"Món" Trương Nghệ Mưu không lạ với người bản địa

"Món" Trương Nghệ Mưu không lạ với người bản địa
Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 của đạo diễn Trương Nghệ Mưu làm choáng ngợp nhiều người dân trên khắp hành tinh. Trước đó, ông đã dựng nhiều màn trình diễn tương tự.
"Món" Trương Nghệ Mưu không lạ với người bản địa ảnh 1
Thiếu Lâm thiền

Từ kinh nghiệm của Trương Nghệ Mưu

Năm 2003, đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng màn diễn ngoài trời đầu tiên mang tên Ấn tượng Chị Ba Lưu (dựa theo truyền thuyết nổi tiếng “Chị Ba Lưu” của dân tộc Choang) ở Quảng Tây và đã thành công rực rỡ.

Nhờ danh tiếng của vở diễn này mà đạo diễn họ Trương tiếp tục dàn dựng những màn diễn tương tự như Ấn tượng Lệ Giang ở Lệ Giang (tỉnh Vân Nam), Ấn tượng Tây Hồ ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang…, trong đó chi phí cho mỗi màn diễn lên tới 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 12,5 triệu USD).

Các màn trình diễn này đều là những hoạt cảnh khổng lồ với hàng trăm diễn viên tham gia, mang nội dung lấy từ những truyền thuyết hoặc câu chuyện lịch sử của địa phương, với những bối cảnh sân khấu vô cùng hoành tráng.

Được diễn hàng đêm (dự kiến trong hàng chục năm), chúng đều rất thành công về mặt thương mại và đều trở thành điểm nhấn văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh của từng địa phương cũng như thu hút khách du lịch.

Từ kinh nghiệm đó, nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã và đang có kế hoạch dàn dựng những màn diễn ngoài trời hoành tráng như vậy để tạo ra “địa chỉ văn hóa” mới cho mình.

Thiếu Lâm Thiền

Gần đây nhất, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, nơi nổi tiếng với những di tích lịch sử như chùa Thiếu Lâm có niên đại 1.500 năm tuổi và phủ Khai Phong, cũng đã dựng một màn diễn cực kỳ ngoạn mục, mang tên Thiếu Lâm Thiền.

Nhà đầu tư đã chi tới 15 triệu USD để dàn dựng một bối cảnh sân khấu “hoành tráng” đậm chất văn hóa Trung Hoa ở thung lũng dưới 3 ngọn núi, trong đó có những đền chùa, trường võ thuật, cầu vòng cung, dòng suối và ngôi làng nhỏ với đường lát đá.

Đảm trách phần âm nhạc của Thiếu Lâm Thiền là nhà soạn nhạc nổi tiếng từng giành giải Oscar Đàm Thuẫn (phim Ngọa hổ tàng long) và phần biên đạo do Huang Dou Dou đảm nhiệm. “Thành tựu quan trọng nhất của vở diễn là lần đầu tiên tôi đã dựng được một dàn nhạc đá”, nhà soạn nhạc Đàm Thuẫn cho biết.

Bắt đầu diễn từ sẩm tối, với dàn diễn viên 500 người, trong đó có cả các vị sư chùa Thiếu Lâm Màn, vở diễn dài 70 phút này được trình diễn đều đặn, ngoại trừ những tháng mùa Đông giá rét.

Thiếu Lâm Thiền cũng nhanh chóng trở thành một “đặc sản du lịch” quan trọng ở Đăng Phong (Hà Nam), cho tới nay đã thu hút hàng vạn người xem, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh.

"Món" Trương Nghệ Mưu không lạ với người bản địa ảnh 2
Đặc sản du lịch ở Đăng Phong

Khi xem vở diễn, khán giả được chiêm ngưỡng một sự hòa trộn lung linh giữa ánh sáng và màu sắc, được hòa mình vào một không gian kỳ ảo mà hàng trăm nghệ sĩ trình diễn tạo nên cùng các biểu tượng lâu đời của Trung Quốc như giấy cuộn, đèn lồng, Kinh kịch, trống cổ và võ thuật.

Cảm hứng từ bức tranh "Ngao du sơn thủy"

Mei Shuaiyuan, người từng hợp tác với đạo diễn Trương sản xuất vở Ấn tượng Chị Ba Lưu, cho biết: Sau khi tỉnh Hà Nam đề nghị ông dàn dựng một màn diễn cho tỉnh, ông đã tiến hành nghiên cứu văn hóa Thiếu Lâm và Thiền trong khu vực.

Từ đấy, màn diễn mang tên Thiếu Lâm Thiền đã ra đời, với bối cảnh như hình ảnh trong bức tranh thủy mặc “Ngao du sơn thủy” lừng danh đời Tống.

Đàm Thuẫn lấy cảm hứng soạn nhạc cho vở diễn này cũng là nhờ bức tranh “Ngao du sơn thủy” của Fan Kuan (thế kyer thứ 10) nói trên, trong đó mô tả dẫy núi lớn và ngôi chùa trong rừng, với đoàn người bé nhỏ giữa trập trùng sông núi.

Ông nói nếu Hà Nam có cảnh đẹp như trong tranh thì ông sẽ sáng tác nhạc cho vở diễn. Khoảng 6 tháng sau, Đàm Thuẫn được đưa tới Tung Sơn và cùng với biên đạo múa Huang, ông đã dàn dựng một vở diễn hòa trộn võ thuật với Thiền, nhạc Tây Tạng, múa và nhiều hình ảnh đầy màu sắc từ Trung Hoa cổ đại.

Theo Lương Tuấn Vĩ
Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG