạnh- từ vai trò giám khảo đến việc thực hiện chương trình. Cuộc trò chuyện tháng 10 với Minh Hạnh về những riêng chung của chị và của giới thời trang.

Xem thời trang nghĩa là căng thẳng

Hiếm cuộc thi nào mà thành phần giám khảo “oách” như Vietnam Collection Grand Prix (VCGP) 2008 - với những nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam và Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Còn chủ nhân của giải thưởng Lớn - lần đầu tiên trong lịch sử 10 năm của VCGP - lại là một cô gái nhỏ. Chị có thể nói gì về gương mặt mới trình làng này, một chút về việc chấm thi của giám khảo nước ngoài và nhận xét của họ về thời trang Việt Nam?

Đúng là 9 cuộc trước, người chiến thắng đều là nhà thiết kế nam. Lương Thị Minh Hoa, sinh viên ĐH Kiến trúc TPHCM đoạt giải lần này nhờ sự nhất trí cao của giám khảo.

Từ sự sáng tạo đến tính ứng dụng đều đạt. Từ ý tưởng đến bản vẽ và mẫu thật là một chuỗi thống nhất. Những mẫu dự thi của cô ấy có cả sự vụng về, nhưng là vụng về bởi chân thật.

Đêm 28/9 là đêm chung kết trình diễn, còn trước đó chúng tôi đã làm việc rất kỹ dựa trên các bản vẽ, mẫu trang phục và qua tiếp xúc với thí sinh.

Có những bài thi không phải là không xuất sắc, nhưng qua tiếp xúc với thí sinh, nghe họ trình bày, có vị giám khảo “ngoại” đã nhận xét: “không hoàn toàn là bài làm của cô ấy mà là của người khác”. Thế đấy. Với thời trang sự chân thật là quan trọng.

Bà Celia Loe - nhà thiết kế Singapore, từng có nhiều lần chấm Vietnam Collection, nhận xét về thời trang Việt Nam nói chung: Tài năng rất nhiều, kỹ năng là có, cái trời cho là có, nhưng sao thời trang phát triển quá chậm như vậy?

Theo tôi (MH) được biết, ngành thời trang của Sing từ chỗ không có gì- giống như Việt Nam, sau mười năm đã phát triển đến mức có thể nói là khủng khiếp.

Chị nói xem một cuộc trình diễn hay cuộc thi về thời trang- căng thẳng chứ chẳng sung sướng gì?

Rất căng thẳng. Vì thời trang không phải là showbiz, không phải để giải trí. Xem để cảm nhận sự thay đổi theo mùa màng. Hiểu để áp dụng sao cho thích hợp với mình.

Xem trình diễn thời trang không phải là xem cô người mẫu đó đẹp hay xấu, chân dài hay không dài, là người mẫu hay hoa hậu. Xem để cảm nhận được sự chuyển động cuộc sống, đem đến cho xã hội những hình ảnh mới và đem đến cho người tiêu dùng những giá trị mới.

Một khán giả ngồi được một hồi mà không thấy có thể áp dụng được gì cho mình là thấy “căng” liền.  Cũng như một chương trình ca nhạc mà đưa thời trang vào như món ăn kèm thì không chuyên nghiệp tí nào. Ở các nước đã phát triển không ai làm như thế.

Trong khảo cứu của Vương Trí Nhàn về thói hư tật xấu của  người Việt, các bậc tiền nhân nhận xét: Đa số người Việt thẩm mỹ kém, không để ý ăn mặc; trong nhà cái gì cũng có- giường tủ bàn ghế rải khắp nhà nhưng như chỉ để cho có, còn thì ít giá trị thẩm mỹ. Theo chị có đúng là người Việt chưa quan tâm đúng mức đến thời trang? Vì thẩm mỹ kém, vì lý do kinh tế, vì gì nữa?

Tôi không nghĩ thẩm mỹ của người Việt kém. Còn sự quan tâm đến thời trang, có thể nói, quá mức là đằng khác, nhất là giai đoạn hiện nay.

Văn hoá của người Việt là văn hóa Bắc Á chứ không phải Đông Nam Á. Trình độ văn minh cao nhưng tính bảo thủ và định kiến quá lớn. Tiếp thu và chấp nhận cái mới quá chậm.

Tôi từng nói với một số nhà quản lý: Tôi biết các anh chị  nhìn tôi  như một người bất bình thường nhưng tôi chấp nhận điều đấy để xây dựng thương hiệu FADIN trong một thời gian ngắn nhất và trong một điều kiện thấp nhất.

Người Việt (tất cả các lứa tuổi) quá quan tâm thời trang, đến nỗi mê muội, dễ dàng dẫn đến vọng ngoại. Từ sự ức chế kéo dài  do suốt bao năm chỉ lo sao cho đủ ăn đủ mặc mà không được ăn ngon mặc đẹp, dẫn đến khi có điều kiện thì lại dễ rơi vào sự sao chép, lai căng, cứ đinh ninh chỉ đồ ngoại là tốt. Điều đó vừa đúng vừa không đúng.

Hàng ngoại tốt nhưng phải biết xử lý thông tin để khi áp dụng vào mình thế nào cho phù hợp với văn hóa Việt. Phải thận trọng với chính mình và phải tiết chế.

Khi chúng ta phục trang, chúng ta biểu hiện cả tính cách, gia phong, nền tảng văn hóa của mình trong đó. Chúng ta chọn lựa, cộng thêm sự tư vấn ở bên ngoài, cộng thêm hơi thở của cuộc sống... Ở những xứ sở văn minh, những đứa trẻ nhỏ xíu đã độc lập, tự quyết định chuyện ăn mặc là bởi thời trang đã là hơi thở của cuộc sống rồi.

Thêm nữa, một sản phẩm thời trang đúng nghĩa phải mang tính tiết kiệm. Một chiếc áo mà bạn thích, bạn sẽ mặc bằng chết. Mua 10 chỉ mặc 1, chỉ mặc cái mình thích. Chúng ta phải chọn đúng là vì thế, chứ không phải mua và mặc vô tội vạ. Mặc đúng rồi hẵng mặc đẹp. Một sản phẩm thời trang phải khấu hao cho hết thì mới phục vụ được đời sống một cách có ý nghĩa.

Minh Hạnh: Người làm thời trang thực ra 'dữ' lắm ảnh 2
Tổng lãnh sự Pháp Nicolas Warnery gắn huân chương cho Minh Hạnh tại lễ Tấn phong Hiệp sĩ về Nghệ thuật và Văn chương của Chính phủ Pháp (2006)

Thời trang Việt Nam: Ở đâu? Đến đâu?

Thành công của Minh Hạnh là không thể phủ nhận,  nhưng cũng có người phê chị “phá” áo dài?

Phê là chuyện bình thường, người làm nghề thiết kế rất cần những lời góp ý và nhà thiết kế phải có đủ bản lãnh để chọn lọc những lời khen chê nào cho mình.

Theo tôi, áo dài không phải là thời trang mà ở một vị trí thiêng liêng hơn, tuy chưa được công nhận là quốc phục nhưng mọi người đã ngấm ngầm coi nó là quốc phục. Chiếc áo dài dù cắt may thế nào và với  màu sắc thế nào đều phải rất thanh lịch, quyến rũ, đơn giản nhưng gợi cảm...

Các nhà thiết kế trẻ rất ngại làm áo dài vì họ vừa phải làm một chiếc áo dài đúng nghĩa lại phải có dấu ấn của nhà thiết kế. Họ phải làm sao tôn lên vẻ đẹp của người Việt Nam, một vẻ đẹp thanh cao.

Biểu tượng của phụ nữ Việt là hoa sen, của nam giới là tre, trúc - người quân tử. Không thể là vẻ gợi cảm lồ lộ của châu Âu hoặc bốc lửa của châu Mỹ, lạnh lùng cao sang của Nhật, mà phải là vẻ đẹp gần gũi thân thiện và thanh cao.

Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về dệt may (sản lượng cao và có uy tín), đứng thứ 2 xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng dường như ngành dệt may Việt Nam chưa nhận được sự kính trọng cần thiết của chính người tiêu dùng trong nước?

Ngay trong hội thảo, ông Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhận xét: “Ngành dệt may vẫn chưa phải là ngành thời trang đúng nghĩa, thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội”. Còn ông Tổng giám đốc VINATEX cũng cho biết VN chỉ có Tập đoàn và Hiệp hội dệt may chứ chưa có Hiệp hội thời trang. Vì đâu nên nỗi?

Đó là bởi vì có quá ít sản phẩm nội địa, thương hiệu tốt dành cho nội địa. Chúng ta mới đáp ứng được xuất khẩu chứ chưa đủ cho người tiêu dùng trong nước.

Chúng ta cũng có những đơn vị sản xuất đồ cực kỳ cao cấp, giá từ 300 đến 1000 Euro một áo sơ mi; làm hàng kiểu, áo jacket- hoặc như Việt Tiến đang chuẩn bị làm cho Louis Vuitton (gia công áo sơ mi), X.28 làm thuê cho Hugo Boss... nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng và yêu mến thời trang Việt Nam là điều có thật.

Sắp tới đây Việt Nam sẽ trở thành thành viên thứ 6 của Hiệp hội thời trang châu Á - sau Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Thái Lan vừa vào năm nay còn năm sau là Việt Nam trong khi Malaysia, Indonesia, Philippine... còn chưa được kết nạp.

Sáng 30/10 gặp gỡ các doanh nghiệp dệt may tiêu biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh ba chiến lược phát triển trong thời gian tới: Phát triển nhân lực trong đó quan trọng nhất là đội ngũ thiết kế; tạo nguồn nguyên phụ liệu; đẩy mạnh công nghệ cao và tăng tỷ trọng thị trường nội địa.

Từ năm sau, Bộ (Công thương) sẽ đưa cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix vào chương trình chính thức của quốc gia. VINATEX cũng dự định mở lớp bổ túc kiến thức cho các nhà báo viết về thời trang, điều thực sự cần thiết...

Tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước nhận thức được tầm quan trọng của ngành thời trang. Một trong vài ngành chủ lực để phát triển kinh tế.

Chị sống tốt bằng nghề? Vậy chị trăn trở điều gì?

Để mưu sinh, tôi có hai shop - một ở Đồng Khởi một ở Nguyễn Huệ bán hàng quần áo và phụ trang với hai nhãn hiệu là MH và mh. MH (gọi là MH lớn) dành cho người có thu nhập cao, có cá tính, thiết kế nghệ thuật và cầu kì.

Nhãn hiệu mh (gọi là mh nhỏ) bình dân, phổ biến hơn. MH giá tối thiểu 40 USD/chiếc, tối đa... không có giá, tùy đơn đặt hàng. Nhãn mh giá từ 250 ngàn đồng cho đến 1 triệu rưởi- giá phổ  biến khoảng 300 ngàn, 400 ngàn gì đó.

Line cá nhân để mình sống và làm việc, tôi vào cái nghề hoàn toàn mới này xuất phát từ việc mình quá thích. Là tính cách thì tự chịu. Trước kia tôi làm báo (họa sĩ trình bày), cũng tốt, lương cao. Nhưng rồi tôi nghĩ nếu mình là người làm nghề, yêu nghề thì phải có sự kế thừa.

Nghề mình làm có giá trị với xã hội, nếu chỉ một mình mình làm thì không ổn tí nào. Ngoài việc sống, kiếm tiền thì cũng phải nhằm mục đích hướng đến sự tiếp nối. Phải có một đội ngũ kế thừa!

Đội ngũ đó nay được bao người rồi?

Cũng đông đấy. Nhưng chính sự nghiệt ngã của nghề làm cho đội ngũ đó mỗi ngày một rơi rụng mà đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống khi mà nghề thiết kế thời trang dễ có danh tiếng và tiền bạc.Vì thế, để trở thành chuyên nghiệp là phải trải nghiệm trong thời gian dài.

Vậy có khoảng bao nhiêu người như chị thì sẽ vực dậy ngành thời trang Việt Nam - một ngành thời trang đúng nghĩa chứ không đơn giản là ngành may mặc nghe rất “mậu dịch”?

Cần một số người quyết tâm và “dữ” như tôi! Để chiến đấu với những định kiến. Trong thời trang, chuyện đẹp xấu là quan trọng nhưng đúng sai - quan trọng hơn. Anh phải mặc đúng đã rồi mới đẹp.

Đôi khi tôi cảm thấy mình nói năng thật bạt mạng, thẳng thắn đến mức khó chịu. Tính tình nhiều người không thích, nhưng điều đó không quan trọng,  quan trọng đối với tôi là, tôi muốn thời trang Việt Nam thật sự phát triển đúng như giá trị của dân tộc mình vậy!

Phát triển ít ra là như nước nào?

Singapore trong mắt tôi không có gì là ghê gớm! Malaysia, Indo, Philippines cũng vậy. Thái Lan marketting tốt do du lịch tốt nhưng tiềm lực thực ra không bằng mình. So sánh với Trung Quốc thì không thể nhưng nếu có chế độ chính sách tốt, và xóa bỏ định kiến thì cơ hội của ta là lớn...

Tiến đến, ít nhất phải như Hàn Quốc. Trong các đấu trường thời trang thế giới, Việt Nam luôn luôn là ngôi sao sáng, thế mới lạ chứ. Gu, kỹ thuật, chất liệu, ý tưởng đều được đánh giá rất cao. Nên chúng ta không thể cứ ở tốp sau  mãi.

Minh Hạnh: Người làm thời trang thực ra 'dữ' lắm ảnh 3
Minh Hạnh trong BGK cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix 2008

Khi người ta 40...

Châu Âu  thường đánh giá người đối diện qua phụ kiện- như giày (với đàn ông), hoặc túi xách (với phụ nữ). Còn Minh Hạnh đánh giá người khác qua gì?

Đôi giày quyết định sự chuyển động và đẳng cấp nên giày với châu Âu chẳng hạn, tiêu chuẩn đầu tiên là: da thật, để đi không hôi chân. Túi luôn theo sát bên chị em nên phải là điểm nhấn, đồng thời phù hợp với tính cách.

Cảm quan đầu tiên và mạnh nhất của tôi khi quan sát người đối diện là màu sắc: màu trong trang điểm, quần áo. Màu đó trong kiểu dáng đó và sự kết hợp với làn da, với  chiếc túi đó... cho thấy một người như thế nào.

“Nhìn trang phục đoán tính cách” - ông bà ta nói. Nếu một người ưa khêu gợi mà ta cứ ép họ ăn mặc kín đáo thì không thể được, cũng như một người nền nã mà bị ép mặc khêu gợi thì cũng không được. Đó là tính cách của họ.

Thực ra mọi phong cách đều tốt kể cả sự diêm dúa. Trong thời trang không có gì xấu, vấn đề là có làm “tới” được hay không. Giống như một họa sĩ vẽ bức tranh mà vẽ hoài không tới thì sẽ thế nào?

Nhiều người quan niệm không nên mặc quá ba màu trên người. Theo tôi nhiều màu trên người cũng không sao hết. Người nào mặc có nghệ thuật thì dù mặc mấy chục màu trên người nhưng nhìn tổng thể,  người ta chỉ thấy có một màu mà thôi. Tất nhiên để được như thế rõ ràng là khó.

Đúng là thích thì thích mà mệt thì mệt (vụ thời trang). Trong khi phim, kịch Việt Nam kể cả về giới người mẫu, thời trang, sàn nhảy... đều đơn giản hóa, thì nhìn ra bên ngoài, yếu tố thời trang được đưa vào vừa ồ ạt vừa “ngọt”. Phim truyền hình dài tập Sex và thành phố chẳng hạn, ngoài những bộ áo quần, giày tất, túi xách “búa  bổ” còn đầy những lập ngôn kiểu “New York chuộng túi xách như Los Angeles chuộng xe hơi vậy”...

Câu “New York chuộng túi xách như Los Angeles chuộng xe hơi” trong phim nói lên hơi thở của cuộc sống. Thời trang tương quan với đời sống và là những biểu hiện đích thực của cuộc sống.

Khoảng năm 1998 kinh tế châu Âu bị khủng hoảng. Trước đó một năm, thời trang được dự báo những xu hướng hoàn toàn khác, nhưng đến khi khủng hoảng kinh tế  xảy ra, tất cả màu sắc chất liệu đều chuyển đổi, ví dụ tông màu be, vải bố vải thô lên ngôi. Vì người ta không đủ vui để mặc những thứ rực rỡ cầu kì kim sa kim tuyến trong tình hình đó. Đến chiến tranh vùng Vịnh chẳng hạn, lập tức phong cách quân đội trở lại với quần hộp, áo túi...

Cách đây chừng 2 năm kinh tế toàn cầu khởi sắc vượt bậc - mặc dù không biết bao giờ nó sẽ xuống - nên kim sa kim tuyến óng ánh rực rỡ là chủ đạo. Còn như tình hình ảm đạm hiện nay thì lại phải xám, đen, rất classic, nhưng tất nhiên với kỹ thuật mới. Là người thiết kế và nhà sản xuất mà không chuyển động theo thì sẽ không thể bán hàng được.

Từ nay đến cuối năm, xu hướng theo tôi là không thể lóng lánh nhóng nhánh. Thế giới cũng thế mà Việt Nam cũng thế. Hội hè thì có thể điểm xuyết nhưng giảm thiểu; ngày thường thì không, rồi mọi người sẽ thấy.

Chị xả stress thế nào? Shopping?

Shopping, tôi thích. Khi shopping cũng là lúc tôi tham khảo thị trường. Hà Nội cũng thích mà Huế cũng thích, nơi nhỏ xíu như Phú Yên cũng thích. Mua sắm, tham khảo thị trường,  nắm bắt tốc độ sống của người dân, xem họ cần gì, muốn gì. “Bệnh” của tôi là giày và kính vì những thứ đó mình không làm được, vì giày đòi hỏi công nghệ rất cao.

Khi đi ra nước ngoài, tôi mê  nhà thiết kế Francois Gibaub của Pháp kinh khủng. Ông ta là số một thế giới về quần Jeans, lần nào tôi cũng phải mua một chiếc cho dù mua về có mặc hay không mặc. Trang phục của ông ta mang tính nghệ thuật cao và cá tính quá xuất sắc. Thỉnh thoảng tôi mới giở ra mặc đồ của ông ấy nhưng vẫn mua vì ghiền, và tìm hiểu xem làm cách nào để người ta ghiền đồ của mình.

Thời trang làm cho một số người hạnh phúc nhưng lại làm số khác mặc cảm? Vì con người ta sinh ra đã ít bằng lòng về ngoại hình của mình, nhất là chị em?

Việc không bằng lòng với mình là tốt, làm người ta hướng đến những cái đẹp hơn hoàn thiện hơn. Thời trang làm cho cuộc sống vui hơn. Cái đẹp bây giờ không phải là vòng eo 60 hay chiều cao 1mét 70. Cái đẹp bây giờ là cái đẹp phong cách.

Một người cha sinh mẹ đẻ chỉ có mét rưỡi mà bắt người ta phải đẹp như một cô người mẫu 1mét75 thì phải làm sao đây? Chúng ta phải tự khơi dậy sự tự tin về cơ thể mình để sống vui, hạnh phúc.

Vấn đề là ta đẹp đúng với những gì mà ta có. Nếu mặc đúng, phù hợp với vẻ đẹp mà ta có thì có khi cô mét rưỡi lại đáng yêu và gây thiện cảm hơn cô 1mét75 nhiều.

Chỉ có bản thân chúng ta mới cảm nhận được những giá trị bên trong cũng như khiếm khuyết của mình một cách sâu sắc. Mới hiểu mình thích hợp điều gì nhất và bộc lộ nó qua phục sức. Bộc lộ nghề nghiệp của mình, vị trí của mình, gia phong của mình. Ngày  nay một phụ nữ 40 tuổi mà chưa tìm được phong cách thì  quả là đáng ngại.

Nói về tuổi 40. Đến Sharon Stone (nữ diễn viên điện ảnh Mỹ, “quả bom sex”) mà còn mặc cảm “Phụ nữ bước vào tuổi 40 chẳng khác nào mắc bệnh phong”, còn Minh Hạnh người cũng đã U50, nghĩ gì?

Tôi lại không nghĩ thế. Người Âu, Mỹ bước vào tuổi 40 cảm thấy sợ vì hồi 20, 25 tuổi họ đẹp quá rực rỡ. Nhưng người châu Á bước vào tuổi 40 mới thực sự đẹp bởi sự ổn định, thành đạt, và có phong cách. 

Cám ơn Minh Hạnh. Mong chị tiếp tục đau đáu với thời trang.

MỚI - NÓNG