Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam:

Mới chuẩn bị đã rộ hoài nghi

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 - tác phẩm chìm nghỉm trong sự lộn xộn rườm rà của không gian trưng bày. Ảnh: Vũ Huy Thông
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 - tác phẩm chìm nghỉm trong sự lộn xộn rườm rà của không gian trưng bày. Ảnh: Vũ Huy Thông
TP - Với các lần tổ chức gần đây không có gì mới về hình thức, thậm chí còn gây tai tiếng do để lọt tác phẩm đạo nhái, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc sắp diễn ra bị giới chuyên môn nghi ngờ rằng cũng không có gì đổi mới. Ghi nhận từ Hội thảo “Đổi mới, nâng cao chất lượng các triển lãm mỹ thuật toàn quốc” diễn ra ở thời điểm xét duyệt tác phẩm vào Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.

"Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam” chính là tên gọi mới của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Giải Nhất nâng từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Vẫn trưng bày ở khu Vân Hồ nhưng rút số lượng xuống còn 500 tác phẩm (thay vì hơn 800 năm 2010).

Ngay trong thông báo của BTC đã bộc lộ sơ hở về chuyên môn.  Trong mục Quy định về tác phẩm, thông báo số 1 viết: “Triển lãm trưng bày các loại hình nghệ thuật gồm: Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Nghệ thuật sắp đặt (Installation Art), Nghệ thuật trình diễn (Performance Art), Video Art... và các hình thức nghệ thuật đương đại khác”. Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho rằng dòng cuối mới nghe có vẻ cởi mở nhưng lại có khả năng gây tranh cãi. Theo anh, “nghệ thuật đương đại khác” rất rộng, có thể gồm cả múa, phim, nhiếp ảnh, kịch, kiến trúc, thiết kế… Nếu nghệ sĩ ở các lĩnh vực này cũng muốn tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam thì sao?

“Cách tổ chức và trưng bày Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của Việt Nam ba bốn chục năm lại đây ngày càng xa dần cách làm chuyên nghiệp của thế giới. Các triển lãm quốc tế đều có mục đích, có sự định hướng về nội dung, ý tưởng, thể loại, chiến lược rõ ràng. Tùy từng ý tưởng triển lãm (ý tưởng của các festival nghệ thuật) mà BTC mời nghệ sĩ có tác phẩm tương thích, phù hợp tham gia. Việc mời này được nghiên cứu kỹ càng, lựa chọn đích danh, thông qua các kênh thông tin về nghệ thuật và hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ. Một hệ thống curator (giám tuyển nghệ thuật) chịu trách nhiệm việc này”.            

Nhà phê bình Bùi Như Hương

“Cách sắp xếp hai hệ thống giải đưa nghệ thuật Trình diễn và Video vào phần của Hội họa, Đồ họa; Sắp đặt vào với Điêu khắc lộ rõ sự lúng túng. Sao không xếp theo loại hình mỹ thuật truyền thống và nghệ thuật mới chẳng hạn”, ông Thông nêu câu hỏi.

Thông báo cũng quy định mỗi tác phẩm thuộc nghệ thuật trình diễn chỉ gói gọn tối đa 15 phút. Theo ông Thông, nếu muốn khuyến khích nghệ thuật này thì nên có thêm quy định về việc tác giả hoặc BTC sẽ ghi hình tác phẩm khi trình diễn chính thức để công chiếu lại trong suốt thời gian triển lãm, hoặc có thể chấp nhận tác phẩm chỉ tham dự dưới dạng video. TS Phạm Long cho rằng nếu cần giới hạn độ dài của tác phẩm trình diễn thì thời gian tối đa chính là thời gian diễn ra triển lãm.

Hội đồng vừa đá bóng vừa thổi còi?

GS.TS Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng cần thay đổi từ Hội đồng Nghệ thuật. “Người ta hay đưa vào hội đồng những người có chức vụ. Đâu phải có chức vụ thì cái gì cũng giỏi? Từ trung ương đến địa phương, thẩm định tượng đài đến logo đều lập hội đồng kiểu này”. Theo ông Bảo, chính những hội đồng kiểu này đã “bảo kê” cho một loạt tượng đài xấu.

Ông Nguyễn Đỗ Bảo ca ngợi “mắt xanh” của danh họa Trần Văn Cẩn ngồi hội đồng giữa những năm 1960, chỉ tranh nào hợp lý tranh đó: “Còn bây giờ hội đồng bỏ phiếu lấy đa số. Đa số cấp tiểu học làm sao bằng một anh kỹ sư?! Rất có thể chọn nhầm”. Ông Bảo kể, ngay khi hội đồng tuyển chọn Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 vừa họp xong, ông đã có ý kiến về bức tranh giải Nhất giống một bức khác, nhưng bị gạt đi. Câu nói mà người trong nghề vẫn “truyền tụng” của một thành viên hội đồng: “Xưa ta nghèo, Tây thuê ta. Nay ta giàu, ta thuê Tây!”, khi có người nói các nhân vật công nhân trong tranh giải Nhất nét mặt giống Tây. Bức này về sau bị phát giác đạo tranh của Nga.

Bê bối này khiến hội đồng tuyển chọn của Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc trở nên “nhạy cảm” hơn mức cần thiết dẫn đến việc hạ giải Nhất của Thái Nhật Minh xuống Khuyến khích. Theo GS Bảo, Những con chim của Thái Nhật Minh tinh thần hoàn toàn khác chim của điêu khắc gia Iran: “Chả lẽ tôi nặn chim rồi thì những người sau không được nặn nữa?!”. GS Bảo cho rằng, nên có Hội đồng mở rộng dành cho các vị lãnh đạo có trách nhiệm giám sát Hội đồng Nghệ thuật nhưng không can dự vào chuyên môn.

Việc các thành viên Hội đồng- vừa là lãnh đạo vừa là nghệ sĩ, được xem là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhà phê bình Phạm Trung nói: “Không phải đòi quyền lợi cho ngành phê bình mỹ thuật nhưng vẫn nên có nhà phê bình trong hội đồng. Nếu vẫn theo mô hình triển lãm toàn quốc hiện nay tốt nhất nên dùng curator (nhà giám tuyển nghệ thuật- PV) độc lập”.

Nhìn ra thế giới

Việt Nam tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc theo mô hình Liên Xô và Trung Quốc. Mỹ cũng tồn tại các triển lãm toàn quốc nhưng lại do các hiệp hội hoặc tư nhân tổ chức dành cho đối tượng làm nghệ thuật nghiệp dư là chính, ai muốn tham gia phải đóng phí, theo TS Phạm Long.

Ấn Độ làm triển lãm toàn quốc bằng cách gom tác phẩm từ triển lãm địa phương, triển lãm chuyên đề… chứ không tuyển chọn từ đầu như ở ta. Ở nhiều nước châu Âu, mô hình triển lãm quốc gia cũng từng rất thành công với hội đồng tuyển chọn là tên tuổi lừng lẫy nhưng dần trở nên bảo thủ, không thích hợp với nhịp sống hiện đại. Thay vào đó là mô hình Bieanale - triển lãm nghệ thuật quốc tế hai năm/lần và Documenta (5 năm/lần ở Đức). Theo TS Long, thường có khoảng 30 nước có gian trưng bày đại diện tại Bienala Venice, ngoài ra vẫn có khu vực triển lãm cho các nghệ sĩ với tư cách cá nhân được các curator độc lập giới thiệu.

Các nghệ sĩ năng động ở Trung Quốc ngày nay ưa chuộng các Bienale quốc tế diễn ra ở Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh… hơn là triển lãm toàn quốc theo kiểu truyền thống. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng triển lãm toàn quốc ở ta vẫn theo kiểu áp đặt từ trên xuống, mục tiêu chủ quan và mang tính phong trào. “Nếu vẫn tổ chức kiểu này, không phát triển được nghệ thuật đỉnh cao nữa. Không thu hút được nghệ sĩ chất lượng, và công chúng”, TS Long khẳng định.

Một hạn chế chưa thể tránh khỏi của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc khi nó vẫn diễn ra tại khu triển lãm đa chức năng Vân Hồ. Dịp Triển lãm toàn quốc 2010, nhiều nghệ sĩ chứng kiến các cô áo dài bê món ăn qua khu vực diễn ra triển lãm để đến với tiệc cưới. Ngoài ra không gian và bố trí ánh sáng ở Vân Hồ vốn không dành cho việc trưng bày nghệ thuật.

MỚI - NÓNG